Hoạt động giáo dục KNS cho học sinh khuyết tật là một công việc quan trọng nhưng rất mới mẻ và đòi hỏi sự bền bỉ lâu dài và tỉ mỉ. Để quản lý tốt hoạt động giáo dục KNS cho học sinh khuyết tật các cơ sở giáo dục trẻ khuyết tật cần chú ý những nội dung sau:
1.5.2.1. Quản lý hoạt động giáo dục KNS trong các hoạt động dạy học
Hoạt động dạy học là quá trình thống nhất biện chứng giữa giáo viên và học sinh, dưới tác động tổ chức điều khiển của giáo viên, học sinh tự giác, tích cực tự tổ chức, tự điều khiển hoạt động học, nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ dạy học đặt ra, tổng hợp thành quả các bài học, các môn học, các mặt giáo dục, học sinh hình thành được nhân cách của bản thân thông qua kiến thức, kỹ năng, thái độ với các hiện tượng của đời sống thực tiễn. Quản lý hoạt động giáo dục KNS trong các hoạt động dạy học chính là quản lý việc thực hiện các nội dung trong chương trình có liên quan đến việc giáo dục KNS; Quản lý phương pháp dạy học của giáo viên, giáo viên giúp học sinh không chỉ nắm vững, nắm chắc nội dung bài học mà còn nhận thức được các giá trị đạo đức, hình thành các thái độ, hành vi ứng xử tốt đẹp trong cuộc sống; Quản lý việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh không chỉ đơn thuần là chú trọng đến việc nắm kiến thức của học sinh mà còn quản lý việc đánh giá thông qua hành vi, thái độ mà học sinh lĩnh hội được thông qua bài học. Nói cách khác quản lý hoạt động giáo dục KNS trong các hoạt động dạy học trên cả ba phương diện: Kiến thức, thái độ và hành vi.
1.5.2.2. Quản lý hoạt động giáo dục KNS trong các hoạt động giáo dục
Quá trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là quá trình tác động bền bỉ, lâu dài bằng nhiều con đường khác nhau. Ngoài việc giáo dục giá kỹ năng sống thông qua hoạt động dạy học, việc giáo dục kỹ năng sống còn được thông qua hoạt động giáo dục. Trung tâm phải quản lý từ việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch, chỉ đạo việc thực thi kế hoạch, đôn đốc, kiểm tra đánh giá sát sao; chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với tổ chức Đoàn thanh niên, với giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên quản sinh phụ trách các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, lao động hướng nghiệp, các cán bộ nhân viên trong trung tâm, phối hợp với các lực lượng xã hội như hội cha mẹ HS khuyết tật, hội người khuyết tật, hội cứu trợ trẻ tàn tật... với chính quyền địa phương trên
địa bàn địa phương nơi trung tâm đặt trụ sở, Công An huyện, Huyện đoàn thanh niên.... nhằm tổ chức các chương trình giáo dục chuyên đề về KNS.
1.5.2.3. Quản lý về đội ngũ tham gia giáo dục kỹ năng sống cho học sinh khuyết tật
Để quá trình giáo dục KNS cho học sinh khuyết tật đạt hiệu quả, Trung tâm cần xây dựng phương hướng chỉ đạo theo một kế hoạch thống nhất, nhằm động viên và phát huy tối đa khả năng của các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường để tạo nên sức mạnh tổng thể trong quá trình GDKNS. Trung tâm cần quản lý chỉ đạo phối hợp tốt các lực lượng sau:
+ Quản lý GV trong việc tích hợp hoạt động GDKNS vào môn học
Từ kiến thức lý thuyết của bài giảng đến thực tế cuộc sống là quãng đường khá xa, đối với trẻ khuyết tật đặc biệt là trẻ khuyết tật trí tuệ các em khó có thể ứng dụng được. Do đó giáo viên cần tích hợp được nội dung giáo dục kỹ năng sống vào bài giảng. Đây là một hình thức mới mẻ, đòi hỏi giáo viên phải có sự khéo léo, tinh tế trong việc lựa chọn nội dung lồng ghép sao cho phù hợp.
Để đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp thực thi tốt nhiệm vụ của mình, nhà quản lý cần chỉ đạo căn cứ kế hoạch tổng thể của trung tâm xây dựng kế hoạch giáo dục KNS phù hợp với đặc điểm học sinh của lớp mình, triển khai kế hoạch và tổ chức hoạt động cho học sinh, quản lý phát huy hiệu quả của giờ sinh hoạt lớp, đôn đốc, kiểm tra đánh giá thi đua kết quả rèn luyện của học sinh bằng các tiêu chí cụ thể.
+ Quản lý nhân viên y tế trong điều trị sức khỏe thể chất
Để đội gũ cán bộ, nhân viên y tế thực hiện tốt việc GDKNS thông qua việc tập luyện, phục hồi chức năng về mặt thể chất, giám đốc trung tâm cần yêu cầu các bộ phận phải có kế hoạch lồng ghép GDKNS vào họat động chuyên môn.
+ Quản lý đội ngũ BCH Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia giáo dục KNS
Để nâng cao được hiệu quả hoạt động giáo dục KNS trong hoạt động của Đoàn thanh niên. Nhà quản lý cần nhận thức đầy đủ các yếu tố có ảnh hưởng tới việc giáo dục KNS ở Đoàn viên thanh niên nhà trường, từ đó có những biện pháp quản lý để tác động vào những yếu tố tích cực, phát huy hiệu quả giáo dục, khắc phục và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực. Đồng thời quản lý tốt các giờ sinh hoạt chi đoàn, các tiết chào cờ đầu tuần, các hoạt động chủ điểm, chủ đề nhân các ngày lễ lớn trong năm, các hoạt động phối hợp với CMHS, với GVCN, GV quản sinh, với các tổ chức tập thể và cá nhân trong và ngoài nhà trường. Chỉ đạo đoàn thanh niên xây dựng các tiêu chí đánh giá xếp loại thi đua về mức độ tham gia hoạt động của các chi đoàn.
+ Quản lý việc phối hợp các lực lượng giáo dục khác
Để tạo nên sức mạnh tổng thể trong công tác giáo dục đạo đức cho học sinh nói chung và giáo dục KNS cho các em nói riêng, Trung tâm cần huy động các lực lượng giáo dục trong và ngoài trung tâm tham gia vào quá trình giáo dục như Hội cha mẹ học sinh, các cấp ủy Đảng, chính quyền nơi học sinh cư trú, các cơ quan đoàn thể trên địa bàn tuyển sinh như Công an, Y tế, Huyện Đoàn…… Có như vậy nhân cách và lý tưởng sống của các em được giáo dục và rèn luyện ở mọi lúc, mọi nơi, đồng thời giúp các em củng cố bổ sung và nâng cao thêm hiểu biết về các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, hoàn thiện các kiến thức đã được học trên lớp để vận dụng giải quyết các vấn đề do đời sống thực tiễn đặt ra. Chính vì vậy để công tác giáo cho học sinh nhà trường đạt hiệu quả cao trung tâm cần tạo dựng được sự chung tay ủng hộ và tham gia của các lực lượng xã hội trong và ngoài trung tâm.
1.5.2.4. Quản lý về cơ sở vật chất và các điều kiện thực hiện hoạt động giáo kỹ năng sống
Cũng như trong dạy học các môn văn hóa, hoạt động giáo dục KNS cần có CSVC, phương tiện, tài liệu để hoạt động đạt hiệu quả giáo dục mong muốn. Trên thực tế, đại đa số giáo viên nhà trường chưa được đào tạo một cách căn bản về giáo dục KNS, phương tiện, tài liệu dành cho hoạt động này
còn thiếu thốn nhiều, vì vậy, ngoài việc giao trách nhiệm cho giáo viên, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các chuyên đề bồi dưỡng nâng cao kỹ năng và nghiệp vụ tổ chức hoạt động cho giáo viên, động viên khích lệ tinh thần và có chế độ thỏa đáng kịp thời, từ đó khơi dậy lòng nhiệt tình và ý thức trách nhiệm trong họ, có như vậy tính hiệu quả của hoạt động mới cao.
Trung tâm ngoài việc quản lý tận dụng những CSVC hiện có để phát huy hiệu quả giáo dục của hoạt động, cần phải tiết kiệm, cân đối nguồn ngân sách được giao hàng năm để mua sắm thêm CSVC, tài liệu cho hoạt động, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của hội CMHS, của các cá nhân và tổ chức xã hội hỗ trợ cho hoạt động.
1.5.2.5. Quản lý về kiểm tra đánh giá việc thực hiện chương trình hoạt động giáo dục KNS
Việc kiểm tra, đánh giá hoạt động giáo dục KNS góp phần đánh giá chất lượng giáo dục chung trong trung tâm, qua kiểm tra đánh giá CBQL trung tâm đánh giá mức độ thực hiện của đội ngũ giáo viên, cán bộ nhân viên, mức độ hưởng ứng tham gia của học sinh, quá trình thực hiện trong trung tâm diễn ra có đảm bảo kế hoạch hay không, đó là cơ sở để CBQL trung tâm xây dựng chiến lược giáo dục về mục tiêu, nội dung, đội ngũ, phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động.
Để việc đánh giá đạt mục tiêu đề ra, CBQL cần phải bám sát vào những nội dung đánh giá, các mức đánh giá, sử dụng các hình thức đánh giá phù hợp và tuân theo một quy trình đánh giá khoa học.
1.6. Chức năng quản lí hoạt động giáo dục KNS trong cơ sở Giáo dục chuyên biệt cho trẻ khuyết tật