Như đã nói ở trên, một trong hai chủ thể chính của hợp đồng thuê khai thác tàu bay là Bên thuê khai thác tàu bay. Trên thực tế, do đặc thù của việc khai thác tàu bay cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn đặc biệt về kỹ thuật và pháp lý như Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay, Chứng chỉ khả phi .v.v. Do đó, Bên thuê khai thác tàu bay chỉ có thể là các hãng hàng không đã được cấp các chứng chỉ phù hợp do các nhà chức trách có thẩm quyền phê chuẩn và cấp thì mới trở thành một chủ thể của hợp đồng thuê khai thác tàu bay với tư cách là Bên thuê tàu bay.
1.3.1.2 Bên cho thuê khai thác tàu bay và các tổ chức cho thuê khai thác tàu bay tàu bay
Đối tác cho thuê tàu bay có ý nghĩa và vị trí rất quan trọng trong hoạt động và hợp đồng thuê khai thác tàu bay. Như phần trên người viết đã đề cập, thuê khai thác tàu bay là một hoạt động khá đặc biệt, cho nên các chủ thể tham gia vào mối quan hệ này có những đặc điểm riêng về tính chất, cơ cấu và hình thức cũng như các cách thức mà chúng vận hành, hoạt động. Do việc sử dụng các hình thức thuê khai thác đã tăng lên đáng kể trong vòng 20 năm gần đây trên thị trường hàng không thế giới, thuê khai thác được sự hỗ trợ rất lớn qua sự hình thành và phát triển rất nhanh của các công ty cho thuê chuyên nghiệp. Hiện nay, trên thế giới có các công ty chuyên về cho thuê tàu bay lớn như: Ansett Worldwide Aviation Services, International Lease Finance Corporation (ILFC), General Electric Capital Aviation Services - GECAS, GATX, GPD .v.v. Các công ty này giữ vai trò rất quan trọng trong ngành
Các công ty này hoạt động như các thực thể, tổ chức trung gian giữa các hãng hàng không, các tổ chức tài chính, các nhà sản xuất tàu bay, động cơ, thiết bị phụ tùng thay thế và các hãng hàng không. Vì thế thuê khai thác tàu bay từ khi mới xuất hiện đã nhanh chóng được khẳng định và đã trở thành hình thức kinh doanh rất thịnh hành trên toàn cầu hiện nay. Các công ty cho thuê khai thác đã cung cấp các dịch vụ ngày càng có chất lượng cao hơn, hoàn hảo hơn bao gồm cả các dịch vụ về bảo dưỡng, tiếp thị, các dịch vụ tư vấn tài chính .v.v. Các công ty này có thể đưa ra các đề nghị hấp dẫn về mặt tài chính trên cơ sở vị trí riêng biệt của chúng (các công ty chuyên về cho thuê tàu bay có thể đưa ra giá thuê rất cạnh tranh vì do họ thường mua tàu bay với số lượng lớn, là khách hàng rất tiềm năng của các nhà sản xuất tàu bay, các nhà sản xuất động cơ và các nhà cung cấp thiết bị, phụ tùng thay thế, các nhà cung cấp dịch vụ ảo dưỡng và tính chuyên nghiệp trong tiếp thị và quản trị cùng với các khoản lợi về thuế mà họ được hưởng làm cho giá tàu bay được giảm một cách đáng kể).
Qua thực tế thuê khai thác của các hãng hàng không của Việt Nam những năm vừa qua, có hai loại đối tác cho thuê khai thác tàu bay là: (1) các công ty, tổ chức chuyên về cho thuê tàu bay; và (2) các hãng hàng không.
Bên cho thuê là các công ty, tổ chức chuyên về cho thuê tàu bay
Trong hệ thống pháp luật của các quốc gia, thường đều có các qui định pháp lý để điều chỉnh các hoạt động về thuê, cho thuê khai thác tàu bay. Các tổ chức cho thuê tài sản nói chung và thuê tàu bay nói riêng được tổ chức dưới hình thức là những công ty, tập đoàn hoạt động kinh doanh có tính chất tài chính khá đặc biệt. Việc hình thành các tổ chức, công ty cho thuê tài sản nói chung và cho thuê tàu bay nói riêng có liên quan tới nhiều ngành luật, trong đó chủ yếu là luật về công ty, luật về thuê tài chính, luật dân sự và các loại luật về thuế .v.v. Các tổ chức cho thuê tàu bay thường là các tổ chức
tương đối lớn độc lập hoặc chúng nằm trong các tổ chức chuyên hoạt động về lĩnh vực tài chính lớn như chúng ta thường gặp là các công ty chuyên cho thuê tàu bay như: Ansett Worldwide Aviation Services, International Lease Finance Corporation (ILFC), General Electric Capital Aviation Services - GECAS. Những tập đoàn, công ty chuyên cho thuê này khác rất nhiều so với các trường hợp Bên cho thuê là các hãng hàng không.
Sự khác biệt của các chủ thể của hợp đồng thuê khai thác tàu bay trước hết thể hiện ở lĩnh vực, loại hình kinh doanh, tính chất kinh doanh, sau đó là sự khác biệt về cơ cấu, quy mô, và hình thức tổ chức. Do tính chất hoạt động và quy mô của các tổ chức này khác nhau cho nên khi các đối tác này tham gia vào một hợp đồng thuê khai thác tàu bay cụ thể sẽ dẫn đến các qui định, nội dung khác nhau ở một mức độ nhất định.
Trong thực tế, những tổ chức, công ty chuyên về hoạt động cho thuê cũng khá đa dạng và phức tạp. Thông thường, những công ty, tổ chức này bỏ tiền ra mua một số tàu bay để cho thuê hoặc họ vay tiền mua các tàu bay theo một cấu trúc thuê tài chính. Tương ứng với hai cách mua tàu bay đó thì các mối quan hệ và hậu quả pháp lý trong các thương vụ có liên quan đến các tàu bay cụ thể sẽ có sự khác nhau nhất định.
Khi tàu bay thuộc sở hữu của các công ty cho thuê thì họ là người chủ sở hữu và là Bên cho thuê trực tiếp. Còn trường hợp khác thì Bên cho thuê thường chỉ là chủ sở hữu trên danh nghĩa, còn chủ sở hữu thực chất lại là các bên khác, các bên này chỉ liên quan gián tiếp tới Bên thuê mà thôi. Phổ biến nhất của trường hợp thứ hai này là trường hợp tàu bay được tài trợ vốn do một hoặc một số tổ chức tín dụng, ngân hàng thì Bên cho thuê có thể có một cơ cấu đặc biệt với mối quan hệ qua lại “hỗn hợp” giữa các bên đối với nhau. Các bên có liên quan ở các hợp đồng này có quan hệ, ảnh hưởng gián tiếp tới
thường lập ra một công ty cho thuê (Lessor) theo một hình thức riêng, đặc biệt. Ví dụ như trường hợp Tổng công ty HKVN thuê tàu bay của Công ty Aero Star Leasing Limited, người chủ sở hữu thực chất là ngân hàng Credit Lyonnais, người giữ vai trò như ngân hàng tín thác bảo đảm đối với quyền sở hữu tàu bay và thế chấp đối với tàu bay. Công ty Hoa sữa là Head Lessor và là một công ty SPC (Single Purpose Company), Aero Star Leasing Limited là Bên cho thuê (Lessor) trong giao dịch cho thuê tàu bay này.
Trong các tài liệu chuyên ngành, các công ty đặc biệt này được gọi là các công ty có mục đích đặc biệt hoặc các công ty có mục đích duy nhất (SPV - Single Purpose Vehicle, hoặc SPC - Single Purpose Company). Trong các giao dịch, hợp đồng tài trợ vốn mua tàu bay có sự tham gia, bảo lãnh của các tổ chức tín dụng hỗ trợ xuất nhập khẩu của một số quốc gia thì hình thức này là rất phổ biến và thường là hình thức bắt buộc. Ở một số quốc gia, hình thức công ty này không phải là bắt buộc, nhưng để có thể được hưởng lợi ích về thuế trong hoạt động cho thuê tàu bay thì các chủ thể có liên quan thường chọn hình thức này để đạt được mục đích của họ. Một số hãng hàng không có thể mua tàu bay trực tiếp từ nhà sản xuất nhưng họ lại bỏ tiền của mình thành lập một công ty theo hình thức này ở nước ngoài để mua tàu bay sau đó cho chính hãng hàng không đó thuê lại theo hình thức thuê khai thác là vì lý do nêu trên.
Đối với các hợp đồng thuê khai thác tàu bay có liên quan đến tàu bay được mua theo hình thức tài trợ vốn (có hoặc không có bảo lãnh của tổ chức hỗ trợ tín dụng xuất-nhập khẩu) có những mối quan hệ nhất định với hình thức thuê tài chính. Đối với việc thế chấp tàu bay, công ty có mục đích đặc biệt chuyển nhượng tất cả các quyền, lợi ích trong hợp đồng thuê với hãng hàng không cho những bên cho vay và các tổ chức bảo lãnh tài trợ vốn. Các tổ chức bảo lãnh tín dụng thông thường yêu cầu bên tín thác (Trustee) hành động
vì quyền, lợi ích của tất cả các bên cho vay và các bên bảo lãnh trong việc nắm giữ tất cả các tài liệu, giấy tờ bảo đảm. Tổ chức này được gọi là bên tín thác bảo đảm (Security Trustee). Tàu bay được nhà sản xuất bán cho công ty có mục đích đặc biệt, công ty này đã vay tiền của các bên cho vay để mua tàu bay và thế chấp tàu bay như là một biện pháp bảo đảm đối với các bên cho vay và các bên bảo lãnh tín dụng. Công ty có mục đích đặc biệt cho hãng hàng không thuê tàu bay theo một hợp đồng thuê cụ thể. Toàn bộ các quyền, lợi ích của công ty có mục đích đặc biệt đối với tàu bay và hợp đồng thuê sẽ được thế chấp và chuyển nhượng cho bên tín thác bảo đảm vì quyền, lợi ích của các bên cho vay và bên bảo lãnh nếu có. Ngoài ra, quyền quản trị hợp đồng thuê và toàn bộ các cổ phần đầu tư của công ty có mục đích đặc biệt được thế chấp cho bên tín thác bảo đảm.
Theo hình thức này, công ty có mục đích đặc biệt phải là một tổ chức trung gian độc lập (không phải là tổ chức phụ thuộc) được đóng tại nước ngoài (so với hãng hàng không), thuộc quyền tài phán trung gian về thuế hoặc là ở tại Mỹ, phổ biến nhất là các khu vực pháp lý không có các loại thuế liên quan đến các giao dịch kiểu này. Trong thị trường cho thuê tàu bay những khu vực như vậy được coi là khu vực không có thuế mà chúng ta thường gặp như: Caymand Island, Maritus, Seychelles, Bristish Virgin island, Barbados .v.v. Nếu đóng ở nước ngoài, công ty này thường là thuộc sở hữu của một tổ chức từ thiện của trẻ mồ côi hoặc tổ chức thương mại được uỷ quyền.
Hình thức tổ chức phổ biến của công ty có mục đích đặc biệt là một công ty trách nhiệm hữu hạn theo luật của Bang Dalaware (Mỹ). Đây là hình thức đã được sử dụng rất phổ biến trong thị trường cho thuê tàu bay trên thế giới.
Hình thức này hiện tại trong hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa tồn tại cả về các qui định trong hệ thống pháp luật cũng như trong thực tiễn tồn tại của
các loại hình công ty, doanh nghiệp kinh doanh trên thị trường. Trên thị trường cho thuê tài sản và cho thuê tàu bay quốc tế, các công ty này là rất phổ biến.
Có một điều cần chú ý là các đối tác cho thuê tàu bay chuyên nghiệp thường có hai loại tàu bay, hai loại này có hình thức hoặc điều kiện sở hữu khác nhau do cơ cấu vốn mua tàu bay này khác nhau:
Loại thứ nhất: Là các tàu bay thuộc sở hữu hoàn toàn của tổ chức cho thuê. Tổ chức, công ty cho thuê tàu bay là người chủ sở hữu danh nghĩa và thực chất của tàu bay cho thuê. Do đó, việc cho thuê sẽ chỉ liên quan trực tiếp giữa Bên cho thuê và Bên thuê mà không có các tổ chức tham gia gián tiếp.
Loại thứ hai: Thường là các tàu bay do vay vốn để mua hoặc vì lý do được hưởng các lợi ích về thuế mà các công ty, tổ chức này mua tàu bay theo một cơ cấu mà theo đó có sự tham gia gián tiếp của một số (hoặc thậm chí nhiều) bên. Đặc biệt là các bên cho vay hoặc các nhà đầu tư. Trong rất nhiều trường hợp loại tàu bay này khi tiến hành giao dịch, tiếp thị cho thuê là một công ty lớn (ví dụ: Ansett Worldwide Aviation Services, ILFC, GECAS .v.v.) nhưng khi ký hợp đồng thì Bên cho thuê lại là một công ty khác đối với từng tàu bay cụ thể. Chủ sở hữu danh nghĩa có thể là các Bên cho thuê tham gia trực tiếp, nhưng cũng có thể không phải. Bên cho thuê (lessor) đối với ta có thể lại là Bên thuê (Lessee) trong một hợp đồng thuê tàu bay khác trước đó. Vì thế, trong một số hợp đồng chúng ta có bắt gặp các bên như Head Lessor, Head - Head - Lessor hoặc Sub Lessor, phía Bên thuê cũng tương tự như vậy, có thể thấy các Lessee, Sub Lessee .v.v. Chủ sở hữu thực chất của tàu bay có thể là các tổ chức ngân hàng, các tổ chức tín dụng hoặc là một tổ chức khác tuỳ thuộc vào từng hợp đồng thuê tàu bay cụ thể.
Bên cho thuê tàu bay là các hãng hàng không.
Hãng hàng không là đối tác cho thuê tàu bay có tính chất đơn giản hơn so với đối tác là các tổ chức chuyên về cho thuê tàu bay. Đặc điểm riêng của
đối tác với tư cách là Bên cho thuê cũng kéo theo các hậu quả pháp lý nhất định trong hợp đồng thuê khai thác tàu bay. Đối với đối tác loại này cũng có một số trường hợp xảy ra là hãng hàng không cho thuê tàu bay thuộc sở hữu của họ. Nhưng đôi khi các hãng hàng không vì một lý do nào đó cũng cho thuê lại tàu bay mà hãng đã đi thuê của đối tác khác trước đó (Sublease). Đối tác cho thuê khai thác tàu bay là hãng hàng không rất phổ biến trong trường hợp cho thuê ướt hoặc thuê ẩm tàu bay.
Hãng hàng không là tổ chức có thể cho thuê tàu bay và cung cấp nguồn dịch vụ, nhân lực phục vụ cho việc khai thác tàu bay theo hình thức thuê ướt, thuê ẩm rất thuận tiện. Đối tác là các hãng hàng không thường rất ít gặp trong các hình thức thuê khô tàu bay.