Luật HKDDVN và các văn bản pháp luật của Việt Nam chưa có qui định về hình thức thuê ẩm tàu bay. Trên thực tế, thuật ngữ thuê ẩm tàu bay còn được gọi bằng thuật ngữ khác như thuê tàu bay bán khô, bán ướt .v.v. Theo đó, hình thức thuê khai thác tàu bay này được hiểu là Bên cho thuê có nghĩa vụ cung cấp tàu bay cùng với tổ lái. Riêng về tiếp viên có thể có một số tiếp viên của Bên thuê cùng tham gia khai thác. Hợp đồng thuê ẩm tàu bay chỉ là một biến thể giữa hai loại hợp đồng thuê khai thác tàu bay cơ bản là thuê khô và thuê ướt tàu bay. Chính vì vậy, trong Luật HKDDVN không có quy riêng, cụ thể cho loại hợp đồng này.
Trong thực tiễn hoạt động thuê khai thác tàu bay ở trên thị trường quốc tế, hình thức này là không phổ biến như hình thức thuê ướt và thuê khô.
Vậy có thể hiểu: Hợp đồng thuê ẩm tàu bay là sự thỏa thuận giữa Bên thuê và Bên cho thuê về quyền và nghĩa vụ về việc thuê tàu bay kèm theo tổ lái, riêng về tiếp viên có thể có một số tiếp viên của Bên thuê cùng tham gia khai thác. Theo đó, Bên thuê chiếm hữu, sử dụng tàu bay thuê của Bên cho thuê trong một thời hạn nhất định và trả lại tàu bay đó cho Bên cho thuê khi kết thúc thời hạn thuê tàu bay; Bên cho thuê giữ quyền sở hữu tàu bay thuê và nhận tiền cho thuê theo hợp đồng cho thuê.
1.2.4.2 Đặc điểm
Qua định nghĩa nêu trên và thực tế thuê khai thác tàu bay trên thế giới chúng ta có thể nhận thấy hình thức thuê ẩm tàu bay rất gần với hình thức thuê ướt tàu bay.
Theo định nghĩa về thuê ẩm thì hình thức thuê khai thác tàu bay này được hiểu là Bên cho thuê có nghĩa vụ cung cấp tàu bay cùng với tổ lái. Riêng về tiếp viên có thể có một số tiếp viên của Bên thuê cùng tham gia khai thác. Không có tiêu chí về tỉ lệ nhân sự tham gia nào được đưa ra đối với hình thức thuê tàu bay này. Do hình thức thuê khai thác này phải kết hợp tiếp viên của cả Bên thuê và Bên cho thuê cho nên việc xác định quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan khá phức tạp trong việc khai thác tàu bay. Có lẽ vì lý do đó mà hình thức thuê này không được phổ biến rộng rãi. Hình thức thuê ẩm tàu bay chưa được sử dụng lần nào trong thực tế thuê khai thác tàu bay tại Việt Nam.
1.2.4.3 Đối tác cho thuê tàu bay
Hình thức thuê ẩm tàu bay cũng thường được thực hiện giữa Bên thuê và Bên cho thuê đều là các hãng hàng không. Khi đối tác cho thuê tàu bay là các hãng hàng không thì việc thực hiện hợp đồng cũng rất thuận tiện giống như hợp đồng thuê ướt. Trong giấy phép thành lập hoặc giấy phép đăng ký kinh doanh, các hãng hàng không thường có chức năng cho thuê tàu bay và cung ứng các dịch vụ khác trên cơ sở các hãng chỉ thực hiện được chức năng này khi nhà chức trách hàng không liên quan cấp phép.
Cũng tương tự như hình thức thuê ướt, loại này có một số trường hợp đối tác cho thuê không phải là một hãng hàng không. Trong thực tế thuê tàu bay thì vẫn có một số hợp đồng theo hình thức thuê ẩm lại do một công ty chuyên cho thuê tàu bay cung cấp, sau đó họ thuê người khai thác khác, bởi vì công ty chuyên về cho thuê tàu bay thì sẽ không có Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay .
Như vừa đề cập ở trên, do đặc điểm của hình thức thuê khai thác tàu bay theo hình thức thuê ẩm trong thực tế thường gặp các đối tác cho thuê theo hình thức thuê này là các hãng hàng không. Đối tác là các hãng hàng không rõ
ràng có thuận lợi do họ có thể trực tiếp thực hiện các nghĩa vụ của mình với tư cách là Bên cho thuê. Họ cung cấp tàu bay, cung cấp tổ lái, tiếp viên và khai thác tàu bay cho thuê đó theo Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay của mình. Vì thế đối với hợp đồng thuê ẩm tàu bay khi đối tác là một hãng hàng không thì việc thực hiện thường thuận tiện và dễ dàng hơn.
Trường hợp đối tác không phải là một hãng hàng không mà là một công ty, tổ chức cho thuê chuyên nghiệp thì thường bên đối tác sẽ phải thuê tổ lái, tiếp viên và khai thác theo chứng chỉ của một hãng hàng không khác. Tổ chức, công ty cho thuê tàu bay chuyên nghiệp thường không có các nguồn cung cấp trực tiếp các yếu tố như tổ lái, tiếp viên (ngoài việc cho thuê tàu bay) theo hợp đồng. Họ chỉ có khả năng cung cấp trực tiếp được tàu bay (tài sản) cho Bên thuê, còn việc cung cấp dịch vụ khai thác, bảo dưỡng và các yếu tố khác có liên quan thì các tổ chức này phải có các nguồn hoặc đối tác khác hỗ trợ, hợp tác thì mới có thể thực hiện được. Trong khi Bên thuê khi lựa chọn hình thức thuê ẩm tàu bay lại chỉ biết yêu cầu Bên cho thuê cung cấp và thực hiện các nghĩa vụ có tính chất gần như trọn gói (bao gồm cả tài sản và dịch vụ khai thác, bảo dưỡng cộng với một số yếu tố khác có liên quan đến tài sản và dịch vụ mà Bên cho thuê cam kết thực hiện theo công thức của hình thức thuê này). Việc Bên thuê phải cung cấp một số tiếp viên cùng tham gia khai thác tàu bay chủ yếu là vì mục đích kinh tế, mục đích đào taọ hoặc tận dụng nguồn tiếp viên mà Bên thuê đang có sẵn.
Đối với trường hợp nêu trên, cần chú ý là khi ký kết, thực hiện hợp đồng loại này cần nắm rõ những đặc điểm của nó để có thể tiên liệu trước cũng như xem xét đầy đủ các mối quan hệ giữa hãng hàng không với tư cách là Bên thuê tàu bay trong hợp đồng và Bên cho thuê bao gồm cả những mối quan hệ trực tiếp và các mối quan hệ gián tiếp, cũng như thủ tục, thẩm quyền
quản lý, điều hành liên quan đến số tiếp viên “hỗn hợp” này của các bên liên quan để tránh những hậu quả bất lợi có thể xảy ra.
Việc khai thác tàu bay theo chứng chỉ của tổ chức khác còn đòi hỏi sự công nhận của các nhà chức trách hàng không có liên quan đối với chứng chỉ, giấy phép của tổ lái, tiếp viên. Nội dung này kéo theo các qui định có liên quan của các bên khi khai thác tàu bay thuê theo các qui định của hợp đồng. Đặc biệt là về giá trị hiệu lực của các chứng chỉ, thủ tục và hồ sơ trình nhà chứ trách hàng không tương ứng xin phê duyệt, cấp phép .v.v.
1.2.4.4 Đối với tàu bay
Các tàu bay là đối tượng của hợp đồng thuê ẩm cũng hoàn toàn giống như trong hình thức thuê ướt tàu bay phải tuân thủ các yêu cầu chuyên ngành về hoạt động hàng không dân dụng. Theo Công ước quốc tế Chicago năm 1944 về hàng không dân dụng thì tàu bay khi bay trên vùng trời bất kỳ phải đáp ứng đầy đủ và nghiêm ngặt một số qui định của các điều ước quốc tế, của hệ thống luật quốc gia có liên quan. Các yêu cầu này bao gồm khá nhiều nội dung khác nhau như vấn đề đăng ký của tàu bay, các chứng chỉ khả phi, kỹ thuật, nhân viên, trang thiết bị của tàu bay .v.v. Đây là những yêu cầu bắt buộc theo các qui định của điều ước và của các quốc gia hữu quan.
Do thuê ẩm tàu bay thường cũng có thời hạn ngắn, vì vậy các tàu bay được thuê theo hình thức này thường được đăng ký tại quốc gia không phải là quốc gia có hãng hàng không thuê khai thác. Do đó, các yêu cầu đưa tàu bay vào khai thác phải có sự phê duyệt của nhà chức trách hàng không của quốc gia đăng ký tàu bay đối với những vấn đề về an toàn, khả phi, và cấp phép cho các nhân viên khai thác, kỹ thuật có liên quan theo qui định của Công ước Chicago năm 1944. Ngoài ra, có thể còn có các qui định khác của các quốc gia, đặc biệt là của quốc gia đăng ký tàu bay. Do hợp đồng thuê ẩm có thời hạn ngắn cho nên rất ít trường hợp các bên yêu cầu phải chuyển đăng ký tàu bay từ quốc gia này sang quốc gia khác để
thực hiện cho thuận tiện. Trong thực tế, để giải quyết được đầy đủ, tuân theo đúng các qui định có liên quan luôn gắn liền với trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng thuê ẩm tàu bay.
Đặc điểm khác biệt của hình thức thuê khai thác này so với hình thức thuê ướt là Bên cho thuê cung cấp tàu bay, tổ lái, còn trong thành phần tổ bay có một số tiếp viên do Bên thuê cung cấp. Do đó, theo qui định của pháp luật việc điều hành, công nhận chứng chỉ cho nhân viên tổ bay có những hạn chế nhất định, nhiều khi chỉ do các thủ tục này khó khăn mà không thực hiện được hợp đồng. Ví dụ: Tổng công ty HKVN đã có một lần dự kiến thuê tàu bay theo hình thức này với tàu bay được đăng ký tại Vương quốc Bỉ, nhưng đến phút chót không giải quyết được vấn đề công nhận chứng chỉ, cấp phép cho tiếp viên nên chúng ta đã phải từ bỏ hợp đồng thuê này.
Tóm lại, ngoại trừ khác biệt về việc cung cấp tiếp viên thì các vấn đề, nội dung còn lại của hợp đồng thuê ẩm tàu bay cũng tương tự như hợp đồng thuê ướt tàu bay. Các quyền, nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng được các bên chấp nhận thường theo công thức phổ biến đã trình bày ở phần thuê ướt tàu bay.
1.2.4.5 Các quyền và nghĩa vụ cơ bản của hợp đồng
Hình thức thuê ẩm tàu bay thực ra có sự khác biệt rất nhỏ so với hình thức thuê ướt. Về cơ bản thì thuê ướt và thuê ẩm là giống nhau. Do vậy, nội dung của hợp đồng thuê ẩm tàu bay cũng thường xác định các quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia gần như là của hợp đồng thuê ướt, theo đó:
Bên thuê chịu trách nhiệm về: - Trả tiền thuê đầy đủ và đúng hạn;
- Hành khách, dịch vụ mặt đất (bao gồm cả các dịch vụ thương mại và kỹ thuật); - Các loại phí, lệ phí sân bay, phí không lưu, dẫn đường hoặc các chi phí, phí
- Mua và duy trì hợp đồng bảo hiểm cho hành khách, hành lý, hàng hoá được chuyên chở bằng tàu bay này;
- Lịch bay, cung ứng xăng dầu cho hoạt động khai thác tàu bay thuê trong suốt thời hạn thuê .v.v.;
- Cung cấp một số tiếp viên theo thoả thuận trong hợp đồng. Trách nhiệm này nảy sinh là chính từ tính chất đặc thù của hình thức thuê ẩm.
Ngược lại Bên cho thuê phải chịu trách nhiệm về : - Khai thác tàu bay theo yêu cầu của Bên thuê;
- Các hoạt động bảo dưỡng, sửa chữa hỏng hóc, cung ứng vật tư, khí tài đối với tàu bay;
- Cung cấp tổ lái, một số tiếp viên theo thoả thuận trong hợp đồng;
- Đảm bảo các chứng chỉ cho các nhân viên khai thác tàu bay tương ứng, Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay .v.v.;
- Mua bảo hiểm cho tổ lái, tiếp viên, cho tàu bay, bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba trên mặt đất.
Tóm lại: Bên cho thuê phải đảm bảo cho tàu bay có đủ điều kiện để khai thác theo yêu cầu của Bên thuê, đảm bảo cung cấp các dịch vụ khai thác, bảo dưỡng và các yếu tố khác có liên quan đến việc cung cấp tàu bay và các dịch vụ đó. Tuy nhiên, công thức này có thể thay đổi ở một phạm vi nhất định tuỳ thuộc vào thoả thuận của các bên tham gia hợp đồng. Sự thay đổi đó chắc chắn sẽ kéo theo việc thay đổi về giá cả thuê theo công thức chung.
Giao kết và hiệu lực của hợp đồng thuê khai thác tàu bay