Năng lực, trình độ, kinh nghiệm của một bộ phận cán bộ tín dụng của chi nhánh hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu công việc. Mặc dù đa số các cán bộ tín dụng đều có trình độ đại học, tốt nghiệp đúng chuyên ngành, tuy nhiên do độ tuổi của đa số cán bộ tín dụng còn khá trẻ, phần lớn còn ít kinh nghiệm nên cần phải có thêm thời gian để được đào tạo thêm, và đúc kết nhiều kinh nghiệm.
Tâm lý chung của phần lớn các cán bộ tín dụng khi cấp tín dụng vẫn chủ yếu dựa vào TSBĐ. Sẽ rất rủi ro nếu cán bộ tín dụng quên rằng khoản vay cần phải được trả bằng chính dòng tiền tạo ra bởi phương án sản xuất kinh
doanh chứ không phải bằng tiền bán tài sản đảm bảo. Tài sản đảm bảo chỉ là sự đảm bảo cuối cùng khi phương án kinh doanh của khách hàng gặp rủi ro ngoài dự kiến. Tâm lý dựa chủ yếu vào tài sản đảm bảo sẽ làm giảm chất lượng thẩm định khoản vay nên sẽ không đánh giá chính xác được hiệu quả và sự an toàn của khoản vay, dễ dẫn đến việc cho vay những dự án rủi ro, khách hàng không uy tín.
Đối với tài sản là bất động sản, do giá trị tài sản quá lớn (có những tài sản trị giá vài chục tỉ đồng hay thậm chí vài trăm tỉ đồng) gây khó khăn cho ngân hàng trong việc thu hồi nợ, vì ít người có khả năng mua được.
Ngoài ra, những yếu tố khách quan, những yếu tố bên ngoài như lạm phát, giá xăng dầu leo thang, tình hình kinh tế biến động cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động tín dụng, ngân hàng cần phải chú ý hơn.