Doanh số cho vay là tổng số tiền mà ngân hàng đã giải ngân cho khách hàng dưới hình thức tiền mặt hay chuyển khoản trong một thời gian nhất định. Sự tăng trưởng của doanh số cho vay cũng thể hiện sự tăng trưởng của hoạt động tín dụng. Như đã phân tích, thu từ lãi luôn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng thu nhập của ngân hàng cho thấy tín dụng là hoạt động chủ yếu và quan trọng của Ngân hàng. Với phương châm “đi vay để cho vay”, trong thời gian qua, Ngân hàng đã huy động được số lượng lớn vốn nhàn rỗi nhất định từ khách hàng trong và ngoài địa bàn nhằm giải quyết một phần nào nhu cầu về vốn của khách hàng thông qua các khoản cho vay ngắn, trung và dài hạn.
Trong những năm qua, Eximbank Tây Đô luôn đặc biệt quan tâm đến việc làm thế nào để sử dụng nguồn vốn một cách có hiệu quả nhất, một trong số đó là hoạt động cho vay của ngân hàng. Trên tổng thể, tình hình cho vay của ngân hàng trong giai đoạn 2010 - 2012 có sự biến động qua các năm, tăng vào năm 2011 và giảm vào năm 2012. Để thấy rõ tình hình cho vay của đơn vị, bảng 4.1 phản ánh cụ thể.
Bảng 4.1: Doanh số cho vay theo thời hạn của Eximbank Tây Đô giai đoạn 2010 -2012 ĐVT: Triệu đồng Năm Chênh lệch 2011/2010 2012/2011 Chỉ tiêu 2010 2011 2012 Số tiền % Số tiền % Ngắn hạn 2.865.781 3.086.505 2.410.059 220.724 7,70 (676.446) (21,92) Trung và dài hạn 174.143 110.931 149.625 (63.212) (36,30) 38.694 34,88 DSCV 3.039.924 3.197.436 2.559.684 157.512 5,18 (637.752) (19,95)
Nguồn: Phòng khách hàng cá nhân Eximbank Tây Đô
4.1.1.1 Doanh số cho vay ngắn hạn
Qua bảng số liệu, ta thấy tình hình cho vay của chi nhánh chủ yếu là cho vay ngắn hạn vì khách hàng chủ lực của chi nhánh là cá nhân, doanh nghiệp thuộc sở hữu tư nhân có nhu cầu về vốn để bổ sung kinh doanh trong ngắn hạn. Hơn nữa, tâm lý khách hàng không muốn các khoản vay của họ kéo dài quá lâu vì phải tốn thêm chi phí vì vay trong ngắn hạn thì mức lãi suất thấp và phù hợp với loại hình kinh doanh của họ. Tỷ trọng cho vay ngắn hạn chiếm phần lớn trong tổng doanh số cho vay đã phản ánh thực tế là Ngân hàng định hướng đầu tư vốn ngắn hạn nhiều hơn để giảm thiểu rủi ro, bởi cho vay trung và dài hạn mang lại lợi nhuận cao cho Ngân hàng nhưng cùng với đó là rủi ro lớn.
Năm 2010, chi nhánh đã mạnh dạn triển khai nhiều chương trình nhằm khuyến khích và tạo động lực cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay từ chi nhánh. Ngoài ra, NH còn áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn biểu lãi suất công bố đến 1,5%/năm đối với doanh nghiệp có giao dịch thường xuyên tại ngân hàng, doanh nghiệp vừa và nhỏ có phương án kinh doanh tốt, hiệu quả. Với những chính sách lãi suất hợp lí của mình, doanh số cho vay của Eximbank Tây Đô đã đạt được là 2.865.781 triệu đồng.
Sang năm 2011, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiêm túc thực hiện việc kiềm chế tăng trưởng tín dụng dưới 20% để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Theo chỉ thị chung, Eximbank Tây Đô đã có những chính sách tín dụng phù hợp với tình hình hiện tại. Khi lãi suất cho vay của ngân hàng tăng cao, thêm vào đó là tình hình lạm phát của nền kinh tế cũng rất cao trong khi hoạt động sản xuất các doanh nghiệp mang lại lợi nhuận thấp khiến các doanh nghiệp tạm ngưng đầu tư hoặc đầu tư không mạnh tay để tránh thua lỗ.Nhưng
bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp cũng có xu hướng tăng lên do Cần Thơ là một Thành phố với khả năng phát triển rất thuận lợi về công nghiệp, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ đặc biệt là các khu công nghiệp. Với tất cả những điều kiện sẵn có như vậy, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ luôn có cơ hội kinh doanh cao và đồng thời có nhu cầu về vốn rất lớn.
Đây cũng là nguyên nhân chính giúp cho hoạt động cho vay tăng 220.724 triệu đồng so với năm 2010.
Năm 2012 về phía ngân hàng đã có những chính sách thông thoáng hơn trong việc cấp tín dụng, thủ tục vay đơn giản, thời gian giải quyết hồ sơ được rút ngắn. Về phía NHNN cũng có những chính sách nhằm giảm lãi suất huy động từ 14% xuống còn 8% để kích thích nhu cầu vay vốn, tuy nhiên, lãi suất không là duy nhất ảnh hưởng đến quyết định vay vốn của các doanh nghiệp. Bởi vì sức cầu của thị trường còn yếu, hơn nữa hàng tồn kho còn cao nên doanh nghiệp chưa thể đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, khiến nhu cầu về vốn khó tăng. Đồng thời ngân hàng cũng thận trọng hơn khi cho vay, chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ đến những khách hàng thân thiết có hoạt động kinh doanh hiệu quả. Bên cạnh đó, do NHNN chủ trương giảm tăng trưởng tín dụng trong năm, nên ngân hàng tập trung quản lí chất lượng tín dụng, cho vay thắt chặt nhưng linh hoạt chọn lựa khách hàng. Do đó, doanh số cho vay trong năm giảm 676.446 triệu đồng tương đương giảm 21,92% so với năm 2011. Mặt khác, do một số khách hàng không có khả năng trả nợ nên năm 2011 nợ xấu tăng cao so với năm 2010, ngân hàng phải trích dự phòng nhiều hơn nên vốn để cho vay cũng giảm đi.
4.1.1.2 Doanh số cho vay trung và hạn
Đối với cho vay trung và dài hạn không những lãi suất cao mà thủ tục và hồ sơ cho vay cũng tương đối nhiều, nhất là thủ tục đăng ký thế chấp tài sản. Thêm vào đó, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế có nhiều thay đổi mà cả người vay và Ngân hàng đều lo rằng thu nhập của người vay và sự biến động của lãi suất sẽ ảnh hưởng đến thời hạn trả nợ gốc và lãi theo phân kỳ trả nợ. Hơn nữa, khả năng đáp ứng vốn cho các khoản vay trung dài hạn của Ngân hàng còn hạn chế nên doanh số cho vay trung dài hạn của Ngân hàng chiếm tỷ trọng thấp.
Mục đích của tín dụng trung và dài hạn là giúp khách hàng mở rộng sản xuất kinh doanh, đầu tư cơ sở hạ tầng và tài sản cố định. Với tính chất thu hồi vốn lâu nên ngân hàng xem xét và chọn lọc khách hàng tiềm năng rất thận trọng, dẫn đến khách hàng cần vốn nhưng khó tiếp cận được nguồn vốn, đồng thời chi nhánh chỉ chú trọng tăng trưởng cho vay ngắn hạn làm giảm giá trị các khoản vay trung và dài hạn nên doanh số cho vay trung và dài hạn năm
2011 giảm 63.212 triệu đồng tương đương 36,3% so với năm 2010. Đến năm 2012, cho vay trung và dài hạn là 149.625 triệu đồng, tăng 34,88% so với năm 2011, điều đó ta có thể nhận thấy NH bắt đầu có sự quan tâm ngày càng nhiều đến cho vay trung và dài hạn nhưng vẫn chiếm tỷ trọng thấp trong tổng doanh số cho vay bởi vì nguồn huy động của ngân hàng chủ yếu là tiền gửi ngắn hạn, có kỳ hạn dưới 1 năm. Và trong tình hình biến động như vậy, NH quan tâm nhiều hơn các khoản cho vay ngắn hạn vì vòng quay vốn tín dụng nhanh hơn, ít rủi ro hơn trong khi cho vay trung và dài hạn ẩn chứa nhiều rủi ro. Vì vậy, NH luôn thận trọng cho việc xét duyệt cho vay vốn trung và dài hạn hơn là cho vay ngắn hạn. Ngoài ra, cho vay ngắn hạn còn là hoạt động đem lại nguồn thu chính cho ngân hàng.
Qua phân tích doanh số cho vay, ta thấy doanh số cho vay của ngân hàng có sự biến động qua các năm, tăng vào năm 2011 và giảm vào năm 2012. Nhìn chung sự sụt giảm doanh số chu vay trong năm 2012 là không tốt. Quy mô tín dụng không được mở rộng mà còn có dấu hiệu giảm sút là một vấn đề quan trọng mà ngân hàng cần chú ý. Ngân hàng cần có những biện pháp hữu hiệu để cải thiện tình hình cho vay đồng thời chất lượng tín dụng cũng được nâng cao. Đồng thời ta cũng nhận thấy, ngân hàng chủ yếu cho vay các khoản vay ngắn hạn vì đặc điểm kinh tế TP Cần Thơ chủ yếu là nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ nên nhu cầu vay ngắn hạn là nhiều. Mặc khác, những khoản vay này ngân hàng có thể thu hồi được vốn nhanh, quản lý nguồn vốn được tốt hơn. Chính vì vậy mà hiện nay hầu hết các NHTM nói chung và Eximbank Tây Đô nói riêng đều khuyến khích khoản vay này nhưng lợi nhuận thu được từ các khoản cho vay ngắn hạn đạt không nhiều so với các khoản cho vay trung và dài hạn. Do đó, để tăng lợi nhuận hoạt động tín dụng cần mở rộng quy mô tín dụng trung và dài hạn, tăng cường công tác thẩm định đồng thời hỗ trợ cho khách hàng có lịch sử tín dụng tốt.