Giáo dục thẩm mỹ

Một phần của tài liệu Nhân vật trẻ thơ trong truyện cổ tích và ý nghĩa giáo dục đối với học sinh tiểu học (Trang 90)

Giáo dục thẩm mỹ bắt đầu từ sự tri giác cái đẹp, cảm thụ cái đẹp, hiểu cái đẹp theo cách người ta thường nói về nghệ thuật. Sự tri giác cái đẹp được hiểu là quá trình cảm thụ cái đẹp mà kết quả của nó là những rung cảm thẩm mỹ, những tình cảm thẩm mỹ.

Cũng như mọi dân tộc khác trên thế giới, người Việt Nam luôn trân trọng cái đẹp và giàu có xúc cảm thẩm mỹ. Điều này thể hiện khá đậm nét trong những truyện cổ tích Việt Nam. Các nhân vật trẻ thơ trong truyện cổ tích là hiện thân của cái đẹp. Chúng được tác giả dân gian gửi gắm những quan niệm đẹp về đạo lí, về tình người.

Hình tượng các nhân vật trong truyện cổ tích là sự kết hợp của nhiều yếu tố, song cái đẹp cũng đóng góp vào sự hình thành cũng như sự hoàn thiện hình tượng nhân vật đó.

Cảm quan thẩm mỹ dân gian không thừa nhận cái đẹp thuần túy ở hình thức mà cái đẹp đi liền với cái tốt, cái thiện. Chính vì vậy, trong mỗi câu chuyện cổ tích, các nghệ sĩ dân gian đã xây dựng các hình tượng nhân vật với một “loại tính”, “lí tưởng”: hiếu thảo, thông minh, nghị lực, nhẫn nại… Đó là

cái đẹp của phẩm chất và tài trí.. Chẳng hạn, nhân vật cô bé trong truyện

Bông hoa cúc trắng, tuy còn nhỏ tuổi nhưng đã hiểu được đạo lý làm người. Khi người mẹ ốm, cô bé đã bên cạnh chăm sóc mẹ ngày đêm không sợ vất vả. Không ngại gió rét, khi trên người chỉ có manh áo mỏng, cô bé đã đi kiếm bông hoa về làm thuốc cho mẹ, mong mẹ khỏi ốm. Khi chỉ biết mẹ sống được hai mươi ngày nữa, cô đã xé từng cánh hoa ra thành nhiều cánh để mẹ cô có thể sống được thêm nhiều ngày hơn. Tấm lòng hiếu thảo đó của cô bé cảm động tới trời xanh.

Nét đẹp tâm hồn của các nhân vật trẻ thơ trong truyện cổ tích không chỉ được thể hiện ở sự chăm chỉ, ở tấm lòng hiếu thảo mà còn thể hiện ở sự bình tĩnh, trí thông minh, dù ở hoàn cảnh nào cũng hóa giải được. Trong truyện

Cậu bé thông minh, sự bình tĩnh, tài trí của em đã giúp cả làng thoát tội, đồng thời giúp cậu bé khiến nhà vua phải thán phục. Cậu bé được trọng thưởng và được gửi vào trường học để trở thành nhân tài cho đất nước.

Khắc họa các nhân vật như thế, dân gian muốn thắp sáng lên ước mơ đẹp về con người mang giá trị chân, thiện mĩ. Các nét đẹp đó khiến các nhân vật trở nên hoàn thiện hơn. Các em học sinh thấy ở những nhân vật trong văn chương sự hấp dẫn, sự khích lệ.

Vì yêu quý và trân trọng cái đẹp, tác giả dân gian muốn thông qua các nhân vật trẻ thơ trong cổ tích gợi lên cho trẻ những ước mơ, những mong muốn hướng tới cái đẹp. Truyện cổ tích đưa học sinh đến với cái thiện, cái tốt, lên án cái ác, cái xấu. Trong truyện cổ tích, giấc mơ về một thế giới tươi sáng

hơn, một thế giới công bằng bác ái, một thế giới không còn tình trạng người bóc lột người được thể hiện rõ qua phần kết của cổ tích thần kì. Trong truyện

Lươn thần và cậu bé nghèo khổ, em bé và người bà già yếu có cuộc sống nghèo khổ, thiếu thốn. Tuy nhiên, một đứa trẻ giàu tình thương, nhẫn nại đã được lươn thần giúp đỡ có cuộc sống tốt hơn. Cuối truyện, hai bà cháu sống bên nhau sung túc đầy đủ, còn người ông cậu tham lam nhận lấy cái chết. Hay trong truyện Sự tích chim đa đa, hai anh em Sim và Sam mồ côi cha mẹ, nương tựa vào nhau mà sống qua ngày. Cuộc sống nghèo khổ dưới túp lều chỉ che được nắng không che được mưa tưởng chừng như thể không vượt qua nổi. Nhưng với tấm lòng thương yêu, quý trọng mọi người đặc biệt là hai em đã cứu giúp bà cụ già (bà Tiên) đã thay đổi cuộc sống của minh. Các em đã có được cuộc sống tốt hơn trước rất nhiều nhờ có bà Tiên giúp đỡ.

Có thể thấy, sự nghiêm minh và tấm lòng bao dung, nhân hậu của người sáng tác truyện đã dành cho trẻ thơ để làm nên những lời kể xúc động. Trong các truyện cổ tích luôn chứa đựng cái đẹp của lòng tốt và cái thiện. Đó là giá trị của họ, là sức sống của họ. Những con người nghèo khổ, bất hạnh đã không trả thù, không trừng phạt những người đã gây ra biết bao đau khổ cho mình. Đó là những con người luôn trân trọng tình thương yêu con người. Dù phải đánh đổi lấy bất cứ thứ gì thì họ vẫn luôn đặt tình người lên trên.

Như vậy, nội dung phản ánh của tryện cổ tích khá phong phú và sinh động. Nó thể hiện một cách chân thực đời sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân lao động chứa đựng trong những nội dung ấy là bài học luân lý đạo đức, bài học về tình người, về cách sống là khát vọng vươn tới những điều tốt đẹp.

Tiểu kết chương 3

Truyện cổ tích là món quà mà người nghệ sĩ dân gian tặng cho trẻ thơ. Những trang văn có mặt trong sách Tiếng Việt của học sinh Tiểu học. Ngoài việc hình thành, phát triển kỹ năng nghe, nói, đọc, viết hay bồi dưỡng đạo đức thông qua câu chuyện chúng còn hướng tới giáo dục các em nhận thức về một xã hội còn những bất công, những mảnh đời bất hạnh. Thông qua truyện, những bài học nhận thức và giáo dục đi vào thế giới tình cảm của trẻ thơ rất tự nhiên nhẹ nhàng mà thấm thía.

Bằng thống kê, khảo sát, phân tích luận văn đã chỉ ra vị trí, ý nghĩa của việc dùng văn bản truyện cổ tích trong sách Tiếng Việt Tiểu học. Ở đó, cho thấy tác dụng giáo dục về nhận thức, đạo đức, thẩm mỹ và năng lực văn, Tiếng Việt cho học sinh.

Về mặt giáo dục nhận thức, ngoài việc hình thành và phát triển các kĩ năng sử dụng tiếng Việt, còn hướng tới giáo dục các em nhận thức về một xã hội còn nhiều bất công, những mảnh đời bất hạnh hay nhận thức rõ hơn về những đạo lí của cuộc sống.

Về mặt bồi dưỡng năng lực Văn – Tiếng Việt. Thông qua việc khảo sát truyện cổ tích được đưa vào chương trình dạy học môn Tiếng Việt ở Tiểu học. Chúng tôi nhận thấy, thông qua các phân môn (Tập đọc, Tập làm văn, Kể chuyện, Luyện từ và câu, Chính tả), các câu chuyện được triển khai với mục đích nhất định. Chúng có thể giúp hình thành, bồi dưỡng trí tưởng tượng, hay hình thành và phát triển năng lực ngôn ngữ, giáo dục đạo đức, giáo dục thẩm mỹ cho học sinh.

KẾT LUẬN

Mỗi nhà văn khi lựa chọn một hình thức thể loại văn học để thể hiện nội dung tác phẩm của mình đều hàm chứa những dụng ý của tác giả nhằm thu hút hứng thú đối với người đọc. Truyện cổ tích là người bạn mấy trăm năm nay của nhân loại, trong đó có trẻ thơ. Truyện cổ tích đặc phù hợp với tâm lý lứa tuổi, trình độ nhận thức và trí tưởng tượng của các em.

1. Truyện cổ tích với những chủ đề, nội dung khá phong phú, với những nhân vật, những màu sắc khác nhau của chúng nhìn chung đều hướng về con người và xoay quanh vấn đề giáo dục đạo đức cho các em: lòng yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước, yêu thương con người, tình cảm mẹ con, anh em bạn bè, ý thức tập thể, học tập lao động và rèn luyện các đức tính thật thà, dũng cảm, yêu điều thiện, ghét điều ác.

2. Mỗi một câu chuyện luận văn khảo sát là những thanh âm trong trẻo về phẩm chất và tình người. Qua khảo sát chúng tôi nhận thấy, nhân vật là trẻ thơ trong lời kể cổ tích đa số là những em bé có hoàn cảnh bất hạnh, côi cút, nghèo khổ, lang thang cô đơn nhưng vẫn kiên cường vươn lên trong cuộc sống.

Bên cạnh đa số những mảnh đời bất hạnh đó, thì một số ít những trẻ thơ có cuộc sống hạnh phúc, tràn đầy tình thân, những nhân vật này như một chút màu sáng làm bớt đi cái u tối của cuộc sống trẻ thơ trong cổ tích.

Nhân vật trẻ thơ trong truyện cổ tích có những phẩm cách đáng quý. Nhiều nhân vật trẻ thơ là những em nhỏ chịu thương, chịu khó, nhẫn nại tình cảnh cơ khổ trong cuộc đời kiếm sống nuôi thân và người ruột thịt. Các em cũng hiếu thảo, thật thà, giàu tình thương yêu, thông minh, tài trí, lanh lợi. Thấp thoáng, cũng có những em bé không ngoan, không vâng lời cha mẹ,

ham chơi. Đấy cũng là sự thực vốn có ở ngoài cuộc đời. Loại nhân vật này khiến thế giới nhân vật trẻ thơ trong truyện cổ tích gần gũi, khách quan hơn.

Xây dựng nhân vật trẻ thơ, đem về cho nhân vật cuộc sống tốt đẹp ở phần kết của truyện, nghệ sĩ dân gian thể hiện cái nhìn yêu thương, trìu mến, nhân đạo đối với nhân vật.

Nghệ thuật xây dựng nhân vật trẻ thơ trong lời kể cổ tích cũng là một phần nội dung của chương 2.

Thứ nhất, nghệ thuật xây dựng nhân vật trẻ thơ trong mối quan hệ với hoàn cảnh. Đặt nhân vật trong những hoàn cảnh bất thường, người nghệ sĩ dân gian nhấn mạnh tới thân phận bất hạnh của trẻ thơ. Những hoàn cảnh đó đã góp phần làm sáng rõ phẩm chất nhân vật. Khi hoàn cảnh thay đổi, số phận nhân vật cũng thay đổi theo. Để phản ánh cuộc sống với những mâu thuẫn của nó, phản ánh những con người với những sự việc khác nhau do hoàn cảnh, thân phận khác nhau tạo nên.

Thứ hai, nghệ thuật khắc họa nhân vật qua hành động. Đây là, biện pháp báo hiệu của cổ tích. Hành động của nhân vật trẻ thơ thể hiện phẩm chất, loại tính của nhân vật; qua hành động thấy được tình cảm, thái độ của nhân vật đối với những loại người khác nhau.

Thứ ba, nghệ thuật sắp xếp gắn kết nhân vật. Với đối tượng là những nhân vật trẻ thơ mồ côi, nghèo khổ, hầu như nghệ sĩ dân gian lựa chọn mối quan hệ đối lập (thiện – ác, tốt – xấu, nghèo khổ - giàu có,…). Ngoài ra, người kể còn sử dụng lực lượng thần kì để phù trợ khi các nhân vật trẻ thơ gặp rủi ro hay tai họa được giải cứu.

3. Cổ tích là thể loại văn học có khả năng thực hiện tốt trên hai phương diện giáo dục và giải trí. Thông qua truyện, những bài học nhận thức và giáo dục đi vào thế giới tình cảm của trẻ thơ rất tự nhiên nhẹ nhàng mà thấm thía.

Bằng thống kê, khảo sát, phân tích luận văn đã chỉ ra vị trí, ý nghĩa của việc dùng văn bản truyện cổ tích trong sách Tiếng Việt Tiểu học. Ở đó, cho thấy tác dụng giáo dục về nhận thức, đạo đức, thẩm mỹ và năng lực văn, Tiếng Việt cho học sinh.

Về mặt giáo dục nhận thức, ngoài việc hình thành và phát triển các kĩ năng sử dụng tiếng Việt, còn hướng tới giáo dục các em nhận thức về một xã hội còn nhiều bất công, những mảnh đời bất hạnh hay nhận thức rõ hơn về những đạo lí của cuộc sống.

Về mặt bồi dưỡng năng lực Văn – Tiếng Việt. Thông qua việc khảo sát truyện cổ tích được đưa vào chương trình dạy học môn Tiếng Việt ở Tiểu học. Chúng tôi nhận thấy, thông qua các phân môn (Tập đọc, Tập làm văn, Kể chuyện, Luyện từ và câu, Chính tả), các câu chuyện được triển khai với mục đích nhất định. Chúng có thể giúp hình thành, bồi dưỡng trí tưởng tượng, hay hình thành và phát triển năng lực ngôn ngữ, giáo dục đạo đức, giáo dục thẩm mỹ cho học sinh.

Như vậy, người giáo viên có thể áp dụng những hiểu biết về nhân vật trẻ thơ trong truyện cổ tích vào qúa trình giảng dạy các phân môn để tạo hứng thú cho học sinh khi học các giờ thuộc phân môn Tiếng Việt.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lại Nguyên Ân (Biên soạn) (1999), 150 thuật ngữ văn học. NXB ĐHQG, Hà Nội.

2. Trần Mạnh Hưởng (2011), Luyện tập về cảm thụ văn học ở Tiểu học, NXB Giáo dục Việt Nam.

3. Chu Xuân Diên, Lê Chí Quế (1987), Văn học dân gian Việt Nam

(Tập 1), NXB Giáo dục, Hà Nội.

4. Chu Xuân Diên, Lê Chí Quế (1987), Văn học dân gian Việt Nam

(Tập 2), NXB Giáo dục, Hà Nội.

5. Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức (1979), Nhà văn Việt Nam, NXBĐH & THCN, Hà Nội.

6. Hà Minh Đức (Chủ biên) (1996), Lý luận văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội.

7. Đặng Thị Lanh (chủ biên) (2007), Tiếng Việt 1 (Tập 1 và 2), NXB Giáo dục, Hà Nội.

8. Lã Thị Bắc Lý (2004), Văn học thiếu nhi, NXBĐHSP.

9.Phương Lựu (2005), Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, NXBĐHSP, Hà Nội.

10. Nguyễn Cừ (1994), Truyện cổ tích Việt Nam (Truyện hay – chọn lọc) (tập 1) NXBVH, Hà Nội.

11. Nguyễn Cừ (1994), Truyện cổ tích Việt Nam (Truyện hay – chọn lọc) (tập 2), NXBVH, Hà Nội.

12. Nguyễn Cừ (1994), Truyện cổ tích Việt Nam (Truyện hay – chọn lọc) (tập 3), NXBVH, Hà Nội.

13. Nguyễn Cừ (1994), Truyện cổ tích Việt Nam (Truyện hay – chọn lọc) (tập 4), NXBVH, Hà Nội.

14. Nguyễn Đổng Chi (1999), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (Tập 1), NXBVNTPHCM.

15. Nguyễn Đổng Chi (1999), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (Tập 2), NXBVNTPHCM.

16. Nguyễn Đổng Chi (1999), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (Tập 3), NXBVNTPHCM.

17. Nguyễn Đổng Chi (1999), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (Tập 4), NXBVNTPHCM.

18. Nguyễn Đổng Chi (1999), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (Tập 5), NXBVNTPHCM.

19. Nguyễn Minh Thuyết (Chủ biên) (2007), Tiếng Việt 2 (Tập 1 và 2), NXB Giáo dục. Hà Nội.

20. Nguyễn Minh Thuyết (Chủ biên) (2007), Tiếng Việt 3 (Tập 1 và 2), NXB Giáo dục. Hà Nội.

21. Nguyễn Minh Thuyết (Chủ biên) (2007), Tiếng Việt 4 (Tập 1 và 2), NXB Giáo dục. Hà Nội.

22. Nguyễn Minh Thuyết (Chủ biên) (2007), Tiếng Việt 5 (Tập 1 và 2), NXB Giáo dục. Hà Nội.

23. Đỗ Bình Trị (1999), Những đặc điểm thi pháp của các thể loại văn học dân gian, NXB Giáo dục, Hà Nội.

24. Lê Thu Yến (2000), Truyện cổ tích về các loài vật, NXB Giáo dục, Hà Nội.

25. Trần Đức Ngôn, Dương Thu Hương (1998), Giáo trình văn học thiếu nhi Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội.

26. Nhiều tác giả (1984), Từ điển văn học, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

27. Vân Thanh, Nguyên An (2002), Bách khoa thư – Văn học thiếu nhi Việt Nam (Tập 1) – Tổng quan, NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội.

28. Hoàng Tiến Tựu (1998), Văn học dân giân Việt Nam (Tập 1), NXB Giáo dục, Hà Nội.

29. Hoàng Tiến Tựu (1998), Văn học dân giân Việt Nam (Tập 2), NXB Giáo dục, Hà Nội.

Một phần của tài liệu Nhân vật trẻ thơ trong truyện cổ tích và ý nghĩa giáo dục đối với học sinh tiểu học (Trang 90)