Trước hết là về số lượng. Qua 9 tập truyện khảo sát, chúng tôi thấy, số truyện có nhân vật trẻ thơ là nhân vật trung tâm chiếm số lượng không nhiều: 15 truyện. Điều này cho thấy tác giả dân gian chưa lấy nhân vật trẻ thơ làm đối tượng cho lời kể.
Thứ hai, nhân vật trẻ thơ chỉ xuất hiện trong hai biến thể cổ tích thần kỳ và cổ tích sinh hoạt.
Thứ ba, những truyện về nhân vật trẻ thơ cũng hòa chung trong dòng chảy cổ tích. Truyện thể hiện giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo, giá trị thẩm mỹ, giá trị giáo dục của truyện đối với các em học sinh.
Dù gắn với đề tài gia đình hay đề tài xã hội thì ý nghĩa xã hội (nội dung) của truyện cổ tích cũng rất sâu sắc, có khuynh hướng ca ngợi, bênh vực cái thiện (những nhân vật bất hạnh, nghèo khổ, ..), thể hiện tinh thần nhân đạo cao cả. Những truyện được khảo sát trong đề tài cũng thể hiện nội dung đó, những nhân vật trẻ thơ bất hạnh, mồ côi, nghèo khổ, chịu nhiều thiệt thòi nhưng có phẩm chất cao quý và rồi được giúp đỡ như: Truyện Chiếc bật lửa thần, Hai ông trạng nhỏ, …
Bên canh đó, những truyện cổ tích được khảo sát còn cho thấy sự bế tắc của tầng lớp nghèo khổ trong xã hội cũ. Nhân vật đàn em, bề dưới (trẻ thơ) có đạo đức thường bị thua thiệt, thiệt thòi. Số phận của các nhân vật trẻ thơ trong truyện cổ tích cũng bi thảm (Sự tích chim Hit Cô, Sự tích tiếng kêu ác ác,… ). Đây chính là thực trạng trong đời sống gia đình và xã hội có giai cấp, có áp bức giai cấp.
Ngoài ra, truyện cổ tích còn nói lên triêt lý sống, đạo lý làm người và ước mơ công lý của nhân dân. Triết lý sống trước hết đó chính là lòng yêu thương quý trọng con người, từ đó yêu đời, tin vào cuộc đời cho dù cuộc sống
hiện tại đầy đau khổ nhưng vẫn luôn hướng về cuộc sống ngày mai tốt đẹp. Những truyện kể về nhân vật trẻ thơ cũng vậy. Có những kết thúc vui, những đứa trẻ bất hạnh, nghèo khổ có cuộc sống tốt đẹp hơn (Chiếc bật lửa thần, Lươn thần và cậu bé nghèo khổ)
Tiểu kết chương 1
Truyện cổ tích là một loại truyện kể chứ không phải truyện tả. Truyện mang tính chất truyền miệng, nó là loại sáng tác có tính tập thể của nhân dân. Thuộc loại hình tự sự dân gian, cổ tích có những đặc điểm riêng so với các thể loại tự sự khác. Truyện cổ tích khai thác những mảng đề tài khác nhau trong đời sống nhân sinh.
Truyện cổ tích Việt Nam là những truyện truyền miệng dân gian kể lại những câu chuyện tưởng tượng xoay quanh một số chủ đề như nhân vật tài giỏi, nhân vật dũng sĩ, người mồ côi, người em út, người con riêng, người nghèo khổ, người có hình dạng xấu xí, người thông minh, người ngốc nghếch và cả những câu chuyện kể về các con vật nói năng và hoạt động như con người.
Thông qua khảo sát chúng tôi nhận thấy, truyện cổ tích có nhân vật trẻ thơ là nhân vật trung tâm chiếm số lượng không nhiều. Điều này cho thấy tác giả dân gian chưa lấy nhân vật trẻ thơ làm đối tượng cho lời kể.
CHƯƠNG 2
THẾ GIỚI TRẺ THƠ TRONG TRUYỆN CỔ TÍCH CỦA NGUYỄN ĐỔNG CHI VÀ NGUYỄN CỪ
2.1. Phân loại nhân vật trẻ thơ