2.5.1. Ưu điểm
- Tính pháp lý:
Đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế và của một số quốc gia khác trên thế giới nhằm xác định điều kiện, mục tiêu vận dụng phù hợp với môi trường kinh tế hiện tại của Việt Nam. Cho đến nay, Bộ Tài Chính đã ban hành 26 chuẩn mực áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các DNNVV có quy mô nhỏ, có những nghiệp vụ không phát sinh hoặc quá phức tạp không phù hợp với DNNVV nên các DNNVV được áp dụng có chọn lọc các chuẩn mực kế toán chung. Đó là Bộ Tài Chính xây dựng chếđộ kế toán doanh nhiệp nhỏ và vừa theo Quyết định 48/2006/QĐ – BTC, trên cơ sở áp dụng đầy đủ 7 chuẩn mực thông dụng, áp dụng không đầy đủ 12 chuẩn mực và không áp dụng 7 chuẩn mực.
Việc áp dụng này nhằm đảm bảo một khung pháp lý thống nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thuận lợi cho công tác quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực kế toán cũng như việc chấp hành chuẩn mực kế toán trong các doanh nghiệp, đảm bảo hệ thống kế toán Việt Nam luôn phù hợp với thông lệ kế toán quốc tế. Đồng thời cũng là giải pháp hiệu quả trước mắt đảm bảo khung pháp lý đầy đủ về hoạt động kế toán cho các doanh nghiệp này.
- Tính ứng dụng:
Hệ thống chuẩn mực kế toán có chọn lọc này dễ áp dụng, các chuẩn mực phức tạp đã được loại trừ, phù hợp với các DNNVV ở Việt Nam.
Căn cứ vào “Chế độ kế toán DNNVV” đã ban hành, các DNNVV áp dụng chế độ kế toán, các quy định cụ thể về nội dung, cách vận dụng hệ thống tài khoản, chứng từ, sổ kế toán, hình thức sổ kế toán và báo cáo tài chính phù hợp với đặc điểm sản xuất, kinh doanh, yêu cầu quản lý từng lĩnh vực hoạt động, từng loại hình doanh nghiệp.
Việc xây dựng và áp dụng hệ thống chuẩn mực kế toán đã hình thành một sân chơi bình đẳng, đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp cũng như cho nền kinh tế của quốc gia. Chuẩn mực kế toán được xem là một thước đo phản ánh kết quả sản xuất, kinh doanh và hoạt động tài chính của các doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý tài chính.
Như vậy, hệ thống chuẩn mực kế toán ra đời với mục tiêu là tạo ra các báo cáo tài chính trung thực, hợp lý, nâng cao tính công khai, minh bạch và có thể so sánh được với nhau, không những đối với các DNNVV ở Việt Nam mà bao gồm các DNNVV trên thế giới. Các chuẩn mực kế toán này sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư ở Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế, để các nhà đầu tư Việt Nam có thểđầu tư ra bên ngoài và ngược lại, đồng thời giúp các nước trên thế giới hiểu rõ hơn về kinh tế Việt Nam. Qua đó cũng góp phần đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu của Việt Nam; tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư góp phần thúc đẩy sự phát triển của quốc gia.