Từ thực trạng mô hình trồng mía của nông hộ tại huyện Phụng Hiệp tỉnh Hậu Giang cho thấy một số tồn tại và nguyên nhân sau:
Nông dân tham gia vào mô hình sản xuất chủ yếu theo truyền thống và do đất đai phù hợp. Do hạn chế về trình độ học vấn cũng như công tác khuyến nông và tập huấn kỹ thuật, nên năng suất và chất lượng mía chưa đạt hiệu quả tối đa. Cũng như một số loại cây trồng, vật nuôi khác, cây mía đã nhận được nhiều chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, đến nay cây mía vẫn chưa thể thoát ra được cái vòng lẩn quẩn của điệp khúc “được mùa mất giá”. Nhất là trong vụ mùa năm 2012, ngành mía đường tiếp tục điêu đứng với tình trạng đường nhập lậu từ Trung Quốc và Thái Lan. Những nước này có diện tích trồng mía tương đối lớn. Việc Thái Lan đẩy mạnh xuất khẩu đường với giá thấp làm cho ngành mía đường Việt Nam không chỉ cạnh cạnh tranh về giá mà còn cạnh tranh về chất đường sản phẩm. Bên cạnh đó, những năm gần đây, người trồng mía phải chịu ảnh hưởng từ thời tiết và khí hậu diễn biến phức tạp. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh, sâu hại tấn công là mối đe dọa lớn trong mô hình trồng mía của nông dân cùng với năng suất bị ảnh hưởng thì khả năng người trồng mía có lãi là rất thấp. Tất cả những vấn đề trên đòi hỏi chúng ta cần có những giải pháp thiết thực nhằm tận dụng, phát huy điểm mạnh và khắc phục, hạn chế khó khăn để giúp cho mô hình sản xuất đạt được hiệu quả và phát triển bền vững hơn.