Tư tưởng giáo dục mang tính cấp tiến

Một phần của tài liệu Tư tưởng canh tân giáo dục của Nguyễn Trường Tộ - giá trị của nó với giáo dục Việt Nam hiện nay (Trang 71)

Trong bối cảnh đất nước chìm đắm trong sự bảo thủ, lạc hậu, lại đang bị bọn thực dân Pháp tiến hành chiến tranh xâm lược, trong tình hình thực tế là triều đình phong kiến đương thời tỏ ra vô cùng lúng túng và bất lực trước mọi đòi hỏi của vận mệnh đất nước, những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ và những người khác xuất hiện như là một hiện tượng đột biến, rất đặc sắc, mang tính cấp tiến.

Trong tư tưởng canh tân giáo dục của Nguyễn Trường Tộ, ông rất quan tâm đến tính hữu dụng của môn học. Phải học những kiến thức mà ngày nay cần, cho nên ông phê phán rất nhiều lối học từ chương và đưa ra lối học thực dụng. Ông đề cao vai trò của giáo dục tự nhiên trên cơ sở so sánh với các môn học xã hội, đây chính là điểm tiến bộ phù hợp với giáo dục nước ta hiện nay trong việc phát triển toàn diện kiến thức cho người học tránh học lệch, học tủ… Ngoài ra ông đề cao giáo dục nghề, ông chú trọng nghề nông, nghề làm lâm nghiệp, thuỷ lợi. Bên cạnh đó, Nguyễn Trường Tộ còn quan tâm đến đào tạo nhân lực trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Ông cho rằng, những kiến thức khoa học công nghệ rất quan trọng là chìa khoá đưa những máy móc thiết bị tiên tiến trên thế giới vào Việt Nam, thúc đẩy kinh tế nước ta phát triển.

Nguyễn Trường Tộ có một tư duy sắc sảo trong việc đề ra những biện pháp phát triển kinh tế và giáo dục của đất nước, nhưng ông không lơ là việc giáo dục những người lính nước ta luyện tập để có tiềm lực quốc phòng vững

mạnh tạo điều kiện cho nước ta giành độc lập khi thời cơ đến.

Trong việc nghiên cứu toàn bộ những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ, việc tìm hiểu những đề nghị cải cách về việc học thuật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì nó không đơn thuần là việc học và học thuật mà nó còn giúp vào việc tìm hiểu phương pháp tư duy chứa đựng những yếu tố biện chứng của ông.

Ông phê phán lối học từ chương ở các khía cạnh khác nhau và nhấn mạnh sự cần thiết phải chú ý tới mặt “hành” trong học tập. Ông chủ trương thay thế lối học từ chương bằng lối học thực dụng.

Trong quan điểm lối học thực dụng, Nguyễn Trường Tộ đã giải quyết thấu đáo về mối quan hệ giữa các khoa học tự nhiên và các khoa học xã hội. Lúc bấy giờ nước ta chưa có khái niệm khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội. Trong bản điều trần tháng 9/1866, Nguyễn Trường Tộ nhấn mạnh việc học ở vạn vật (tức là học tự nhiên) vì “Tạo vật là vị thầy vĩ đại của muôn dân”, vì “Phàm những việc học tập đều là những cái mà tạo hoá dạy cho, phàm những tri thức đều là sức hiểu biết những cái mà tạo hoá hình thành, phàm những công việc làm đều là nhân những cái do tạo hoá đó tạo ra, phàm những cái đó có được đều là hưởng những cái mà tạo hoá đã để lại”. vì “Học những gì thực tế thì sẽ có thực dụng, học những cái vụn vặt thì chỉ được những cái vụn vặt, trồng đậu được đậu, đó là cái lẽ tự nhiên, không ai có thể làm trái đạo lý đó được” [2, tr.193], và vì “Hiện nay các nước phương Tây, tất cả những khí cụ kỹ lạ, không có cái gì là không dựa vào sức tự nhiên của trời đấy để làm” [2, tr.193].

Đến bản điều trần tháng 11/1867, Nguyễn Trường Tộ đã bổ sung thêm vào nội dung như sau: cần phải học thêm thiên văn, địa lý, lịch sử nước nhà xưa và nay, cần phải học tập để biết các chiếu chỉ, sớ, dụ, các công cụ của các bộ binh, hình, lại lễ… và cả các phong tục tập quán của dân ta nữa. Sự bổ sung này đã tạo nên sự cân đối giữa tri thức về tự nhiên và xã hội. Tuy nhiên,

ông vẫn cho rằng học tự nhiên thì thiết thực hơn học khoa học xã hội.

Nguyễn Trường Tộ còn chú ý việc áp dụng những tri thức khoa học cơ bản với những tri thức nghề nghiệp cụ thể. Qua bản điều trần của ông, chúng ta thấy Nguyễn Trường Tộ nhấn mạnh tri thức nghề nghiệp hơn tri thức khoa học cơ bản. Chúng ta luôn thấy ông nhắc tới “cái tài nghệ”, nhiều nghề, “cơ xảo”, “máy móc”, phương pháp và kinh nghiệm trồng trọt, phương pháp và kinh nghiệm chăn nuôi, phương pháp chài lưới ghe thuyền, phương pháp dĩ tìm kim loại, kỹ thuật dệt, sử dụng súng đạn… tức là những cái mà ông cho là thiết thực để làm giàu đất nước.

Tư tưởng coi trọng tri thức nghề nghiệp của Nguyễn Trường Tộ rất gần với khái niệm “Huấn luyện bách khoa” của Mác và tư tưởng về việc dạy nghề của Lênin: “Chúng ta nghèo, chúng ta cần có thợ mộc, thợ nguội ngay tức khắc. Tuyệt đối tất cả phải trở thành những thợ mộc, thợ nguội….nhưng phải dạy thêm một số tối thiểu kiến thức phổ thông và kỹ thuật tổng hợp”.

Nguyễn Trường Tộ không chỉ đề cao vai trò của giáo dục khoa học tự nhiên, coi trọng giáo dục nghề mà ông còn đặc biệt quan tâm giáo dục quốc phòng. Vì dưới thời kỳ nhà Nguyễn, nhất là cuối triều Minh Mạng đến triểu Tự Đức, quan điểm nho giáo trọng văn khinh võ là rất phổ biến. Ở triều đình cũng như ở hương thôn, quan văn và nho sỹ bao giờ cũng được coi trọng hơn là quan chức võ bền. Nguyễn Trường Tộ ví văn như chiếc áo đẹp, võ được ví như khí huyết cường tráng. Người không có khí huyết thì chết, có áo tốt cũng vô dụng. Ông là một trong những người đầu tiên khuyên nhà vua và triều đình phải coi trọng võ bị hơn nữa.

Cùng thời với ông, mặc dù không phải là quan võ nhưng Đặng Huy Trứ đã có nhiều kiến nghị đổi mới về quân sự. Khi Pháp nổ súng ở cửa biển Đà Nẵng, ngày 01/9/1858, chính thức tiến hành cuộc xâm lược Việt Nam thì quân đội triều đình vẫn đang trong tình trạng “quân sĩ hèn nhát do chưởng quan vô năng và cũng vô quyền, quân sĩ nhiều người không có lương bổng gì” [17,

tr.22]. Chống lại tư tưởng "trọng văn khinh võ", nhấn mạnh tầm quan trọng của việc binh trong mối quan hệ giữa quân sự, quốc phòng với sản xuất, Đặng Huy Trứ viết: "Cấy cày và canh củi là gốc của cơm áo. Nhưng nếu không hiểu việc binh để giữ lấy thì dù có thừa thóc trong kho, thừa vải trên khung cửi cũng bị kẻ địch lấy đi " [33, tr.506]. Ông cho rằng: "Quân đội là nanh vuốt có quan hệ đến sự thắng bại, nhưng nhân dân mới là huyết mạch quyết định sự an nguy của đất nước" [33, tr.501].

Tuy nhiên, tư tưởng về quân sự của Nguyễn Trường Tộ mang tính toàn diện và hệ thống hơn. Trong bản điều trần “Tế cấp bát điều”, viết năm 1867, ông đã nêu lên tám kiến nghị có tầm chiến lược, mà điều kiến nghị số một là “Cấp thời cải tu võ bị”.

Trước hết ông đề cao giáo dục trong lĩnh vực quân sự, vì vậy ông đề xuất một loạt kiến nghị có ý nghĩa chính sách như sau:

Thứ nhất, ông coi trọng lý thuyết quân sự. Ông viết: “Cần nghiên cứu các võ thư cổ và kim, soạn lại thành sách và ban bố cho quan quân học tập” [2, tr.233]. Với ông, lý thuyết quân sự có sáu điều cần làm cho sĩ quan nắm vững: “Lý thuyết công và thủ. Cách phân tích địch ta khi lâm trận. Lý thuyết về lập thành luỹ, đồn lương ở các địa hình khác nhau. Mối quan hệ giữa địch tình và binh thế. Khoa vẽ địa đồ quân sự, khoa vận dụng cơ xảo, máy móc vào việc đánh trận”.

Nguyễn Trường Tộ không hạn chế lý thuyết quân sự vào những điều đã có sẵn trong sách vở Đông, Tây. Ông còn lưu tâm đến sự sáng tạo của những người cầm quân, người đánh giặc, để tổng kết thành lý thuyết. Ông viết: “Những ai có tài lạ, thuật lạ, có sự khéo léo và trí quyền biến giỏi giang đều nên tập hợp lại, cũng nhau khảo cứu đề mà chép thêm vào trong sách binh thư của nước Nam mình”.

Ông cũng rất coi trọng những người lính. Khi chứng kiến cảnh sống của những người lính nước Nam, Nguyễn Trường Tộ bình luận: “Cho ăn không đủ

no mà mong người ta không nề hà nguy hiểm, đãi lính như nô tù mà mong lính xả thân, coi nhẹ cái chết sao được”. Tuy nhiên theo ông coi trọng người lính không phải chỉ ở chỗ cho ăn no, lương thưởng đủ, mà còn ở chỗ thái độ đối xử. Không nên bắt lính làm việc hầu hạ quan… vì khi ông đọc những sách sử của thời Napolêông đệ nhất, ông thấy rằng ở trong quân đội phương Tây, sự sỉ nhục, ngược đãi người lính không có hoặc rất ít. Lính và quan nên chia sẻ dựa vào nhau, nhường nhịn nhau, cùng chung niềm vui, đau khổ…

Về cơ bản, các đề xuất cải cách quân sự của Nguyễn Trường Tộ được thể hiện trên các mặt sau:

Nâng cao trình độ học vấn của quân lính: Muốn làm được điều đó phải có một nền giáo dục tốt, chính sách giáo dục phù hợp, nếu không “phong tục sẽ ngày một bại hoại, lòng người sẽ ngày một giả dối, phù phiếm, trống rỗng”. Ông viết: “Đại phàm bản tính người ta, nếu chỉ bằng vào tư chất thông minh của mình mà không chịu học tập thì so với người tầm thường nhưng có học vấn cứ phải thua họ rất xa” [2, tr.230].

Nguyễn Trường Tộ cho rằng cần nâng cao chất lượng quân lính bằng việc “chọn lấy tráng binh tuổi từ 20 trở lên, chưa có gia đình. Ngoài ra phải thải bớt lính già yếu, bớt đi một nửa lính, lấy số lương cấp gấp đôi cho tráng binh còn lại”. Phải thường xuyên rèn luyện quân sự bởi “việc võ thực là rất khó. Học khó, hành khó” cho nên “học được cái gì, đem ra tập luyện cái ấy”. “Phàm là lính hãy để cho họ chuyên luyện tập mà không sai làm việc tạp dịch khác”. Việc thường xuyên diễn tập quân sự không chỉ nâng cao kỹ năng chiến đấu mà thông qua việc “diễn tập công khai, dân chúng có thể học tập để tuyển dụng sau này”.

Theo ông, đào tạo đội ngũ tướng lĩnh giỏi, vì “tướng như tai mắt, lính như chân tay. Mắt mù, tai điếc mà điều khiển được chân tay là chuyện chưa hề có”. Việc xây dựng đội ngũ tướng lĩnh tập trung vào chất lượng chứ không thiên về số lượng, bởi “quan võ có tài, dù nhiều việc cũng thừa thì giờ giải

quyết, còn bất tài thì chính bản thân cũng không sắp xếp được, nói gì đến quản lý, điều khiển người khác. Cho nên phải thận trọng lựa chọn quan giỏi và thải bớt quan dở”, đồng thời “ thường kỳ phải khảo hạch kiến thức võ quan”.

Phải coi trọng kỷ luật quân đội, tạo tính nghiêm minh, thống nhất, do đó khi “có ra lệnh cho cấp dưới thì đó cũng là bổn phận cấp dưới phải làm, mà làm cũng dễ” và “bởi vì điều cần yếu là binh lính phải một lòng tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh, chứ không cần nhiều sĩ quan kiềm chế họ”. Hơn nữa triều đình cần có chính sách đãi ngộ quân đội một cách xứng đáng, nếu “cho ăn không đủ no mà mong người ta không nề hà nguy hiểm, đãi lính như nô tù mà mong lính xả thân, coi nhẹ cái chết thì sao được”. Nguyễn Trường Tộ chỉ ra kinh nghiệm của nước ngoài khi cho biết “các tráng binh bên Tây được ăn uống ngon lành, suốt đời hưởng lộc. Khi tại ngũ có lương dư thừa chu cấp cho cha mẹ, vợ con, anh em”, “nếu vì nước hi sinh, vợ sẽ được lãnh lương suốt đời”. Còn các tướng lĩnh, “quan võ nếu lập công với quốc gia thì được thăng cấp, hưởng mãi số lương theo cấp đó…”.

Tạo dựng mối quan hệ tốt giữa binh lính và tướng lĩnh. Nguyễn Trường Tộ phản đối thái độ coi thường người lính, “không nên bắt lính hầu hạ quan”, “không được sỉ nhục, ngược đãi binh lính”. Cần phải có sự đoàn kết, gắn bó vì “lính với cai đội, cai đội với tướng cũng như ngón tay với bàn tay, bàn tay với cánh tay, cánh tay với thân thể, có hòa hợp với nhau thì mới vận động được”. Do đó “binh lính có vui vẻ, hăng hái hay không là do lúc bình thường ta có tạo được tình cảm gắn bó ân nghĩa với nhau hay không”, “khi ra trận, khi gặp khó khăn thì quan và lính mới cùng chia sẻ vui buồn, dựa vào nhau”. Nếu không có sự đoàn kết, gắn bó thì “binh sĩ không có tinh thần chiến đấu, dù có phương pháp hay cũng trở thành bánh vẽ”, vì thế “không sợ giặc ngang tàng mà sợ lòng người rời rạc, lòng người rời rạc thì dù có thành trì bằng kim loại, có ao nước sôi cũng phải bỏ chạy. Ai ở đó mà chịu chết cho”.

ngoài bằng cách “rước những người phương Tây giỏi về quân sự...phối hợp với võ quan ta để luyện tập cho quân sĩ mỗi ngày…”, hoặc “nên mời quan Tây giỏi võ bị để dạy cho quan ta”. “Ngoài ra cũng phải mua các sách binh pháp thủy bộ của phương Tây dịch ra để mà tham khảo học tập”.

Coi trọng hoạt động tình báo vì “ta không thấu hiểu được tình hình thiên hạ, không hiểu rõ thời cơ của ta, của địch hư thực như thế nào, thành kiến thật kiên cố, không thể phá được”. Hoạt động tình báo rất quan trọng, “cài người của mình vào hàng ngũ địch để tìm hiểu tình hình của địch”, phải “lập mưu khéo léo ngăn chặn họ”, “tự mình phải hiểu rõ thế mạnh của ta, của người, nắm cho được cơ hội giao thiệp qua lại, từ đó để quyết định cho phù hợp… Đó là việc khó nhất trong các việc khó”. Tại những vùng địch kiểm soát ta phải “ngấm ngầm chuẩn bị lực lượng ngay trong địa bàn của địch, bí mật kết hợp với người sở tại để đánh úp địch”.

Có thể nói đề xuất cải cách giáo dục quân sự là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu của chương trình canh tân đất nước mà Nguyễn Trường Tộ gửi lên triều đình nhà Nguyễn. Với bổn phận và trách nhiệm của một người dân đối với đất nước, Nguyễn Trường Tộ mong muốn đóng góp một phần trí lực vào sự giàu mạnh, cường thịnh của dân tộc, của đất nước. Ông bộc bạch rằng: “Tôi mặc dầu tài có kém nhưng quả tim có thừa, không có phận nhưng có chí cho nên tai nghe, mắt thấy được gì, nó thúc giục như làm được việc lớn lao vậy. Tôi quyết không vì thế mà nản chí, thay lòng” [2, tr.233]. Tiếc rằng những đề xuất cải cách của ông cũng như của các nhân vật thức thời, tiến bộ khác đã không được triều Nguyễn chấp nhận; kết cục dẫn tới bi kịch “nước mất, nhà tan”, dân tộc ta phải chịu xiềng xích nô lệ gần 100 năm. Ngày nay, khi mở lại trang sử cũ, “ôn cố tri tân”, chúng ta không chỉ kinh ngạc và khâm phục tài năng của Nguyễn Trường Tộ mà còn thấy được rằng dù thời gian đã trôi qua nhưng những bài học, tầm nhìn sâu rộng của ông thể hiện trong từng kế sách còn nguyên giá trị cho cả hiện tại và tương lai.

Một phần của tài liệu Tư tưởng canh tân giáo dục của Nguyễn Trường Tộ - giá trị của nó với giáo dục Việt Nam hiện nay (Trang 71)