Thực dân Pháp chính thức tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam (1858). Những thất bại liên tiếp của quân triều đình và nhân dân ta đã làm cho một số trí thức và một số quan trọng triều bừng tỉnh, họ nhận ra sự lạc hậu của đất nước, sự bất lực của tư tưởng Nho giáo và thấy được phần nào sự cần thiết, cấp bách của việc canh tân. Khi các tư tưởng “đại nghĩa” của Nho giáo khai thác theo kiểu nhà Nguyễn không chiến thắng được sự hung tàn của vũ khí tư bản thực dân. Đại đồn Chí Hoà bị thất thủ, kinh nghiệm quân sự của Nguyễn Tri Phương không thắng được sức mạnh của đại bác, của sức mạnh thực dân tư bản. Triều đình nhà Nguyễn buộc phải ký với Pháp Hoà ước Nhâm Tuất mà thực chất là “hàng ước” đầu tiên, nhượng cho Pháp ba tỉnh Miền Đông Nam Kỳ và đảo Côn Lôn, phải bồi thường chiến phí và phải mở
các cửa biển (Đà Nẵng, Ba Lạt, Quảng Yên) cho Pháp và Tây Ban Nha tự do buôn bán. Nguy cơ mất nước đã đặt ra trước mắt, sự bất lực của Nho giáo, của tư tưởng chính thống đã rõ ràng. Vua Tự Đức và một số quan lại trong triều đình Huế cũng đã phần nào thấy được điều đó, nhưng họ bế tắc, không tìm được con đường phải đi.
Trong hoàn cảnh ấy, Nguyễn Trường Tộ và một số trí thức, một số quan chức ưu thời mẫn thế đã tìm cách gửi lên vua các đề nghị có nội dung cải cách, sửa đổi lại những vấn đề thuộc về chính sách đối nội và đối ngoại của triều đình. Những người này được chúng ta gọi là nhà canh tân, hoặc người có tư tưởng canh tân. Họ đã vượt ra khỏi sự ngăn trở của “bế quan toả cảng” để nhìn nhận về kinh tế, khoa học, kỹ thuật và cuộc sống của các nước tư bản chủ nghĩa, đang diễn ra ở các nước xung quanh, những vùng đất mà tư bản phương Tây đã chiếm được và du nhập vào đó các yếu tố của một nền sản xuất tiến bộ hơn phong kiến.
Một số báo chí và sách vở từ Trung Quốc, Nhật Bản mà chúng ta thường gọi là Tân thư, Tân văn từ các tô giới như Hương Cảng, Hồng Kông và các nhật báo được xuất bản ở đó bằng chữ Hán… cũng qua con đường Trung Quốc vào nước ta, mang đến cho Nguyễn Trường Tộ và trí thức Việt Nam những điều mới lạ, khác hẳn các sách vở Nho giáo đang thịnh hành là hệ tư tưởng chính thống trong nước.
Ở trong nước thì từ sau hoà ước 1862, nền văn hoá và văn minh phương Tây, cụ thể là của Pháp đã hiện diện một cách công khai ở 3 tỉnh miền Đông rồi ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ… Kiến thức khoa học phương Tây, vũ khí quân sự hiện đại, cách thức làm ăn, buôn bán, lối sống của phương Tây được người Pháp du nhập vào các vùng đất đó cũng tác động đến suy nghĩ của Nguyễn Trường Tộ, Đặng Huy Trứ, Phạm Phú Thứ, Bùi Viện, Trần Đình Túc, Nguyễn Tư Giản, Nguyễn Lộ Trạch… đây là nhân tố gợi mở trực tiếp, là nhân tố hiện thực thúc đẩy mạnh hơn xu hướng tư tưởng canh tân ở họ.
thì Nguyễn Trường Tộ là người tiêu biểu nhất. Quá trình sớm tiếp xúc với văn hoá, văn minh phương Tây, trăn trở cho hiện thực của đất nước, bằng cách tư duy sắc sảo vượt trên tầm thời đại và được thôi thúc bởi ngọn lửa yêu nước cháy bỏng, Nguyễn Trường Tộ đã mạnh dạn trình bày hệ thống tư tưởng canh tân đất nước của mình thông qua gần 60 bản điều trần gửi lên Tự Đức và người có trách nhiệm của triều đình nhà Nguyễn. Ông nói rõ ràng rằng: “Tôi nghĩ rằng, thời kỳ khôi phục nhà nước đã có xác chứng ở bốn biển, dự tính được tương lai, đi theo con đường nào mới được? Con đường phải theo không thể tìm ở trong nước mà phải tìm trong thiên hạ” [2, tr.88].
Cơ sở để đi tới tư tưởng cải cách của Nguyễn Trường Tộ là cách nhìn đúng đắn về nội dung bản chất và xu hướng của thời đại mới. Để đạt được sự nhận thức đúng đắn đó ông phải vượt qua khuôn khổ của cái nhìn Nho giáo. Phải vượt lên trên hiện thực Việt Nam lúc đó với nền tảng kinh tế nông nghiệp thuần tuý, với thiết chế chính trị chuyên chế, với nền văn hoá giáo dục lạc hậu. Đứng ở Việt Nam lạc hậu lúc đó nhìn ra thế giới, Nguyễn Trường Tộ rất đau lòng. Một bên thì nghèo nàn, lạc hậu, ứ đọng, còn bên kia là sự giàu có, tân tiến và không ngừng biến đổi. Thế giới bên kia có nhiều điều để học, như trình độ khoa học kỹ thuật và năng lực sản xuất vật chất hiện đại, mạnh mẽ. Sức mạnh vật chất của họ đang phát huy tính hơn hẳn của nó, đang là áp lực to lớn đe doạ chủ quyền độc lập của dân tộc. Muốn đẩy lùi kẻ thù mới, không thể theo cách thức cũ. Chính vì thế mà Nguyễn Trường Tộ đã có cả một “công trình” canh tân to lớn và toàn diện.
Trong các bản điều trần của mình ông đã đề cập đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, như giáo dục, kinh tế, văn hoá, quân sự, ngoại giao hành chính… để đưa đất nước tiến lên văn minh, giàu mạnh, có đủ sức để đánh đuổi kẻ thù. Hệ thống đề nghị của ông có thể được khái quát thành các vấn đề sau:
bằng khuyến khích thương mại, tiểu thủ công nghiệp phát triển, chú trọng khai thác các nguồn lợi tự nhiên và xã hội, như khai mỏ, lâm nghiệp,… sử dụng các nguồn nhân lực nhằm phú quốc, tự cường, phát triển đất nước.
- Cải cách chính trị: Tinh giản bộ máy hành chính, tuyển chọn quan lại dựa vào năng lực nghề nghiệp thực tế, thực hiện đường lối đối ngoại mở cửa, thực hiện chính sách tự do tôn giáo… nhằm củng cố khả năng quản lý đất nước, ổn định lòng dân và tranh thủ sự ủng hộ của nước ngoài, từ đó củng cố được chính quyền.
- Cải cách quân sự: Sửa đổi lại phương pháp tuyển binh, huấn luyện chiến thuật, kỹ thuật chiến đấu, trang bị vũ khí hiện đại, có chính sách đãi ngộ hợp lý với binh sĩ… nhằm nâng cao sức chiến đấu của binh lính, nâng cao sức mạnh của quân đội khả dĩ chiến thắng được kẻ xâm lược, bảo vệ đất nước.
- Cải cách giáo dục: Thay lối học khoa cử đơn thuần về chính trị, đạo đức, xa rời thực tiễn bằng lối học thực dụng, chú ý đến khoa học kỹ thuật theo mô hình giáo dục của các nước phương Tây.
Những đề nghị cải cách đó đã thể hiện một tư duy mới, nhằm đáp ứng yêu cầu lịch sử đang đặt ra cho dân tộc thời kỳ này canh tân, đổi mới để bảo vệ chủ quyền và phát triển dân tộc.
Nghiên cứu các văn bản đề nghị của Nguyễn Trường Tộ gửi lên vua Tự Đức và triều đình nhà Nguyễn (gồm 58 bản, được sưu tầm và tập hợp trong sách Nguyễn Trường Tộ - Con người và di thảo, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1988, của tác giả Trương Bá Cần), chúng ta thấy những đề nghị đó được trình bày có hệ thống và tương đối toàn diện. Bao gồm các vấn đề từ giáo dục, kinh tế, tài chính, quốc phòng, ngoại giao, đến phong tục tập quán, chính trị, xã hội, chữ viết, môi trường,… tất cả đều rất thiết thực và khẩn cấp đối với xã hội ta lúc bấy giờ.
Trong tất cả các vấn đề trên, Nguyễn Trường Tộ chú ý nhiều đến canh tân giáo dục, bởi vì theo ông “Học tập bồi dưỡng nhân tài là con đường rộng
lớn để đi đến giầu mạnh” [2, tr.191]. Tuy vậy, trong bản văn đầu tiên gửi lên triều đình ông chưa bàn về giáo dục và cải cách giáo dục. Chúng ta có thể lược khảo các văn bản viết về giáo dục và canh tân giáo dục của ông như sau.
Tháng 9/1866, Nguyễn Trường Tộ viết điều trần về “Việc học thực dụng”. Hơn một năm sau, tháng 11/1867, ông viết Tế cấp bát điều (Tám điều cần làm ngay) đề nghị “xin sửa đổi học thuật, chú trọng học thực dụng”. Tháng 3/1868, ông gửi lên văn bản “Về việc gửi học sinh sang Pháp học”… Tháng 4/1871, ông gửi điều trần “Về việc gửi học sinh sang Singapore học ngoại ngữ”… Ngoài ra trong nhiều điều trần khác, như “Về việc đào tạo người sửa chữa thuyền máy” viết tháng 2/1869, “Kế hoạch khai thác tài nguyên đất nước” viết tháng 3/1866, “Về việc chỉnh đốn quân đội và quốc phòng” viết tháng 6/1871,… ông đã đề cập đến cải cách giáo dục sao cho việc học có hiệu dụng. Mục đích giáo dục của ông là: “Cần phải tìm cái học thực dụng, phân chia ra các khoa, các môn, ban thưởng nhiều cho những người dự thi vào các khoa môn này để khuyến khích dần dần đưa đến kết quả lợi ích thì các tệ đoan sẽ dần dần mất đi” [2, tr.251].
Từ những văn bản của Nguyễn Trường Tộ đề cập đến giáo dục chúng ta có thể nhận ra cái lôgíc của việc cải cách giáo dục mà ông đưa ra bao gồm: mục tiêu giáo dục là đào tạo nhân tài có thể gánh vác công việc thực tế của đất nước; nội dung giáo dục thiên về thực tế, khoa học kỹ thuật; cải cách phương pháp giáo dục gắn liền với thực hành để đạt kết quả, xây dựng hệ thống giáo dục quốc dân…
Để hiểu rõ hơn về tư tưởng giáo dục của Nguyễn Trường Tộ chúng ta tìm hiểu lý do mà ông đã đưa ra chủ trương cải cách nền giáo dục Việt Nam lúc bấy giờ.
Thực tế giáo dục Việt Nam cho đến thời Nguyễn chịu nhiều ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc (có thể đến nay vẫn còn bị ảnh hưởng từ Nho giáo Trung Quốc). Từ thời Lý, Nho giáo đã có ảnh hưởng rộng rãi trong nhân dân
và chế độ khoa cử đã được chấp nhận để tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Càng về sau Nho học càng phổ biến và chế độ khoa cử ngày càng hoàn chỉnh theo khuôn mẫu Trung Hoa. Đến thời nhà Lê, Nho học trở thành Quốc học và phát triển với nhiều thành tựu rực rỡ. Đến nhà Nguyễn, họ lấy Nho học làm quốc học và hệ thống Nho học đã trở nên chặt chẽ và hoàn chỉnh từ trung ương đến địa phương. Các vua Nguyễn đều là những người thông hiểu Nho học và rất chú trọng đến công việc giáo hoá. Năm Minh Mệnh thứ nhất, vua ban chỉ dụ: “Trường học là nơi các hiền sĩ ganh đua, nước nhà dùng người phần nhiều lấy nhân tài ở nơi ấy. Ngày xưa, đức Tiên đế ta lập trường Quốc tử giám, đặt các học quan, định ra phép tắc, muốn gây nên nhân tài, để nước nhà dùng. Trẫm nuôi chí Tiên đế, muốn ra lệnh dựng thêm nhà học, tăng thêm học viên, cấp nhiều học bổng, mở rộng chương trình khiến học trò đều được thành tài, để đợi khi lục dụng” [46, tr.108]. Vì thế, giáo dục và khoa cử Nho học của thời Minh Mệnh rất quy củ và phát triển. Các kỳ thi Nho giáo được tổ chức định kỳ, tuyển chọn được hàng trăm tiến sĩ và phó bảng, cung cấp đội ngũ quan lại bổ sung cho các triều vua. Mỗi tỉnh, huyện đều đặt các chứ quan như giáo thụ hay huấn đạo có nhiệm vụ phụ trách công tác giáo dục của tỉnh hay huyện đó. Nhiều chính sách ưu tiên cho người đi học và đỗ đạt được thi hành, góp phần tiếp nối truyền thống tôn sư trọng đạo ở nước ta.
Công bằng mà nói, Nho giáo sau khoảng tám trăm năm tồn tại và phát triển ở Việt Nam đã tạo nên nhiều thành quả rực rỡ về văn hoá. Nhưng đến triều Nguyễn, chế độ giáo dục theo Nho học ở nước ta đã bộc lộ nhiều bất cập. Bởi các lý do sau đây:
Thứ nhất, thực chất của giáo dục nho học là giảng dạy đạo lý thánh hiền. Mỗi câu, mỗi chữ trong kinh điển Nho giáo đều thấm đẫm những điều răn dạy về đạo đức. Chú trọng về đạo đức, chính trị nên dù trong kinh điển có nói đến “cách vật trí tri” nhưng xu hướng chung của giáo dục Nho giáo là không quan tâm tìm hiểu thế giới khách quan. Vì thế, giáo dục Nho giáo
không tạo điều kiện cho khoa học phát triển.
Thứ hai, triều Nguyễn đã ý thức rất rõ việc sử dụng Nho giáo làm công cụ tư tưởng để thống trị nhân dân, nên chỉ chú trọng những nhân tố có lợi cho sự cai trị của họ. Do đó họ chỉ tập trung vào các vấn đề đạo đức - chính trị, đề cao tư tưởng trung quân, hậu cổ, bạc kim và các quan niệm Nho giáo mang tính thần bí, như Mệnh trời, thiên nhân tương dữ… Dẫn đến giáo dục Nho giáo thời kỳ này hết sức gò bó, câu nệ vào từ chương, nghĩa lý sách vở nên xa rời thực tế.
Thứ ba, đến thế kỷ XIX, trên thế giới tư tưởng tư sản đã trở thành nhân tố chủ đạo trong hệ tư tưởng phương Tây. Hơn nữa đến giữa thế kỷ XIX, tư tưởng vô sản đã lớn mạnh thành một chủ nghĩa trực tiếp đe dọa sự tồn tại của chủ nghĩa tư bản.
Học thuật dưới triều Nguyễn có nhiều bất cập nên nhân tài được kén chọn có kiến thức rất phiến diện, không đáp ứng được nhu cầu phát triển đất nước. Vì thế, đội ngũ nhân tài, trí thức nho giáo đã tỏ ra bất cập với tình hình chính sự của nước nhà khi Pháp xâm lược. Từ đó vấn đề cải cách giáo dục đã được các nhà canh tân chú ý đến. Nguyễn Trường Tộ xác định: “việc chỉnh đốn học thuật là cái gốc lớn của quốc gia” [2, tr.277] và xem đó là một trong tám việc cần kíp lúc bấy giờ. Với sự đổi mới tư duy và quan niệm tiến bộ về con người và nhận thức về vai trò to lớn của nhân tố con người trong tiến trình xã hội, các nhà canh tân đã chú ý nhiều đến giáo dục và đặt vấn đề cải cách giáo dục lên hàng đầu trong những vấn đề gấp rút phải giải quyết, nhằm đào tạo những con người mới có đủ tài trí để đáp ứng nhu cầu của đất nước và thời đại.
Như vậy, có thể khẳng định cơ sở hình thành, phát triển tư tưởng canh tân giáo dục của Nguyễn Trường Tộ xuất phát từ những điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan.
Điều kiện khách quan: Sự khủng hoảng của chế độ phong kiến Việt Nam cuối thế kỉ XIX dẫn tới sự xâm lược Việt Nam và bước đầu tổ chức cai trị của thực dân Pháp. Đứng trước tình hình đó, nước ta dần xuất hiện xu thế cải cách canh tân cuối thế kỉ XIX đưa nội lực đất nước giàu mạnh tạo đà cho sự phát triển và thoát khỏi sự nô dịch của thực dân, đế quốc. Như vậy, một trong những nhân tố khách quan mang tính quyết định đối với sự xuất hiện các tư tưởng canh tân thế kỷ XIX là ảnh hưởng của văn hoá, văn minh phương Tây. Ảnh hưởng này sẽ ngày một mạnh mẽ, ngày một sâu rộng trong xã hội Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, góp phần làm dấy lên phong trào duy tân sôi nổi trên khắp cả nước.
Như đã đề cập ở trên đó mới chỉ là các nhân tố khách quan. Để có được các tư tưởng canh tân đất nước thì không thể thiếu nhân tố chủ quan, cụ thể là năng lực tư duy của những người đề xướng.
Trước thời cuộc của đất nước, trí tuệ Việt Nam được huy động để sản sinh ra những chí sĩ có tư tưởng đổi mới, nỗ lực tìm hướng tự cường dân tộc, tìm hướng đưa dân tộc thoát khỏi hoạ mất nước. Mặc dù ở thời điểm này Việt Nam đã không có một phong trào mà chỉ có sự khởi đầu của một xu hướng canh tân trong một số rất ít trí thức và quan chức, nhưng những gương mặt tư