Theo Nguyễn Trường Tộ để đạt được mục tiêu giáo dục đề ra và thực hiện những nội dung giáo dục mang tính hiệu quả, nhất thiết phải có phương pháp giáo dục. Ông coi trọng phương pháp “học đi đôi với hành”. Tuy nhiên, phương pháp dạy và học hiện nay thường tạo ra sự thụ động đối với người học, nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành. Do đó, chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo thường bất cập. Người học thường ít vận dụng được những gì đã học, và nếu muốn làm việc được thì buộc phải chấp nhận một quá trình “đào tạo lại”. Điều đó lãng phí không chỉ tiền của mà còn cả thời gian đối với người học.
Đổi mới phương pháp giáo dục theo hướng thực dụng theo tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ đòi hỏi trước tiên một sự tôn trọng tối đa đối với người học, coi người học không phải là những cái bình vô cảm bị động để cho mình cứ thế rót kiến thức vào, mà là những chủ thể sáng tạo, từng chủ thể sáng tạo, có tiềm năng sáng tạo vô tận, cần được khơi gợi để cho tiềm năng ấy được mở ra và hoạt động, thậm chí khi được khai mở ra rồi thì nó có thể hoạt động rộng, lớn, phong phú, sáng tạo hơn cả điều ta dự kiến, vượt cả thầy, vượt cả sách.
Trước hết, con người có năng lực tri thức (hay năng lực trí tuệ) không phải là con người được nhồi nhét quá nhiều tri thức một cách thụ động mà
phải là con người biết tiếp thu chủ động tri thức qua việc học, biến những gì học được thành tri thức của mình, biết cách tự tìm kiếm những tri thức mà mình muốn có. Rồi từ đó có khả năng vận dụng những tri thức đã biết để tạo ra “tri thức mới” cần cho cuộc sống và hoạt động của mình. Để có năng lực tri thức đó, chủ yếu phải là tự học, học liên tục và học suốt đời. Nền giáo dục quốc gia phải xem việc tổ chức một hệ thống học tập cho toàn xã hội, với các hình thức hỗ trợ việc tự học, học liên tục, học suốt đời cho mọi công dân là một nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của mình.
Ngày nay, ai cũng thấy rằng dạy không chỉ là thông tin, mà dạy phải làm sao tạo ra động lực cho người học tham gia tích cực vào hoạt động dạy và kiến tạo ra cũng như vận hành hoạt động học tiếp nối (hoặc đan kết) với hoạt động dạy, nhằm hình thành và phát triển nhân cách của bản thân đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như các nhu cầu của chính mình và gia đình. Tóm lại, phải làm sao để phương pháp giảng dạy thực sự là phương pháp tổ chức và điều khiển hoạt động dạy và học, làm cho hoạt động này trở thành thực sự là hoạt động cùng nhau của thầy và trò.
Việc cải tiến và đổi mới phương pháp dạy và học hiện nay cần thực hiện theo hướng làm cho quá trình giáo dục kết hợp với quá trình tự giáo dục của người học trở nên có hiệu quả hơn. Hiện nay, các nhà cải cách giáo dục đã đề xuất một số biện pháp như sau:
Một là cải tiến các phương pháp dạy học truyền thống.
Các phương pháp dạy học truyền thống như thuyết trình, đàm thoại, luyện tập luôn là những phương pháp quan trọng trong dạy học. Đổi mới phương pháp dạy học không có nghĩa là loại bỏ các phương pháp dạy học truyền thống quen thuộc mà bắt đầu bằng việc cải tiến để nâng cao hiệu quả và hạn chế nhược điểm của chúng. Để nâng cao hiệu quả của các phương pháp dạy học này người dạy trước hết cần nắm vững yêu cầu và sử dụng thành thạo các kỹ thuật của chúng trong việc chuẩn bị cũng như tiến hành lên
lớp. Chẳng hạn như kỹ thuật mở bài, kỹ thuật trình bày, giải thích trong khi thuyết trình, kỹ thuật đặt các câu hỏi và xử lý các câu trả lời trong đàm thoại, hay kỹ thuật làm mẫu trong luyện tập. Tuy nhiên các phương pháp dạy học truyền thống có những hạn chế tất yếu, vì thế bên cạnh các phương pháp dạy học truyền thống cần kết hợp sử dụng các phương pháp dạy học mới, đặc biệt là những phương pháp và kỹ thuật dạy học phát huy tính tích cực và sáng tạo của người học.
Hai là vận dụng các phương pháp dạy học mới, như dạy học giải quyết vấn đề, dạy học theo tình huống, dạy học định hướng hành động…
Dạy học giải quyết vấn đề (dạy học nêu vấn đề, dạy học nhận biết và giải quyết vấn đề) là quan điểm dạy học nhằm phát triển năng lực tư duy, khả năng nhận biết và giải quyết vấn đề của người học. Người học được đặt trong một tình huống có vấn đề, đó là tình huống chứa đựng mâu thuẫn nhận thức, thông qua việc giải quyết vấn đề, giúp người học lĩnh hội tri thức, kỹ năng và phương pháp nhận thức. Dạy học giải quyết vấn đề là con đường cơ bản để phát huy tính tích cực nhận thức của người học, có thể áp dụng trong nhiều hình thức dạy học với những mức độ tự lực khác nhau của người học.
Các tình huống có vấn đề là những tình huống khoa học chuyên môn, cũng có thể là những tình huống gắn với thực tiễn. Trong thực tiễn dạy học hiện nay, dạy học giải quyết vấn đề thường chú ý đến các vấn đề khoa học chuyên môn mà ít chú ý đến các vấn đề gắn với thực tiễn. Tuy nhiên, nếu chỉ chú trọng việc giải quyết các vấn đề nhận thức trong khoa học chuyên môn thì người học vẫn chưa được chuẩn bị tốt cho việc giải quyết các tình huống thực tiễn. Vì vậy bên cạnh dạy học giải quyết vấn đề, cần tham khảo quan điểm dạy học theo tình huống.
Dạy học theo tình huống là một quan điểm dạy học, trong đó việc dạy học được tổ chức theo một chủ đề phức hợp gắn với các tình huống thực tiễn cuộc sống và nghề nghiệp. Quá trình học tập được tổ chức trong một môi
trường học tập tạo điều kiện cho người học kiến tạo tri thức theo cá nhân và trong mối tương tác xã hội học tập.
Các chủ đề dạy học phức hợp là những chủ đề có nội dung liên quan đến nhiều môn học hoặc lĩnh vực tri thức khác nhau gắn với thực tiễn. Trong nhà trường, các môn học được phân theo khoa học chuyên môn, còn cuộc sống thì luôn diễn ra trong những mối quan hệ phức hợp. Vì vậy, sử dụng các chủ đề dạy học phức hợp góp phần khắc phục tình trạng xa rời thực tiễn của các môn khoa học chuyên môn, rèn luyện cho người học năng lực giải quyết vấn đề thực tiễn.
Vận dụng dạy học theo các tình huống gắn với thực tiễn là con đường quan trọng để gắn việc đào tạo trong nhà trường với thực tiễn đời sống, góp phần khắc phục tình trạng giáo dục hàn lâm, xa rời thực tiễn hiện nay của giáo dục nước ta.
“Dạy học định hướng hành động” là quan điểm dạy học nhằm làm cho hoạt động trí óc và hoạt động chân tay kết hợp chặt chẽ với nhau. Trong quá trình học tập, người học thực hiện các nhiệm vụ học tập và hoàn thành các sản phẩm hành động, có sự kết hợp linh hoạt giữa hoạt động trí tuệ và hoạt động chân tay. Đây là một quan điểm dạy học tích cực hóa và tiếp cận toàn thể. Vận dụng “Dạy học định hướng hành động” có ý nghĩa quan trọng cho việc thực hiện nguyên lý giáo dục kết hợp lý thuyết với thực tiễn, tư duy và hành động, nhà trường và xã hội.
Ba là kết hợp đa dạng các phương pháp dạy học.
Tự bản thân phương pháp không phải là tích cực hay thụ động, không phải là phương pháp này hướng vào người học còn phương pháp khác hướng vào người dạy… Vấn đề này là ở chỗ tích cực hay thụ động hoàn toàn thụ thuộc vào mục đích và cách thức sử dụng nó. Hơn nữa, phương pháp dạy học không phải là là phạm trù mục đích mà là phạm trù phương tiện, do vậy, không thể đưa ra một nhận định tiên quyết, cứng nhắc rằng phương pháp dạy
học này tốt hơn, tích cực hơn, hiện đại hơn phương pháp kia.
Trong thực tiễn dạy học, không có một phương pháp dạy học nào tồn tại độc lập. Không có một phương pháp dạy học toàn năng phù hợp với mục tiêu và nội dung dạy học. Mỗi phương pháp và hình thức dạy học có những ưu, nhược điểm và giới hạn sử dụng riêng. Vì vậy, việc phối hợp đa dạng các phương pháp và hình thức dạy học trong toàn bộ quá trình dạy học là phương hướng quan trọng để phát huy tính tích cực, chủ động của người học và nâng cao chất lượng giáo dục. Các phương pháp dạy học được sử dụng phối hợp nhằm tăng cường điểm mạnh và giảm thiểu hạn chế của mỗi phương pháp, sẽ có một phương pháp giữ vai trò chủ đạo, còn các phương pháp khác sẽ giữ vai trò hỗ trợ. Việc sử dụng đơn điệu một phương pháp dù đó là phương pháp dạy học phù hợp nhất với nội dung dạy học, thì hiệu quả mang lại cũng không cao. Hiện nay, thực tiễn dạy học không chỉ đảm bảo tính hệ thống của phương pháp mà còn phải nâng lên mức hệ thống phương pháp dạy học hiện đại, tức là các phương pháp dạy học phải đáp ứng được yêu cầu và xu thế phát triển của mục đích và nội dung dạy học, phải khai thác tối đa sự phát triển của các phương tiện khao học công nghệ vào dạy học, đặc biệt là công nghệ điện tử và thông tin. Do đó, khi sử dụng phương pháp dạy học không chỉ dừng lại ở mức các biện pháp kỹ thuật mà phải nâng lên mức thủ pháp nghệ thuật thì quá trình dạy học mới đáp ứng được yêu cầu của dạy học hiện đại. Điều đó đòi hỏi người dạy trong quá trình dạy học phải lựa chọn và sử dụng phương pháp dạy học như thế nào để người học được hoạt động tích cực về mặt nhận thức cũng như thực hành, để họ tự khám phá tri thức một cách sáng tạo. Đó chính là phát huy tính tích cực hiện đại của phương pháp dạy học, là việc làm thiết thực nhất góp phần đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực háo vai trò của người học.
Chẳng hạn như, dạy học toàn lớp, dạy học nhóm, nhóm đôi và dạy học cá thể là những hình thức xã hội của dạy học cần kết hợp với nhau, mỗi một
hình thức có những chức năng riêng. Tình trạng độc tôn của dạy học toàn lớp và sự lạm dụng phương pháp thuyết trình cần được khắc phục, đặc biệt thông qua làm việc nhóm.
Trong thực tiễn dạy học hiện nay, nhiều giáo viên đã cải tiến bài lên lớp theo hướng kết hợp thuyết trình của giáo viên với hình thức làm việc nhóm, góp phần tích cực hóa hoạt động nhận thức của người học. Tuy nhiên hình thức làm việc nhóm rất đa dạng, không chỉ giới hạn ở việc giải quyết các nhiệm vụ học tập nhỏ xen kẽ trong bài thuyết trình mà còn có những hình thức làm việc nhóm giải quyết những nhiệm vụ phức hợp, có thể chiếm một hoặc nhiều tiết học, sử dụng những phương pháp chuyên biệt như phương pháp đóng vai, phương pháp trường hợp, phương pháp dự án. Mặt khác, việc bổ sung dạy học toàn lớp bằng việc làm việc nhóm xem kẽ trong một tiết học mới chỉ cho thấy việc tích cực hóa bên ngoài của người học. Muốn đảm bảo việc tích cực hóa bên trong cần chú ý đến mặt bên trong của phương pháp dạy học, vận dụng dạy học giải quyết vấn đề và các phương pháp dạy học tích cực khác.
Bốn là sử dụng các kỹ thuật dạy học và bồi dưỡng phương pháp học tập nhằm phát huy tính tích cực và sáng tạo của người học.
Kỹ thuật dạy học là những cách thức hành động của người dạy và người học trong các tình huống hành đông nhỏ nhằm thực hiện và điều khiển quá trình dạy học. Các kỹ thuật dạy học là những đơn vị nhỏ nhất của phương pháp dạy học. Có những kỹ thuật dạy học chung, có những kỹ thuật đặc thù của từng phương pháp dạy học, ví dụ kỹ thuật đặt câu hỏi trong đàm thoại. Ngày nay, người ta chú trọng phát triển và sử dụng các kỹ thuật dạy học phát huy tính tích cực, sáng tạo của người học như “động não”, “tia chớp”, “bể cá”,…
Phương pháp học tập tự lực đóng vai trò quan trọng trong việc tích cực hóa, phát huy tính sáng tạo của người học. Vì suốt quá trình học là cả một cuộc đi tìm, một cuộc khám phá bất tận, một cuộc phiêu lưu đầy bất ngờ thú
vị, do tự mình làm chủ, những chân lý do chính tự mình khám phá ra - cùng với và được sự hỗ trợ của người bạn lớn là người thầy.
Chúng ta đều biết trong thế giới ngày nay, sống cũng có nghĩa là học thường xuyên, học suốt đời, không còn học nữa thì theo một ý nghĩa nào đó cũng là đã chết, về mặt trí tuệ, tinh thần. Không thể đến trường suốt đời. Nhưng nhà trường cho ta cái quý nhất để ta có thể học suốt đời, đó là ý chí và khả năng tự học, niềm say mê và khả năng tự khám phá thế giới. Người có học là người biết tự học. Ở rất nhiều nước hiện nay, người ta đã thực hiện một cách phổ biến điều này, coi đó là nguyên lý cơ bản nhất của giáo dục, của việc xây dựng con người nói chung, ở tất cả các cấp học, từ cấp thấp nhất. Người ta coi làm trái, làm ngược lại thì thực chất sẽ là một thứ nô lệ hóa, là nhồi sọ, ngu dân, dù là vô tình...
Như vậy, có rất nhiều phương hướng đổi mới phương pháp dạy học với những cách tiếp cận khác nhau, trên đây chỉ là một số phương hướng chung. Việc đổi mới Phương pháp dạy học đòi hỏi những điều kiện thích hợp về phương tiện, cơ sở vật chất và tổ chức dạy học, điều kiện về tổ chức, quản lý.
Ngoài ra, phương pháp dạy học còn mang tính chủ quan. Mỗi người dạy đều có kinh nghiệm riêng của mình cần xác định những phương hướng riêng để cải tiến phương pháp dạy học và kinh nghiệm của cá nhân.
Tóm lại, thực trạng giáo dục Việt Nam hiện nay cho chúng ta thấy những thành tựu mà giáo dục nước ta đạt được, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những hạn chế. Để khắc phục những hạn chế đó và phát triển nền giáo dục nước nhà một cách hiệu quả yêu cầu đặt ra là phải đổi mới chương trình giáo dục - đào tạo ở nước ta hiện nay. Trong điều kiện đó, việc nghiên cứu và học tập những tư tưởng canh tân tiến bộ trong lịch sử là việc làm cần thiết. Trong đó việc đánh giá vai trò và ý nghĩa tư tưởng canh tân giáo dục của Nguyễn Trường Tộ, kế thừa và phát huy tư tưởng của ông trên các phương diện đổi mới về mục tiêu giáo dục, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục sẽ góp phần
thúc đẩy quá trình cải cách giáo dục nước ta diễn ra đạt hiệu quả cao hơn.
Vận dụng tư tưởng canh tân về giáo dục của Nguyễn Trường Tộ trong thời đại ngày nay đã mở ra cho giáo dục nước ta một hướng đi không mới nhưng thực sự hiệu quả nếu được thực hiện. Đổi mới về mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế đối với Việt Nam có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. Đổi mới phải theo định hướng “Coi trọng việc bồi dưỡng năng lực tự học, tự nghiên cứu, tạo điều kiện cho người học phát huy tư duy sáng tạo, rèn luyện kỹ năng thực hành, tham gia nghiên cứu, thực nghiệm, ứng dụng”. Tức là mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục phải bám sát thực tiễn, phục vụ thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội và chính trị của đất nước. Xây dựng một nền giáo dục với chất lượng ngày càng