Tư chất thông minh, ham học hỏi của Nguyễn Trường Tộ

Một phần của tài liệu Tư tưởng canh tân giáo dục của Nguyễn Trường Tộ - giá trị của nó với giáo dục Việt Nam hiện nay (Trang 31)

Nguyễn Trường Tộ là trí thức công giáo yêu nước, sinh năm 1830 (có tài liệu cho là ông sinh năm 1828) tại làng Bùi Chu, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nghèo theo đạo Thiên chúa. Năm 1871, ông bị mắc trọng bệnh nên qua đời khi mới 41 tuổi, bỏ lại cả một “dự án” canh tân đất nước công phu và toàn diện.

Khi còn nhỏ tuổi ông theo học chữ Hán, ông học rất chăm chỉ, thông minh, được thầy và bạn yêu mến, khâm phục. Vì vậy, ông sớm nổi tiếng là một người có đại tài, đại trí, giỏi văn chương, chữ nghĩa. Nhưng thiên hướng Nho học của ông không phải chuyên về bình luận thơ phú, mà ông quan tâm đến những giá trị thực tế của sự vật. Do chính sách “Cấm đạo” của triều đình nên tuy học giỏi ông không được đi thi. Năm 1855 Giám mục người Pháp là Gauthier (có tên Việt Nam là Ngô Gia Hậu hay thường gọi là Cố Hậu) mời ông về dạy chữ Hán cho Chủng viện xã Đoài. Giám mục Gauthier thấy Nguyễn Trường Tộ là người thông minh nên đã dạy cho ông biết tiếng Pháp và một số môn khoa học thường thức, những môn học thuộc về khoa học tự nhiên.

Năm 1858, Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, triều đình cấm đạo gay gắt hơn, ông đã cùng Gauthier vào Đà Nẵng. Đầu năm 1859, Nguyễn Trường Tộ đi cùng Gauthier sang Hồng Kông và một số nước khác. Trong thời gian ở nước ngoài, Nguyễn Trường Tộ có dịp đi nhiều nơi, kết giao với nhiều bạn bè ngoại quốc, thu lượm được nhiều kiến thức tiên tiến, phong phú, nắm bắt được những biến đổi lớn lao trên thế giới. Kiến thức và tầm nhìn về thế giới của ông được nâng lên rất nhiều.

phục vụ quê hương, đất nước, Nguyễn Trường Tộ tự trang bị cho mình nhiều kiến thức toàn diện về khoa học tự nhiên, nâng cao hiểu biết về chính trị, ngoại giao, pháp luật, các ngành kinh tế, đặc biệt là hiểu biết về kiến trúc. Sau này chính Gauthier có lúc đã gọi ông là “kiến trúc sư”. Ông có lần đã nói: “Về việc học, không môn nào tôi không để ý tới, cái cao của thiên văn, cái sâu của địa lý, cái phiền toái của nhân sự cho đến lịch luật binh quyền, tạp giáo, dị nghệ, các môn cách trí, thuật số, không môn nào tôi không khảo cứu nhất là để ý nghiên cứu về sự thế dọc ngang, hợp tan trong thiên hạ” [2, tr.120]. Về các môn khoa học tự nhiên, cơ khí ông cũng biết, ông tự tin khẳng định “…hiện nay ở nước Nam ta biết qua các loại máy tàu và các lý thuyết điều chỉnh tu sửa không ai hơn tôi được” [2, tr.155]. Ông tự tin như thế cũng có lý do và cơ sở của nó. Sau này nghiên cứu về Nguyễn Trường Tộ, Trương Bá Cần nhận xét: “Thực sự một người vừa thông chữ Hán, vừa biết tiếng Pháp như Nguyễn Trường Tộ lúc đó rất hiếm” [2, tr.245]. Không những thế ông còn có biết tài trong xây dựng. Tu viện Dòng thánh Phao Lô ở Sài Gòn do ông chỉ đạo xây dựng là một minh chứng cho kiến thức uyên bác, toàn diện của ông lúc bấy giờ.

Trong thời gian ở nước ngoài, ông được quan sát tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, các nước và cách làm ăn buôn bán của tư bản phương Tây, so sánh với sự lạc hậu thấp kém trong nước, dần dần trong ông đã hình thành ý tưởng và hệ thống đề nghị canh tân của mình nhằm mục đích đưa đất nước cường thịnh, đủ khả năng chống được giặc xâm lăng là chủ nghĩa thực dân phương Tây.

Năm 1861 ông trở về Sài Gòn. Lúc này thực dân Pháp đã đánh chiếm Gia Định, ông bị địch đưa vào làm chức từ hàn (phiên dịch) cho chúng. Buổi đầu ông không muốn làm. Ông nói: “kịp đến khi người Pháp gây hấn với ta, tôi đã từ chối những lời mời của họ, nhưng sau nghĩ tình thế nước ta tạm hoà là thượng sách, vì chưa đủ sức chống chọi được với họ. Cho nên nén lòng lại mà theo họ

đã, như thế thì may ra góp được phần nhỏ đối với việc bàn hoà” [2, tr.29]. Qua đó ta thấy cộng tác với Pháp của Nguyễn Trường Tộ là cốt để góp một phần trong việc giảng hoà. Bởi vì, năm 1861, Pháp đang đánh chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ. Nhưng tình thế và hoàn cảnh của chúng không có khả năng đánh rộng ra. Nên chúng dùng âm mưu “hoà đàm” để triều đình nhà Nguyễn phải thừa nhận sự có mặt hợp pháp của chúng. Nhà Nguyễn lúc đó không có khả năng giành lại được 3 tỉnh, lại sợ Pháp mở rộng thêm nên đồng ý “hoà đàm”, cuối cùng chấp nhận ký với Pháp Hiệp ước Nhâm Tuất năm 1862. Theo nhiều nhà nghiên cứu, bản hiệp ước này là một sai lầm đáng trách của triều đình nhà Nguyễn, làm tiền đề cho giặc lấn tới và làm rối loạn lòng dân yêu nước.

Trong bản Bàn về việc hoà (Hoà từ, 1861),Nguyễn Trường Tộ đã lý giải về thời thế và viện dẫn các kinh nghiệm lịch sử để thuyết phục triều đình hoà với Pháp, tạo thời cơ phục hồi sức mạnh, vật chất, tạm hy sinh phần nhỏ để mưu vào việc lớn, sau này có cơ hội sẽ đòi lại. Khi Hiệp ước Nhâm Tuất được ký kết ông đã bí mật giúp phái đoàn triều đình làm Pháp bớt hung hăng và làm giảm chiến phí mà Việt Nam phải bồi thường.

Nhưng khi Bô - na (Bonard) sang Đông Dương, viên đô đốc này đã hung hãn đánh chiếm mở rộng phạm vi kiểm soát của giặc Pháp, không trông đợi được ở hoà đàm nên ông đã kiên quyết không làm việc trong soái phủ Pháp, ông nói: “Bô - na có những hành động nghịch lại với việc hoà bàn, tình thế đã khó lại càng khó thêm, tôi mới quyết ý xin thôi không làm việc nữa” [2, tr.122]. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Nguyễn Trường Tộ làm việc cho Pháp là sai lầm đầu tiên của ông và là nguyên nhân để triều đình nhà Nguyễn nghi ngờ ông và không chấp nhận “đề án” canh tân của ông.

Sau năm 1862 Nguyễn Trường Tộ được chỉ đạo việc xây dựng nhà thờ, tu viện Dòng Thánh Phao-lô ở Sài Gòn (như đã nhắc đến ở trên), thời gian còn lại ông dốc sức viết các bản điều trần, gửi cho vua và người có trách nhiệm ở triều đình Huế, mong tiến hành canh tân đất nước, làm cho dân giàu

nước mạnh, đủ sức đánh thắng kẻ thù.

Đến đầu tháng 5 năm 1863 ông gửi triều đình 3 văn bản quan trọng: Tế cấp luận, Giáo môn luận, và Thiên hạ phân hợp đại thế luận.

Tế cấp luận bàn về các việc cần làm ngay để canh tân tự lực, tự cường, phát triển đất nước. Đây là một bản luận văn mà sau này ông thường nhắc đến như một tài liệu cơ bản nhất, đầy đủ nhất về kế hoạch canh tân của ông. Nhưng thật đáng tiếc, bản này đã bị thất lạc, đến nay chưa tìm thấy.

Trong Giáo môn luận, ông sử dụng viện dẫn các lý lẽ về trời, đất, vạn vật và những chứng cứ lịch sử để kêu gọi triều đình có chính sách bao dung đối với người công giáo và tự do tín ngưỡng. Ông cho rằng bách hại người Công giáo là sai lầm, do vậy cần phải chấm dứt ngay để nuôi dưỡng và tạo hoà khí và vun đắp cho tình đoàn kết dân tộc, để có sức mạnh đánh giặc.

Trong Thiên hạ phân hợp đại thế luận, ông phân tích tình hình thế giới và trong nước và đi đến kết luận cần phải tập trung chấn hưng nội lực của đất nước, để có đủ lực thì mới đánh đuổi giặc đòi lại đất nước.

Năm 1866, vua Tự Đức có chú ý đến các văn bản của Nguyễn Trường Tộ nên cho mời ông và giám mục Gauthier về Huế để chuẩn bị mở trường dạy nghề. Thời gian này ông viết rất nhiều bản điều trần về những việc cần gấp rút làm ngay, hy vọng nhanh chóng phát triển đất nước chống lại dã tâm xâm lược của Pháp. Với mục tiêu: Cái gì còn vẫn có thể giữ được, đó là những hy vọng của ông. Trong những bản điều trần thời gian này có bản Tế cấp bát điều (Tám điều cần làm gấp) đã đề cập đến việc làm gấp rút và quan tâm sâu sắc đến nội dung và sự cấp thiết cải cách giáo dục - cơ sở để thực hiện các cải cách khác.

Trong các năm từ 1866 đến 1868, ông được vua Tự Đức tin dùng, giao cho một chức quan nhưng ông đã từ chối. Các văn bản của ông gửi lên được vua giao cho Viện Cơ mật thu nhận và cùng với vua nghiên cứu. Trần Tiễn Thành đã gặp gỡ, hỏi han ông nhiều lần theo ý chỉ của vua.

nhưng đến cuối năm đó triều đình gọi ông về Huế để cùng Giám mục Gauthier đi Pháp. Đầu tháng 1 năm 1867 đoàn công cán này khởi hành sang Pháp nhằm mục đích thuê thợ và mua máy móc, sách vở chuẩn bị cho việc mở trường dạy nghề. Cuối năm đó ông nhận được lệnh của triều đình phải trở về nước ngay. Tháng 2 năm 1868, ông về đến Sài Gòn mang theo một ít sách vở khoa học và máy móc cùng hai vị linh mục có khả năng dạy các môn khoa học kỹ thuật. Vua đã gặp gỡ, ban thưởng cho mọi thành viên trong đoàn và muốn xúc tiến ngay việc mở trường. Nhưng sau đó trường dạy nghề đã không được mở, máy móc, sách vở được cất giữ, bảo quản “cẩn thận” trong kho và chìm sâu vào lịch sử.

Tháng 4-1868 ông xin về ở quê nhà Nghệ An. Thời gian này ông ốm nặng nhưng vẫn đêm ngày viết các bản điều trần đề nghị triều đình mong thức tỉnh, canh tân đất nước, để đánh đuổi được kẻ thù. Nhưng tiếng nói cháy bỏng yêu nước của ông không được phúc đáp.

Đau buồn vì “đề án” canh tân vẫn chưa được thực hiện, ông mắc bạo bệnh và qua đời tại quê nhà vào ngày 22 tháng 11 năm 1871. Trước đó 2 tháng, tháng 9 năm 1871, ông vẫn còn gửi lên triều đình những bản điều trần với tâm huyết được nhìn thấy quê hương đất nước bước sang trang mới. Ông mất đi trong niềm trăn trở, tại sao không thực hiện canh tân, tại sao không thực hiện cải cách giáo dục, không thực hiện chấn hưng kinh tế!

Như vậy, ngoài những hoạt động thực tiễn, trong khoảng 10 năm, Nguyễn Trường Tộ đã liên tục viết và dâng lên Vua Tự Đức và triều đình Huế 58 bản điều trần nhằm một kế hoạch canh tân đất nước toàn diện. Trong những bản điều trần ấy, cải cách giáo dục được đề cập đến vị trí hàng đầu để tạo điều kiện thực hiện các mặt canh tân khác. Qua đó ta thấy Nguyễn Trường Tộ có sức làm việc bền bỉ phi thường. Nhiệt tình yêu nước đã thôi thúc ông vượt qua sự hạn chế về sức khoẻ, tận tâm, tận lực với mong ước đất nước được giàu mạnh, có đủ sức đánh đuổi kẻ thù xâm lược.

Hoàn cảnh xuất thân, con người và hoạt động của Nguyễn Trường Tộ thể hiện rõ xuất phát điểm tư tưởng của ông là Nho giáo. Tuy nhiên, thiên hướng Nho học của ông là hướng về các vấn đề thực tế của đời sống chứ không ưa tầm chương, sáo mòn, thơ phú mơ hồ. Với tư chất thông minh, năng lực nhận thức lý luận sâu sắc, bản thân ông là một người công giáo am hiểu kinh thánh. Ông thường viện dẫn kinh thánh khi trình bày lập luận của mình để thuyết phục người khác, đó là biểu hiện thế giới quan Thiên chúa giáo.

Trong điều kiện xã hội phong kiến Việt Nam dưới triều Nguyễn, nhìn chung toàn xã hội đều có thế giới quan duy tâm, tôn giáo do sự chi phối của tư duy và tín ngưỡng bản địa kết hợp với Nho, Phật, Lão nên Nguyễn Trường Tộ cũng không thoát khỏi tình trạng chung đó. Hơn nữa ông lại là người tin vào Chúa.

Thế giới quan của Nguyễn Trường Tộ là thế giới quan duy tâm, phức hợp bao gồm Nho giáo, Thiên chúa giáo,... mang tính chất duy tâm. Nhưng không hoàn toàn như vậy, trong khi bàn về các mục tiêu cải cách kinh tế văn hoá, giáo dục làm cho dân giàu, nước mạnh Nguyễn Trường Tộ lại thể hiện

những yếu tố duy vật biện chứng trong tư duy của mình. Chính sự hiểu biết về khoa học đã mang lại những yếu tố duy vật đó. Còn nét biện chứng trong nhận thức, ông đã tiếp nhận trong các học thuyết triết học, tôn giáo, đạo đức xã hội phương Đông. Thế giới quan phức hợp ấy của Nguyễn Trường Tộ được hiểu rõ ràng qua cách lập luận của ông khi trình bày các ý tưởng cải cách. Nhưng cũng qua việc trình bày trên, Nguyễn Trường Tộ ngoài việc biểu hiện một trình độ tiên tiến về lý luận và năng lực tư duy còn thể hiện một quan điểm dân tộc mạnh mẽ, một chủ nghĩa yêu nước cháy bỏng. Dòng máu yêu nước Việt Nam chảy trong huyết quản của ông mới là động lực chính thúc đẩy ông suy nghĩ và hành động.

Một phần của tài liệu Tư tưởng canh tân giáo dục của Nguyễn Trường Tộ - giá trị của nó với giáo dục Việt Nam hiện nay (Trang 31)