Hiện đại hóa giáo dục hướng đến mục tiêu đào tạo nhân tài

Một phần của tài liệu Tư tưởng canh tân giáo dục của Nguyễn Trường Tộ - giá trị của nó với giáo dục Việt Nam hiện nay (Trang 102)

Nguyên nhân đầu tiên và bao trùm dẫn đến những yếu kém của nền giáo dục nước ta là ở việc xác định mục tiêu giáo dục. Đây là vấn đề quan

trọng nhất, cơ bản nhất và then chốt nhất của mọi nền giáo dục. Trong khi mà kiến thức ngày nay ta hoàn toàn có thể tra cứu, thì đó không thể là vũ khí cạnh tranh trong công việc được. Vậy việc nhồi nhét vô số những kiến thức - nhiều thứ cả đời ta không dùng (khai căn, logarit, ngày ta thắng Pháp, ngày ta thắng quân Nguyên Mông...), là rất nguy hiểm, rất phí thời gian và hạn chế khả năng cạnh tranh của học sinh Việt Nam trong công việc. Giáo dục Việt Nam, phải trả lời bằng được những câu hỏi: “Giáo dục làm gì? Giáo dục sinh ra để làm gì?

Về vấn đề này, Nguyễn Trường Tộ đã cho rằng: giáo dục phải hướng đến xây dựng những người biết “học những cái chưa biết để mà biết, biết để mà làm... làm những công việc thực tế trong nước hiện nay và để lại việc làm hữu dụng cho đời sau nữa”, đồng thời ông cũng hướng giáo dục đến mục tiêu đào tạo nhân tài giúp ích cho đất nước. Ông cho rằng mấu chốt quan trọng của sự thăng trầm xưa nay, sự thịnh suy, “con đường rộng lớn để đi đến giàu mạnh” chính là việc học tập, bồi dưỡng nhân tài.

Một thời gian dài, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nền giáo dục và đào tạo của chúng ta chưa xác định được các mục tiêu rõ ràng như vậy. Giáo dục, đào tạo chưa được coi là điểm đột phá để đưa đất nước phát triển đi lên như nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới có hoàn cảnh như nước ta đã từng làm. Trên thực tế, chúng ta chưa đưa ra được những triết lý giáo dục cụ thể phù hợp mục tiêu phát triển nền giáo dục nước nhà nhằm phục vụ các nhiệm vụ trong từng giai đoạn phát triển đất nước. Bởi vậy, nền giáo dục nước nhà đã lạc hậu trước sự biến chuyển nhanh chóng của các nền giáo dục trên thế giới trong giai đoạn hiện nay.Trong một bài viết gần đây, giáo sư Hoàng Tụy có nói: “Để khắc phục khó khăn hiện nay, chỉ có một lối thoát duy nhất là hiện đại hóa giáo dục”. Nhưng thế nào là hiện đại hóa giáo dục, thế nào là một nền giáo dục hiện đại? Tôi nghĩ rằng một nền giáo dục hiện đại trước hết là ở trong tính hiện đại của mục tiêu giáo dục mà nó đeo đuổi. Và

mục tiêu giáo dục hiện đại là xây dựng một nền giáo dục không phải để nhằm tạo nên những cái máy tinh xảo được nạp một bộ nhớ kiến thức khổng lồ mà là tạo nên những con người tự do, biết và dám độc lập suy nghĩ, biết cách tự mình chiếm lĩnh lấy kiến thức, tự mình đi khám phá ra chân lý, lẽ phải, và từ đó làm chủ cuộc sống của mình, của đất nước…

Ngày nay, giáo dục tập trung vào con người đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ ở nhiều nước trên thế giới. Các mục tiêu giáo dục phải được hình dung như là những sự lựa chọn có quan hệ đến các mục đích và trách nhiệm xã hội cả sự phát triển và sự tăng trưởng quyền lực của cá nhân. Người xưa thường nói: “Sĩ học hi hiền, hiền hi thánh, thánh hi thiên”. Nghĩa là: Kẻ sĩ học tập với niềm mơ ước trở thành người hiền, người hiền mong ước trở thành bậc thánh, còn bậc thánh thì mong ước trở nên anh minh, khoan thứ như trời cao”. Và theo nhà tương lai học A.Tofler, mục tiêu đầu tiên của giáo dục là phải làm tăng khả năng đối phó và thích ứng của con người. Chúng ta đặt mục đích của giáo dục như sau: giáo dục phải đào tạo những con người mang lại một hiệu năng xã hội cao, vừa thỏa mãn lợi ích cho bản thân, vừa mang lại lợi ích cho gia đình, cộng đồng xã hội nói chung.

Như vậy, giáo dục nhà trường phải hướng vào mục tiêu phát triển xã hội và phát triển cá nhân. Đây là mục tiêu kép cần được nhận thức thống nhất trong toàn xã hội, trước hết là những người làm công tác giáo dục và cha mẹ học sinh. Nó được coi là nét văn hóa trong quan niệm về giáo dục. Vì vậy, quan niệm “học vì bằng cấp” không còn chỗ đứng và cần được thay thế bằng quan niệm đúng đắn hơn, nhân bản hơn và cũng đượm màu sắc văn hóa hơn.

Có quan điểm cho rằng mục tiêu của giáo dục hiện nay là thành nhân, sau đó mới đến thành tài. Trong hai mục tiêu này, thành nhân phải là mục tiêu chính của phần lớn các công tác giáo dục của xã hội. Phải đặt trọng tâm ở trường phổ thông là giáo dục con người thành nhân với một số kỹ năng rất cơ

bản: biết cách học, biết phân tích và phản biện, biết đặt ưu tiên và giá trị của việc học tùy theo khả năng, hoàn cảnh và sở thích của cá nhân.

Khi một người đã có văn hóa, biết tôn trọng sự thật và muốn tìm sự thật thì người ấy đã có một tinh thần khoa học, biết nhìn nhận phân tích vấn đề, có một sự chuẩn bị tốt để phát triển bản thân. Phương tiện, khả năng chuyên môn để giải quyết vấn đề chỉ là phần giá trị phụ, vì nếu không có thì cũng có thể đi mua, đi thuê. Thành nhân là đã giải quyết được phần lớn mục đích thành tài. Với những phương tiện hiện đại của thế giới ngày hôm nay, học để có tài không còn là một thử thách khó khăn, phức tạp như trước nữa. Nguồn thông tin cho bất cứ ngành nghề nào cũng cực kỳ đa dạng, phong phú và dễ dàng tiếp cận. Điều kiện thành công của con người đã trở thành định tính nhiều hơn là định lượng. Mức độ thành công chỉ còn tùy thuộc vào hai yếu tố nữa (cũng định tính) là tư duy tổ chức tốt và tính kiên trì. Vì vậy, tất cả các đại học hàng đầu thế giới hiện nay khi tuyển sinh chỉ dùng số điểm (học bạ, kỳ thi tuyển) với chỉ số 30-50%, phần còn lại là kinh nghiệm hoạt động xã hội (từ thiện, phi lợi nhuận…), thành tích chứng tỏ khả năng lãnh đạo, khả năng rèn luyện thể dục thể thao, nghệ thuật… Đó là họ tìm giá trị của cái Nhân trong tuyển sinh.

Bên cạnh đó, việc chú trọng công tác phát hiện và bồi dưỡng, giáo dục và đào tạo nhân tài - một tiền đề quan trọng để hình thành đội ngũ nhân lực chất lượng cao của đất nước. Quá trình tập hợp và xây dựng đội ngũ nhân tài cho đất nước phải bắt đầu từ việc phát hiện ra trẻ em có năng khiếu. Trẻ em có năng khiếu đó chưa phải là nhân tài, nhưng là mầm sống phát triển thành nhân tài. Công việc này phải được cơ quan có trách nhiệm giao phó cho những người có trình độ hiểu biết cao, có tấm lòng tận tuỵ và đặc biệt phải có thái độ công tâm. Công việc đào tạo nhân tài phải được đầu tư thoả đáng, tập trung các chuyên gia có kinh nghiệm và những phương tiện, cơ sở vật chất - kỹ thuật cần thiết. Những người có tài năng phải được đặt đúng vị trí và sử dụng đúng

ngành nghề chuyên môn. Cần tránh tình trạng “chảy máu chất xám”, tạo nên sự lãng phí lớn làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Một phần của tài liệu Tư tưởng canh tân giáo dục của Nguyễn Trường Tộ - giá trị của nó với giáo dục Việt Nam hiện nay (Trang 102)