Đổi mới nội dung giáo dục theo quan điểm “định hướng kết quả đầu

Một phần của tài liệu Tư tưởng canh tân giáo dục của Nguyễn Trường Tộ - giá trị của nó với giáo dục Việt Nam hiện nay (Trang 106)

quả đầu ra”

Có thể thấy, sự lệch lạc, mất cân đối của nền giáo dục nhà Nguyễn thể hiện trong nội dung giáo dục mà Nguyễn Trường Tộ đã chỉ ra cho đến bây giờ vẫn chưa được khắc phục một cách hoàn toàn. Đó là nền giáo dục mà “…những điều thầy dạy, những điều trò học đều toàn những chuyện xa xưa. Tuy trong sách đôi chỗ có nói đến chuyện thực tế nhưng chẳng truyền dạy được...” [2, tr.248]. Hay nói cách khác, đó là nền giáo dục mang tính “hàn lâm, kinh viện”.

Trong khoa học giáo dục thì chương trình dạy học mang tính “hàn lâm, kinh viện” còn được gọi là giáo dục “định hướng nội dung” dạy học hay “định hướng đầu vào” (điều khiển đầu vào). Chương trình định hướng nội dung tồn tại phổ biến trên thế giới cho đến cuối thế kỷ 20 và ngày nay vẫn còn ở nhiều nước, trong đó có nước ta. Đặc điểm cơ bản của chương trình giáo dục định hướng nội dung là chú trọng việc truyền thụ hệ thống tri thức khoa học theo các môn học đã được quy định trong chương trình dạy học. Những nội dung của các môn học này dựa trên các khoa học chuyên ngành tương ứng: Toán học, Văn học, Lịch sử…

Ưu điểm của chương trình dạy học định hướng nội dung là cung cấp cho người học một hệ thống tri thức khoa học và có hệ thống. Tuy nhiên, ngày nay chương trình dạy học này không còn thích hợp nữa. Bởi vì, ngày nay tri thức thay đổi và bị lạc hậu nhanh chóng, việc quy định cứng nhắc những nội dung chi tiết trong chương trình dạy học dẫn đến tình trạng nội dung chương trình dạy học nhanh bị lạc hậu so với tri thức hiện đại. Ở đây, chúng ta thấy rằng, tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ về việc thay đổi nội dung học tập một cách thiết thực để mang lại sức mạnh vật chất cho dân tộc

vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay.

Vấn đề cốt yếu nhất đối với cải cách giáo dục là đổi mới nội dung giáo dục. Vậy trong thế kỷ mà chúng ta sắp bước vào, giáo dục cần phải hướng tới những nội dung gì? Biến kiến thức quá mênh mông, khối lượng kiến thức không ngừng tăng lên với tốc độ ngày càng nhanh, nếu việc học cốt để có nhiều kiến thức thì một đời người là quá ngắn ngủi. Mà con người trong thế kỷ tới, con ngừơi của xã hội tri thức phải là những con người có năng lực tri thức, sống và làm việc chủ yếu với những đối tượng là thông tin và tri thức.

Phần lớn nội dung và chương trình giáo dục các cấp hiện nay ở nước ta đều được biên soạn hoặc còn chịu ảnh hưởng bởi nội dung, chương trình giáo dục của các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, nhất là của Liên Xô. Một thời gian dài, những nội dung và chương trình giáo dục này khá phù hợp với nền giáo dục của nước ta và nó đã mang lại những thành tựu hết sức quan trọng. Song, tự nó cũng hàm chứa rất nhiều hạn chế, bất cập. Đặc biệt, trong quá trình đổi mới và hội nhập hiện nay thì những bất cập đó lại càng trở nên rõ nét đòi hỏi cần có sự cải cách và đổi mới cho phù hợp.

Để khắc phục những nhược điểm của chương trình định hướng nội dung, từ cuối thế kỷ 20 có nhiều nghiên cứu mới về chương trình dạy học, trong đó có nhiều quan niệm và mô hình mới về chương trình dạy học mà nền giáo dục nước ta có thể tham khảo và vận dụng cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Đó cũng là quan điểm về mối quan hệ “ta và người” của Nguyễn Trường Tộ.

Chương trình dạy học định hướng kết quả đầu ra (outcomes based curriculum - OBC) hay nói rộng hơn là giáo dục định hướng kết quả đầu ra (outcomes based education - OBE) được bàn đến nhiều từ những năm 90 của thế kỷ 20 và ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của nhiều quốc gia. Đây là chương trình nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra của việc dạy học, thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện các phẩm chất nhân cách, chú trọng năng lực

vận dụng tri thức trong những tình huống thực tiễn nhằm chuẩn bị cho con người năng lực giải quyết các tình huống của cuộc sống và nghề nghiệp. Chương trình này nhấn mạnh vai trò của người học với tư cách chủ thể của quá trình nhận thức. Chương trình dạy học định hướng kết quả đầu ra không quy định những nội dung dạy học chi tiết mà quy định những kết quả đầu ra mong muốn của quá trình đào tạo, trên cơ sở đó đưa ra những hướng dẫn chung về việc lựa chọn nội dung, phương pháp tổ chức và đánh giá kết quả dạy học nhằm đảm bảo thực hiện được mục tiêu giáo dục đã đề ra.

Để đạt được mục tiêu đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng được nhu cầu của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như theo kịp sự phát triển giáo dục của khu vực và thế giới thì đòi hỏi phải đổi mới nội dung giáo dục mà cụ thể là đổi mới chương trình và tài liệu giáo dục theo định hướng kết quả đầu ra. Việc giáo dục trong nhà trường là thực hiện một giai đoạn học, giai đoạn này hết sức quan trọng, nhưng cũng chỉ là một bộ phận trong toàn bộ quá trình học của một con người. Vì vậy, giáo dục nhà trường không nên đặt mục tiêu cung cấp đủ kiến thức cho người học đủ sống và làm việc cả cuộc đời. Mục tiêu của nhà trường là phải trang bị cho người học một vốn tri thức cơ bản cộng với một năng lực tự mình chủ động tìm kiếm những tri thức cần thiết trong suốt cuộc đời. Vấn đề chúng ta cần cấp bách giải quyết hiện nay là trả lời được các câu hỏi: Vốn tri thức cơ bản đó gồm những tri thức gì? Có gì cần phải thêm bớt so với các chương trình hiện hành? Và những môn học nào, những phương pháp dạy học nào có thể bồi dưỡng năng lực tìm kiếm và sáng tạo cho người học?

Vốn tri thức cơ bản không nhất thiết phải nhiều về khối lượng mà chủ yếu phải phản ảnh được trong mức độ thích hợp những hiểu biết hiện đại của con người về tự nhiên, cuộc sống, xã hội và đất nước. Và năng lực tri thức phải được bồi dưỡng thông qua cách dạy học, có tính gợi mở của thầy giáo,

qua các môn học có tác động đến việc rèn luyện phương pháp tư duy và nhận thức... Cụ thể:

- Chương trình giáo dục nên theo hướng tích hợp ở những lớp dưới, phân hóa mạnh ở những lớp trên, chú trọng giáo dục quốc phòng an ninh, tăng cường các hoạt động xã hội của học sinh để bảo tồn các truyền thống văn hóa xã hội, nhằm xây dựng nền học vấn phổ thông cơ bản, vững chắc và phát triển năng lực cá nhân của người học, phù hợp với điều kiện học tập của mỗi học sinh. Dựa trên chương trình chuẩn quốc gia, xây dựng các chương trình giáo dục địa phương phù hợp với nhu cầu và điều kiện tổ chức giáo dục của các vùng, miền, đặc biệt đối với các địa phương có học sinh dân tộc thiểu số.

- Thực hiện các chương trình đổi mới về dạy học các môn học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặc biệt là chương trình nâng cao hiệu quả dạy, học và sử dụng tiếng Anh. Đảm bảo học sinh được học liên tục tiếng Anh từ lớp 3 cho tới giáo dục nghề nghiệp, đại học và đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ quốc tế. Cùng với chương trình môn tiếng Anh với tư cách một môn ngoại ngữ, đến năm 2010 thực hiện dạy học song ngữ Anh-Việt ở một số môn học từ cuối cấp trung học cơ sở, bắt đầu ở một số địa phương và cơ sở giáo dục có điều kiện với quy mô tăng dần trong những năm tiếp theo. Đối với giáo dục đại học, thực hiện giảng dạy một số môn học bằng tiếng Anh ở một số trường đại học với quy mô và số môn học tăng dần trong những năm sau.

- Các chương trình giáo dục thường xuyên sau xoá mù, bổ túc văn hoá trên tiểu học, các chương trình đáp ứng yêu cầu người học, các chương trình bồi dưỡng thường xuyên được xây dựng lại, cung cấp được cho người học kiến thức và kỹ năng hiện đại.

- Thay đổi nội dung giáo dục nghề nghiệp cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Giảm tải số học phần lý thuyết, đồng thời tăng cường học phần thực hành, luôn cập nhật và áp dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào trong giảng dạy. Có như vậy, khi ra trường, người học mới không bị bỡ ngỡ

trước những kỹ thuật, công nghệ hiện đại và nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc công nghiệp hiện đại

Dĩ nhiên, bổ sung hay thay đổi nội dung chương trình giáo dục không phải là việc đơn giản. Ta có thể chấp nhận một độ trễ nhất định cho việc thay đổi đó nhưng việc bổ sung, điều chỉnh hay nói đúng hơn, kết hợp một cách hài hoà những yếu tố mới và cũ trong hệ thống tri thức được giáo dục ở nhà trường thật sự là một yêu cầu có ý nghĩa quan trọng đối với cải cách và đổi mới giáo dục trong thế kỷ mới mà ta cần phải hết sức quan tâm.

Một phần của tài liệu Tư tưởng canh tân giáo dục của Nguyễn Trường Tộ - giá trị của nó với giáo dục Việt Nam hiện nay (Trang 106)