Sự tiếp thu những ảnh hưởng của văn minh phương Tây

Một phần của tài liệu Tư tưởng canh tân giáo dục của Nguyễn Trường Tộ - giá trị của nó với giáo dục Việt Nam hiện nay (Trang 36)

Nguyễn Trường Tộ là một tín đồ Thiên Chúa Giáo và quá trình tiếp xúc với người nước ngoài, có điều kiện sang các nước lớn đã góp phần đáng kể

trong việc hình thành và phát triển tư tưởng giáo dục của ông.

Nguyễn Trường Tộ là một tín đồ công giáo, trưởng thành trong giai đoạn lịch sử bị thực dân Pháp chiếm các nước Ðông Dương và Việt Nam. Đạo Thiên Chúa vào Việt Nam khi nào? Và nó có tác động gì đến tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ. Trước hết chúng ta cũng điểm qua những mốc lịch sử quan trọng cho sự xuất hiện của Đạo Thiên chúa ở Việt Nam.

Ngay từ thế kỷ XV, thế kỷ XVI, người Âu châu đã biết bờ bể của nước ta, nhưng mãi đến đầu thế kỷ XVII thì người Tây phương mới bắt đầu giao thiệp với người Việt Nam ta. Lẽ tự nhiên là những người Âu đã ở cõi Á Đông trong hồi đó để chân lên đất Việt Nam trước tiên. Người Bồ Đào Nha thì từ Áo Môn đến trong khi có gió mùa đông bắc, người Tây Ban Nha từ Manille đến, người Hà Lan từ Chà-và và người Pháp và người Anh thì từ Ấn Độ sang. Người Âu châu bắt đầu tiếp xúc với người nước Nam ở xứ Đàng Trong (Cochinchine), rồi sau mới dần dần ra Bắc. Chỗ người Âu đến buôn bán và mở cửa hàng trước hết là ở Hội An (Faifo), một nơi người Tàu và người Nhật đã đến từ trước. Mỗi lần đến, họ đem nhiều hàng hóa đến bán, rồi lại mua các sản vật của nước ta chở về nước.

Các chúa Nguyễn cai trị trong Nam hồi đó đang đánh nhau với chúa Trịnh, tưởng có thể lợi dụng được người Âu giúp mình đánh kẻ thù, nên tiếp đãi họ rất tử tế, lại cho phép được thương đi lại buôn bán. Chúa Nguyễn hay giao thiệp với người Bồ Đào Nha. Sau đó ít lâu người Tây phương mới đến Bắc Kỳ và các tàu của người Âu châu mới vào cửa Thái Bình và cửa Luộc.

Về người Pháp thì từ năm 1669 mới có tàu của Pháp vào xin mở cửa hàng ở Phố Hiến. Mấy năm sau 1682, lại có chiếc tàu Saint Joseph ở Xiêm La sang đem phẩm vật và thư của vua Louis XIV dâng vua Lê Hi Tôn và chúa Trịnh. Ở miền Nam, năm 1686, có người Pháp tên là Verret được phép mở cửa hàng ở cù lao Côn Lôn. Đến hơn 50 năm sau, 172, lại có một người Pháp là Pierre le Poivre vừa là giáo sĩ, vừa là một công chức ở đảo France, vừa là

nhà buôn do công ty Ấn Độ của người Pháp phái sang xứ Đàng Trong để giao thiệp, gây tình thân thiện và mở thêm một đường thông thương mới cho người Pháp. Pierre Poivre trước đã từng có ở bên Tàu. Ngày 29 tháng tám 1872, ông đáp tàu Machault đến Hội An (Faifo). Poivre ở Hội An ít lâu rồi đi đường bộ đến Thuận Hóa vào yết kiến Võ vương để dâng lễ vật và thư xin thông thương. Võ vương tiếp P.Poivre rất tử tế và cho phép được đi lại buôn bán. Nhưng về sau vì công ty Ấn Độ của Pháp bãi đi và nhiều việc khó khăn khác nên việc thông thương cũng không thể tiếp tục được.

Đồng thời với các tàu buôn Âu châu, ngay từ thế kỷ 16 đã có một vài giáo sĩ Tây phương đến xứ ta; nhưng cũng chỉ đến, rồi ở ít lâu lại cùng đi với các tàu đó. Bước sang đầu thế kỷ thứ 17, số giáo sĩ sang nước ta mới càng ngày càng nhiều, việc truyền giáo mỗi ngày mỗi thịnh và số giáo dân trong nước ở Bắc Kỳ cũng như ở trong Nam càng ngày càng nhiều thêm. Trong số các giáo sĩ không những là người Âu châu mà lại có cả các giáo sĩ và các thầy giáo lý người Nhật Bản… vì đạo Thiên Chúa bắt đầu truyền từ giữa thế kỷ 16 và đã có hồi rất thịnh hành ở xứ đó.

Người Việt Nam ta vốn tính tình nhã nhặn, trung hậu, không hề có ý ác cảm với người ngoài như các giáo sĩ và các người Tây phương đầu tiên đã công nhận. Vì thế mà khi các giáo sĩ mới vào nước ta đều được dân ta tỏ vẻ hoan nghênh. Cả đến các vua quan nước ta, trong hồi bấy giờ cũng có ý muốn thân thiện với người ngoại dương, để bắt chước những điều khôn ngoan của họ, để mở mang việc buôn bán trong nước và có khi cũng để lợi dụng sức mạnh và sự tài giỏi của người vào việc mình. Nhưng về sau chỉ vì nhiều sự hiểu lầm đáng tiếc mà gây nên một mối nghi kỵ giữa người ngoài và người Việt Nam ta.

Mặc dù triều đình cấm đạo gắt gao, nhưng Nguyễn Trường Tộ đã không sợ liên lụy mà còn táo bạo gửi điều trần can gián vua. Lời lẽ điều trần mềm dẻo, nhưng sắc sảo. Ông viết: “Xét ra đạo Công giáo vào nước ta từ thời

Lê… Lúc bấy giờ giáo dân và những người trong ba đạo (Phật, Lão, Khổng), tuy tín ngưỡng khác nhau nhưng vẫn ân ái tiếp đón nhau, lễ nghĩa đối đãi nhau, năng lui tới với nhau không có gì hiềm nghi, đều là con dân của nước nhà mà thôi. Từ khi ban hành lệnh nghiêm cấm thì mới sinh ra ghen ghét kỳ thị nhau, do ghen ghét kỳ thị nhau mới sinh ra tội lệ. Từ đấy giáo dân bị phiền nhiễu đến nỗi phải lưu ly thất sở mà mắc vào vòng hình phạt. Nước vốn trong, có quấy lên mới bị đục, nếu ngừng thì chốc lát sẽ trong trở lại”. Theo chúng tôi, với Bàn về tự do tôn giáo, Nguyễn Trường Tộ là người đầu tiên đưa ra khái niệm “đồng hành” tôn giáo trong Triết học Việt Nam. Ông đã đưa ra những quan niệm đúng đắn về tôn giáo mà đến nay chúng ta vẫn có thể nhận thấy phần nào trong các văn bản luật liên quan đến tôn giáo nhằm vừa đảm bảo tự do tín ngưỡng tôn giáo, vừa chống lại sự lợi dụng tôn giáo làm những điều sai trái. Ông viết: “Giáo dân cũng do tạo vật sinh dưỡng và đạo giáo cũng do tạo vật bảo dưỡng huống chi giáo dân cũng là một thành phần của nhân dân trong nước? Trong số đó nếu có kẻ bội nghịch chẳng qua cũng chỉ một phần nghìn phần trăm mà thôi… bất kỳ trong đạo giáo nào, hễ ai phản nghịch loạn thường đều là người đắc tội trong tôn giáo, cứ áp dụng hình phạt không tha để cho tôn giáo được trong sạch. Còn ai yên phận tuân theo pháp luật thì để cho họ tự nhiên, có hại gì đâu? Đồng hành mà không nghịch nhau là được, cần gì bắt phải nhất tề những cái mà tạo vật không thể nhất tề, cũng không cần thiết phải nhất tề, để làm tổn thương hòa khí” [2, tr.118].

Nguyễn Trường Tộ luôn có ý thức cao về bổn phận công dân. Nhiều lúc, vấn đề quốc gia, dân tộc được ông đặt lên trên cả các lợi ích tôn giáo thông thường. Chẳng hạn, có những việc ông đề nghị đừng cho các giám mục, linh mục biết, hoặc tranh thủ cả Vatican để tạo lợi thế cho nước ta. Cũng chính ông đã đưa ra một ý tưởng hoàn toàn mới mẻ là giáo hội Việt Nam phải giao cho người Việt Nam cai quản. Điều này, mãi đến những năm sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 mới được nhắc lại và đến năm 1960 mới thành hiện

thực khi Giáo hoàng Gioan XXIII ra sắc chỉ thiết lập hàng giáo phẩm ở nước ta. Ông viết: “…năm trước tôi đã bẩm miệng với quan Thượng thư bộ Binh và bộ Hộ muốn nhân lúc đi Tây mà xin với Giáo hoàng rút giáo sĩ Pháp về, và chỉ giao cho giáo sĩ nước ta trông nom hoàn toàn việc đạo giáo… Tôi nói như thế, không phải là phản đạo, mà chính là để bảo vệ đạo”.

Nguyễn Trường Tộ là một tri thức công giáo, nhưng trong tư tưởng và hành động của ông luôn thống nhất giữa tình yêu nước và lòng kính Chúa.

Đạo Thiên chúa luôn răn dạy những con chiên của mình sống tốt đời đẹp đạo, đây cũng là yếu tố ảnh hưởng tới tư tưởng cũng như hành động của ông.

Bên cạnh yếu tố Đạo Thiên chúa thì quá trình sớm tiếp xúc với văn minh Tây Phương cũng được xem như là yếu tố ảnh hưởng đến hình thành tư tưởng canh tân của Nguyễn Trường Tộ.

Ông tiếp xúc với văn hoá phương Tây từ những năm 1848 - 1849 và có thể đã đi ra nước ngoài từ những năm 1848 - 1849. Trong một bài viết tháng 5 năm Tự Đức thứ 17 (tức là khoảng táng 6 năm 1864), Nguyễn Trường Tộ viết: “Từ 15 năm nay, tôi đã biết rõ tất phải có mối lo như ngày nay, nên tôi đã sức tìm tòi học hỏi trí khôn của mọi người để thêm sự hiểu biết của mình, chứ không phải chỉ mới một ngày” [2, tr.21]. Rồi trong một bài viết khác, ông lại nói: “Mấy chục năm nay, tôi buôn tầu trong thiên hạ, thu thập những tình thế biến thiên xưa nay, đem những điều đã đọc trong sách nghiệm ra việc đời. Đã trao đổi với ai một lời nói, một câu chuyện, thâm tâm tôi cũng có ý muốn thu lấy sự hiểu biết của người làm của mình…” [2, tr.21].

Được tiếp xúc khá sớm với văn hoá phương Tây phải kể đến công lớn của Giám mục người Pháp Gauthier (Ngô Gia Hậu). Nguyễn Trường Tộ đã có dịp đi ra nước ngoài đến các nước Đông Nam Á, ở những nơi ông đã đặt chân đến, Nguyễn Trường Tộ dành thời gian và tâm huyết để đọc các sách báo của Tây phương, bằng tiếng Pháp, tiếng Anh và nhất là đọc các sách báo phương Tây đã dịch ra tiếng Trung Quốc. Đặc biệt năm 1858, chính sách cấm

và giết đạo của triều đình Huế được đẩy mạnh buộc Giám mục Gauthier phải rời Việt Nam về Pháp, có đưa Nguyễn Trường Tộ theo. Sang tới Pháp, có thời gian sống tại Paris "thành phố ánh sáng", với tinh thần say mê tìm hiểu và học hỏi không mệt mỏi, Nguyễn Trường Tộ đã tranh thủ học tập các ngành khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội, quân sự, hàng hải, kiến trúc, khoa học, công nghiệp... tiên tiến. Không chỉ học trong sách vở tại trường, ông còn đi nhiều địa phương để tham quan học hỏi, tai nghe, mắt thấy, thăm các nhà máy dệt, các vùng mỏ than ở phía Bắc, các xí nghiệp luyện kim miền Đông là những vùng công nghiệp rất phát triển của nước Pháp. Nhờ đó mà vào đầu năm 1861, Nguyễn Trường Tộ đã có được một số kiến thức khá rộng lớn về khoa học kỹ thuật cũng như khoa học xã hội.

Tóm lại, tư tưởng canh tân của Nguyễn Trường Tộ nói chung trong đó canh tân giáo dục của ông nói riêng chịu ảnh hưởng rất nhiều yếu tố. Trong những yếu tố đó phải kể đến sự tác động của Đạo Thiên chúa và quá trình sớm tiếp xúc với nền văn hoá phương Tây giúp cho ông đưa ra các tư tưởng cải cách mang tính cấp thiết, để giải bài toán cho lịch sử nước nhà.

Một phần của tài liệu Tư tưởng canh tân giáo dục của Nguyễn Trường Tộ - giá trị của nó với giáo dục Việt Nam hiện nay (Trang 36)