Tư tưởng giáo dục mang tính toàn diện

Một phần của tài liệu Tư tưởng canh tân giáo dục của Nguyễn Trường Tộ - giá trị của nó với giáo dục Việt Nam hiện nay (Trang 56)

Từ thực tế đất nước, cùng với đề nghị thay đổi mục tiêu giáo dục, thông qua thay đổi phương pháp giáo dục, Nguyễn Trường Tộ thiết kế ra một chương trình giáo dục rất mới và toàn diện. Nhưng trước khi đưa ra nội dung chương trình giáo dục, ông đã phân tích, chỉ ra sự lệch lạc, mất cân đối của nền giáo dục nhà Nguyễn. “Nhìn lại sự học của ta ngày nay, những điều thầy dạy, những cái học trò học đều toàn những chuyện xa xưa. Tuy trong sách đôi chỗ có nói đến chuyện thực tế nhưng chẳng truyền dạy được...” [2, tr.248]. “Có thể học biết phép trị nước của Đường Ngu nhưng cái cách làm thế nào để trị nước thì không thể học được vì nó chỉ thích hợp với thần dân ngày xưa thôi, mà thần dân ấy lại ở Bắc quốc, nếu học vậy thật lãng phí” [2, tr.249]. Đồng thời ông chỉ ra sự mất cân đối thiên lệch của giáo dục hiện tại: “không nên quá coi trọng thơ phú, ngâm vịnh, những môn đó đói không thể nấu làm món ăn cho no bụng được”, còn những người giỏi thơ phú suông đến lúc biến động họ không biết làm sao cho khỏi chết đói chứ không nói gì đến chuyện cứu dân giúp đời.

Bổ sung cho sự học thiên lệch đó, theo Nguyễn Trường Tộ nước ta cần phải có nội dung học tập thiết thực để mang lại sức mạnh vật chất cho dân tộc

đủ sức chiến thắng kẻ thù.

Theo Nguyễn Trường Tộ chương trình giáo dục mà ông nêu ra có thể đáp ứng với nhu cầu thực tiễn đào tạo người tài đủ năng lực gánh vác các trọng trách lúc bấy giờ. Ông đề nghị lập thêm các khoa Nông chính, Thiên văn, Địa lý, Công kỹ nghệ, Luật học, Ngoại ngữ… tạo nên một chương trình giáo dục “hoành tráng” mà rất thiết thực cho nước nhà khi ấy. Chương trình giáo dục ấy vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay.

Sau đây chúng ta tìm hiểu một số nội dung cơ bản trong chương trình canh tân giáo dục của Nguyễn Trường Tộ. Trong đó, ông đề cập đến giáo dục tri thức khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, ông coi trọng giáo dục nghề, giáo dục ngôn ngữ và giáo dục đạo đức.

Trước hết trong giáo dục khoa học tự nhiên, ông coi trọng phát triển khoa Công kỹ nghệ. Tuy nhiên tư tưởng thành lập khoa Kỹ nghệ của ông mới chỉ được hình thành một cách sơ sài, chủ yếu được quan niệm là khoa học về cách khai thác nguồn lợi khoáng sản mà thôi. Nhưng đây cũng là một nội dung mới, một điểm rất mới chưa từng có trong hệ thống chương trình giáo dục của nước ta từ trước đến lúc bấy giờ. Ông đề nghị hai vấn đề: Chính sách của triều đình và phương tiện rộng rãi cho việc học khoa học kỹ nghệ.

Theo đề nghị của ông thì triều đình tìm trong sách nho từ trước tới nay xem có chỗ nào nói đến cơ xảo, dù chỉ một vài câu cũng nhặt hết ra, thu thập cả lại cho đúng. Ngoài ra còn lấy trong sách phương Tây (do ông mua) tạo sách giáo khoa và công kỹ nghệ.

Ông đề nghị mua máy in, để dùng vào việc in ấn, nhân ra nhiều bản và cho phổ biến rộng các sách về khoa học, kỹ thuật. Đồng thời đề nghị triều đình lập khoa, lập thể lệ, phổ biến trong dân để dân thấy quan trọng mà học.

Tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ về việc thành lập khoa Kỹ nghệ đã cho thấy tầm nhìn xa trông rộng của ông. Bởi so với thời bấy giờ, hai từ “Kỹ nghệ” vẫn còn xa lạ với triều đình nhà Nguyễn. Do được đi nhiều nơi, tầm

hiểu biết của ông được nâng lên rõ rệt, ông hiểu rằng phải có trình độ khoa học kỹ thuật mới tạo nên sức mạnh cho đất nước thoát khỏi sự lạc hậu, trì trệ để rồi vươn lên phát triển giành lại độc lập cho quốc gia mình.

Thứ hai, Nguyễn Trường Tộ quan tâm đến việc phát triển giáo dục khoa học xã hội bao gồm các nội dung về Thiên văn, địa lý, Luật học, Lịch sử nước nhà.

Theo Nguyễn Trường Tộ thì hai khoa Thiên văn và Địa lý là gốc của mọi việc. Ông viết: “Hai khoa này là gốc của mọi việc”. Lúc bấy giờ sách học về hai môn này có nhiều thiếu sót, không đáp ứng được thực tế chăn nuôi trồng trọt và “bổ cứu” tự nhiên nên ông đề nghị soạn sách cho môn này căn cứ vào việc: duyệt lại sách thiên văn địa lý của nước ta từ trước tới nay, chọn lấy những gì hợp với thiên thời, địa lợi nước ta, chắc chắn có thể thấy được như vật trong bàn tay... soạn thành sách. Ngoài ra ông còn đề nghị “tham khảo sách thiên văn, địa lý của phương Tây, dịch sách, tóm tắt những chỗ quan trọng, hữu dụng để tham khảo, ứng dụng cho mọi người biết rõ: “chúng ta ở trong trời đất, phàm tất cả những an nguy, hưng phế, phúc họa đều từ trong đó mà ra cả. Nếu không hiểu thiên văn, địa lý “ta không biết rõ đầu ta đội gì, chân ta đạp gì, nhờ cái gì mà ta sống” [2, tr.252]. Ông cũng đề nghị “kế thừa sách cổ” và bổ khuyết vào đó những kiến thức mới được chắt lọc từ sách của phương Tây.

So với đề nghị về khoa nông chính, nội dung học tập của khoa thiên văn, địa lý còn đơn giản. Nhưng quán xuyến là tư tưởng học những gì hữu dụng, chọn những gì phù hợp với ta, cung cấp những kiến thức về khoa học tự nhiên mà trong tri thức của các sĩ tử nước ta còn nghèo nàn thiếu thốn.

Tuy nhiên trong cách trình bày về thiên văn địa lý Nguyễn Trường Tộ còn ảnh hưởng cách nhìn của Kinh Dịch khá rõ nét khi ông nói: nếu không có kiến thức thiên văn địa lý ta sẽ không hiểu... “ta bắt đầu từ đâu, cuối cùng ta sẽ về đâu. Hiện tại ta được tốt lành là do đâu, ta sở dĩ được sinh ra, được nên người là ý gì? Sự tình mập mờ như thế, đạo lý thiếu sót như thế, vậy mà không chịu học

để thấy rõ, cứ bằng lòng với cái dốt nát của mình...” [2, tr.252].

Quan điểm của ông về Thiên văn địa lý là kiến thức khoa học về tự nhiên. Coi trọng khoa học tự nhiên, coi trọng tri thức về thế giới khách quan là quan niệm rất mới trong học thuật của ông, đối lập với quan niệm chỉ coi trọng đạo đức rất phổ biến lúc bấy giờ. Qua đó người đọc cũng hình dung được ở Nguyễn Trường Tộ sự khác biệt giữa địa lý thiên văn mới với kiến thức thiên văn cổ hủ pha lẫn màu sắc mê tín dị đoan mà triều Nguyễn đang dùng. Ông lưu ý thiên văn địa lý là những kiến thức, hữu dụng, sự thật chứ không phải môn thuật số, phong thuỷ. Cũng không chỉ đơn thuần là lịch pháp. Tuy nhiên về diện mạo, mục đích của khoa thiên văn mới, tầm quan trọng của nó chưa được ông trình bày đầy đủ.

Thứ ba, Nguyễn Trường Tộ đề cập đến khoa Luật học với những nguyên lý cơ bản như: phải có một bộ luật phổ biến trong nhân dân mà từ vua đến dân đều phải tuân thủ, nhà vua không được đứng trên pháp luật, nhà vua trị nước bằng pháp luật. Theo ông mở khoa luật là để: “Quan hay dân đều phải học luật” vì tầm quan trọng của luật: “Nếu trong nước không có luật, thì có vạn quyển sách cũng không trị được dân” [2, tr.263] vì luật là để thực hiện “trung hiếu, lễ nghĩa” làm cho nó không phải là lời nói suông. Ai làm tốt trước đây không thưởng, không làm cũng không bị phạt cho nên không đổi được tâm tính người ta dù có học bao nhiêu sách vở cũng vô ích.

Nội dung luật “bao gồm cả kỷ cương, uy quyền, chính lệnh của quốc gia, trong đó tam cương ngũ thường cho đến việc hành chính của 6 bộ đều đầy đủ” [2, tr.253]. Từ quan đến dân đều phải thi hành luật, kể cả vua cũng phải nghiêm túc chấp hành luật pháp, ông đề nghị: “Ai giỏi luật sẽ được làm quan”, “người dự thi trước hết phải thi khoa luật và các khoa khác thiết thực cho hiện tại” quan là người theo luật mà xử. Dân phải biết luật mà làm. Ông chê trách sự thiếu sót của triều đình đã không phổ biến luật cho dân: “Dân gian không biết luật lệ, phạm nhiều sai lầm, sao không chỉ dạy rõ ràng để (dân) biết mà tránh” [2, tr.254].

Thi hành luật để cho kỷ cương phép nước được nghiêm, quan đến dân cứ theo luật mà làm. Thi hành luật cũng nhằm mục đích “Để nói chuyện trị nước mình ngày nay ra sao thôi”, còn chuyện đời Đường, đời Hán thì “mặc kệ người ta”. Mục đích thi hành luật là để làm cho nước mình dân giàu, binh mạnh, tăng nhiều của cải, sức lực, lập mưu kế để chống giặc, bởi vì “kẻ địch bên ngoài sắp muốn nô dịch dân ta, cướp bóc của cải của ta, đang bức bách ta, ngày kia sẽ đem cái giáo hoá, luật lệ của chúng đến sai khiến chúng ta, chừng đó ăn năn sao kịp” [2, tr.254]. Nguyễn Trường Tộ đã nêu rõ mục tiêu của pháp chế là để tăng cường sức mạnh cho ta cấp thiết chống lại kẻ thù là thực dân Pháp vốn có sức mạnh nhờ vào pháp trị.

Nguyễn Trường Tộ đã đặt vấn đề hết sức khoa học và mạch lạc: Tại sao phải mở khoa luật? Luật pháp là gì? Ai thi hành luật ? Mục đích và hiệu quả của luật... Ông vừa kế thừa tư tưởng của phái Pháp gia theo quan điểm “thưởng phạt” để thúc đẩy hành pháp, vừa học ở thiết chế luật pháp phương Tây theo luật xử xét “Phàm những ai đã nhập ngạch Bộ hình xử đoán các vụ kiện tụng chỉ có tăng truất chứ không bao giờ bị biếm truất” [2, tr.253]. “Những tội ngũ hình đều do các vị này xử, vua cũng không được đoán phạt một người nào theo ý mình mà không có chữ ký của quan trong bộ ấy” [2, tr.253].

Một mặt, Nguyễn Trường Tộ nêu rõ sự công bằng tiến bộ trong luật pháp phương Tây. Mặt khác, quan niệm của ông lại hạn chế khi ông nói rằng: “Từ xưa đến nay các vua chúa chỉ nắm quyền thống trị, cứu nước giúp đời đều nhờ hiểu luật” [2, tr.253]. Các điều luật chỉ để cho quan, dân học và thực hiện. Phải chăng do tư tưởng tôn quân phong kiến, hay do e ngại triều đình mà ông cho rằng vua không phải đọc luật vì vua đã hiểu luật rồi. Mong muốn của Nguyễn Trường Tộ là xây dựng khoa học về luật để làm cơ sở nhà nước xây dựng nền pháp trị công khai theo hình mẫu pháp chế phương Tây chứ không theo mô hình Bắc quốc.

Liên quan đến khoa luật học Nguyễn Trường Tộ chỉ ra mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức. Ông viết: “Nếu bảo luật lệ chỉ tốt cho việc cai trị

chứ không có đạo đức tinh vi, thế là không biết rằng trái luật là tội, giữ đúng luật là đức. Nếu tận dụng cái lẽ công bằng ở trong luật mà xử sự thì mọi quyền pháp đều là đạo đức. Có cái đức nào lớn hơn chí công vô tư không? Chí công vô tư là đức trời. Trong luật cái gì cũng công bằng hợp với đức trời, như vậy mà không đáng gọi là đạo đức tinh vi sao?” [2, tr.254]. Tư tưởng gắn đạo đức với pháp luật của Nguyễn Trường Tộ rất gần với tư tưởng pháp quyền tiến bộ phương Tây và có nghiều ý nghĩa đối với nước ta hiện nay, khi chúng ta đang cố gắng xây dựng Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

Thứ tư, trong nội dung giáo dục khoa học xã hội, Nguyễn Trường Tộ còn đề cập đến việc học lịch sử nước nhà. Nội dung cải cách này của Nguyễn Trường Tộ được hình thành khá rõ nét, là một vấn đề nổi bật trong đề nghị cải cách giáo dục của ông. Xin nêu ra dưới đây luận điểm của ông. Trước hết ông phản đối việc học Bắc sử vì ông cho rằng nó không có ích cho ngày nay mà đôi khi còn có hại. Cái hại trước tiên là mất thời gian, vô ích. Cái hại thứ hai làm cho lòng người ta hướng về xưa muốn được như xưa, phục nể Bắc quốc và giảm lòng tự tôn dân tộc. Ông phê phán và xót xa vì sự học không thiết thực và lãng phí công sức của người học, của đất nước, làm hao tài tốn của và tạo tâm lý tự ti dân tộc: tại sao “cứ ngày đêm luôn miệng kêu réo những người từ bên Tàu, đã chết mấy ngàn năm như Tiêu Hà, Hà Tín! Phải chăng chúng ta ngày nay còn mang ơn họ! Phải chăng người đời nay không bì kịp người đời xưa? Hay muốn kêu cho họ sống lại? Như vậy mà cứ học cho đến bạc tóc, thật là quái gở không thể nào hiểu nổi” [2, tr.250].

Ông đề nghị học lịch sử Việt Nam: “Nước ta trên cũng có trời che, tức thiên văn, dưới cũng có đất chở tức địa lý. Trong khoảng trời đất, nước ta cũng là một đất nước tốt lành hẳn hoi, đâu phải là một niềm phụ dung của Tàu. Trong đó cũng có việc của con người, luân thường đạo lý của con người, tức là những gì ta phải xây dựng cho hiện đại cũng như cho con cháu ta mai

sau. Nước ta cũng có tổ tiên, các vua quan đời trước, các sự tích lưu truyền có thể cho ta tìm hiểu nguyên nhân của sự được mất, khảo sát lý do của sự trị loạn. Đó là những gốc gác lai lịch ta cần phải biết” [2, tr.22].

Tự hào là người Việt Nam, có lòng yêu nước sâu sắc, am hiểu lịch sử dân tộc, ông viết: “Nước ta có những vị danh thần trong các triều vua trước, còn để lại danh thơm, tiếng tốt, cũng như các danh thần và các quan chức trong triều hiện nay mà việc làm của họ có thể làm khuôn phép cho đời. Tại sao không đem ra truyền tụng cho mọi người hứng khởi” [2, tr.250]. Qua việc nói về lịch sử và truyền thống dân tộc, Nguyễn Trường Tộ bày tỏ quan điểm về việc học lịch sử nước nhà mà không chỉ làm cho dân tộc ta tự hào về quá khứ mà còn củng cố niềm tự hào đó cho thế hệ sau.

Ngoài ra, việc học lịch sử còn giúp vào việc tìm hiểu nguyên nhân của sự được mất, trị loạn để rút kinh nghiệm cho hiện tại trước thách thức “mất, còn” của vận nước. Đó là quan điểm nghiên cứu lịch sử hiện tại mà ngày nay chúng ta cũng đang thực hiện.

Quan điểm về việc học lịch sử nước nhà của ông có ý nghĩa sâu sắc, tư tưởng ấy phù hợp với mục tiêu giáo dục của chúng ta ngày nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm Lịch sử nước ta - 1941 đã từng dạy rằng:

“Dân ta phải biết sử ta

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam’’ (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một trong những tư tưởng tiến bộ trong nội dung giáo dục của Nguyễn Trường Tộ đó là giáo dục nghề nông. Đây là vấn đề ông đặc biệt coi trọng vì nước ta là một nước nông nghiệp, triều đại nào cũng lấy việc trồng trọt chăn nuôi làm đầu. Trong điều kiện kinh tế nước ta lúc ấy, nông nghiệp là ngành sản xuất chủ chốt, đồng thời việc đặt vấn đề nông nghiệp hàng đầu cũng hợp ý của vua quan triều đình, hợp với quan điểm của các nhà nho “dĩ nông vi bản”. Nhưng theo đánh giá của Nguyễn Trường Tộ thì lúc bấy giờ: “ngành trồng trọt chăn nuôi ở nước ta đều phó mặc cho tự nhiên, không có quan viên

bày vẽ, giáo dục, đốc suất” [2, tr.251]. Nên không được quan tâm, chú trọng, nghề nông ở nước ta đến giữa thế kỷ XIX vẫn y nguyên như ngàn năm về trước. Đây chính là lý do lý giải cho việc Nguyễn Trường Tộ đề cập đến khoa Nông chính đầu tiên.

Ông xác định: “Nông nghiệp là cái gốc, ăn, mặc và các món cần dùng cho đời sống đều nhờ nông nghiệp. Ngoài ra nông nghiệp còn đóng vai trò giữ vững kỉ cương, đạo đức Nho giáo” [2, tr.251]. Ông trích lời người xưa: “Nếu người ta không có ăn có mặc, thì không có đạo vua tôi” [2, tr.251]. Nói như vậy là để

Một phần của tài liệu Tư tưởng canh tân giáo dục của Nguyễn Trường Tộ - giá trị của nó với giáo dục Việt Nam hiện nay (Trang 56)