Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới thuộc vùng Tây Bắc, cách thủ đô Hà Nội gần 500 km về phía Tây; phía Bắc giáp tỉnh Lai Châu, phía Đông và Đông bắc giáp tỉnh Sơn La, phía Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam – Trung Quốc; phía Tây và Tây Nam giáp với nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào.
Tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh hiện nay là 9.554.097 km2 với dân số 438.135 người (chiếm 55,6% diện tích tự nhiên, 66,3% dân số của tỉnh Lai Châu cũ).
Điện Biên có lợi thế lớn về tiềm năng đất đai, đặc biệt là diện tích đất chưa sử dụng còn rất lớn (trên 500.000 ha, chiếm 55% tổng diện tích tự nhiên). Đây chính là tiềm năng lợi thế lớn để tỉnh đầu tư phát triển lâm nghiệp, trồng cây công nghiệp, chăn nuôi đại gia súc… Ngoài ra cánh đồng Điện Biên rộng lớn với đất đai màu mỡ, được coi là vựa lúa của vùng Tây Bắc, nếu được đầu tư thoả đáng và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thì sẽ trở thành nơi sản xuất lúa gạo chất lượng cao của cả nước để xuất khẩu. Tại các vùng Mường Nhé, Si Pa Thìn, Điện Biên có rất nhiều thuận lợi để tập trung phát triển chăn nuôi các loại gia súc theo hướng kinh tế trang trại.
Trên địa bàn tỉnh còn có rất nhiều di tích lịch sử có giá trị văn hoá, du lịch cao, trong đó đáng chú ý là di tích Điện Biên Phủ và nhiều danh lam thắng cảnh gắn với nền văn hoá truyền thống của các dân tộc anh em, đây là lợi thế lớn để tỉnh phát triển mạnh ngành du lịch, dịch vụ.
Ngoài những tiềm năng trên Điện Biên còn có đường biên giới chung với nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào và Trung Quốc. Tại đây có các cửa khẩu Tây Trang (đang đề nghị được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế), cửa
khẩu Pa Thơm, cửa khẩu Mường Lói, cửa khẩu A Pa Chải… Đây là những cửa khẩu quan trọng để tỉnh Điện Biên mở mang phát triển kinh tế và giao lưu với các nước. Ngoài tỉnh còn có sân bay Điện Biên đang được nâng cấp và mở rộng, đồng thời còn có nhiều tiềm năng để phát triển thuỷ điện và các nguồn điện năng khác.
Đứng trước yêu cầu cấp bách của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, giáo dục Điện Biên phải phát triển đáp ứng kịp tốc độ và triển vọng nền kinh tế xã hội của tỉnh, tạo ra thị trường lao động kỹ thuật mới. Với cơ cấu dân cư trẻ, nhiều khu vực tập trung lao động thúc đẩy GD&ĐT phát triển, tăng trưởng nhanh cả về quy mô và chất lượng. Ngoài ra, sự phát triển kinh tế và xã hội cũng tạo điều kiện thực hiện công tác xã hội hoá và tăng thêm điều kiện về cơ sở vật chất cho giáo dục. Tuy nhiên là một tỉnh mà giáo dục chỉ phát triển mạnh từ sau khi miền Bắc được giải phóng; trình độ dân trí ở vùng khó khăn còn thấp, sự chênh lệch, phân hoá giữa các vùng miền còn cao, giáo dục Điện Biên cũng còn nhiều hạn chế trong quá trình phát triển đi lên.