Thực trạng chính sách khung của Nhà nước đối với phát triển dịch vụ phân phối bán lẻ trong thời kỳ hội nhập

Một phần của tài liệu Hoàn thiện chính sách phát triển dịch vụ phân phối bán lẻ hàng hóa ở việt nam trong thời kỳ hội nhập (Trang 72)

II. Tăng trưởng (%)

3.2.1. Thực trạng chính sách khung của Nhà nước đối với phát triển dịch vụ phân phối bán lẻ trong thời kỳ hội nhập

phân phối bán lẻ trong thời kỳ hội nhập

3.2.1.1. Quan điểm, mục tiêu và những nguyên tắc cơ bản của chính sách khung đối với phát triển DVPPBL

Luật Thương mại năm 1997 đã xác định quan điểm và mục tiêu cơ bản của chính sách khung đối với phát triển thương mại Việt Nam, trong đó có lĩnh vực DVPPBL là: “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện mở rộng và phát triển hoạt động thương mại trong nước, nhất là ở các địa bàn trọng yếu ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa và với nước ngoài, thúc đẩy và bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước, bảo vệ người tiêu dùng ... công dân Việt Nam có quyền tự do hoạt động thương mại trong các lĩnh vực, đối với các mặt hàng pháp luật không cấm, phù hợp với qui định của pháp luật hiện hành” (Điều 5, Điều 6). [49]

Luật Thương mại mới năm 2005 đã xác định những nguyên tắc điều chỉnh cơ bản của chính sách khung của Nhà nước đối với hoạt động thương mại nói chung, DVPPBL nói riêng gồm: 1) Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật của thương nhân trong hoạt động thương mại; 2) Nguyên tắc tự do, tự thoả thuận trong hoạt động thương mại không trái với qui định của pháp luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội; 3) Nguyên tắc áp dụng thói quen trong hoạt động thương mại được thiết lập giữa các bên nhưng không được trái với qui định của pháp luật; 4) Nguyên tắc áp dụng tập quán trong hoạt động thương mại trong trường hợp pháp luật không có qui định, các bên không có thoả

thuận và không có thói quen đã được thiết lập giữa các bên; 5) Nguyên tắc bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng bằng việc qui định nghĩa vụ và trách nhiệm của thương nhân khi thực hiện hoạt động thương mại phải thông tin đầy đủ, trung thực cho người tiêu dùng về hàng hoá và dịch vụ mà mình kinh doanh, về chất lượng và tính hợp pháp của hàng hoá đó; 6) Nguyên tắc thừa nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu trong hoạt động thương mại; trong trường hợp các thông điệp dữ liệu đó đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật theo qui định của pháp luật thì được thừa nhận có giá trị pháp lý tương đương văn bản. [50; 12-13]

Như vậy, từ Luật Thương mại năm 1997 đến Luật Thương mại mới năm 2005, chính sách khung của Nhà nước ta đối với hoạt động thương mại nói chung và lĩnh vực DVPPBL nói riêng đã có sự bổ sung hoàn chỉnh về nội dung và mở rộng về phạm vi đối tượng điều chỉnh của chính sách. Các quan điểm, mục tiêu và những nguyên tắc điều chỉnh cơ bản của chính sách khung được qui định tại Luật Thương mại đã thể hiện rõ lập trường và thái độ ứng xử của Nhà nước ta đối với cả lĩnh vực hoạt động thương mại hàng hoá và thương mại dịch vụ ở trong nước và với nước ngoài, đối với cả phương thức hoạt động thương mại truyền thống và thương mại điện tử, đối với cả các hoạt động thương mại đã có qui định pháp luật và không có qui định của pháp luật, đối với cả việc bảo vệ quyền lợi của thương nhân và quyền lợi của người tiêu dùng.

Căn cứ các quan điểm, mục tiêu và nguyên tắc chung của chính sách thương mại đã được quy định trong Luật Thương mại (năm 1997 và 2005), Đề án “Phát triển thương mại trong nước đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 27/2007/QĐ-TTg đã cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu và nguyên tắc của chính sách khung đối với sự phát triển thương mại trong nước, phát triển DVPP ở Việt Nam. Trong đó, quan điểm và nguyên tắc cơ bản của chính sách khung đó là : phải phủ hợp với các quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường, bảo đảm quyền tự chủ, tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể trong môi trường pháp lý ngày càng hoàn thiện và có sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước; phát triển đa dạng về chế độ sở hữu và thành phần kinh tế của các chủ thể, về loại hình tổ chức và phương thức hoạt động; coi trọng phát triển các doanh nghiệp nhỏ, các hộ kinh doanh. Đồng thời, khuyến khích và thúc đẩy phát triển các nhà phân phối lớn

thương hiệu Việt Nam, các hệ thống phân phối hiện đại có vai trò dẫn dắt thị trường để định hướng sản xuất và tiêu dùng; thực hiện việc mở cửa thị trường phân phối theo đúng lộ trình cam kết gia nhập WTO. Mục tiêu tổng quát của chính sách khung đó là: xây dựng một nền thương mại trong nước phát triển vững mạnh và hiện đại, dựa trên một cấu trúc hợp lý các hệ thống và các kênh phân phối, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường và người tiêu dùng; xác lập sự liên kết giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ trong việc tổ chức thị trường, tạo sức mạnh để hợp tác và cạnh tranh có hiệu quả với các tập đoàn nước ngoài khi Việt Nam mở cửa thị trường dịch vụ phân phối.

3.2.1.2. Một số chính sách và công cụ được Nhà nước sử dụng để tạo lập hành lang và khung khổ cho hoạt động kinh doanh DVPPBL

- Chính sách và công cụ giá cả: Giai đoạn trước khi gia nhập WTO, chính sách giá của Nhà nước ta được qui định tại một số văn bản pháp luật quan trọng như: Pháp lệnh giá (có hiệu lực từ 1/7/2002) và Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành một số điều của pháp lệnh này; Quyết định số 215/2004./QĐ-TTg ngày 29/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ qui định về áp dụng giá điện thống nhất; Quyết định số 187/2003/QĐ- TTg ban hành Qui chế quản lý kinh doanh xăng dầu; Nghị định số 51/2009/NĐ- CP Sửa đổi Nghị định 55/2006/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu ...

Theo qui định tại các văn bản pháp luật nêu trên, chính sách và công cụ giá cả được Nhà nước sử dụng trong quản lý thương mại nói chung, DVPPBL nói riêng được xây dựng theo các quan điểm: 1) Từng bước tự do hoá giá cả theo cơ chế thị trường, giá cả hàng hoá và dịch vụ do thị trường quyết định; 2) Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá của các doanh nghiệp và cá nhân hoạt động kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam; 3) Trong trường hợp thật cần thiết Nhà nước mới sử dụng công cụ giá để kiểm soát, can thiệp điều tiết thị trường một số mặt hàng thiết yếu.

Mục tiêu của việc Nhà nước sử dụng công cụ giá cả để tác động điều tiết thị trường là: 1) Để bảo vệ cạnh tranh công bằng, chống bán phá giá hoặc các hành vi lạm dụng vị thế độc quyền; 2) Để ổn định tình hình kinh tế - xã hội; 3) Để bảo vệ lợi ích hợp pháp của người sản xuất, người tiêu dùng và của Nhà nước. Các nguyên tắc cơ bản của việc sử dụng công cụ giá là: 1) Nhà nước hạn

chế can thiệp trực tiếp vào việc định giá; 2) Tự do hoá giá cả theo cơ chế thị trường nhưng có sự kiểm soát của Nhà nước; 3) Công khai hoá và minh bạch hóa giá; 4) Không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, giữa các doanh nghiệp và cá nhân trong nước với các doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam ... trong việc chịu sự kiểm soát giá của Nhà nước.

Giai đoạn sau khi Việt Nam gia nhập WTO, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 5/2/2007 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững sau khi Việt Nam gia nhập WTO, đã xác định: “Xây dựng và thực hiện lộ trình loại bỏ các hình thức bao cấp qua giá, thực hiện giá thị trường cho mọi hàng hoá, dịch vụ. Sau đó, Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP ngày 27/2/2007 của Chính phủ đã cụ thể hóa chính sách giá của Đảng, đề ra nhiệm vụ cụ thể là: “Xây dựng lộ trình thực hiện giá thị trường đối với các loại hàng hoá, dịch vụ mà Nhà nước còn phải định giá; hỗ trợ và khuyến khích các hội nghề nghiệp, các tổ chức của doanh nghiệp xây dựng lộ trình về giá sản phẩm quan trọng , có sản lượng lớn nhằm đảm bảo sự phát triển địa bàn bền vững và hài hoà các lợi ích.[35]; [22]

Riêng đối với giá điện, Chính phủ đã ban hành quyết định số 21/2009/QĐ-TTg phê duyệt giá bán điện năm 2009 và các năm 2010 – 2012 theo cơ chế thị trường.

Đến nay, Nhà nước ta chỉ còn duy trì biện pháp kiểm soát giá bán lẻ xăng dầu. Theo Nghị định số 51/2009/NĐ-CP khi giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới bán theo giá vốn tăng lên 7% - 12% so với giá bán lẻ hiện hành thì doanh nghiệp được tự động tăng giá bán lẻ 7%, cộng thêm 50% của khoảng tăng giá từ trên 7 – 12%, 40% phần giá vốn còn lại được bù từ quĩ “bình ổn giá”.

- Chính sách cạnh tranh và các công cụ, biện pháp của chính sách cạnh tranh được sử dụng để điều chỉnh hành vi của các chủ thể tham gia kinh doanh và cạnh tranh trên thị trường DVPPBL ở Việt Nam được quy định tại :

Luật Cạnh tranh (thông qua ngày 3/12/2004, có hiệu lực thi hành từ 1/8/2005) đã xác định chính sách cạnh tranh của Nhà nước ta từ góc độ hành vi cạnh tranh của các chủ thể tham gia kinh doanh và cạnh tranh trên thị trường trong nước với mục tiêu chung là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Cùng với Luật cạnh tranh, một số công cụ, biện pháp của chính sách cạnh tranh đã được Nhà nước sử dụng để điều chỉnh hành vi của các chủ thể tham gia cạnh tranh trên thị trường DVPPBL Việt Nam như: biện pháp chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam (được quy định trong pháp lệnh chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam (Pháp lệnh số 20/2004/PL-UBTVQH11; được cụ thể hóa tại Nghị định số 90/2005/NĐ-CP); biện pháp tự vệ trong thương mại (được quy định tại pháp lệnh về các biện pháp tự vệ năm 2002); biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ (được quy định tại Luật an toàn và vệ sinh thực phẩm); và các Nghị định của Chính phủ); các công cụ; biện pháp kỹ thuật (được quy định tại Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa (năm 2007) và Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (năm 2008); biện pháp chống trợ cấp (được quy định tại Pháp lệnh chống trợ cấp hàng nhập khẩu vào Việt Nam (năm 2002)

- Chính sách bảo vệ lợi ích người tiêu dùng:

Trước khi Việt Nam gia nhập WTO, chính sách bảo vệ lợi ích người tiêu dùng của Nhà nước ta đã bước đầu qui định tại một số văn bản pháp luật như Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ban hành năm 1999 (Pháp lệnh số 13/ 1999/ PL- UBTVQH), Luật Thương mại (1997), Luật Thương mại (2005), Luật Cạnh tranh (2005), Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm và sau đó là Luật an tòan vệ sinh thực phẩm, Luật chất lượng sản phẩm, hàng hoá ... và một số văn bản pháp luật khác.

Luật Thương mại mới năm 2005 đã xác định nguyên tắc bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng (Điều 14) là một trong 6 nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thương mại. Theo đó, thương nhân thực hiện hoạt động thương mại có nghĩa vụ thông tin đầy đủ, trung thực cho người tiêu dùng về hàng hoá và dịch vụ mà mình kinh doanh và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin đó; thương nhân hoạt động thương mại phải chịu trách nhiệm về chất lượng, tính hợp pháp của hàng hoá, dịch vụ mà mình kinh doanh. Điều 320 của Luật này qui định hành vi vi phạm pháp luật về thương mại cũng đã xác định một số hành vi xâm phạm lợi ích người tiêu dùng, gồm: “ ... Vi phạm các qui định liên quan đến chất lượng hàng hoá, dịch vụ kinh doanh trong nước ...; Gian lận lừa dối khách hàng khi mua hàng hoá, cung ứng dịch vụ; vi phạm các qui định liên quan đến bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng ...” sẽ bị xử lý theo các hình thức xử

lý vi phạm pháp luật về thương mại như: Xử lý vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại theo qui định của pháp luật. [50; 163]

Luật cạnh tranh (2004) cũng đã xác định những quan điểm và nguyên tắc ứng xử cơ bản của Nhà nước đối với hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hành vi bán hàng đa cấp bất chính của các doanh nghiệp (trong đó trước hết là các nhà bán lẻ hàng hoá) gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của người tiêu dùng. Luật cạnh tranh cũng qui định các hình thức Nhà nước bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng trong trường hợp lợi ích của người tiêu dùng bị xâm phạm có sự khiếu nại đến cơ quan quản lý cạnh tranh, cơ quan quản lý cạnh tranh áp dụng các biện pháp ngăn chặn; toà án yêu cầu bồi thường thiệt hại theo qui định của pháp luật về dân sự khi có người tiêu dùng khởi kiện; xử phạt hành chính và khởi tố hình sự các doanh nghiệp vi phạm pháp luật cạnh tranh.[53; 16, 75-76]

Luật chất lượng sản phẩm, hàng hoá (Luật số 05/2007/QH11 công bố ngày 5/12/2007) đã qui định quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng về vấn đề chất lượng sản phẩm hàng hoá. Trong đó, người tiêu dùng có 6 quyền cơ bản: 1) Được cung cấp thông tin trung thực về mức độ an toàn, chất lượng, hướng dẫn vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng sản phẩm hàng hoá; 2) Được cung cấp thông tin về việc bảo hành hàng hoá, khả năng gây mất an toàn của hàng hoá và cách phòng ngừa khi nhận được thông tin cảnh báo từ người cung cấp, người nhập khẩu. 3) Yêu cầu người bán hàng sửa chữa, hoàn lại tiền hoặc đổi hàng mới, nhận lại hàng có khuyết tật. 4) Được bồi thường thiệt hại theo qui định của pháp luật, cụ thể là: Người sản xuất, người nhập khẩu, người bán hàng phải bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng khi hàng hoá gây thiệt hại do lỗi của người cung cấp, người nhập khẩu không bảo đảm chất lượng hàng hoá; việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo thoả thuận giữa các bên có liên quan hoặc theo quyết định của Toà án hoặc trọng tài. 5) Yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá thực hiện trách nhiệm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo qui định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 6) Yêu cầu tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trợ giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, Nhà nước ta đã soạn thảo và quốc hội đã thông qua Luật bảo vệ người tiêu dùng, ban hành theo lệnh số 16/2010/L-CTN ngày 30/11/2010 của Chủ tịch nước, có hiệu lực từ 01/07/2011. Hiện nay, Chính

phủ đang soạn thảo và ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ người tiêu dùng.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện chính sách phát triển dịch vụ phân phối bán lẻ hàng hóa ở việt nam trong thời kỳ hội nhập (Trang 72)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(181 trang)
w