Xung đột giữa hai bên được thể hiện rõ nhất khi tranh chấp phát sinh, những nỗ lực hòa giải đều thất bại, và một bên quyết định đã đến lúc phải bảo vệ quyền lợi của mình bằng con đường pháp lý. Nếu tranh chấp được đưa ra giải quyết tại Tòa án, thì thủ tục tố tụng đơn giản là nguyên đơn chỉ cần soạn một đơn kiện, gửi đơn kiện để đưa cỗ máy công lý vào vận hành vì Tòa án quốc gia là cơ quan thường trực có thẩm quyền thụ lý đơn khởi kiện gần như vào bất cứ lúc nào. Quy trình này lại khác khi tranh chấp được đưa ra giải quyết tại trọng tài vì Hội đồng trọng tài thì phải được thành lập trước khi nó có thể tiến hành bất cứ thẩm quyền tài phán nào
đối với tranh chấp và các bên. Do đó, nguyên đơn không thể đưa vụ việc của mình ra trước một hội đồng trọng tài hoặc tìm kiếm bất kỳ biện pháp hỗ trợ hoặc các chỉ
dẫn từ phía Hội đồng trọng tài cho đến khi Hội đồng trọng tài được thành lập. Vì vậy, khi quyết định đưa tranh chấp ra trọng tài giải quyết, hội đồng trọng tài phải
được thành lập trong thời gian sớm nhất.
2.3.3.1 Chỉđịnh Trọng tài viên
Quyền được lựa chọn, chỉ định trọng tài viên để thành lập Hội đồng trọng tài là một ưu điểm nổi bật của trọng tài. Đây là lựa chọn quan trọng, chất lượng của Hội đồng trọng tài sẽ quyết định việc thành công hay thất bại của quá trình giải quyết. Trong tố tụng dân sự, các bên không có quyền lựa chọn hay chỉ định Thẩm phán giải quyết tranh chấp cho mình. Thành phần Hội đồng xét xử do pháp luật quy
định. Ví dụ: Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án dân sự gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân, Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án dân sự gồm ba Thẩm phán (Điều 53, 54 Luật Tố tụng Dân sự). Ngược lại, trong tố tụng trọng tài, các bên tranh chấp có toàn quyền quyết định việc giải quyết sẽ một Hội đồng trọng tài gồm một hoặc
nhiều Trọng tài viên. Trường hợp các bên không có thoả thuận về số lượng Trọng tài viên thì Hội đồng trọng tài bao gồm ba Trọng tài viên (Khoản 2 Điều 39 Luật Trọng tài). Tầm quan trọng, tính phức tạp của tranh chấp, và nguồn gốc của các bên nói chung sẽ là các nhân tố quyết định khi xác định số lượng trọng tài viên.
Theo quy định tại Luật Trọng tài, đối với trọng tài thường trực, cách thức thành lập Hội đồng trọng tài được tiến hành như sau:
Trường hợp Hội đồng trọng tài gồm ba trọng tài viên thì trọng tài thứ nhất sẽ
do nguyên đơn chỉ định, trọng tài thứ hai sẽ do bị đơn hoặc Chủ tịch Trung tâm trọng tài chỉ định trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện hoặc yêu cầu chọn Trọng tài viên. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được các bên chọn hoặc chỉ định, hai Trọng tài viên này bầu một Trọng tài viên thứ ba làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài.
Trường hợp Hội đồng trọng tài chỉ có một Trọng tài viên, nguyên đơn và bị đơn sẽ nhất trí chỉ định Trọng tài viên trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bị đơn nhận được đơn khởi kiện.
Nếu hết các thời hạn trên mà bị đơn không chọn Trọng tài viên hoặc hai Trọng tài viên không chọn được trọng tài viên thứ ba hoặc các bên không thống nhất được việc chỉ định trọng tài viên duy nhất thì Chủ tịch Trung tâm trọng tài sẽ
hỗ trợ các bên chỉđịnh trọng tài viên.
Đối với trọng tài vụ việc, do không có sự hỗ trợ của Trung tâm trọng tài nên việc thành lập Hội đồng trọng tài hoàn toàn phụ thuộc vào tinh thần hợp tác và thiện chí của các bên trong việc giải quyết tranh chấp, cách thức thành lập Hội đồng trọng tài như sau:
Trường hợp Hội đồng trọng tài gồm ba Trọng tài viên thì trọng tài thứ nhất sẽ do nguyên đơn chọn, trọng tài thứ hai sẽ do bị đơn chọn trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được các bên chọn, hai Trọng tài viên này bầu Trọng tài viên thứ ba làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài.
Trường hợp Hội đồng trọng tài chỉ có một Trọng tài viên, nguyên đơn và bị đơn sẽ nhất trí chỉ định Trọng tài viên trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bị đơn
nhận được đơn khởi kiện.
Nếu hết thời hạn nêu trên, bị đơn không chọn Trọng tài viên hoặc hai trọng tài viên không chọn được trọng tài viên thứ ba hoặc các bên không chọn được trọng tài viên duy nhất thì Tòa án sẽ hỗ trợ các bên trong việc chỉ định trọng tài viên. Trong trường hợp này Tòa án có thẩm quyền là Tòa án do các bên lựa chọn hoặc Tòa án nơi bị đơn hoặc nguyên đơn cư trú hoặc có trụ sở (Điều 7 Luật Trọng tài). Tuy nhiên các bên cũng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ một Trung tâm trọng tài thông qua dịch vụ chỉđịnh trọng tài viên.
Các bên có toàn quyền trong việc lựa chọn số lượng Trọng tài viên nhưng việc cân nhắc số lượng trọng tài viên sẽ chịu ảnh hưởng rõ rệt của phí trọng tài. Nếu một hội đồng trọng tài được thành lập với ba trọng tài viên, các chi phí sẽ cao gấp ba lần và quá trình xét xử cũng có thể kéo dài hơn. Thực tế là triệu tập một cuộc họp với trọng tài viên duy nhất dễ dàng hơn là với ba trọng tài viên. Tuy nhiên ưu điểm của Hội đồng gồm ba trọng tài viên là tạo cho các bên có cảm giác tự tin trước hội
đồng trọng tài vì mỗi bên ít nhất cũng có một “thẩm phán do mình lựa chọn” để
tham gia giải quyết vụ việc của họ. Trọng tài viên đó sẽ có thể đảm bảo rằng, vụ
việc của bên chỉ định mình được hội đồng trọng tài hiểu một cách thấu đáo, bất cứ
sự hiểu lầm nào có thể phát sinh trong quá trình thảo luận của hội đồng trọng tài sẽ được giải quyết để không dẫn đến sự thiếu công bằng mà vẫn không vượt quá giới hạn của nghĩa vụđộc lập và vô tư của mình [1, tr.222].
Tóm lại, khi quyết định đưa tranh chấp ra giải quyết tại trọng tài, điều quan trọng tiếp theo là việc chỉ định một hội đồng trọng tài thích hợp. Đây là lựa chọn quan trọng, không chỉ đối với các bên trọng một vụ tranh chấp mà còn đối với bản thân danh tiếng và vị thế của quá trình trọng tài. Và trên hết thì chất lượng của hội
đồng trọng tài sẽ quyết định việc thành công hay thất bại của quá trình giải quyết.
2.3.3.2 Thay đổi Trọng tài viên
Theo một nghĩa nào đó, quá trình xét xử bằng trọng tài có thể coi như một con tàu. Một phiên trọng tài có thể được nhìn nhận “thuộc về” các bên tranh chấp, cũng như con tàu thuộc quyền sở hữu của chủ tàu. Nhưng con tàu thì hàng ngày lại chịu sự điều khiển của thuyền trưởng, người được chủ sở hữu giao phó con tàu. Người sở hữu con tàu có thể sa thải thuyền trường nếu muốn và thuê người khác
thay thế nhưng luôn luôn có người trên tàu để điều khiển nó [26, tr.351]. Người
điểu khiển tàu ởđây chính là Trọng tài viên.
Điều này được hiểu là trong quá trình giải quyết tranh chấp, các bên có quyền yêu cầu thay đổi Trọng tài viên hoặc bản thân Trọng tài viên phải từ chối giải quyết do nhiều lí do, như trọng tài viên có khả năng sẽ thiếu khách quan do quan hệ
của trọng tài viên này với một bên nào khác hoặc bởi sự liên hệ của người này với
đối tượng của việc giải quyết tranh chấp hay có thể là các nhân tố không mong muốn như: ốm đau, tai nạn… dẫn đến việc trọng tài viên không thể tiếp tục nhiệm vụ của mình. Riêng đối với trọng tài thường trực, thẩm quyền quyết định sẽ thuộc về Chủ tịch Trung tâm trọng tài nếu Hội đồng trọng tài chưa được thành lập. Sau khi Hội đồng trọng tài được thành lập thì với cả trọng tài thường trực hay vụ việc, Luật Trọng tài đều quy định thẩm quyền quyết định sẽ thuộc về các trọng tài viên còn lại trong Hội đồng trọng tài. Tuy nhiên trong một vài trường hợp đặc biệt, các trọng tài viên còn lại sẽ không quyết định được, ví dụ nếu trọng tài cần thay đổi là Chủ tịch Hội đồng trọng tài, hai người còn lại một người đồng ý, một người lại không đồng ý; hay một bên yêu cầu thay đổi cả hai trọng tài trong Hội đồng trọng tài. Hoặc nếu có hai trọng tài viên trong Hội đồng trọng tài cùng từ chối giải quyết tranh chấp hay Hội đồng trọng tài chỉ gồm một trọng tài viên duy nhất mà người này lại từ chối giải quyết tranh chấp. Lúc này, việc thay đổi trọng tài viên hay không sẽ do Chủ tịch Trung tâm trọng tài với trọng tài thường trực hoặc Tòa án đối với trọng tài vụ việc đưa ra quyết định cuối cùng (Điều 42 Luật Trọng tài). Một
điểm mới của Luật Trọng tài so với Pháp lệnh Trọng tài trước đây đó là để đảm bảo tính liên tục trong tố tụng trọng tài, Luật Trọng tài đã quy định thời hạn Tòa án ra quyết định cuối cùng là 15 ngày kể từ ngày được yêu cầu. Tuy nhiên một lưu ý rằng quyết định này của Tòa án hoặc Chủ tịch Trung tâm Trọng tài chỉ trả lời cho câu hỏi có thay đổi trọng tài viên hay không. Còn việc chọn, chỉ định Trọng tài viên mới thay thế sẽ do các bên đương sự thực hiện như thủ tục đã chọn Trọng tài viên cũ bị
thay thế (Khoản 5 Điều 42 Luật Trọng tài).
Luật Trọng tài của Việt Nam cũng giống như nhiều Luật trọng tài của nhiều nước được soạn thảo dựa trên Luật mẫu của UNCITRAL nên về cơ bản đã phù hợp với pháp luật quốc tế về trọng tài. Tuy nhiên Luật Trọng tài cũng có một số điểm khác biệt trong việc chỉ định, thay đổi trọng tài viên.
Điểm khác biệt lớn nhất, đó là Luật mẫu của UNCITRAL cũng như pháp luật trọng tài của hầu hết các nước đều không có sự phân chia thành hai trường hợp hỗ trợ đối với trọng tài vụ việc và trọng tài thường trực, mà chỉ chia thành Hội đồng trọng tài gồm ba trọng tài viên và Hội đồng trọng tài chỉ có một trọng tài viên duy nhất. Khi thuộc các trường hợp pháp luật quy định, các bên có quyền yêu cầu Tòa án hỗ trợ mà không cần biết đó là trọng tài vụ việc hay trọng tài thường trực. Tất nhiên nếu các bên đã lựa chọn trọng tài thường trực thì thông thường họ đều nhận
được sự hỗ trợ từ phía Trung tâm trọng tài trong việc chỉ định và quyết định thay thế trọng tài viên. Với hình thức là những quyết định hành chính, chúng sẽ tránh mất nhiều thời gian hơn so với việc yêu cầu Tòa án quyết định với những thủ tục tố
tụng bắt buộc. Chính vì sự tiện lợi và nhanh chóng đó nên trên thực tế đa số các Trung tâm trọng tài đều cung cấp dịch vụ chỉ định trọng tài viên trong trọng tài vụ
việc. Thông thường, tổ chức sẽ yêu cầu trả một khoản phí nhất định cho việc chỉ định.
Ví dụ như “Viện trọng tài của Phòng thương mại Stốckhôm sẽ thu của bên yêu cầu một khoản phí là 1.000 Euro cho các dịch vụ chỉ định theo Quy tắc UNCITRAL 1976 áp dụng với trọng tài vụ việc. Khoản tiền này bao gồm việc chỉ định trọng tài viên duy nhất hoặc chủ tịch uỷ ban trọng tài, chỉ định trọng tài viên thứ hai trong các vụ có ba trọng tài viên, quyết định khước từ trọng tài viên và chỉ định trọng tài viên thay thế” [31]. Điều này cũng tạo thuận lợi hơn rất nhiều cho trọng tài vụ việc.
Còn Luật Trọng tài có quy định khác nhau giữa trọng tài vụ việc và trọng tài thường trực. Cụ thể, đối với trọng tài thường trực, người trợ giúp các bên trong vấn
đề chỉ định và thay đổi trọng tài viên là Chủ tịch trung tâm trọng tài, còn đối với trọng tài vụ việc là Tòa án.
Như vậy, lựa chọn để chỉ định trọng tài viên và thành lập Hội đồng trọng tài là khâu then chốt, có tầm quan trọng bậc nhất trong trình tự, tố tụng trọng tài. Bởi hoạt động trọng tài chính là hoạt động của Trọng tài viên, hiệu quả của hoạt động trọng tài phụ thuộc vào năng lực và uy tín của trọng tài viên. Khi các bên đã lựa chọn và chỉ định được trọng tài viên mà họ tín nhiệm bản thân điều đó đã hứa hẹn cho kết quả tốt đẹp trong giải quyết tranh chấp. Việc các bên có tự nguyện thi hành các phán quyết của trọng tài hay không phần lớn phụ thuộc vào sự lựa chọn này.