Cùng tắc biến

Một phần của tài liệu Triết lý nhân sinh của Đạo gia và ý nghĩa của nó (Trang 65)

Triết học Đạo gia, đặc biệt là Lão Tử đã đưa ra rất nhiều triết lý nhân sinh cho cả loài người.Điều quan trọng nhất là với sự thấm nhuần sâu sắc các chân lý của quy luật tự nhiên và một trong những chân lý không thể phủ nhận đó là cùng tắc biến. Theo Lão Tử thì: “Thiên hạ vạn vật sinh ư hữu, hữu sinh ư vô” [66, tr. 206.]. (Vạn vật dưới trời sinh ra từ có, có sinh ra từ không). Đối với Lão Tử thì vật chất và tinh thần, thể xác và linh hồn cũng đều tuần hoàn như vậy và nhất nhất thuận theo quy luật vận động của tự nhiên. Vạn vật sinh ra trong khoảng trời đất là nhờ sự giao hòa của trời đất mà thành, mà đất trời là vật có vị trí được xác định trong không gian vũ trụ nên là vật hữu hình. Song cái có tức là trời đất cùng do đạo sinh ra, mà đạo như chúng ta biết đó là cái không nhìn thấy, không sờ thấy, không nghe thấy nên nó là vô. Vạn vật trong vũ trụ đều tuân theo quy luật tự nhiên, nhất nhất vận động theo quy luật của tự nhiên đó chính là cùng tắc biến. Nói một cách cụ thể hơn, cùng tắc biến là nói về quy đổi của mọi vật hữu hình khi lượng biến đổi vượt quá độ tồn tại của nó. Với triết lý “cùng tắc biến”, Lão Tử dường như đã bắt đầu mường tượng ra quy luật lượng chất của triết học Mac – Lênin. Ông đã nhận thấy sự thay đổi, biến đổi của vạn vật

trong tự nhiên và trong xã hội khi có sự tác động thái quá thì sự vật đó sẽ thay đổi. Chính vì vậy, cần phải có luật quân bình, và luật phản phục là ở chỗ đó. Do giới hạn về trình độ khoa học kỹ thuật nên Lão Tử chưa biến quan niệm đó thành một quy luật nhưng nó đã để lại những dấu ấn quan trọng về mặt tư tưởng và về mặt nhân sinh cho nhân loại.

Trong xã hội nhân sinh cũng vậy, con người luôn luôn gây ra những cuộc chiến tranh làm máu chảy đầu rơi, tang tóc khắp nơi, những trận chiến sau ác liệt và quy mô hơn những trận chiến trước. Do đó mà cái siêu chân lý những trận đại thắng là những trận đại bại luôn đúng. Bởi mỗi trận thắng là nguyên nhân để có những trận thắng tiếp theo lớn hơn, và cứ như vậy những tranh chấp liên tục diễn ra và nó hoàn tất những bước phát triển của lịch sử tiến hóa. Nhờ những trận đại thắng như vậy trong mọi lĩnh vực mà xã hội loài người được đẩy đến đỉnh cao của nền văn minh vật chất. Cùng tắc biến, cực tắc phản đó là luật bất biến thể hiện sâu sắc nhất triết lý “Vô” của Đạo gia là đừng dụng tâm tư mà xen vào cái tự nhiên của vạn vật, càng ít can thiệp đến việc người bao nhiêu thì càng quý bấy nhiêu. Cái gì thái quá cũng đều nguy hại cả, bất kỳ một hành vi nào cũng đem lại những kết quả nhất định, nhưng nếu lại đi vào chỗ thái quá thì kết quả có khi lại nguy hiểm cho ta hơn là không làm gì.

Điều không thể phủ nhận là tự nhiên và những quy luật của nó quyết định hết thảy sự tồn tại và phát triển của con người. Không nắm vững quy luật tự nhiên, không tuân thủ và thiếu sự tôn trọng của tự nhiên sẽ dẫn đến hành vi thái quá. Trượt khỏi quỹ đạo vận động của quy luật tự nhiên là tự sát. Lão Tử rất hiểu tính quan trọng của việc tuân theo quy luật khách quan. Cho nên, ông cho rằng, nếu như làm trái với quy luật tự nhiên mà có những hành động ngông cuồng thì ắt sẽ gây tai họa. Trong những thế kỷ qua, nhất là những thập kỷ gần đây, ý thức chủ quan của nhân loại bị kích thích bởi với những tham vọng về một nền văn minh vật chất đã có những hành động thái quá, gây tình trạng ô nhiễm bầu khí quyển, làm mất cân bằng hệ sinh thái. Ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm không khí đã đạt đến mức báo động, loài người đang đứng trước những hiểm họa do mình gây ra. Chính vì vậy, nghệ thuật cùng tắc biến nhằm kêu gọi

con người hãy sống tuân theo những quy luật của tự nhiên, không làm trái với những quy luật bất biến của tự nhiên gây tổn hại đến đời sống của con người. Đó là những chân lý giản đơn nhưng hết sức thiết thực để mưu cầu hạnh phúc cho con người.

Một phần của tài liệu Triết lý nhân sinh của Đạo gia và ý nghĩa của nó (Trang 65)