Nhận thức luận của LãoTử và TrangTử

Một phần của tài liệu Triết lý nhân sinh của Đạo gia và ý nghĩa của nó (Trang 27)

Có thể nói, những biến cố lịch sử về xã hội của Trung Hoa thời Xuân Thu - Chiến Quốc chính là nguồn gốc quan trọng cho những tư tưởng mới mẻ về nhận thức luận của Lão Tử và Trang Tử. Từ quá trình nhận thức về sự huyền vi của Đạo mà nhận thức luận của hai ông là quá trình nhận thức về Đạo. Đối

với Lão Tử, nhận thức luận của ông mang đậm màu sắc của chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm. Theo ông, đối tượng của nhận thức không phải là thế giới vạn vật cùng với những quy luật của nó mà là Đạo. Phải nhận thức Đạo dựa vào sự thể nghiệm trực quan, không cần thông qua kinh nghiệm thực tiễn. Ngài nói: “Bất xuất bộ, tri thiên hạ, bất khuy dũ, kiến thiên đạo. Kì xuất di viễn, kì tri di thiêu. Thị dĩ thánh nhân bất hành như tri, bất kiến nhi danh, vô vi nhi thành” [33, tr. 233 - 234.]. (Không cần ra khỏi nhà mà biết đại sự của thiên hạ. Không nhìn ra cửa sổ mà thấy được đạo trời. Thánh nhân càng đi xa thì biết được đạo càng ít. Do đó, thánh nhân không ra ngoài mà biết, không thấy mà gọi được tên, không làm mà nên tất cả). Theo quan điểm của ông, thông thường cái gọi là tri thức là điều có hại đối với Đạo, cần phải loại bỏ. Ông nói: “Trí tuệ xuất hữu đại ngụy” [66, tr. 133]. (Trí tuệ sinh thì có đại ngụy). Cho nên Lão Tử chủ trương dứt thánh bỏ trí, tuyệt học vô ưu nhằm đạt đến trạng thái hồn nhiên, vô tri vô giác, trở về với đức tính của trẻ thơ thuần phác. Ở đây, Lão Tử đã thể hiện tâm lý hoài nghi của mình đối với cuộc sống hiện thực, trốn tránh hiện thực bằng cách hòa tan con người vào thực thể “đạo”. Hơn thế nữa, Lão Tử còn muốn đưa con người và xã hội loài người trở lại trạng thái “thô sơ, chất phác” ban đầu mà ở đó con người hồn nhiên tựa trẻ thơ không có sự tranh đấu, không có tư hữu…đó là tâm lý tiêu cực, phản lại sự tiến bộ của lịch sử.

Một điểm mới nữa trong nhận thức luận của Lão Tử là khi ông nói đến những cái mâu thuẫn, đối lập mà thống nhất với nhau trong hiện thực chính là nguồn gốc của mọi sự rối loạn và tai họa trong xã hội: “Đại đạo phế, hữu nhân nghĩa, trí tuệ xuất, hữu đại ngụy, lục thân bất hòa, hữu hiếu từ, quốc gia hôn loạn, hữu trung thần” [33, tr. 190]. (Khi đạo lớn bị phá bỏ thì xuất hiện nhân, nghĩa, khi trí tụê xuất hiện thì sinh ra giả dối nhiều, khi gia tộc không hòa thuận thì sinh ra hiếu từ, khi quốc gia rối loạn thì xuất hiện trung thần). Đối với Lão Tử, những cái đối lập tồn tại dựa vào nhau, thống nhất với nhau nếu trừ bỏ được một mặt trong đó thì cũng là trừ bỏ được mặt kia.Ở đây Lão Tử đã chủ trương thủ tiêu mâu thuẫn, xóa nhòa các mặt đối lập chứ không phải là giải quyết mâu thuẫn.

Nhận thức luận của Trang Tử được xây dựng dựa trên lý luận về nhận thức của Lão Tử nhưng cắt xén phần tiến bộ. Trang Tử cho rằng “đạo” là đối tượng nhận thức và cảm nhận của con người. Nhưng con người có khả năng nhận thức được bản thể tối hậu đó không? Trang Tử cho rằng nếu chỉ bằng nhận thức lý trí thông thường thì con người không thể đạt tới “đạo”, hòa làm một với “đạo” được. Trí tụê con người bất lực trước “đạo” và nếu cố gắng thì nó chỉ dừng lại ở mức độ tương đối mà thôi. Ông cũng cho rằng đối tượng nhận thức loài người đều là những hình ảnh giả tưởng, do vậy sự xem xét, đánh giá cũng không có phải trái. Chẳng hạn sự đẹp, xấu, thiện, ác…là do con người tùy theo cảm tính, thời thế, phong tục…mà đặt ra, cho nên về mặt khách quan là không có thật.

Đối với Trang Tử, tuy ông hạ thấp khả năng lý trí của con người nhưng bằng sự cảm nhận, bằng trực giác và kinh nghiệm đời sống người ta có thể đạt tới lẽ cao cả của “đạo”, đó là tầng nhận thức cao nhất mà ông gọi đó là nhận thức đại trí. Theo Trang Tử, chỉ có bậc chân nhân, hiền triết, thánh nhân mới đạt được tầng nhận thức này. Ông nói: “Cho nên bậc đại trí nhìn xa rồi nhìn gần, thấy nhỏ không cho là ít, thấy lớn không cho là nhiều, vì biết rằng cái lượng của vật là vô cùng” [33, tr. 270]. Như vậy, Trang Tử đã chia nhận thức của con người ra làm hai tầng khác nhau đó là tiểu trí và đại trí: “Biết một cách rộng rãi bao quát đó là đại trí, biết một cách vụn vặt, chia lìa đó là tiểu trí”.

Ở bậc tiểu trí, nhận thức bị giới hạn trong tính tương đối của tồn tại. Bậc tiểu trí lúng túng và mâu thuẫn giữa sự phân biệt, chia ly của các mặt đối lập nên nó chỉ đạt tới sự phiến diện, không đầy đủ. Nó tuyệt đối hóa và làm chết cứng cái bề ngoài thường xuyên biến đổi và luôn luôn bị rơi vào cực đoan này hay cực đoan khác để đi đến chỗ tranh biện, cãi vã nhau. Nhận thức này bị rằng buộc, giới hạn bởi không gian và thời gian, bị biểu hiện bởi ngôn ngữ nên không thấy được sự liên tục, biến hóa của sự vật. Ông viết: “Ở ngoài thời gian, không gian thì thánh nhân giữ lấy mà không biện luận. Ở trong thời gian mà không gian thì thánh nhân luận bàn mà không quyết định” [61, tr.183].

Ở bậc đại trí, là sự cảm nhận được chân lý tuyệt đối, hòa làm một với “đạo”. Nó vượt qua mọi giới hạn về không gian, thời gian, thoát khỏi mọi rằng buộc của trí tuệ cũng như sự rằng buộc hữu hình của tồn tại. Tiêu chuẩn thứ nhất để đạt được bậc đại trí là phải hòa đồng hay huyền hóa vào vũ trụ vạn vật, hòa nhập giữa chủ thể nhận thức với đối tượng nhận thức. Sự cảm nhận ở bậc đại trí là chính bản thân cuộc sống hòa đồng tự nhiên của bậc thánh nhân. Trong thiên Tề vật luận, Trang Tử có trình bày tiêu chuẩn này như sau: “Xưa kia

Trang Chu mộng làm con bướm, hớn hở làm con bướm vậy, tự lấy làm thích chí, chẳng biết Chu là gì nữa. Tỉnh giấc lại lù lù là Chu. Chu với bướm tất có sự phân biệt rồi, thế gọi là vật hóa” [61, tr. 50]. Tiêu chuẩn thứ hai để đạt được đại trí đó là những người có thể vượt qua những thiên kiến của nhận thức thông thường, vượt qua cả không gian và thời gian, quên cả mọi sự rằng buộc của đời sống bình thường: “Phải và không phải, vậy và không vậy. Phải nếu quả là phải, thì phải khác với không phải, chẳng có chi phải bàn; vậy nếu quả là vậy, thì vậy là khác với không vậy, cũng chẳng có chi phải bàn…Hãy quân sự khu biệt phải trái. Hãy vui trong cõi vô cùng và dừng lại đấy” [61, tr. 44.].

Tuy nhiên, Trang Tử vẫn thừa nhận có sự liên hệ giữa hai tầng nhận thức này. Tầng nhận thức ở bậc tiểu trí là cơ sở cho bậc đại trí nhưng xét về tính chất và trạng thái thì chúng hoàn toàn tách rời và cô lập nhau. Đây chính là mâu thuẫn trong tư tưởng của Trang Tử về vấn đề nhận thức luận. Việc ông tuyệt đối hóa và thần bí hóa “đạo” làm những vấn đề nhận thức luận trở nên đầy mâu thuẫn.

Một phần của tài liệu Triết lý nhân sinh của Đạo gia và ý nghĩa của nó (Trang 27)