2.2.2.1. Nội dung tư tưởng của vị ngã, quý kỷ, toàn sinh
Triết học Đạo gia hình thành trong đời sống xã hội đảo điên, loạn lạc “trên hôn quân, dưới đạo tặc”. Trong khi những chủ trương, học thuyết đã đưa ra những phương pháp cải tạo xã hội khác nhau nhưng đều không thể cứu vãn. Đối với triết học Đạo gia, bên cạnh chủ trương vô vi, tự nhiên, đả phá mọi thể chế pháp luật, luân lý, tri thức, văn hóa, kỹ thuật đưa xã hội trở về thời nguyên thủy thì họ còn chủ trương “vị ngã”, “quý kỷ”, “toàn sinh”. Đây là nhân sinh quan hết sức độc đáo của triết học Đạo gia được xây dựng dựa trên hoàn cảnh thực tiễn xã hội Trung Quốc thời Xuân Thu - Chiến Quốc hết sức đảo điên, loạn lạc, cướp bóc hoành hành, chiến tranh liên miên, mạng người coi như cỏ rác. Chính vì vậy, với nhân sinh quan mới mẻ, độc đáo này đã làm cho triết học Đạo gia có chỗ đứng lâu bền trong xã hội đến vậy. Phải chăng nhân sinh quan này đã phản ánh đúng con người trong xã hội cần đến? Cũng phải nói thêm, những triết gia của Đạo gia là những ẩn sĩ, họ mai danh ẩn tích và tìm ra cho mình một hệ tư tưởng để làm cơ sở cho hành động của họ cũng như của con người trong xã hội. Do đó, chủ nghĩa “vị ngã”, “quý kỷ”, “toàn sinh” của Đạo gia có ảnh hưởng đặc biệt đến quan niệm và đời sống xã hội đương thời.
Với chủ trương “vị ngã”, “quý kỷ”, “toàn sinh” đã làm cho triết học Đạo gia khác biệt với các hệ thống triết học đương thời như thuyết “Chính danh” của Khổng Tử (khoảng 551 trước Công nguyên) hay thuyết “Kiêm ái” của Mặc Tử (khoảng năm 479 đến năm 381 trước Công nguyên). Đối với thuyết “Chính danh”, Khổng Tử cho rằng mỗi vật và mỗi người trong xã hội đều có một công dụng nhất định. Nằm trong mối quan hệ nhất định mỗi vật, mỗi người đều có
một địa vị, bổn phận nhất định và tương ứng với nó là một danh nhất định. Mỗi danh đều có tiêu chuẩn riêng, vật nào, người nào phải được thực hiện và phải thực hiện bằng được những tiêu chuẩn của danh đó, nếu không phải gọi bằng danh khác. Khổng Tử giải thích “Chính danh” là vua cho ra vua, tôi cho ra tôi, cha phải ra cha, con phải ra con. Nếu danh bất chính thì lời nói sẽ không đúng đắn, lời nói không đúng đắn sẽ dẫn đến việc làm sai, khi đó người với người trong xã hội sẽ không còn kính trọng nhau, không có hòa khí, luật pháp lỏng lẻo và người dân sẽ mất nơi trông cậy, nhờ vả. Đối với Mặc Tử, thuyết “Kiêm ái” trước hết là yêu hết thảy mọi người như nhau. Yêu mình như yêu người, yêu người ngoài cũng như yêu người thân. “Kiêm ái” theo Mặc Tử còn là làm lợi cho hết thảy mọi người như nhau, không “Kiêm ái” thì thiên hạ loạn, “Kiêm ái” thì thiên hạ trị. Theo Mặc Tử, chỉ có học thuyết “Kiêm ái” của ông mới là phương pháp tốt nhất để cứu xã hội Trung Quốc đương thời khỏi cảnh phân tranh, loạn lạc, cứu nhân dân lao động ra khỏi cảnh chết chóc, đói khổ.
Ngược lại, triết học Đạo gia lại đưa ra chủ trương rằng trong cái xã hội loạn lạc đó thì con người chỉ có “vị ngã”, “quý kỷ”, “toàn sinh” thì mới bảo toàn được tính mạng. Vậy “vị ngã”, “quý kỷ”, “toàn sinh” trong triết học Đạo gia là gì?
Theo quan niệm của triết học Đạo gia “vị ngã” nghĩa chung nhất là vì mình, vì cái ta, khác với “vị tha” là vì cái khác và vì người khác. Trong quan hệ xã hội, “vị ngã” và “vị tha” là hai mặt vừa đối lập vừa quan hệ gắn bó với nhau. “Vị ngã” là luôn bảo toàn, quý trọng thân thể, sinh mệnh của mình một cách tự nhiên, không hại đến đời sống tự nhiên của vật khác và của người khác, không để mình lụy vật và cũng không để vật lụy mình. Vì vậy, họ chủ trương mất một sợi lông mà làm lợi cho thiên hạ cũng không cho, mà có ai đem cả thiên hạ phụng dưỡng thân mình cũng không nhận. Trên cơ sở đó, cả Lão Tử và Trang Tử đã xây dựng cho mình những chủ trương làm cơ sở cho mọi hành động của họ và con người trong xã hội. Đặc biệt là Trang Tử, với nhân sinh quan “vị ngã” của ông là nguyên nhân cho sự phát sinh của Đạo Giáo sau này và cũng là mảnh đất để Đạo giáo tấn công.
Cả Lão Tử và Trang Tử đều đề cao chủ trương “vị ngã” bởi “trong đêm thâu giông gió nổi lên” chỉ có con đường “thoát tục” thì con người mới bảo toàn được. Bằng cách trốn tránh hiện thực, Lão Tử đã cô lập cá nhân để rồi mỗi cá nhân hòa tan vào thực thể “đạo”. Do đó, ông muốn đưa con người trở về với trạng thái thuần phác ban đầu mà ở đó, con người hồn nhiên, thuần phác, không có đấu tranh, không có tư hữu như những đứa trẻ con hồn nhiên thơ ngây vậy. Những đứa trẻ đó tâm hồn như một tờ giấy trắng chưa bị tác động của những yếu tố tham, sân, si nên nó hồn nhiên như vậy. Lão Tử đã từng quan tâm đến sự sống hơn sự chết, quan tâm đến sự thắng lợi hơn sự thất bại và ông đã vẽ cho người ta dùng đường lối “nhu nhược” để được sống lâu, được thắng lợi.
Ngược lại, Trang Tử theo lý tưởng “thoát tục” con người phải tuân theo lẽ tự nhiên, chơi tiêu dao trong cõi đời. Đó là một cuộc đời vô tư, tự do tự tại, rong chơi cùng tạo hóa, không nghĩ gì đến chuyện sống chết, được thua, thắng bại… mà con người thường bận tâm. Trong thiên Thiên hạ, phần Tạp thiên của Nam Hoa Kinh đã gọi ông là người “làm bạn với kẻ ngoài chết sống, không trước sau” [61, tr. 347]. Bởi thế, Trang Tử coi chuyện sống chết là quy luật quân bình của tạo hóa chẳng có gì phải buồn. Có khi ông lại thấy cái chết là vui, bởi vì đó là cơ hội để con người được phiêu lưu sang một cuộc rong chơi mới. Chủ nghĩa “vị ngã” của Đạo gia là làm cho con người sống đúng với bản chất, bản tính tự nhiên vốn có của mình, không ghét chết mà cũng chẳng ham sống, không vì luân lý đạo đức thể chế xã hội, không vì danh vọng, tiền tài, vị lợi mà hạn chế, gò bó, đánh mất bản tính tự nhiên vốn có của mình.
Bên cạnh chủ nghĩa “vị ngã” thì Đạo gia còn chủ trương “quý kỷ”. Theo triết học Đạo gia “quý kỷ” tức là phải quý trọng chính bản thân mình. Trong xã hội Trung Quốc đương thời, chiến tranh diễn ra liên miên, mạng người coi như cỏ rác thì con người phải biết quý trọng chính bản thân mình, chính mạng sống của mình. Nhưng nếu chỉ quý trọng mỗi bản thân mình thôi thì chưa đủ, mà con người còn phải bảo toàn chính thân thể của mình nữa. Theo Đạo gia đó chính là “toàn sinh”. Nhưng làm thế nào để “toàn sinh”? Xuất phát từ thực tiễn của đời
và bảo toàn sinh mệnh của mình. Để bảo toàn thân thể, sinh mệnh theo đúng lẽ tự nhiên, các nhà triết học Đạo gia cho rằng con người không có đủ khả năng mà phải nhờ cậy vào ngoại vật. Nhưng khi nhờ cậy vào ngoại vật phải dùng mưu trí chứ không được dùng sức mạnh tàn bạo xâm chiếm đối với các vật khác. Đó là cái quý báu nhất của con người trong sự bảo tồn sinh mệnh của mình. Triết học Đạo gia cho rằng, để “quý kỷ”, “toàn sinh” thì con người phải hoàn toàn thuận theo lẽ tự nhiên, không làm việc quá sức mình, không ham cái gì ở ngoài mình và phải thỏa mãn tối đa mọi nhu cầu, dục vọng tự nhiên của cá nhân. Đạo gia kêu gọi con người hãy tận hưởng mọi cái hiện có trong cuộc sống và không nên làm cho mình khổ sở bằng ý nghĩ về cái gì sẽ đến sau khi chết. Con người hãy cứ nhận sống cuộc sống tự nhiên ban cho mình, không cầu mong kéo dài tuổi thọ và cũng không cầu mong được chết sớm. Cũng chính vì thế mà các nhà triết học Đạo gia kịch liệt phản đối sự cưỡng chế của pháp luật, lên án thói hám danh, cầu lợi, nạn câu nệ phải trái, tốt xấu ở đời. Bởi tất cả những thứ ấy chỉ là hư danh, giả tạo làm tổn hại đến đời sống tự nhiên, tình cảm, nhu cầu, ước muốn, sở thích tự nhiên của cá nhân con người mà thôi. Để sống tự nhiên thanh thản, bảo toàn sinh mệnh và giữ gìn bản tính, thiên chân của con người thì con người nên làm sao chỉ vui vẻ, an nhàn tấm thân.
Đối với truyền thống của triết học Trung Quốc, tư tưởng “vị ngã”, “quý kỷ”, “toàn sinh” là tư tưởng hết sức đặc sắc, nó được coi như một cuộc cách mạng trong lĩnh vực đạo đức luôn lý xã hội đương thời. Qua đó, Đạo gia đã phê phán trào lưu tư tưởng gò bó con người, kêu gọi tự do cá nhân với chủ nghĩa tự nhiên hư vô và chủ nghĩa khoái lạc độc đáo, chống mọi áp bức, bạo lực, đả phá mọi quan niệm đạo đức và thể chế xã hội. Chủ nghĩa “vị ngã”, “quý kỷ”, “toàn sinh” của Đạo gia đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội không chỉ thời cổ đại mà cả xã hội hiện đại ngày nay. Nó làm cho chúng ta biết quý trọng, bảo toàn sinh mệnh của chính chúng ta, làm cho chúng ta thấy lạc quan hơn với cuộc sống hiện tại. Trong xã hội hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, con người chúng ta dường như trở thành một cái máy với sức ép công việc nặng nề hơn bao giờ hết. Con người chúng ta luôn bị chi phối bởi
những cám dỗ nên hiện tượng stress, trầm cảm… rất dễ xảy ra. Con người cứ tưởng mình làm chủ khoa học thì mình sẽ có cuộc sống đầy đủ, sung sướng, hạnh phúc. Nhưng không phải như vậy, con người hiện đại của chúng ta luôn lo toan, bận bịu với công việc làm tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của chúng ta. Chính vì vậy, chúng ta phải biết quý trọng, bảo toàn tính mệnh của chính chúng ta. Có như thế, chúng ta mới có thể an nhàn, thảnh thơi, sống lâu, hạnh phúc. Nhưng do quá đề cao mặt tự nhiên của con người, Đạo gia đã tách biệt con người tự nhiên ra khỏi mặt xã hội vì thế mà tư tưởng “vị ngã” đã làm giảm đi giá trị nhân sinh.
2.2.2.2. Phương pháp để thực hiện “vị ngã”, “quý kỷ”, “toàn sinh”
Theo Lão Tử, con người ở chốn nhân gian phần nhiều không xem trọng tính mệnh, họ tranh quyền đoạt lợi, bận rộn với cuộc sống trần tục, thờ ơ với mọi thứ trôi qua trong cuộc sống. Như vậy không những đáng thương mà còn rất nguy hiểm. Lão Tử chỉ ra “Cố phiêu phong bất chung chiêu, sậu vũ bất chung nhật. Thục vi thử giả? Thiên địa. Thiên địa thượng bất năng cửu, nhi huống ư nhân hồ?” [33, tr. 198]. (Trong thế giới tự nhiên, giông gió thổi thâu đêm suất sáng, mưa bão tầm tã suất ngày, ai có thể khống chế được tất cả? Tự nhiên là vậy. Trời đất còn không thể trường cửu, nói chi đến con người?). Cuộc sống của con người so với sự vật trong tự nhiên là vô cùng ngắn ngủi, vì vậy phải xem việc quý trọng mạng sống là việc lớn hàng đầu trong cuộc sống, phải bảo vệ, trân trọng mạng sống của chính mình.
Hơn nữa, con người chúng ta sở dĩ không xem trọng vịêc bảo dưỡng mạng sống do trong lòng chứa đầy ham muốn vật chất. Một người bình thường luôn cho rằng, có được của cải càng nhiều, quyền lực càng lớn trong tay thì càng thỏa mãn nhu cầu của bản thân, cuộc sống cũng hạnh phúc hơn, thế nên không lúc nào không nghĩ đến việc tìm kiếm giành giật của cải, quyền lợi. Theo Lão Tử, những ý tưởng và cách làm này là hoàn toàn sai lầm, người đời ai cũng vội vã tìm kiếm mọi thứ, không những không mang lại hạnh phúc thật sự cho bản thân mình, ngược lại thường khiến người ta gặp phải tai họa khôn cùng.
Chính vì vậy, Lão Tử khuyên chúng ta hãy ham muốn ít và bằng lòng với những gì đang có hay nói khác là biết đủ, biết dừng. Có như vậy, con người mới được an nhàn, sống thọ. Và để sống thọ được thì con người phải dưỡng sinh nhằm thanh trừ và tránh xa những thứ có hại trong cuộc sống. Theo Lão Tử, vạn vật trong vũ trụ luôn vận động và phát triển, sinh sinh tử tử, không hề dừng lại khiến người ta cảm thấy lao tâm kiệt sức, mệt mỏi nên con người phải dưỡng sinh. Phương pháp dưỡng sinh của Lão Tử với mục đích là lấy thái độ an nhàn thích ứng với mọi nơi để vượt qua mọi thứ bên ngoài của cuộc sống và theo ông thì phương pháp này chính là “mềm mỏng và tĩnh lặng” nhằm lấy tĩnh để thích ứng với cuộc sống mới có thể giữ được bản thân. Bên cạnh đó, Lão Tử cho rằng, phải giữ đúng bản chất của mình để con người có được cái khí tinh hoa của trời đất, không để nó bị phân tán đi, tinh khí kết tụ sẽ làm cho gân cốt mềm dẻo. Vì vậy, bản chất con người thực ra chính là khí tiên thiên mỗi chúng ta có được khi mới sinh ra. Trong cuộc sống, chúng ta muốn trường sinh thì phải giữ cuộc sống như khi mới sinh ra, để sự trường sinh không bị mất đi, tránh bị tổn thương mới kéo dài được tuổi thọ. Ngược lại, con người luôn theo đuổi sự nhàn hạ, tham ăn, tham uống sẽ thúc đẩy việc sinh trưởng phát triển nhanh, kết quả đánh mất bản chất của mình, hình thể vì vậy cũng bị hủy hoại.
Theo Lão Tử, con người muốn toàn sinh, trường tồn thì phải giản dị chất phác, ít riêng tư, ít ham muốn, ít ham dục. Người giản dị là người ít ham muốn vật chất nên tâm luôn trong sạch, ít vướng bận vào những ham muốn tầm thường, do vậy mà được toàn sinh. Chất phác thì không hiểm hóc mờ ám dễ gần gủi với mọi người. Chính vì vậy, Lão Tử khuyên chúng ta “Hiện tố bão phác, thiểu tư quả dục” [33, tr. 191]. (Ít riêng tư, ít tham muốn) và “Cố tri túc tri túc, thường túc hĩ” [33, tr. 233]. (Biết đủ trong cái đủ thì luôn đủ). Quả vậy! Khi đã không biết đủ trong cái đủ, bằng lòng với những gì mình đang có thì có nghĩa là mình luôn thiếu. Mà đã thiếu thì phải lao mãi trên hành trình tìm đủ, dấn thân vào ma trận của thế giới vật chất thì tránh sao cho khỏi họa. Cho nên, con người phải biết đủ và biết dừng mới giữ được lâu bền. Con người là một thực thể bao gồm tâm thân. Tâm là cơ cấu tinh thần, thân là cơ cấu vật chất. Muốn cho sự
sống được lâu dài thì cơ cấu vật chất và cơ cấu tinh thần phải hiệp nhất. Không thể có sự bền vững lâu dài khi tâm bị tán loạn và thân bị rã rời.
Trang Tử cho rằng con người muốn trường thọ thì tinh thần phải ổn định, tuân theo tự nhiên ở một trạng thái tốt nhất, như vậy mới không sinh bệnh mà sống thọ. Một mặt, Trang Tử cho rằng việc kéo dài tuổi thọ là dựa vào Đạo bởi ông cho rằng Đạo cho ta hình hài, là thông qua ta để gửi gắm, khiến ta lớn lên, để ta phải lao động, khiến ta già yếu là để ta được nhàn hạ, khiến ta chết đi là để ta được nghỉ ngơi, được giải thoát. Sinh sinh tử tử như việc đến rồi đi, nhưng do con người chúng ta không hiểu rõ lẽ sinh tử, luôn theo đuổi mọi ham muốn, lúc nào cũng lo sợ sắp phải chết đi, như vậy thì sao có thể sống tốt được? Trang Tử cho rằng, sự sống và cái chết của con người đều là một hình thức biến hóa của tự nhiên, con người không thể thay đổi được, đã vậy rồi, thì tất phải để ý đến. Trong hệ thống triết học của Trang Tử, quan điểm chính trị, nhân sinh quan, bản thể luận về triết học tư duy thuần khiết của Trang Tử là thống nhất với nhau. Xây dựng và sản sinh ra tư tưởng triết học của Trang Tử, một phần là bắt nguồn