Học thuyết “Vô vi nhi trị”

Một phần của tài liệu Triết lý nhân sinh của Đạo gia và ý nghĩa của nó (Trang 43)

Xưa nay, truyền thống triết học phương Đông thường có khuynh hướng chung cho “hữu vi” là cách làm của học phái Khổng Mạnh hay Mặc Địch còn “vô vi” là cách làm của học phái Lão Trang. Nếu như “hữu vi” là cách làm theo tư ý tư dục, muốn mọi người mọi vật phải tuân lệnh mình, phục tùng mình triệt để. Vì thế mà cách làm “hữu vi” thường bày vẽ ra nhiều lề lối phức tạp rắc rối, phiền toái, do đó làm lợi cho mọi người cũng có, làm hại cho mọi người cũng không ít. Con người trong cách làm “hữu vi” thường bị vất vả, cực nhọc vì không hợp tự nhiên. Người ra tay làm thì mệt, thì lo, thì buồn…mệt vì phải ứng phó với trở ngại, lo vì sợ thất bại, buồn vì người ta không hoàn toàn theo ý mình, không nhớ công ơn mình, hoặc chống đối, phản bội mình. Hơn nữa, đối tượng của công việc hữu vi cũng mệt, cũng lo, cũng buồn…mệt vì phải đáp ứng yêu cầu, lo vì sợ bị chế tài, bị phạt, buồn vì không được tự do theo ý riêng.

Trên cơ sở đó, khi mở rộng tư tưởng về Đạo đến mặt đời sống xã hội, Lão Tử và Trang Tử đã đề xướng học thuyết “vô vi nhi trị”, qua đó các ông đã trình bày những quan điểm hết sức đặc sắc của mình về đạo đức nhân sinh và

chính trị xã hội. Với học thuyết vô vi, Lão Tử và Trang Tử đã nâng lên thành một học thuyết về nghệ thuật sống của con người trong sự hòa nhập với tự nhiên, vũ trụ vạn vật.

“Vô vi” theo nghĩa đen là “không làm gì” nhưng theo triết học Đạo gia nói riêng và theo cách hiểu của người Trung Hoa thì “vô vi” không có nghĩa là không làm gì, không có sự hoạt động gì, mà là hoạt động một cách tự nhiên, không can thiệp vào guồng máy của tự nhiên, không hoạt động một cách giả tạo, gượng ép, không thái quá và bất cập. Lão Tử viết: “Đạo thường vô vi nhi vô bất vi. Hầu vương nhược năng thủ chi, vạn vật tương tự hóa…Bất dục dĩ tịnh, thiên hạ tương tự định” [66, tr. 195-196]. (Đạo thường không làm gì mà không gì không làm. Vua chúa nếu giữ được đạo, muôn vật sẽ tự chuyển hóa…Không ham muốn để được yên lặng, thiên hạ sẽ tự yên). Nếu không thuận theo đạo tự nhiên, đem ý chí, dục vọng của con người cưỡng ép vạn vật tức là lấy cái nhân vị, giả tạo thay thế cho cái tự nhiên là trái với “đạo vô vi” và tất sẽ thất bại. Cho nên Lão Tử thường nói: “Thủ thiên hạ thường dĩ vô sự, cập kỳ hữu sự bất túc dĩ thủ thiên hạ” [33, tr. 234.]. (Trị thiên hạ thì nên vô vi, còn như hữu vi thì không trị được thiên hạ). Vô vi còn có nghĩa là không làm mất cái đức tự nhiên thuần phác vốn có của vạn vật. Nếu mất cái đức tự nhiên, ham muốn những gì trái với bản tính tự nhiên để thỏa mãn dục vọng của con người dẫn tới sự can thiệp vào guồng máy tự nhiên sẽ mang lại tai họa. Lão Tử nói: “Ngũ sắc lệnh nhân mục manh, ngũ âm lệnh nhân nhĩ lung, ngũ vị lệnh nhân khẩu sảng.Trì sính điền liệp, lệnh nhân tâm phát cuồng” [33, tr. 180]. (Ngũ sắc làm cho mắt mờ, ngũ âm làm cho tai điếc, ngũ vị làm cho miệng chán, cưỡi ngựa săn bắn làm cho lòng phát cuồng, vật khó khiến cho lòng tà vậy). Vô vi không chỉ là sống tự nhiên thuần phát, không ham muốn, dục vọng mà còn không cần đến cả tri thức, văn hóa và cả sự tiến bộ xã hội. Ông nói: “Trí tuệ xuất, hữu đại ngụy” [33, tr. 190]. (Trí xảo xuất hiện rồi mới có trá ngụy). Bởi theo ông, hiểu biết càng nhiều thì trí xảo càng nhiều càng ham muốn, tranh đoạt và xâm phạm lẫn nhau, trái với đạo tự nhiên. Cho nên, Lão Tử nói: “Vi học nhật ích, vi đạo nhật tổn, tổn chi hựu tổn, dĩ chí vô vi” [33, tr. 234]. (Theo học thì càng thêm phiền phức, mà theo đạo

thì ngày càng bớt, bớt rồi thì lại bớt, bớt đến mức vô vi). Tốt nhất người ta hãy: “Tuyệt học vô ưu, duy chi dữ a, tương khứ kỷ hà. Thiện chi dữ ác, tương khứ nhược hà” [33, tr. 192-193]. (Dứt học không lo, dạ và ơi khác nhau chỗ nào, lành với dữ khác nhau ở đâu).

Có thể nói, trong tư tưởng “vô vi”, Lão Tử đã chống lại những chuẩn mực đạo đức và thể chế pháp luật. Ông coi đó là sự áp đặt, cưỡng chế can thiệp vào bản tính tự nhiên của con người. Những cái đó cũng là nguyên nhân của sự giả dối và điều ác: “Nhân đa kỹ sảo, kỳ vật tư khởi, pháp lệnh tư chương, đạo tặc đa hữu” [66, tr. 252-253]. (Người trên dùng nhiều kế hiểm, kẻ dưới sinh lắm mưu sâu, pháp lệnh càng rõ ràng càng sinh nhiều trộm cướp). Còn cái gọi là nhân, nghĩa, lễ, trí theo Lão Tử tất cả những cái đó chỉ là giả tạo, trái với tự nhiên, xa rời mất đạo mà thôi. Ông phê phán nhưng quan điểm và chủ trương “hữu vi” của Nho giáo và cho rằng: “Cố thất đạo nhi hậu đức, thất đức nhi hậu nhân, thất nhân nhi hậu nghĩa, thất nghĩa nhi hậu lễ. Phù lễ giả, trung tín chi bạc, nhi loạn chi thủ” [33, tr.221-222]. (Mất đạo rồi mới có đức, mất đức rồi mới có nhân, mất nhân rồi mới có nghĩa, mất nghĩa rồi mới có lễ. Lễ chỉ là cái vỏ mỏng của lòng trung tín, mà cũng là đầu mối của sự loạn). Ông còn nói tiếp: “Đại đạo phế hữu nhân nghĩa. Trí tuệ xuất hữu đại ngụy. Lục thân bất hòa hữu hiếu từ. Quốc gia hỗn loạn hữu trung thần” [66, tr. 133.]. (Đạo lớn mất mới có nhân nghĩa. Trí tuệ sinh mới có dối trá. Lục thân chẳng hòa mới có hiếu từ. Quốc gia hỗn loạn mới có bề tôi trung).

“Vô vi” còn có nghĩa là bảo vệ, giữ gìn bản tính tự nhiên của mình, của vật. Cho nên Lão Tử nói: “Ngã hữu tam bảo, trì nhi bảo chi. Nhất viết từ, nhị viết kiêm, tam viết bất cảm vi thiên hạ tiên” [33, tr. 259]. (Ta có ba vật báu hằng ôm giữ: Một là từ, hai là kiệm, ba là không dám đứng trước thiên hạ). Vì từ ái cho nên không cưỡng ép vật, vì tiết kiệm cho nên không thái quá, không trái với đạo tự nhiên và vì không dám đứng trước thiên hạ cho nên tự nhiên, thuần phác, không áp chế nhau, không ai lấy không ai bỏ, không ai hơn không ai kém. Đạt tới “vô vi” làm cho con người ta trở nên tuyệt vời. Họ luôn hòa mình vào

chỗ của mình. Họ biết giảm ánh sáng của mình để có thể trầm vào bóng tối của kẻ khác. Họ ngập ngừng như kẻ phải lội qua sông trong mùa đông, lưỡng lự như kẻ e ngại người láng giềng, run rẩy như tuyết trắng sắp tan, giản dị như miếng gỗ chưa đẽo, trống trải như thung lũng và bất dạng như nước: “Cổ chi thiện vi đạo giả, vi diệu huyền thông, thâm bất khả thức. Phù duy bất khả thức, cố cưỡng vị chi dung. Dự hề nhược úy tứ lân, nghiễm hề kì nhược khách, hoán hề nhược băng chi tương thích, đôn hề kì nhược phác, khoáng hề kì nhược cốc, hồn hề kì nhược trọc” [33, tr. 186]. (Người đắc đạo xưa màu nhiệm, tinh tế, sâu sắc không thể biết. Vì chẳng thể dò biết nên miễn cưỡng hình dung về họ như thế này: Họ thận trọng như người lội qua sông vào mùa đông. Do dự như sợ láng giềng bốn bên, nghiêm cẩn như đối với khách, chảy nhẹ như băng tan, mộc mạc như gỗ chưa đẽo, trống không như hang núi, hỗn độn dường nước đục”. Đạt được cách sống trên, người đạo học đã vươn tới chân thiện, là người bước vào vương quốc của giấc mơ, để tỉnh dậy trước thực tế vào lúc chết.

Trong quan điểm về chính trị - xã hội, đối lập với chủ trương “hữu vi”, Lão Tử đề cao đường lối trị nước theo “đạo vô vi”. Ông nói: “Ngã vô vi nhi dân tự hóa, ngã hiếu tĩnh nhi dân tự chính, ngã vô sự nhi dân tự phú, ngã vô dục nhi dân tự phác” [33, tr. 247.]. (Ta vô vi mà dân tự hóa, ta vô tình mà dân tự chính, ta vô sự mà dân tự giàu, ta vô dục mà dân chất phác). Trị nước theo đạo “vô vi”, Lão Tử chủ trương xóa bỏ mọi lễ giáo, pháp luật, văn hóa, kỹ thuật, bỏ tất cả những gì trái với tự nhiên của con người. Lão Tử nói: “Tuyệt thánh khí trí dân lợi bách lợi. Tuyệt nhân khí nghĩa, dân phục hiếu từ. Tuyệt xảo khí lợi, đạo tặc vô hữu” [66, tr. 136.]. (Dứt thánh, bỏ trí dân lợi gấp trăm lần. Dứt nhân bỏ nghĩa, dân trở lại hiếu thuận. Bỏ trí xảo, bỏ điều lợi, giặc cướp không có). Đặc biệt, Lão Tử đã lên án mạnh mẽ giai cấp thống trị đương thời và phản đối những hiện tượng bất bình đẳng trong xã hội do sự áp bức bóc lột của bọn quý tộc cũng như sự phát triển của kinh tế hàng hóa gây nên. Ông chỉ ra rằng, dân đói là do quan trên ăn hết, bắt dân nộp thuế nhiều. Bởi vậy, ông đòi hỏi giai cấp thống trị phải tuân theo quy luật tự nhiên, không được can thiệp vào đời sống tự nhiên của con người, đưa xã hội và con người trở về với trạng thái tự nhiên, nguyên

sơ, chất phác không bị rằng buộc bởi thể chế pháp luật, nguyên tắc đạo đức luân lý, không cần tri thức, trí xảo mà tuân theo bản tính tự nhiên của con người. Lão Tử nói: “Bất thượng hiền, sử dân bất tranh. Bất quí nan đắc chi hóa, sử dân bất vi đạo, bất hiện khả dục, sử dân bất loạn. Thị dĩ thánh nhân chi trị, hư kì tâm, thực kì phúc, nhược kì chí, cường kì cốt” [33, tr. 168-169]. (Không chuộng người hiền khiến dân không tranh. Không quý của khó khiến dân không sinh lòng tà đạo. Không thấy những gì gây tham muốn thì lòng dân không loạn. Vậy nên cách trị của thánh nhân là làm cho dân lòng thì trống, bụng thì no, chí thì yếu, xương thì cứng”. Hơn thế nữa, Lão Tử còn chủ trương đưa đức tính con người trở lại với thời kỳ trẻ thơ, hồn nhiên, chân chất, vô dục. Ông nói: “Cổ chi thiện vi đạo giả, phi dĩ minh dân, tương dĩ ngu chi. Dân chi nan trị, dĩ kì trí đa. Cố dĩ trí trị quốc, quốc chi tặc bất dĩ trí trị quốc, quốc chi phúc” [33, tr. 257.]. (Ngày xưa người khéo dùng đạo trị quốc không phải là làm cho dân khôn ngoan trí xảo mà làm cho dân chất phác thuần hậu - Kẻ trí xảo là kẻ khôn không phải là kẻ sáng, kẻ chân thành thật thà mới là kẻ sáng - Dân sở dĩ khó trị là do họ nhiều mưu trí. Cho nên dùng trí trị nước là cái họa cho nước, không dùng trí mà trị là cái phúc cho nước). Lão Tử có ý muốn nói rằng nhà chính trị mà muốn đem một thể chế nhân tạo để khép mọi người vào một cái khung nhất định rồi xoay vần theo ý của mình thì sớm muộn sẽ thất bại. Bất cứ thể chế nào nếu không theo quy luật tự nhiên của Đạo cũng sẽ bị vỡ, không tồn tại lâu dài được.

Theo đạo “vô vi”, Lão Tử mơ ước trở lại đời sống chất phác của thời đại cộng sản nguyên thủy, không thể chế, không pháp luật, không có chế độ tư hữu, sống tự cấp tự túc. Tuy nhiên quan niệm đó của Lão Tử chỉ phù hợp với điều kiện nước nhỏ dân ít: “Tiểu quốc quả dân, sử hữu thập bách chi khí nhi bất dụng, sử dân trọng tử nhi bất viễn tỉ. Tuy hữu chu dư, vô sở thừa chi. Tuy hữu giáp binh, vô sở trần chi. Sử dân phục kết thằng nhi dụng chi. Cam kì thực, mĩ kì phục, an kì cư, lạc kì tục. Lân quốc tương vọng, kê chuyển chi thanh tương văn, dân chí lão bất tương vãng lai” [33, tr. 274]. (Nước nhỏ mà dân ít, dù có chục có trăm thứ khí cụ mà không dùng đến khiến dân coi trọng sự chết nên

mà không bày, khiến dân dùng lại cách thắt dây nút thời xưa. Cho thức ăn của mình là ngon, cho trang phục của mình là đẹp. Ở yên một nơi, vui với phong tục của mình. Các nước gần nhau hằng thấy nhau, cùng nghe tiếng gà gáy tiếng chó sủa vậy mà cho đến khi già, chết cũng không cùng nhau qua lại).

Trong quan điểm về chính trị - xã hội, với tư tưởng “vô vi”, Lão Tử kịch liệt lên án chiến tranh, bạo lực và chủ trương “bất tranh” và “khiêm hạ”. Ông coi chiến tranh là trái với đạo tự nhiên, là tàn bạo và đại họa cho xã hội. Theo ông, chẳng có cái gọi là vinh hay nhục gì khi thắng hay bại trong chiến tranh cả: “Binh giả bất tường chi khí, phi quân tử chi khí. Bất đắc dĩ nhi dụng chi, điềm đạm vi thượng. Thắng nhi bất mỹ, nhi mỹ chi giả thị lạc sát nhân, phù lạc sát nhân giả tắc bất khả đắc chí ư thiên hạ kỹ” [66, tr. 178]. (Binh đao là việc chẳng lành nên không phải là đồ của người quân tử dùng. Bắt buộc phải dùng đến thì điềm đạm là hơn. Thắng đâu có là tốt, cho là tốt là vui giết người. Giết người mà vui là không phải ý thiên hạ). Chiến tranh, theo Lão Tử không chỉ gây ra chết chóc, tàn phá, đau thương mà hậu quả của nó còn ảnh hưởng lâu dài trong đời sống xã hội. Vì vậy, Lão Tử nói “Sư chi sở xứ, kinh cứu sinh yên. Đại quân chi hậu, tất hữu hung niên”. (Ở đâu có quân lính đóng thì ở đó gai góc sinh sôi. Sau trận chiến lớn ắt có năm mất mùa). Như vậy với chủ trương “vô vi”, Lão Tử muốn đưa ra phương thuật để chữa căn bệnh trầm kha của xã hội Trung Hoa thời Xuân Thu hay căn bệnh chung của loài người là cứ muốn tiến hóa và cạnh tranh tiến hóa để rồi gây ra những cảnh tương tàn tương sát, gây ra những nỗi thống khổ u uất với con người trong xã hội. Có thể nói, “vô vi” của Lão Tử có rất nhiều hình thức, đó là dạy dỗ người mà không dùng tới lời nói (bất ngôn chi giáo). Thánh nhân lấy chính mình là gương mẫu để dạy dỗ những đức hạnh tốt như: nhân từ, tiết kiệm, khiêm nhường, giản dị… Để cho vạn vật sinh hoạt không khước từ, trước khi dạy dỗ được mọi người nên tốt, thánh nhân chấp nhận tất cả những sự bất toàn của họ, không khước từ, không phân biệt, khinh chê như người mẹ bao dung các con không phân biệt đứa ngoan, đứa hư. Con người sống không chiếm hữu, thánh nhân sống như mọi người, không chiếm hữu người khác làm tôi tớ, nô lệ cho mình, không chiếm đoạt của cải người

khác làm của riêng mình. Làm mà không cậy công, thánh nhân ra sức phục vụ, nâng đỡ mọi người tùy từng hoàn cảnh, nhưng không tỏ ý cậy công với ai, không làm thương tổn đến lòng từ ái, tự trọng của họ. Công thành mà không ở lại, sau khi hoàn thành công việc giáo hóa hay nâng đỡ, thấy người ta đã tự lực, tự cường được, thánh nhân lặng lẽ rút lui, tìm nơi ẩn dật mà không cần nhận sự đền ơn đáp nghĩa, sự ngợi khen. Biết “vô vi” là đường lối trở về phù hợp với quy luật của Đạo, con đường hạnh phúc, lấy lại thế quân bình sau khi đã quá thiên lệch về phía tạo vật, do đó muốn cứu vớt mọi người sa lầy trong “hữu vi”, bậc thánh nhân đã vận dụng đường lối “vô vi”, nghĩa là không ham muốn vật chất, không quý vàng bạc, châu báu…học tập về Đạo mà không học về đời, cốt làm gương cho mọi người đã quá đuổi theo danh lợi, để giúp cho mọi người, mọi vật được sống tự nhiên mà không dùng đường lối cưỡng bức “hữu vi”. Lão Tử cũng như Không Tử đều ở trong truyền thống phương Đông lấy con người hành chính quan trọng hơn thể chế chính trị. Với chính sách rộng rãi khoan dung, không quá can thiệp vào đời sống riêng tư của dân thì dân sẽ thuần hậu tốt lành. Nếu chính lệnh soi mói, khắt khe quá đáng thì dân trở nên dối trá, gian xảo. Muốn cho dân thuần phác thì không nên trị dân bằng đường lối hữu vi, nghĩa là không đem ý riêng của mình mà vẽ việc ra rồi bắt dân phải theo trái với

Một phần của tài liệu Triết lý nhân sinh của Đạo gia và ý nghĩa của nó (Trang 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)