Với triết học Đạo gia, tu luyện thần khí hóa là một nội dung quan trọng trong tư tưởng nhân sinh bởi các nhà triết học Đạo gia đều đề cao sức khỏe là điều kiện đầu tiên để con người sống thọ. Hiệu nghiệm của trường thọ, trị bệnh, rèn luyện thân thể được khí công xem trọng và nó được lưu truyền hàng nghìn năm đến nay. Điểm đáng lưu ý ở triết học Đạo gia là họ đã lấy cái “tĩnh” để thanh trừ mọi thứ có thể làm tổn hại đến sức khỏe của con người. Ngày nay, quan điểm đó còn nguyên giá trị nhất là đối với những người già với mục đích giúp con người an tịnh. Đạo gia cho rằng, con người ta thường từ chỗ vô hình mà cảm nhận được sự vi diệu của vạn vật, thường từ chỗ hữu hình mà nhìn thấy kết cục của vạn vật, hai cái này tuy khác nhau, nhưng đều xuất phát từ một nơi, đều rất sâu xa và là một môn tổng hợp vi diệu. Nhưng làm sao để có thể quan sát được sự vi diệu này? Đạo gia cho rằng chỉ cần tập trung giữ khí, cố gắng giữ cho tâm hồn được an định và gạt bỏ mọi tạp niệm, để đến với chốn yên tĩnh, thanh bình, mới có thể làm được. Thuật ngữ dùng khí công để nói là chỉ tập trung ở đan điền, tịnh đến chỗ vi diệu, hãy nghĩ đan điền có thể nhìn thấy sự vi diệu ấy. Nếu lý giải từ góc độ khí công thì tiêu trừ những tạp niệm, xấu xa, tập trung ở phần bụng, tiêu trừ mọi ham muốn làm cho gân cốt khỏe mạnh. Vậy khí công chính là thuật tu luyện năng lượng phát sinh từ bên trong cơ thể, nhờ đó mà thân thể tráng kiện, trừ bệnh, trường thọ. Người tu luyện thành công là người hiểu rõ được việc tu luyện đạt đến thân tâm hư minh, chân khí tự phát sinh, đồng thời trạng thái nội tâm vui vẻ, thoải mái, lấy nguyên khí vô hạn của trời đất để làm đầy cho mình.
Như vậy, bên cạnh việc đưa ra những chuẩn mực về con người trong xã hội thì triết học Đạo gia còn đưa ra phương pháp tu luyện giúp con người sống lâu, thanh trừ bệnh tật. Ngày nay, phương pháp đó rất có ý nghĩa khi hoàn cảnh sống của con người đang bị ô nhiễm nặng nề, đời sống của con người không
được đảm bảo. Trở lại với tư tưởng nhân sinh của triết học Đạo gia khiến mỗi người trong xã hội tự hoàn thiện chính bản thân mình trở thành những người vừa có tài, vừa có đức phục vụ cho sự nghiệp phát triển của đất nước.
Theo lớp thang trình bày ở trên, như vậy triết học Đạo gia là một con đường tư tưởng đi từ vũ trụ luận chuyển sang nhân sinh luận, rồi từ nhân sinh luận chuyển sang chính trị luận. Tuy nhiên, qua phân tích nội dung của triết học Đạo gia chúng ta thấy các nội dung của nó đan xen vào nhau. Chính vì thế, có thể suy đoán các nhà triết học Đạo gia đã từ những suy ngẫm về hiện thực nhân sinh mà khái quát lên thành nhận thức về vũ trụ, về bản thể, về quy luật phổ biến, về những nguyên lý chuẩn tắc tối cao của cuộc sống. Đành rằng, nhiều vấn đề trong luận thuyết của triết học Đạo gia có nhiều hạn chế, mang tính cực đoan bởi những giới hạn về hoàn cảnh lịch sử nên tư tưởng triết học Đạo gia không còn phù hợp với triết học hiện đại nhưng những tư tưởng về nhân sinh thì vẫn còn phù hợp với mọi thời đại. Các nhà triết học Đạo gia đã đưa ra những triết lý rất đời thường với cuộc sống của con người, một chân lý giản dị hết sức cao thượng, bình đẳng và tự do, đầy ắp lòng bao dung nhân ái. Đó là tất cả những giá trị cơ bản mà Đạo gia để lại cho chúng ta từ 2500 năm trước. Nếu trong quá trình tu dưỡng luyện rèn mà ta có thể tiếp thu được những giá trị ấy, biến nó thành máu thịt suốt đời ta là ta đã gần hoàn thiện được mình rồi vậy.