Theo quy định tại Điều 670 Bộ luật dân sự năm 2005 thì số phận pháp lý của di sản thờ cúng sẽ thuộc về “người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những
người thuộc diện thừa kế theo pháp luật”. Như vậy, có thể nhận thấy, việc nhà làm
luật đã không có một quy định cụ thể nào về căn cứ chấm dứt di sản dùng vào việc thờ cúng cả mà lại quy định rất chung chung và nằm ngay trong quy định tại Điều 670 như đã nói trên. Cũng theo quy định trên, nhà làm luật cho rằng di sản dùng vào việc thờ cúng không phải là di sản trường tồn, được truyền từ đời này sang đời khác mà đó chỉ là loại di sản tồn tại trong một thời hạn nhất định mà thôi. Điều này là không phù hợp trên thực tế, bởi vì không ai khi chết đi để lại di sản dùng vào việc thờ cúng lại chỉ muốn một đời con mình thờ cúng mình mà lại không muốn cháu, chắt, chút, chít thờ cúng mình cả. Hơn nữa, thực tế đời sống trong nhân dân, tín ngưỡng thờ cúng vẫn mang đậm bản sắc văn hóa người Việt, việc thờ cúng tổ tiên, ông bà vẫn được truyền lại qua rất nhiều thế hệ chứ không phải chỉ riêng một thế hệ.
Cũng xuất phát từ những suy nghĩ lập pháp như trên mà việc công nhận quyền sở hữu đối với di sản dùng vào việc thờ cúng dành cho người đang quản lý hợp pháp phần di sản đó dẫn đến tình trạng người đang quản lý hợp pháp di sản thờ cúng trước khi chết muốn lập di chúc để cho con, cháu mình tiếp tục quản lý phần di sản thờ cúng mà mình đã quản lý trước đó làm di sản thờ cúng cũng không được. Bởi lẽ, họ không có quyền sở hữu đối với phần di sản thờ cúng trước đó nên đương nhiên không có quyền định đoạt nó tiếp tục là di sản thờ cúng nữa. Mặt khác, vấn đề di sản thừa kế theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 không bao gồm nghĩa vụ về tài sản nên nội dung về di sản thờ cúng cũng không thể có nghĩa vụ về tài sản, hoặc kể cả khi có nghĩa vụ về tài sản chăng nữa thì riêng nghĩa vụ thờ cúng lại không phải là nghĩa vụ về tài sản nên không thể chuyển giao được.
Nếu xét trên khía cạnh vật lý thì không có một tài sản gì có thể tồn tại vĩnh viễn với thời gian cả. Do di sản thờ cúng là những loại tài sản khác nhau nên cũng sẽ phải chịu những sự tác động, bào mòn của môi trường tự nhiên như bão lũ, núi lửa, động đất, sói mòn.... Ngoài ra, do nhu cầu xây dựng đường, trường trạm hay các công trình quốc gia khác mà dẫn đến phải thu hồi hay giải tỏa di sản thờ cúng là bất động sản hay cây lâu năm, hoa màu... thì lúc này di sản thờ cúng sẽ không còn nữa. Nếu cho rằng di sản thờ cúng bị tiêu hủy do các yếu tố của môi trường tự nhiên là căn cứ chấm dứt sự tồn tại của di sản thờ cúng hay nói cách khác, nếu dựa vào một trong những căn cứ làm chấm dứt quyền sở hữu là “tài sản bị tiêu hủy” để áp dụng cho việc xác định căn cứ chấm dứt sự tồn tại của di sản thờ cúng là không đúng bởi vì bản chất pháp lý hoàn toàn khác nhau. Còn trong trường hợp phải xây dựng các công trình quốc gia thì phần di sản thờ cúng đã bị thu hồi hay giải tỏa đó sẽ được đền bù bằng tiền hoặc hiện vật khác, do vậy về nguyên tắc phần đền bù đó đương nhiên cần được coi là di sản thờ cúng. Nhưng đến nay, chưa có bất kỳ một văn bản pháp luật nào quy định cụ thể, rõ ràng về những vấn đề này.
Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 thì về nguyên tắc, di sản dùng vào việc thờ cúng chỉ được hình thành từ con đường di chúc, pháp luật cũng tôn trọng sự tự do ý chí của người lập di chúc, do vậy, nếu có trường hợp một người lập di chúc để lại phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho một người bạn mà không phải là người thuộc diện thừa kế theo pháp luật của người đó (mặc dù trường hợp này hiếm khi có trên thực tế) thì pháp luật đã không dự liệu được tình huống này để giải quyết nếu có tranh chấp xảy ra. Ví dụ: Ông A có vợ là B và hai con đã thành niên là anh C và chị D, anh C và chị D có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và có khả năng lao động đập lập, thậm chí công việc và thu nhập khá cao lại ổn định. Ông A lập di chúc để lại cho vợ phần tài sản đã vượt quá 2/3 một suất thừa kế theo luật. Phần tài sản còn lại A lập di chúc dùng vào việc thờ cúng A cho một người bạn là E quản lý và thờ cúng. Sau một thời gian E chết, chiếu theo quy định tại đoạn 3 khoản 1 Điều 670 Bộ luật dân sự hiện hành thì phần di sản thờ cúng “thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật”.
Vấn đề đặt ra trong trường hợp này là bà B, anh C và chị D không phải là người quản lý hợp pháp phần di sản thờ cúng đó mà lại là anh F (con ruột của E). Như vậy, phần di sản thờ cúng do A để lại sẽ thuộc về ai nếu thời hiệu khởi kiện về thừa kế đã hết, hoặc nếu vẫn trong thời gian còn thời hiệu khởi kiện tranh chấp về thừa kế (10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế) thì cũng không có khả năng khởi kiện vì các bên đã thực hiện theo đúng di chúc và khi phân chia theo di chúc thì không có ai tranh chấp, nghĩa là di sản thừa kế đã chia xong. Trường hợp này, nếu khởi kiện vụ án tranh chấp về quyền sở hữu thì không có căn cứ vì pháp luật không quy định về chủ sở hữu của di sản thờ cúng nên không xác định được ai là chủ sở hữu của di sản đó. Hơn nữa, bà B, anh C và chị D tuy là những người thừa kế theo pháp luật nhưng lại không phải là người “đang quản lý hợp pháp” phần di sản thờ cúng đó, còn anh F là người đang quản lý phần di sản ấy lại không phải là người thuộc diện thừa kế theo pháp luật. Như vậy, trong trường hợp này pháp luật đã không có những giải pháp cụ thể để giải quyết bởi không có những quy định về nguyên tắc dịch chuyển di sản thờ cúng cũng như quy định về quyền sở hữu di sản thờ cúng, một phần do các nhà làm luật cho rằng, những người thừa kế theo di chúc luôn là một trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.