1.1.3.1. Tài sản dùng vào việc thờ cúng là bất động sản
Theo Từ điển Luật học thì: “Bất động sản là những tài sản không di, dời
được” [5, tr.51], tại Điều 174 Bộ luật Dân sự 2005 liệt kê những tài sản sau là bất
động sản: Đất đai, nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, kể cả các tài sản gắn liền với nhà, công trình xây dựng đó, các tài sản khác gắn liền với đất đai và các tài sản khác do pháp luật quy định. Tuy nhiên không phải cứ là bất động sản như những tài sản đã được liệt kê trên đây đều là di sản dùng vào việc thờ cúng. Để bất động sản trở thành di sản dùng vào việc thờ cúng thì tài sản đó phải đáp ứng yêu cầu là tài sản hợp pháp, không có tranh chấp, thuộc quyền sở hữu của cá nhân
(trong trường hợp cá nhân lập di chúc để lại di sản dùng vào việc thờ cúng), hay tập thể (trong trường hợp hội đồng gia đình hay một gia tộc muốn dành một tài sản là bất động sản làm tài sản thờ cúng của gia đình hay dòng tộc). Như vậy, theo ý chí của người lập di chúc (theo đúng tinh thần tại Điều 670 Bộ luật dân sự năm 2005) muốn để lại một phần di sản, có thể là bất động sản, là tài sản, tiền, vật hay giấy tờ có giá khác làm di sản dùng vào việc thờ cúng thì những tài sản đó sẽ trở thành di sản dùng vào việc thờ cúng.
1.1.3.2. Tài sản dùng vào việc thờ cúng là động sản
Tại BLDS 2005 thì: “Động sản là những tài sản không phải là bất động sản” [19, Điều 174, khoản 2] và theo Từ điển Luật học: “Động sản là những tài sản có thể chuyển dịch hoặc di dời từ nơi này sang nơi khác trong không gian nhất định
mà vẫn giữ nguyên tính năng, công dụng” [5]. Như vậy, có thể thấy động sản là
những vật tự mình chuyển động được như súc vật và những vật không tự chuyển động được nhưng chuyển động bằng một lực ngoại lai như thóc, gạo, trái cây đã được hái, đồ mộc, thiết bị, máy móc, tín phiếu, tiền bạc, hối phiếu... Như vậy, nếu một người muốn để lại tài sản là một chiếc xe máy hay một chiếc ô tô, thậm chí là một chiếc máy in làm di sản dùng vào việc thờ cúng thì theo quy định của pháp luật ý chí đó vẫn hợp pháp và được pháp luật tôn trọng. Tuy nhiên, lúc này cũng cần phân biệt, việc người lập di chúc muốn để lại tài sản của mình là một chiếc ô tô hay một chiếc xe máy, một chiếc máy in là di sản dùng vào việc thờ cúng không có nghĩa rằng người có nghĩa vụ quản lý và sử dụng di sản dùng vào việc thờ cúng đó phải đem những tài sản trên lên bàn thờ tổ tiên để thờ cúng, mà lúc này ý chí của người lập di chúc muốn nhắn gửi những tài sản đó làm phương tiện để thực hiện cho việc thờ cúng, ví dụ như dùng phương tiện là xe máy, ô tô để đi sắm sang lễ vật thờ cúng, chuyên chở người, lễ vật thờ cúng đi tảo mộ … Có thể nói, đây cũng là một nét rất đặc trưng của di sản dùng vào việc thờ cúng, Di sản dùng vào việc thờ cúng không phải chỉ là những tài sản với tính chất là bất động sản thông thường, có giá trị lớn như ruộng, đất, nhà cửa nữa, mà di sản dùng vào việc thờ cúng còn là tất cả những tài sản có giá trị từ nhỏ như cây ăn quả, cây ngắn ngày đến những tài sản
có giá trị lớn là động sản mà không phải là bất động sản như xe máy, ô tô... Những tài sản này muốn trở thành di sản thờ cúng cũng phải đáp ứng những điều kiện giống như những tài sản là bất động sản nói trên.
1.1.3.3. Tài sản dùng vào việc thờ cúng là tiền, giấy tờ có giá
Theo quy định tại Điều 163 BLDS 2005 thì: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy
tờ có giá và các quyền tài sản”. Tại điểm 8, Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam năm 2010, giấy tờ có giá là “bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn
nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác”. Căn cứ vào các quy định hiện
hành thì giấy tờ có giá bao gồm: Hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhân nợ, séc, công cụ chuyển nhượng khác được quy định tại Điều 1 Luật các công cụ chuyển nhượng năm 2005; Trái phiếu chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu được quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 4 của Pháp lệnh ngoại hối năm 2005; tín phiếu, hối phiếu, trái phiếu, công trái và các công cụ khác làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ được quy định tại điểm 16, Điều 13 Luật quản lý nợ công 2009; các loại chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, chuyển mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán; hợp đồng góp vốn đầu tư; các loại chứng khoán khác do Bộ Tài chính quy định) được quy định tại khoản 1, Điều 6 Luật Chứng khoán; Trái phiếu Doanh nghiệp được quy định tại Điều 2 của Nghị định số 52/2006/NĐ-CP của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Như vậy, có thể thấy các loại giấy chứng nhận như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy đăng ký xe máy, mô tô, ô tô.... không phải là giấy tờ có giá. Việc liệt kê những loại giấy tờ có giá kể trên có tác dụng rất tốt trong việc giúp người dân phân biệt được các loại giấy tờ có giá là gì và các loại giấy tờ chứng quyền, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy đăng ký xe máy, mô tô, ô tô … đều là những loại giấy chứng quyền mà không phải là giấy tờ có giá.
Vậy để giấy tờ có giá trở thành di sản dùng vào việc thờ cúng thì trước hết nó phải là tài sản thuộc quyền sở hữu của một cá nhân nhất định, không có tranh chấp,
Comment [B1]: Cần bổ sung phân tích ở mục này về việc tiền và giấy tờ có giá thực hiện chức năng tài sản thờ cúng như thế này? (chi tueeu cho cúng giỗ, gửi ngân hàng để lấy lãi dùng vào cúng giỗ, …???). Khi gửi tài sản thờ cúng vào ngân hàng thì ai sẽ là chủ sở hữu?
không bị rằng buộc gì về mặt pháp lý, và nó được định đoạt trong di chúc thể hiện ý chí của cá nhân muốn nó trở thành di sản dùng vào việc thờ cúng.
Tiền, giấy tờ có giá thực hiện chức năng cúng giỗ khác nhau tuỳ theo cách thức của mỗi loại. Với tiền thuộc sở hữu hợp pháp của cá nhân, được cá nhân trước khi chết lập di chúc để lại dùng vào việc thờ cúng và giao cho một người cụ thể quản lý, người này có thể là người thuộc diện thừa kế hoặc không nằm trong diện thừa kế. Trong trường hợp số tiền để lại dùng vào việc thờ cúng có giá trị lớn thì người để lại số tiền ấy có thể chỉ định người quản lý gửi ngân hàng, hoặc thậm chí trường hợp người để lại số tiền dùng vào việc thờ cúng đó không chỉ định người quản lý gửi ngân hàng thì người quản lý có thể theo sự thoả thuận của những đồng thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật được phép đứng tên chủ sở hữu trong sổ tiết kiệm gửi ngân hàng. Số tiền gốc và số tiền lãi hàng tháng có thể chi dùng vào việc thờ cúng người đã khuất và tổ tiên của người đó. Tất nhiên việc đứng tên chủ sở hữu trong cuốn sổ tiết kiệm này cũng phải có điều kiện do những đồng thừa kế khác của người để lại di sản dùng vào việc thờ cúng thống nhất để tránh trường hợp người đứng tên lợi dụng có thể rút tiền chi dùng vào việc cá nhân. Trong trường hợp này, cách tốt nhất để tránh việc làm không đáng có xảy ra thì nên để tên tất cả hoặc đa số những người đồng thừa kế (ở hàng thứ nhất và những người thừa kế theo di chúc) của người để lại di sản dùng vào việc thờ cúng là chủ sở hữu (đồng chủ sở hữu) trong cuốn số tiết kiệm ấy.
Đối với giấy tờ có giá là di sản dùng vào việc thờ cúng, do cách thức sử dụng có phần đặc biệt hơn tiền nên việc quản lý và sử dụng phần tài sản này nếu người để lại di sản có chỉ định rõ ràng trong di chúc thì theo di chúc mà thực hiện, còn trường hợp người để lại di sản ấy không chỉ định rõ trong di chúc cách thức sử dụng như thế nào thì những đồng thừa kế (ở hàng thứ nhất hoặc được chỉ định trong di chúc) của người ấy thoả thuận về việc sử dụng nó như thế nào để dùng vào việc thờ cúng cho hợp lý nhất nhưng những thoả thuận ấy không được trái với các quy định của pháp luật.