Khái niệm di chúc

Một phần của tài liệu Di sản thờ cúng theo pháp luật việt nam luận văn ths luật (Trang 52)

Theo quy định của Bộ luật dân sự 2005 thì: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của

cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết” [19]. Dựa vào

quy định pháp luật trên, ta có thể thấy di chúc hay còn gọi là chúc thư là một phương tiện với mục đích nhằm chuyển dịch tài sản do người còn sống lập ra để lại tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho người còn sống khác sau khi người lập di chúc chết. Một người có thể lập rất nhiều bản di chúc khác nhau thể hiện ý chí của mình đối với tài sản do mình sở hữu dành cho ai, phân chia tài sản ấy như thế nào sau khi mình chết, và tất cả những bản di chúc này đều phù hợp với các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, không phải tất cả những bản di chúc đó đều có hiệu lực pháp luật cả mà bản di chúc có hiệu lực pháp luật là bản di chúc được lập sau cùng trong tất cả những bản di chúc mà người đó đã lập.

Trên thực tế có thể thấy rất nhiều gia đình, đặc biệt là những gia đình có con trai là trưởng họ, trưởng nhánh, trưởng chi lập di chúc nhưng có những di chúc không phải lập ra để chia phân chia tài sản cho con, cháu sau khi người lập di chúc chết mà có những di chúc được lập ra để răn dạy con cháu phải học tập tốt, làm điều hay, lẽ phải, đoàn kết, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, không được trái với đạo lý làm người, hay có những di chúc lập ra để chỉ rõ cho con cháu biết nguồn gốc tổ tiên của mình là ai, phần mộ hiện đang ở đâu... hay có ý nguyện sau khi mình chết con cháu phải có nghĩa vụ thờ phụng, chăm sóc phần mộ, hương hỏa cho mình... Những di chúc như thế này, xét về bản chất vấn đề mặc dù thể hiện ý chí của người lập di chúc nhưng không nhằm mục đích chuyển giao tài sản của người lập di chúc cho người còn sống sau khi người lập di chúc chết. Tuy nhiên, những di chúc như trên lại thể hiện một ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm giúp con cháu có được cái nhìn sâu xa hơn về bản thân người lập di chúc và về nguồn cội của gia đình, dòng họ.

Xét trong quan hệ dân sự nói chung và quan hệ thừa kế nói riêng thì khi xảy ra tranh chấp, những di chúc kể trên sẽ không thể được giải quyết tại các cơ quan Nhà nước mà những di chúc loại này chỉ được giải quyết trong nội bộ gia đình trên cơ sở đoàn kết, chia sẻ, cảm thông lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình để họ tự thỏa thuận, tự hòa giải mà thôi.

Như vậy, có thể khẳng định rằng di chúc theo quy định của Bộ luật dân sự 2005 là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển giao tài sản của người lập di chúc cho người khác sau khi người lập di chúc chết. Có thể thấy, di chúc chính là sự thể hiện ý chí của một cá nhân cụ thể, và chỉ do một cá nhân cụ thể lập ra chứ không phải do một tổ chức hay một nhóm người nhất định (trừ di chúc chung của vợ chồng). Ý chí của cá nhân lập di chúc là ý chí độc lập, đơn phương, không bị ép buộc hay lệ thuộc vào bất kỳ ai, bất kỳ cơ quan, tổ chức nào cả. Chính vì lý do này mà di chúc được coi là giao dịch dân sự một bên, nghĩa là chỉ một bên có quyền quyết định tài sản của mình sẽ thuộc về ai, thuộc về như thế nào, bao nhiêu trong tổng giá trị tài sản, do ai thực hiện việc phân chia … sau khi người lập di chúc chết mà không phải là sự bàn bạc, thỏa thuận để đi đến thống nhất như các loại giao dịch dân sự khác. Cũng vì đặc điểm riêng biệt này của di chúc mà ý chí của người lập di chúc không phải lúc nào cũng bất biến, bởi một cá nhân cụ thể có thể được quyền lập rất nhiều bản di chúc khác nhau, việc thể hiện ý chí của mình trong mỗi bản di chúc đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của mình là khác nhau, điều này phụ thuộc vào tâm tư, tình cảm của người lập di chúc. Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp một người lập di chúc để phân chia tài sản của mình cho các con đã họp mặt gia đình công bố di chúc mà mình đã lập, sau đó những người con này do vì một lý do nào đó muốn được nhận phần tài sản của mình theo di chúc mà người cha, người mẹ đã lập mà không muốn đợi đến khi cha, mẹ chết để di chúc có hiệu lực thi hành nên đã thỏa thuận với các anh chị em trong gia đình và với người lập di chúc muốn được hưởng phần tài sản đó trước. Lúc này, người lập di chúc cũng đồng ý và họ làm thủ tục chuyển nhượng tài sản thông qua hợp đồng tặng cho. Trong trường hợp này, có thể nói mặc dù việc chuyển nhượng tài sản trên là do ý chí của người lập di

chúc được thể hiện trên di chúc nhưng không phải là quan hệ pháp luật thừa kế mà nó là quan hệ tặng cho tài sản, bởi vì lúc này di chúc chưa phát sinh hiệu lực thi hành. Việc phân biệt giữa quan hệ pháp luật thừa kế và quan hệ tặng cho tài sản là thực sự cần thiết bởi trong trường hợp kể trên, nếu coi nó là quan hệ pháp luật thừa kế thì những chủ nợ của người để lại di sản thừa kế có quyền đòi người hưởng di sản thừa kế phải thanh toán nghĩa vụ về tài sản do người lập di chúc để lại. Điều này là hoàn toàn mâu thuẫn với nguyên tắc của pháp luật thừa kế bởi di chúc chỉ phát sinh hiệu lực pháp luật kể từ thời điểm người lập di chúc chết hoặc được tuyên bố là đã chết theo một bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật tuyên bố người đó chết. Mặc dù vậy, có thể thấy pháp luật cũng không quy định trường hợp kể trên nếu như có một người đang phải chịu nghĩa vụ tài sản với người khác mặc dù có tài sản để thực hiện nghĩa vụ đó nhưng họ lại lợi dụng các quy định của pháp luật về tặng cho tài sản để tẩu tán tài sản của họ dẫn đến hậu quả khi người đó chết đã không còn di sản để lại nữa nên các chủ nợ không có quyền yêu cầu ai trong số những người thừa kế của người đã chết đó thực hiện nghĩa vụ tài sản với mình. Lúc này lợi ích của các chủ nợ bị vi phạm, dẫn đến những thiệt thòi không đáng có với họ.

Một phần của tài liệu Di sản thờ cúng theo pháp luật việt nam luận văn ths luật (Trang 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)