Theo quy định tại Bộ luật dân sự 2005 thì: “1. Trong trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng, thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản
lý để thực hiện việc thờ cúng;…” [19, Điều 670].Như vậy, việc pháp luật quy định
người lập di chúc có quyền dành phần di sản dùng vào việc thờ cúng là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, có rất nhiều ý kiến xoay quanh cụm từ “một phần di sản”. Vậy tại sao pháp luật lại sử dụng cụm từ “một phần di sản” để quy định về vấn đề này như vậy? Ta có thể thấy, theo suốt chiều dài lịch sử phát triển của dân tộc, việc thờ cúng nói chung và thờ cúng tổ tiên nói riêng đã thấm sâu vào từng nếp nhà, nó trở thành một phần không thể thiếu trong mỗi gia đình người Việt. Trong thời kỳ phong kiến với hai bộ luật nổi tiếng nhất đó là Bộ luật Hồng Đức và Bộ luật Gia Long đã ghi nhận tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và đặc biệt đề cao chữ hiếu. Chính vì vậy khi cha mẹ chết đi, con cái có nghĩa vụ thờ cúng là điều bắt buộc. Và đặc biệt hơn nữa, việc dành một phần tài sản trong khối di sản để dùng vào việc thờ cúng là một truyền thống đã được pháp luật ghi nhận như một lẽ tất yếu trong cuộc sống. Tại Điều 390 và Điều 391 Bộ luật Hồng Đức quy định một người trước khi chết được phép để lại tối đa 1/20 trong tổng giá trị tài sản của mình làm phần hương hỏa. Cũng như vậy, tại Lệnh thứ 4 đời Triệu Trị phần hương hỏa là ba phần mười tổng giá trị di sản và cao nhất không được vượt quá 3000 quan tiền hoặc 30 mẫu ruộng. Sang thời kỳ Pháp thuộc thì phần di sản thờ cúng được quy định tối đa là 1/5 tổng giá trị di sản. Các nhà lập pháp từ thời phong kiến đến thời Pháp thuộc đều quy định di sản thờ cúng mà người chết lập ra chỉ là “một phần”
nhất định và nếu vượt quá phần đó thì phần vượt quá coi như vô hiệu chứ không quy định người lập di chúc có quyền để lại toàn bộ di sản của mình chỉ để dùng vào việc thờ cúng. Đây cũng là một điều dễ hiểu bởi trong thời kỳ đó, tư liệu sản xuất
chủ yếu là ruộng đất và đó cũng là tài sản chính của người dân, vì thế pháp luật thời kỳ này phải khống chế một mức nhất định dành cho việc thờ cúng để không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân (ruộng đất còn phải dành để trồng trọt). Như vậy, có thể thấy Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định người để lại di sản có quyền dành một phần di sản để dùng vào việc thờ cúng là hoàn toàn phù hợp với phong tục tập quán của người Việt. Cụm từ “một phần di sản” phần lớn xuất phát từ ý thức kế thừa pháp luật của nhà làm luật thời kỳ trước đó.
Tuy nhiên, việc hiểu như thế nào là một phần di sản dùng vào việc thờ cúng lại không phải là điều đơn giản trên thực tế. Bởi vậy, việc xác định “một phần di
sản” dùng vào việc thờ cúng có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác giải quyết
những tranh chấp liên quan đến thừa kế nói chung và thừa kế theo di chúc nói riêng. Hiện nay, có rất nhiều quan điểm khác nhau liên quan đến việc hiểu như thế nào là một phần di sản dùng vào việc thờ cúng theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành, theo đó:
Có ý kiến cho rằng: Một phần di sản dùng vào việc thờ cúng có nghĩa là một phần tài sản trong một loại tài sản cụ thể, độc lập với tài sản khác. Cho nên, hiện nay có một số phòng công chứng chưa đồng ý việc công chứng di chúc có nội dung để lại toàn bộ nhà, đất dành vào việc thờ cúng, bởi họ cho rằng đối với tài sản là một ngôi nhà cụ thể thì người lập di chúc chỉ được dành một phần của ngôi nhà đó làm di sản thờ cúng chứ không phải là dành toàn bộ ngôi nhà vào việc thờ cúng. Quan điểm này hiện nay gây ra rất nhiều khó khăn cho những người muốn lập di chúc để lại ngôi nhà mình đang ở dùng vào việc thờ cúng, kể cả trường hợp tại thời điểm lập di chúc, người lập di chúc không hề có nghĩa vụ với bất kỳ chủ thể nào khác, thậm chí người lập di chúc còn có rất nhiều ngôi nhà ở nhiều mảnh đất khác nhau nhưng khi muốn lập di chúc để lại một trong số những ngôi nhà đó dùng vào việc thờ cúng mình sau này cũng không được phòng công chứng công chứng bản di chúc đó cho.
Ngược lại với quan điểm trên, một số cơ quan cho rằng cần phải hiểu một phần di sản theo nghĩa rộng, nghĩa là một phần tài sản trong toàn bộ khối di sản mà
người lập di chúc để lại, chứ không thể hiểu là một phần của từng tài sản đơn lẻ. Nếu như người lập di chúc muốn để lại toàn bộ ngôi nhà mà mình đang ở dành vào việc thờ cúng (ngôi nhà này là một trong số những tài sản của người lập di chúc, ngoài ngôi nhà còn có nhiều tài sản khác như quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và quyền sở hữu một căn hộ chung cư, tài khoản ở ngân hàng có số dư một tỷ đồng, vàng bạc, đá quý, tiền mặt....) thì phải chứng thực di chúc với nội dung nói trên theo yêu cầu của người lập di chúc.
Nếu xét ở góc độ lịch sử pháp luật thì cách hiểu thứ nhất cũng có những điểm tương đồng, đó là. Tại Điều 388 và Điều 390 Bộ Quốc triều Hình luật có quy định chỉ để lại một phần hai mươi (1/20) trong khối di sản của người chết cho việc thờ cúng (hương hỏa), cho đến thời nhà Nguyễn, đời vua Triệu Trị, tỷ lệ này là ba phần mười (3/10) khối di sản. Tiếp theo, đến Pháp lệnh Thừa kế 1990, Điều 21 quy định về Di sản dùng vào việc thờ cúng có đoạn: “Nếu người lập di chúc có để lại di
sản dùng vào việc thờ cúng thì di sản đó được coi như di sản chưa chia” [15] mà
không có cụm từ “một phần”. Hiện nay, ngoài việc phải đảm bảo các nghĩa vụ thanh toán của mình thì người lập di chúc có toàn quyền quyết định tỷ lệ phần di sản trong toàn khối di sản để lại, như vậy, cách hiểu thứ hai có phần hợp lý hơn cách hiểu thứ nhất, bởi nó cho thấy sự phù hợp với tinh thần của luật pháp và đồng bộ với các cơ quan thực thi pháp luật khác bởi di sản thừa kế bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản khác. Ngoài ra, hiện nay, đa số các Ủy ban nhân dân xã, phường đều chứng thực việc người lập di sản dùng vào việc thờ cúng là toàn bộ nhà đất đang ở và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang ở, trong đó có ghi rõ về hạn chế quyền sử dụng đất. Như vậy, có thể hiểu một phần di sản dùng vào việc thờ cúng là một phần tài sản trong toàn bộ khối di sản mà người lập di chúc để lại chứ không được hiểu một phần theo nghĩa một phần của một loại tài sản đơn lẻ, độc lập.
Tuy nhiên, có rất nhiều tranh luận xoay quanh vấn đề “một phần” di sản dùng vào việc thờ cúng là bao nhiêu trong tổng giá trị di sản mà người lập di chúc để lại là phù hợp.
Hiện nay, có ý kiến cho rằng nên quy định một định mức nhất định cho vấn đề này. Những người theo ý kiến này cho rằng, nên quy định việc dành tỷ lệ 1/5 hay 3/10 trong tổng giá trị di sản dùng vào việc thờ cúng giống như pháp luật thời Hồng Đức và thời Triệu Trị. Tuy nhiên ý kiến này có rất nhiều mâu thuẫn dẫn đến khó khăn trong quá trình giải quyết tranh chấp về di sản thờ cúng. Bởi lẽ, nếu xét trên góc độ lịch sử, việc quy định tỷ lệ 1/5 ruộng đất để lập hương hỏa là phù hợp với thời kỳ nhà Lê lúc bất giờ. Như chúng ta đã biết, những tài sản của người dân dưới chế độ phong kiến bao gồm ruộng đất, công cụ lao động như trâu, bò, cuốc, thuổng..., tiền, đồ trang sức như vàng bạc, đá quý... Nhưng không phải gia đình nào cũng có nhiều tiền hay vàng, bạc, trang sức, đá quý được, mà tài sản chủ yếu là đó là ruộng đất và cũng không có nhiều gia đình sở hữu trong tay hàng mấy trăm hecta đất để trồng cấy được, cho nên việc quy định tỷ lệ 1/5 ruộng đất làm hương hỏa là phù hợp với giai đoạn lịch sử thời đó để nhằm đáp ứng được nhu cầu tối thiểu dùng cho việc thờ cúng tổ tiên và giữ gìn đạo lý, gia phong Nho giáo. Xét đến điều kiện kinh tế xã hội hiện nay chúng ta có rất nhiều gia đình có điều kiện, có nhiều cá nhân sở hữu những tài sản khổng lồ nên nếu quy định mức 1/5 tổng giá trị di sản thì khối tài sản này cũng rất lớn. Hơn nữa, nếu quy định một tỷ lệ nhất định đã vô hình chung hạn chế quyền định đoạt di sản dùng vào việc thờ cúng của người lập di chúc. Bởi lẽ, hiên nay có rất nhiều gia đình vẫn còn giữ được những bộ lư đồng cổ, bức hoành phi cổ, bình lư hương cổ, thậm chí còn có những sắc phong cấp bậc cho những người có tài, có công với đất nước mà về mặt khảo cổ chúng trở thành những đồ cổ và chúng có giá trị rất lớn trên thị trường. Như vậy, nếu một người lập di chúc để lại những tài sản trên (mặc dù không phải là tài sản do chính bản thân người lập di chúc tạo nên) là di sản dùng vào việc thờ cúng, nếu có tranh chấp xảy ra thì lúc này tòa án phải tiến hành định giá những đồ cổ nói trên và giả sử chỉ cần có nguyên một bộ lư đồng cổ và bức hoành phi thôi đã đủ đáp ứng yêu cầu của tỷ lệ 1/5 tổng giá trị di sản rồi thì những đồ khác sẽ không thể là di sản dùng vào việc thờ cúng theo ý chí và nguyện vọng của người lập di chúc được nữa. Điều này không phù hợp với phong tục, tập quán của người Việt và cũng không phù hợp với ý chí của
người lập di chúc. Để giải quyết vấn đề này, những người theo quan điểm trên cho rằng nên quy định một điều luật dành quyền cho thẩm phán có quyền quyết định lại mức tài sản dùng vào việc thờ cúng trong từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, nếu làm như vậy, vô hình chung chúng ta phải cải cách cả một hệ thống pháp luật, từ luật nội dung đến luật hình thức, hơn nữa sẽ kéo theo rất nhiều những tiêu cực trong nội bộ ngành tư pháp khi mà những chế độ đãi ngộ cho cán bộ ngành tư pháp còn chưa đáp ứng được nhu cầu sống của họ. Và điều đặc biệt, việc làm này đã tước đi quyền tự định đoạt của người lập di chúc dành di sản vào việc thờ cúng.
Để giải quyết cho những vấn đề trên, có ý kiến cho rằng cần căn cứ ở những quy định của pháp luật về quyền tự định đoạt của chủ sở hữu tài sản – người có quyền lập di chúc. Bởi với tư cách là chủ sở hữu tài sản thì người này có quyền lập di chúc để lại tài sản của mình cho những người thừa kế và để lại di sản dùng vào việc thờ cúng theo luật định. Như vậy, người lập di chúc có quyền để lại một phần hoặc toàn bộ di sản của mình dùng vào việc thờ cúng. Quyền tự định đoạt này của người lập di chúc chỉ bị ảnh hưởng trong hai trường hợp theo quy định của pháp luật, đó là:
Thứ nhất: Sự định đoạt đó vi phạm nội dung quy định tại Điều 699 Bộ luật
dân sự hiện hành. Nghĩa là, nếu người lập di chúc để lại toàn bộ di sản của mình dùng vào việc thờ cúng mà xâm phạm đến quyền được hưởng 2/3 một suất thừa kế được chia theo pháp luật của cha, mẹ, vợ, chồng, các con dưới 18 tuổi, các con tuy đã thành niên mà không có khả năng lao động thì trước hết phải tính phần thừa kế cho những người này, sau đó phần còn lại là di sản dùng vào việc thờ cúng.
Thứ hai: Tại khoản 2 Điều 670, trường hợp toàn bộ di sản của người chết để
lại không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.
Như vậy, phần di sản dùng vào việc thờ cúng được hiểu là phạm vi giá trị di sản đó chỉ được dùng với mục đích duy nhất là dùng vào việc thờ cúng. Quyền định đoạt của người lập di chúc để lại di sản dùng vào việc thờ cúng chỉ bị hạn chế trong hai trường hợp như pháp luật đã quy định trên đây. Với những lập luận này, người
viết bảo vệ ý kiến thứ hai với nhận định: Người lập di chúc có quyền để lại một phần hay toàn bộ tài sản của mình để dùng vào việc thờ cúng, trừ trường hợp quy định tại Điều 669 và khoản 2 Điều 670 Bộ luật dân sự hiện hành.
Có ý kiến phủ nhận những lập luận trên vì họ cho rằng, chỉ nên quy định di sản dùng vào việc thờ cúng là một phần nhỏ trong tổng giá trị tài sản của người lập di chúc vì di sản của người chết để lại phải được dùng vào sản xuất, kinh doanh, phát sinh lợi nhuận để tránh lãng phí, tránh việc hạn chế “tài sản chết” - tài sản không tham gia vào giao lưu dân sự. Quả thực, trên thực tế cũng có rất nhiều người có điều kiện muốn báo hiếu ông bà, cha mẹ, tổ tiên của mình hoặc để xây dựng lăng mộ yên nghỉ về sau cho mình bằng việc mua những mảnh đất đồi rộng hàng nghìn mét vuông để xây những lăng mộ bề thế, nguy nga tráng lệ và tiền bỏ ra để xây chúng có khi lên đến mấy chục tỷ đồng Việt Nam, điển hình gần đây có vụ xây lăng mộ lên đến 15 tỷ đồng ở Yên Bái [37], hay ngôi làng An Bằng – Thừa Thiên Huế cả làng đua nhau xây mộ tiền tỷ [38]. Xét trên khía cạnh luật pháp thì việc làm trên hoàn toàn không trái pháp luật, nó chỉ thể hiện sự báo hiếu của thế hệ sau đối với thế hệ trước hơn nữa, nó thể hiện một khía cạnh của phong tục tập quán vốn đã hình thành lâu đời của người Việt.
Đúng là trên thực tế có sự việc như trên, tuy nhiên, nó chỉ chiếm một số lượng rất ít và chỉ rơi vào những gia đình giàu có, có điều kiện để thực hiện việc báo hiếu tổ tiên, bởi vậy, không nên lấy một vài hiện tưởng nhỏ trong xã hội mà quy kết cho cả một hệ thống lập pháp, bởi đó chỉ là một sự suy đoán không có sự thống kê chính xác nào của những nhà chuyên môn. Hơn nữa, việc để lại di sản dùng vào việc thờ cúng vẫn có thể được dùng vào việc khai thác thương mại. Pháp luật không có bất kỳ quy định nào cấm việc dùng tài sản thờ cúng vào sản xuất kinh doanh, chỉ cần đáp ứng điều kiện, di sản đó dùng vào việc sản xuất kinh doanh nhằm mục đích phục vụ cho việc thờ cúng.