1.1.2.1. Khái niệm thờ cúng
Có thể thấy trên thế giới tồn tại rất nhiều các hình thức thờ cúng khác nhau, nhưng riêng phong tục thờ cúng tổ tiên chỉ tồn tại chủ yếu ở các nước phương Đông. Và ở Việt Nam tồn tại rất nhiều các hình thức thờ cúng, nhưng đặc trưng nhất vẫn là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên với ý nghĩa biết ơn người đã có công sinh thành, nuôi dưỡng. Hay có thể nói thờ cúng tổ tiên là hoạt động thờ cúng dựa trên nền tảng của quan hệ hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng, bởi vậy ở bất cứ gia đình người Việt nào cũng đều có một bàn thờ tổ tiên đặt ở gian giữa, nơi trang trọng nhất của gia đình, kể cả những gia đình theo đạo Thiên Chúa hay Tin lành, thì ngoài việc thờ Chúa, dưới bàn thờ Chúa vẫn có bát hương để thờ cúng tổ tiên. Hơn nữa, theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành thì di sản thờ cúng luôn gắn với di chúc vì vậy, người viết sẽ tập trung phân tích về di sản thờ cúng với ý nghĩa là thờ cúng tổ tiên trong gia đình chứ không phải là các hình thức khác để phục vụ cho đề tài đã chọn.
Trần Đăng Sinh cho rằng: “Thờ cúng là hoạt động có ý thức của con người, là tổng thể phức hợp những yếu tố: ý thức về tổ tiên, biểu tượng về tổ tiên và lễ nghi
thờ cúng trong không gian thờ cúng” [20, tr.28].
Thờ là hoạt động có ý thức của con người, là hoạt động thể hiện lòng tôn kính, biết ơn, tưởng nhớ đến tổ tiên đồng thời cũng là sự thể hiện niềm tin vào sự che trở, phù giúp của tổ tiên. Cơ sở của sự hình thành ý thức trên là niềm tin vào linh hồn bất tử của tổ tiên, con người tin rằng, dù mình đi đâu, ở đâu hay làm gì đều có con mắt dõi theo của tổ tiên nên tổ tiên có thể che chở, trợ giúp hay trách phạt
khi mình làm điều xấu. Vì thế trong mỗi gia đình người Việt đều có bàn thờ tổ tiên, biểu tượng về tổ tiên được thờ là những người có công, có đức, có tài, là tấm gương sáng cho con cháu noi theo, trên bàn thờ ấy bày đặt trang trọng, ngay ngắn hình ảnh, tượng, bài vị của tổ tiên.
Cúng là yếu tố mang tính nghi lễ, là sự thực hành một loạt các động tác khấn, vái, quỳ, lạy... của người gia trưởng, tộc trưởng, những hành động này được quy định bởi quan niệm, phong tục tập quán của mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc [36].
Thờ và cúng là hai yếu tố có tác động qua lại lẫn nhau để tạo nên một chỉnh thể đó là sự thờ phụng tổ tiên. Sự “thờ” là nội dung, còn hoạt động “cúng” là hình thức biểu đạt nội dung ấy. Nếu không có nội dung, tức không có ý thức tôn thờ, thành kính, biết ơn, tưởng nhớ, hy vọng sự giúp đỡ của tổ tiên là nội dung cốt lõi, là cái chủ yếu khiến cho sự thờ phụng tổ tiên thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Nếu không có thờ mà chỉ có cúng thì sự thờ phụng tổ tiên không có hồn thiêng, không có sức hấp dẫn nội tại, dễ thành nhạt nhẽo, ngược lại nếu có thờ mà không có cúng sẽ khiến cho việc thờ trở nên vô vị, không có tính chất linh thiêng, không tạo được sức hấp dẫn. Bởi vậy, thờ và cúng là hai yếu tố không thể tách rời nhau để tạo thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.
Theo từ điển Tiếng Việt thì khái niệm “Thờ cúng”, “Thờ phụng”, “Thờ tự”
hay “Thờ” cùng có chung nghĩa là “Tỏ lòng tôn kính thần thánh, vật thiêng hoặc
linh hồn người chết bằng hình thức nghi lễ cúng bái theo phong tục hoặc tín
ngưỡng” [31, tr.921].
Còn theo nhà nghiên cứu Mai Thanh Hải cho rằng: “Thờ cúng tổ tiên: Ở Việt Nam, tuy không phải là một tôn giáo, tục lệ thờ cúng tổ tiên được nhiều thế hệ truyền từ đời này sang đời khác với một tấm lòng thành kính, biết ơn đối với cha
mẹ, ông bà, cụ kỵ đã khuất, kể cả đối với người đã theo Công giáo” [9, tr.603]. Nhà
nghiên cứu Mai Thanh Hải cũng giải thích thêm rằng: Tục lệ thờ cúng tổ tiên dựa trên niềm tin là vong hồn tổ tiên đã ngự trên ban thờ để gần gũi và giúp đỡ con cháu. Hình thức phổ biến để con cháu đang sống được tiếp xúc với tổ tiên đã khuất là ngày giỗ kỵ, các buổi lễ cáo gia tiên (trước khi có một việc quan trọng trong gia đình như cưới xin, dọn đi nơi khác ở...) hoặc mùa màng có hoa quả mới, gạo mới.
Khi cúng, gia chủ đứng ra khấn vái, thưa trình mọi chuyên với tổ tiên và xin tổ tiên phù hộ, giúp đỡ người còn sống. Lễ vật dâng cúng được bày trí tùy theo gia cảnh của mỗi gia đình, nhà giàu có thì cúng mâm cao, cỗ đầy, vào những ngày “sóc”, “vọng” cúng mâm ngũ quả, chè, nến, rượu, xôi, giò, bánh chưng... còn nhà nào nghèo quá có khi chỉ có chén nước, cơi trầu, đĩa xôi, nải chuối mà thôi. Cho dù, lễ vật được bày cúng như thế nào đi chăng nữa thì lòng thành kính đối với tổ tiên, nguồn cội của mình mới là điều quan trọng nhất.
Như vậy, xuất phát từ nguồn gốc, truyền thống và các hình thức thờ cúng như đã phân tích ở mục 1.1.1 nêu trên, thờ cúng tổ tiên với ý nghĩa cốt lõi nhất là nhằm tỏ lòng thành kính đối với người đã có công sinh thành ra mình và cầu xin sự trợ giúp của tổ tiên, người viết mạnh dạn đưa ra khái niệm thờ cúng tổ tiên như sau:
Thờ cúng tổ tiên là hoạt động có ý thức của con người nhằm tỏ lòng tôn kính, biết ơn đối với tổ tiên và cầu mong sự che chở, phù hộ của của tổ tiên đối với cuộc sống hàng ngày thông qua những nghi lễ cúng bái truyền thống.
1.1.2.2. Khái niệm tài sản thờ cúng
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một truyền thống tâm linh được gìn giữ lâu đời qua nhiều thế hệ. Xã hội càng phát triển thì con người càng coi trọng việc thờ cúng nói chung và thờ cúng tổ tiên nói riêng. Vì thế việc thờ cúng ngày nay chịu ảnh hưởng ít nhiều bởi nếp nghĩ “Phú quý sinh lễ nghĩa”. Một điều dễ nhận thấy nhất là việc thờ cúng luôn luôn đi kèm theo đó là những vật phẩm để dâng cúng, những vật phẩm đó có khi được con người tự chế biến từ những nông sản mà mình nuôi trồng được như đĩa xôi, con gà hoặc do mình đi mua như nến, đèn, vàng mã.... và nhất là phải có ban thờ, bát hương. Muốn làm được điều đó con người cần phải có tiền hay nó cách khác là phải có tài sản để thờ cúng. Vậy tài sản thờ cúng là gì? Có thể nói tài sản thờ cúng là tất cả tài sản được dùng vào việc thờ cúng bao gồm cả những tài sản mà người để lại di chúc chỉ định dùng vào việc thờ cúng và cả những tài sản không thuộc quyền sở hữu của người để lại di chúc bao gồm tài sản có từ trước được lưu truyền từ đời này sang đời khác như câu đối, tranh thờ cổ, cửa võng, cuốn thư... và tài sản do người đang sống chủ động dùng vào việc thờ cúng tổ tiên.
Ví dụ, ông Trần Văn A trước khi mất lập di chúc để lại ngôi nhà 3 gian mình đang ở cho người con trai trưởng là Trần Văn B để làm nơi thờ cúng. Sau khi ông A mất, người con trai trưởng đã sử dụng ngôi nhà trên làm nơi thờ cúng cha và bỏ tiền riêng ra mua bức hoành phi, câu đối để đưa vào phục vụ cho việc thờ cúng. Ngoài ra, trên bàn thờ nhà anh B trước đó đã có bộ đồ thờ bằng đồng gồm một lư hương, hai con hạc, hai cây đèn và những thứ này không thuộc quyền sở hữu của ông A hay anh B mà do tổ tiên lâu đời để lại. Như vậy, có thể nói trong trường hợp này ngôi nhà 3 gian là di sản thờ cúng, còn bức hoành phi, câu đối và bộ đồ thờ bằng đồng không phải là di sản thờ cúng mà tài sản thờ cúng. Trên thực tế, có thể thấy ở hầu hết các địa phương có những Nhà thờ họ hay nhà Từ đường, những tài sản này không xác định được nguồn gốc cũng như không thuộc quyền sở hữu của riêng cá nhân nào cả mà nó được truyền từ đời này qua đời khác, hoặc được những người trong họ đóng góp xây dựng lên để làm nơi thờ cúng tổ tiên của dòng họ thì đây là tài sản thờ cúng chứ không phải là di sản thờ cúng. Như vậy, có thể nói tài sản thờ cúng bao gồm cả di sản thờ cúng bởi vì di sản thờ cúng không đồng nhất với tài sản thờ cúng, hơn nữa di sản thờ cúng bao giờ cũng chỉ được hình thành duy nhất từ con đường “di chúc”. Từ những phân tích trên có thể đưa khái niệm tài sản thờ cúng như sau: Tài sản thờ cúng là tất cả những tài sản được dùng vào việc thờ cúng bao gồm cả di sản thờ cúng.