Cách tổ chức “truyện trong truyện”

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn của Nguyễn Xuân Khánh (Trang 99)

8. Cấu trúc luận văn

3.2.2.Cách tổ chức “truyện trong truyện”

Từ thuở thiếu thời, Nguyễn Xuân Khánh đã say sưa đọc để rồi say sưa học hỏi, sáng tạo nghệ thuật và trở thành người kể chuyện có duyên với rất nhiều câu chuyện cho nhiều đối tượng độc giả. Tương ứng với những đối tượng độc giả, tương ứng với sự lựa chọn thể loại, và nhất là tương ứng với việc xây dựng hình tượng nhân vật, bao giờ Nguyễn Xuân Khánh cũng tìm đến phương thức kết cấu cốt truyện cho phù hợp. Ban đầu, với việc miêu tả những những nhân vật đơn diện, khuôn thước về tính cách, không có chiều sâu nội tâm, nhà văn chỉ lựa chọn kết cấu truyện đơn tuyến. Tuy nhiên, một số truyện đã cho ta thấy, tác giả muốn phá khung truyện ngắn, truyện vừa để vươn tới thể loại dài hơi hơn. Trong lối kết cấu cốt truyện, nhà văn đã tìm tòi những cách kể hấp dẫn cuốn hút hơn lối kể đơn điệu, một chiều thông thường bằng cách đan lồng truyện ở trong truyện.

Tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn của ông là một câu chuyện lớn được tập hợp từ nhiều câu chuyện nhỏ. Nhưng tác phẩm không đơn giản chỉ là sự lắp ghép, chắp nối rời rạc, lộn xộn từ rất nhiều câu chuyện mà còn là cách đan lồng truyện ở trong truyện. Cùng với việc tổ chức kiểu cốt truyện phân mảnh, Nguyễn Xuân Khánh đã khéo kết hợp với việc tổ chức kiểu cốt truyện lồng. Đây là kiểu tổ chức cốt truyện không mới nhưng nó vẫn đạt được hiệu quả cao nếu biết tổ chức cốt truyện một cách khéo léo.

Phát huy thế mạnh của thể loại tự sự cỡ lớn, Mẫu Thượng Ngàn đã được thừa nhận là nơi chứa đựng tất cả. Mẫu Thượng Ngàn là cuốn tiểu thuyết

97

về văn hoá phong tục Việt Nam, Mẫu Thượng Ngàn cũng là cuốn tiểu thuyết lịch sử xã hội về Hà Nội cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Trong cuốn tiểu thuyết xuất sắc này, câu chuyện lịch sử của dân tộc luôn bao hàm trong nó câu chuyện của những nhân vật. Quá trình xâm lược và công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp có thể được hình dung qua chuyện đời, chuyện tình của anh em nhà Messmer. Những thăng trầm trong quá trình làm giàu ở thuộc địa, các cấp độ của sự chiếm đoạt tình yêu, và kết thúc nhiều nghiệt ngã (cái chết của Philippe, chứng hoang tưởng của Julien, đứa bé ra đời từ đêm hội…) cho thấy tương lai phá sản của chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam. Cuộc đấu tranh giành lại bản sắc dân tộc được hình dung qua chuyện đời, chuyện tình của những người dân Cổ Đình, đặc biệt là chuyện đời, chuyện tình của những người phụ nữ ở làng quê bán sơn địa Bắc bộ này hồi cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Các nhân vật dù có từng đời sống riêng đều được quy tụ vào một mối quan tâm chung, đó chính là tín ngưỡng dân gian của làng. Việc thờ thần cây, thần chó đá, việc thờ Mẫu, lòng ngưỡng vọng đối với các nhân vật huyền thoại của làng là những mẫu số chung của tất cả các thành viên trong làng Cổ Đình mà mọi biến động bể dâu của thời cuộc không làm dời đổi. Viết Mẫu Thượng Ngàn, Nguyễn Xuân Khánh như “mê mẩn”, “ngẩn ngơ” giữa cái làng Việt thuần những bà Ngát - Tổ Cô, bà Mùi huyền ảo, bà ba Váy chung tình, cô Nhụ mong manh sương khói… mà mỗi nhân vật là một kỳ truyện, kỳ tích, xoay vần những đau đớn, sướng khổ xung quanh cái triết lý: “Đã là người ta, con ơi, ai chẳng là con của Mẫu” [38, tr.807]. Đạo Mẫu trong tiểu thuyết (thể hiện qua nhân vật nữ: Bà Tổ Cô bí ẩn, bà Ba Váy đa tình, cô đồng Mùi, mõ Hoa khốn khổ, trinh nữ Nhụ…) vừa là tín ngưỡng vừa thể hiện tính phồn thực và sự trường tồn của dân tộc Việt.

Trong tác phẩm, mỗi nhân vật là một cuộc đời được dựng lên hoàn chỉnh. Theo dõi chặng đường đời của nhân vật này, ta lại thấy bóng dáng của nhân vật khác song hành, tác động vào sự biến đổi số phận nhân vật được theo

98

dõi. Ở một bình diện nào đấy, có thể gọi Mẫu Thượng Ngàn là một cuốn tiểu thuyết chắp nối câu chuyện đời của những người đàn bà. Trong câu chuyện của người này có chuyện đời của người kia. Trong chuyện về Nhụ có câu chuyện của người mẹ (cô Thắm), có sự ra đời của bé Nhị. Trong câu chuyện đời của cô Mùi, có cả mảnh đời của những người phụ nữ đau khổ tìm đến cô để chữa bệnh. Trong chuyện đời của bà Ba Váy hiện lên cả thân phận của những người phụ nữ lấy chồng chung: bà Cả, bà Hai. Trong phần đời của Hoa có phần đời của mẹ cô, chuyện tình của mõ Pháo - ông Hộ Hiếu… Rồi tất cả những nhân vật ấy hợp lưu lại với nhau để tạo nên câu chuyện dài về những người phụ nữ trong một làng quê Bắc Bộ thời đầu thế kỷ XX.

Một trong những nét độc đáo, hấp dẫn nhất trong Mẫu Thượng Ngàn là

trong câu chuyện đời của mỗi người đàn đà đều có bóng dáng những người đàn ông của họ. Đó là Điều trong câu chuyện đời của Nhụ. Đó là Tẻo (người chồng thứ nhất), Tân (người chồng thứ hai) và Philippe (người chồng thứ ba) trong câu chuyện đời của Mùi. Có lẽ công phu hơn, tỉ mỉ hơn là việc dàn dựng, đan cài câu chuyện đời của hai người đàn ông trong câu chuyện đời của bà Ba Váy.

Người thứ nhất là Trịnh Huyền (Hai Phác), tình yêu đầu đời, tình yêu duy nhất bà Ba Váy nuôi giấu trong tim từ thời thiếu nữ cho đến tận cuối đời. Đó là một người đàn ông tài hoa, nghĩa khí. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, các cuộc khởi nghĩa chống Pháp thời kỳ Cần Vương vẫn mọc lên như nấm. Ngoài những cuộc khởi nghĩa danh tiếng như Đề Thám, Đốc Ngữ còn có nhiều cuộc khởi nghĩa khác cũng tự xưng là ông Đốc, ông Đề, ông Đội… Ở vùng Cổ Đình có người học trò tên Nghĩa cũng dấy binh phá đồn phủ, nên cũng được dân tôn xưng là ông Đề Nghĩa. Là nhà nho lúc nào cũng canh cánh cái nhục mất nước, cụđồ Tiết liền trao luôn hai đứa con trai của mình đi theo Đề Nghĩa. Sau khi Đề Nghĩa bị sốt rét chết trong rừng, hai anh em Phác bàn nhau: Anh Chất là con cả phải quanh quẩn gần quê để còn có thể biết tin tức

99

cha già và báo hiếu cho cha. Còn Phác là con thứ, tài hoa, lại nhân tai nạn mà biến đổi khuôn mặt phải trốn chạy thật xa, lấy vợ đẻ con, để mai sau lỡ ra người anh gặp điều chẳng may, thì còn có em để tiếp nối dòng họ Đinh. Thế là Hai Phác đi về vùng Sơn Nam đổi tên là Trịnh Huyền. Chữ Trịnh gần âm với chữ Đinh, chữ Huyền lấy từ cái tên hồ Huyền quê nhà. Anh đến Lê Xá vào một ngày đông, khi cả làng đang có chuyện buồn. May Trịnh Huyền biết thổi kèn nên giúp được họ. Biết ơn và quý mến anh, cụ trưởng Kiên cố giữ anh lại, quyết định truyền nghềđàn và ngỏ ý gả cô con gái tài sắc cho anh nếu anh không chê vì cô đã có một đứa con. Họ nên duyên vợ chồng, Thắm có mang, ai ngờ lúc sinh con lại gặp trường hợp khó đẻ, cả hai mẹ con đều chết lúc chị lâm bồn. Trịnh Huyền nghĩ bụng: Có lẽ nguyên nhân là do vợ anh sinh ra vào kiếp cầm ca. Vì vậy, anh chôn theo cây đàn với vợ và thề rằng từ nay sẽ không bao giờ đàn hát nữa. Buồn bã, chán nản, anh thu xếp công việc cho Kiến, em vợ rồi dắt con gái trở về quê cha đất tổ. Trở về quê sau bao biến cố của cuộc đời, trong vai cháu ngoại xa của cụ đồ Tiết và phải giải lời nguyền, Trịnh Huyền trở thành nghệ nhân tài hoa trong nghề đàn nguyệt, trong nghề hát văn. Về với Cổ Đình, về với đền Mẫu, Trịnh Huyền lại có tất cả, một gia đình hạnh phúc với người cha già và cô con gái bé bỏng; lại gặp Ba Váy, mối tình đầu nồng nàn, đắm say. Để rồi sau những ánh mắt đắm đuối của người đàn bà đa tình, họ lại tìm đến nhau với cả một trời yêu thương bù cho những tháng ngày xa cách. Dẫu đã cải trang rất kĩ nhưng Trịnh Huyền luôn là mối quan tâm, nghi ngờ cuả đám chức sắc trong làng và bọn Tây đồn điền. Sau vụ Điều cả gan cầm dao chém bị thương một người da trắng, người ta mở cuộc điều tra, lật tung các hồ sơ cũ và tìm ra nhân dạng đích thực của Trịnh Huyền chính là kẻ phiến loạn Đinh Công Phác xưa kia. Trịnh Huyền trốn vào rừng, chui lủi đến đất Mường, may mắn gặp anh Mường rồ, thủ hạ thân tín của cụ đồ Tiết khi xưa, và gia nhập vào đám cướp của Mường rồăn cướp những nhà

100

giàu có, ăn cướp cả đồn điền người Tây. Cuối cùng Trịnh Huyền bị rơi vào bẫy của Julien và quản Boong, bị hành sát, bêu đầu ở gốc đa đầu làng.

Người thứ hai là lý Cỏn - chồng bà Ba Váy. Như một trò đùa của số phận, bà Ba Váy trở thành vợ lẽ lý Cỏn, chỉ rẻ rúng bằng hai mươi thúng thóc gán nợ khi cha mất, mẹ ốm đau không thể trả nợ được. Đó là một người đàn ông khôn ngoan, tinh ma. Cái khôn ngoan, tinh ma có hạng khiến lý Cỏn có suy nghĩ khác hẳn với cha mình. Nếu như Vũ Xuân Cảo là người giàu có nhưng keo kiệt, chăm chỉ mưa nắng, chắt bóp hà tiện đến khắc nghiệt với bản thân mình và gia đình thì anh con trai Vũ Xuân Cỏn nhận thấy cha mình chẳng qua chỉ là một anh trọc phú, giàu mà khổ. Cỏn muốn mình phải giàu nhưng phải sung sướng. Hắn cương quyết muốn làm giàu bằng con đường danh giá. Đã tính đến, đã muốn, đã suy nghĩ là phải làm được và Cỏn đã làm giàu bằng con đường danh giá. Ngay cả trong cách quản lý gia đình của mình, lý Cỏn cũng tỏ ra là một người khôn ngoan rất mực. Gia đình của hắn có tới ba người đàn bà tranh nhau ân sủng của một người đàn ông. Vậy mà gia đình ấy lúc nào cũng trong ấm, ngoài êm, mọi việc trên dưới thống nhất, hanh thông như một cỗ máy chạy êm ru. Đây là điều mà ngay cả ông chánh Thi -

cha vợ lý Cỏn cũng phải thầm nể phục. Dẫu ông biết rằng sự danh vọng bề thế mà lý Cỏn có được như ngày hôm nay là do một tay ông cố công gây dựng.

Bà Ba Váy là con người hồn nhiên. Thuở con gái, bà hồn nhiên dâng hiến cho người mình yêu. Khi bị bán làm nàng hầu cho ông Lý, bà hồn nhiên đẻ một bầy con cho chồng. Lúc gặp lại người xưa, bà hồn nhiên quay trở lại tìm những rung động thực sự mà trong cuộc sống vợ chồng bà không thấy. Đến khi ông Lý mắc bệnh, bà lại hồn nhiên quay trở về bổn phận làm vợ, chẳng nghĩ đến sự sống chết, tận tụy chăm sóc chồng, thậm chí dùng cả bầu sữa của mình để gọi chồng về cõi nhân gian. Mục kích cảnh gia đình nhà Trịnh Huyền tan tác rồi ông bị truy nã, bà suy sụp nằm xuống ngã bệnh.

101

Ly kỳ hơn là việc dàn dựng, đan cài câu chuyện đời của hai người chồng trong câu chuyện đời của bà Tổ Cô. Người chồng đầu tiên là ông phủ

Khiêm - một trí thức giàu lòng yêu nước, một người luôn trọng đạo thánh hiền. Trong những cuộc xử trảm tả đạo, ông luôn là vị quan nhẹ tay nhất. Vì dang rộng vòng tay cưu mang một đứa trẻ con nhà tả đạo, ông không còn được triều đình tin dùng, buộc phải thôi chức tri phủ đi làm giáo thụ ở một phủ khác. Lương bổng tuy kém nhưng ông chẳng lo lắng vì hai vợ chồng chưa có con, và bà vợ lại là người đảm đang tháo vát. Ở lớp học, ông giảng cho học trò của mình lòng trung thành với dân với nước, và tấm lòng son của người nho sĩ khi quốc gia lâm sự. Pháp chiếm đóng Gia Định, cử Khiêm cũng như rất nhiều nhà khoa bảng thời đó, đã tập hợp nghĩa binh đánh Pháp. Trong một cuộc giao tranh với quân tả đạo, cử Khiêm đã bị bắt. Ông thà chết để giữ trọn tấm lòng trung với dân với nước. Bằng đồng xu được mài sắc, ông đã tự rạch bụng bày cỗ lòng trắng phau, đầy máu me còn phập phồng trên chiếc mâm đồng trước con mắt khiếp hãi, kính nể của mọi người. Cái chết của ông được lưu truyền như một huyền thoại.

Người chồng thứ hai là ông trưởng Cam. Có bổn phận phải sống để nuôi con, bà phủ Khiêm không thể chết theo người tri kỷ. Để có thể bảo toàn tính mạng cho con, để có thể cứu lấy giọt máu cuối cùng của họ Phùng, bà đã tái giá lấy ông trưởng Cam. Trưởng Cam là người đạo gốc. Đã giúp việc đạo rất nhiều. Bị bắt hồi phân sáp. Đáng lẽ triều đình An Nam đã giết. Nhưng vì người Pháp thắng thế, triều đình phải ký hòa ước và cam đoan không cấm đạo, ông đã sống sót. Không phải ông ta lợi dụng lúc bà nguy khốn, con người này thành thực giúp bà để trả cái ơn người đã giúp mình. Bà Ngát càng sống với ông càng thấy lạ. Ông rất chăm đọc sách. Ông biết chữ quốc ngữ, biết cả chữ Nho. Những cuộc nói chuyện làm cho hai người xích lại dần dần. Tuy nhiên, đêm đêm cái gối dài vẫn nằm ở giữa. Cho tới một đêm, hai vợ chồng vui chuyện rì rầm với nhau rất khuya, ông mới kể cho bà nghe về cái đoạn sau

102

khi hai chú cháu ông đến xin ông cử Khiêm cứu giúp. Ông bị cầm tù và bị tra tấn hàng ngày. Có một tên lính điên rồđã dùng hai thanh tre hành hạ ông đến mất khả năng làm giống đực, mất khả năng làm công việc tái sinh sản. Bà Ngát chợt thấy thương ông vô cùng. Hàng đêm bà kiên trì chữa bệnh cho ông, mỗi ngày một ít. Cuối cùng hạnh phúc đã mỉm cười với họ.

Nếu nhìn Mẫu Thượng Ngàn như một sự nối chắp của nhiều câu chuyện thì mới có thể tìm ra nhân vật chính của mỗi câu chuyện ấy. Đó là bà Ba Váy, Trịnh Huyền, lý Cỏn, bà Cả, bà Hai của lý Cỏn trong chuyện đời bà Ba; là Nhụ, điều trong cuộc đời Nhụ; là bà Tổ Cô, ông cử Khiêm, ông trưởng Cam trong huyền thoại về người đàn bà có địa vị cao nhất dòng họ Vũ Xuân…

Việc nối kết, đan lồng những câu chuyện khác nhau trong một mạch truyện thống nhất đã làm cho tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh có sự hấp dẫn của một bản tự sự dài hơi, giàu tình tiết, khi căng khi chùng, một kiểu folklore hiện đại. Cũng chính bằng sự kết nối, đan lồng những câu chuyện tạo ra sự va chạm khác nhau về cấp độ giữa các nhân vật trong truyện, Nguyễn Xuân Khánh đã dựng nên một bức tranh cuộc sống với nhiều tính hấp dẫn, sinh động, nhiều màu vẻ, hình khối, mang bao thông điệp đến với bạn đọc.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn của Nguyễn Xuân Khánh (Trang 99)