8. Cấu trúc luận văn
3.2.1. Tổ chức kiểu cốt truyện phân mảnh
Nếu như trong văn học giai đoạn 1945-1975, với lối kết cấu sự kiện đơn tuyến, cốt truyện có một vị trí quan trọng - tạo thành một cái khung cố định, sắp xếp tổ chức chuỗi sự kiện mạch lạc và chặt chẽ thì cùng với xu hướng kết cấu tâm lý trong văn xuôi sau 1986, cốt truyện bị đẩy xuống hàng thứ yếu, nhường chỗ cho những dòng chảy bất định của tâm trạng con người. Cốt truyện vẫn tồn tại song bắt đầu bị biến dạng và phân rã. Đọc tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới ta thấy các nhà văn thường có xu hướng nới lỏng cốt truyện, làm mờ nhạt về tính “chuyện”, hạn chế đến mức tối đa vai trò của cốt truyện. Và cốt truyện phân mảnh chính là một kiểu cổt truyện tiêu biểu cho xu hướng nới lỏng cốt truyện này.
Cốt truyện phân mảnh là kiểu cốt truyện được tạo nên từ hệ thống các mảng có tính độc lập tồn tại bên cạnh nhau. Ở đây, cốt truyện đã bị nghiền nát, đập vỡ, bị tháo rời thành từng mảnh vụn rời rạc, không theo một trình tự thời gian hay mối liên hệ nhân quả nào và mỗi mảnh vụn chính là một mảnh của hiện thực, tạo nên sự đứt gẫy, quanh co phức tạp trong cấu trúc tiểu thuyết. Cái gọi là “nội dung câu chuyện” không còn rõ ràng, lớp lang theo trình tự thời gian mà trở nên khó nắm bắt. Nói cách khác, đó là lối kết cấu đa tầng, đa tuyến, song hành, xoắn vặn, sắp đặt, lắp ghép… Những câu chuyện lớn, những sự việc lớn - hiện thực lớn - có “tính sử thi” như trước đây được thay bằng những câu chuyện nhỏ kiểu “mảnh vỡ”, “phân mảnh”, nhưng được khai thác triệt để, nhấn sâu vào cảm giác hiện sinh, tô đậm chiều sâu vô thức, những “vùng mờ” trong thế giới tâm lý con người… Các nhà tiểu thuyết thời kỳ đổi mới rất có ý thức trong việc sử dụng loại cốt truyện này để tăng sức biểu đạt cho tác phẩm của mình, tiêu biểu là: Nguyễn Bình Phương (Thoạt kỳ
thủy), Tạ Duy Anh (Thiên thần sám hối, Lão Khổ, Đi tìm nhân vật), Châu Diên (Người sông Mê), Phạm Thị Hoài (Thiên sứ) …
88
Sự xuất hiện của kiểu cốt truyện phân mảnh trong tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới hoàn toàn không phải là một việc ngẫu nhiên mà nó có cái “lý” riêng của nó - đây chính là cái “lý” của hình thức hay nói cách khác chính là “tính nội dung” của “hình thức nghệ thuật”. Trong quan niệm của các nhà văn thời kỳ đổi mới, hiện thực không phải là một khối duy nhất mà là có vô số mảnh vỡ xuất hiện từ nhiều phương hướng khác nhau. Và thế giới là tập hợp của những mảnh vụn hiện thực - mỗi mảnh vụn nằm ở một chỗ riêng của
nó - mỗi mảnh vụn tự nó là một tâm điểm, nó có giá trị tự thân. Con người không có một mẫu hình thế giới lý tưởng, trường cửu để hướng đến mà có vô số mẫu hình thế giới để lựa chọn, không có một hiện thực cốđịnh để tiếp cận mà có vô số hiện thực bất định để ứng phó. Việc phá vỡ khuynh hướng tuyến tính, đề cao tính bất định, đứt đoạn, phân mảnh trong việc xây dựng cốt truyện là một trong những biểu hiện của chất hậu hiện đại trong tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới. Bởi nói như Nguyễn Hưng Quốc: “Chủ nghĩa hậu hiện đại chủ trương phi tâm hóa, chấp nhận sự kết hợp lỏng lẻo giữa các thành tố trong tác phẩm như những thủ pháp nghệ thuật quan trọng… Cũng có thể nói chủ nghĩa hậu hiện đại là sự sụp đổ của những cái đơn nhất và toàn trị để nhường chỗ cho phần mảnh và những yếu tố ngoại biên, là sự khủng hoảng của tính nhất quán và là sự nở rộ của những dị biệt, là sự thoái vị của tính hệ thống và sự thăng hoa của tính đa tạp” [33].
Chọn một thời điểm lịch sử đau thương nhưng sôi động, hoành tráng, ở tiểu thuyết Hồ Quý Ly, Nguyễn Xuân Khánh đã tìm đến lối kết cấu đa tầng của những tiểu thuyết tổng hợp. Đó là cách kết cấu phức điệu chồng chất cả sự kiện, hành động, sự kiện tâm lý là sự lắp ghép từ rất nhiều câu chuyện, tạo nên một mạch truyện triền miên tưởng chừng như không dứt - một kết cấu tiểu thuyết đích thực. Tác phẩm được kết cấu theo nhiều chương (13 chương), mỗi chương lại như một tiểu thuyết nhỏ, kể về nhân vật này, nhân vật kia dưới những góc độ khác nhau. Nhìn toàn cục đó là những mảnh văn bản khá rời
89
rạc, phản ánh những mảng đời sống khác nhau. Nhà văn tỏ ra là một kiến trúc sư khôn ngoan vì đã tìm ra lối dẫn truyện, kết cấu cốt truyện đầy tính chất ly kỳ như những tiểu thuyết chương hồi, lại tích hợp với lối ghép mảnh kiểu rubic của tiểu thuyết hiện đại, khiến cho những cuốn tiểu thuyết rất dày -
nhưng vẫn hấp dẫn, lôi cuốn cho đến những trang cuối cùng. Qua những mảnh cốt truyện này, nhà văn cho ta thấy sự phức tạp trong đời sống và nội tâm con người ở một thời điểm lịch sử hết sức nhạy cảm. Vẫn lựa chọn viết về những thời điểm lịch sử đầy biến động và phức tạp, đến Mẫu Thượng Ngàn, Nguyễn Xuân Khánh cũng sử dụng kiểu cốt truyện phân mảnh khá độc đáo này. Tác phẩm gồm 15 chương, mỗi chương có một tiêu đề riêng với nội dung độc lập giống như những màn kịch khác nhau trong một vở kịch. Nhìn vào những tiêu đề, có cảm giác dường như mỗi chương đã hoàn kết một sự kiện, ta có thể bắt đầu đọc từ bất kì chương nào mà vẫn nắm bắt được tác phẩm một cách tương đối trọn vẹn. Không quan hệ nhân quả, không theo trật tự thời gian, cốt truyện là một bức tranh lắp ghép mà các mảnh vỡ bị đảo lộn lên, bị tung ra, lật nhào toàn bộ thứ tự, vị trí ban đầu của nó. Truyện bắt đầu bằng thời điểm hiện tại với tình huống: Một người đàn ông tham gia nghĩa quân địa phương chống Pháp, nghĩa quân thất bại nên phải bỏ xứ mà đi, nay dẫn con về lại quê cũ. Tại đây, người đàn ông gặp lại gia đình, hàng xóm, bàn bè, bà con, người yêu năm cũ… cũng là lúc Pháp bình định xong Bắc Bộ và bắt đầu đặt quyền cai trị và khai thác. Một loạn biến cố bắt đầu xảy ra trên mảnh đất làng quê Bắc Bộ hiền lành đặt dưới sự cai trị của thực dân Pháp thông qua bộ máy chính quyền phong kiến cũ. Hệ quả của sự phân mảnh trong cốt truyện là sự dồn nén, chồng chéo các vấn đề của hiện thực.
Chương I có tên là “Người trở về”, kể về việc Trịnh Huyền (Hai Phác) trở về Cổ Đình sau hai chục năm trời xa nhớ cùng một bé gái khoảng mười ba, mười bốn tuổi và chuỗi ngày sống ở vùng Sơn Nam nhiều ân tình nhưng cũng lắm buồn đau của anh. Chương II là “Nhụ và Điều”: Hình ảnh hai đứa
90
trẻ hồn nhiên nhưng giàu tình cảm và sự sẻ chia. Chương III là “Đồn điền Messmer”: Việc lập đồn điền và cách thức duy trì đồn điền của Philippe. Chương IV là “Họ Vũ, họ Đinh”: Hai dòng họ nổi tiếng ở làng Cổ Đình và những mối quan hệ phức tạp. Chương V là “Pirre và Julien”: Giới thiệu hai người em của Philippe và những trải nghiện kỳ lạ của chàng Pierre ở Việt Nam. Chương VI là “Người Cổ Đình”: Kể về những kiếp người bé mọn, đa đoan. Chương VII là “Bà Tổ Cô”: Câu chuyện về người đàn bà đẹp nhưng lắm nỗi truân chuyên – bậc cao niên nhất dòng họ Vũ Xuân. Chương VIII là “Philippe Messmer”: Sự ngoan đạo, khôn khéo; cuộc tình kỳ lạ và định mệnh với người đàn bà bản xứ của Philippe. Chương IX là “Con chim cu cườm”: Tài bẫy chim cu cườm và mối hoài nghi của mọi người về thân phận Trịnh Huyền. Chương X có tên “Đối thoại”: là nơi để các nhân vật có tính chất đại diện bày tỏ suy nghĩ, thái độ của mình về nhiều vấn đề, đặc biệt là sự nhìn nhận khác nhau của những kẻ đi xâm lược về văn hóa người An Nam. Chương XI có tên “Bà Ba Váy kể chuyện)”: Lời tự thuật của bà Ba Váy về phận làm lẽ về những hủ tục nơi làng xã (đám tang bà cả Cỏn). Chương XII là “Tai họa lớn”: Trận dịch tả khủng khiếp và khả năng chăm sóc, tái sinh sự sống của những người phụ nữ làng Cổ Đình. Chương XIII là “Ông Đùng bà Đà”: Câu chuyện về ông Đùng bà Đà và nỗi tủi buồn của Hoa về phận mõ. Chương XIV là “Hội Kẻ Đình”: Sự náo nức chuẩn bị và không khí tưng bừng trong ngày hội Kẻ Đình - hội “Ông Đùng bà Đà”; Nỗi đớn đau cay đắng, tủi nhục của đôi lứa thiếu niên - Nhụ và Điều. Chương XV là “Chương kết”: Trịnh Huyền bị sa bẫy; Julien trở thành kẻ đần si; Nhụ trở lại đền Mẫu và sinh ra “đứa con của ngày hội”, đặt tên là Nhị.
Tổ chức tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn theo kiểu cốt truyện phân mảnh, Nguyễn Xuân Khánh đã dựng nên bức tranh sinh động về xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, trong đó có không ít những cảnh tang thương vì đói nghèo, dịch bệnh, vì âm mưu thâm độc của những kẻ đi xâm lược.
91
Trong đó có cả sự nhốn nháo, hỗn loạn của văn hóa phương Đông và phương Tây, của cái đẹp và cái xấu, tích cực và tiêu cực… Làng quê Việt Nam bao năm thanh bình bỗng tan tác trước cơn qua của lịch sử. Nhưng rồi trong bối cảnh Pháp xâm lược Việt Nam, đạo Phật suy tán, đạo Khổng bị gạt bỏ, đạo Thiên chúa đang lan rộng, người dân quê vẫn trở về với đạo Mẫu - một tôn giáo có từ ngàn đời. Sau bao đau khổ, bất hạnh ở cõi hồng trần, người người lần lượt tìm về với Mẫu để được Mẫu chở che, bao bọc, để được thăng hoa trong những phút lên đồng. Vả lại, cứ xem cái cách tác giả miêu tả cảnh Trịnh Huyền và Điều bẫy chim cu cườm, hay cảnh gội đầu của Nhụ, cách pha trà và cách thưởng thức hương vị mật ong… mới thấy được rằng chính những lúc lịch sử biến động, con người càng trân trọng những gì thuộc về bản sắc quê hương Đó chính là sự chiến thắng của một dân tộc biết được giá trị đích thực của mình, những giá trị càng bị vùi dập càng dậy lên mạnh mẽ.
Việc nhà văn xé bức tranh hiện thực trong tác phẩm thành nhiều mảnh nhỏ, sắp xếp một cách tưởng như lộn xộn thực chất lại nằm trong dụng ý nghệ thuật sâu xa. Nhiều lúc sự kết nối các chương, đoạn không nằm ở trật tự trước
- sau mà ở trong chính những dòng chảy của tâm trạng. Câu hỏi ở chương này có khi lại tìm thấy câu trả lời ở chương khác. Tưởng chừng như nhà văn đánh đố độc giả, nhưng thực chất Nguyễn Xuân Khánh là người rất rõ ràng. Bằng giọng văn trầm tĩnh, mực thước pha chất hóm hỉnh, tinh quái, nhà tiểu thuyết 74 tuổi Nguyễn Xuân Khánh đã mô tả một hiện thực mênh mông sống động với những sự kiện, những con người “xa lạ mà quen thuộc” thuần văn hoá Việt, tố chất người Việt sinh ra và lớn lên, tranh đấu sống còn từ nền văn minh lúa nước. Ông giải thích mọi vấn đề trọn vẹn trong tác phẩm của mình. Khát vọng của nhà văn suy cho cùng là cũng chỉ mong muốn độc giả đi hết hành trình của cuốn tiểu thuyết, đồng cảm, chia sẻ với nó, để tìm ra những câu trả lời trong đó mà thôi.
92
Độc đáo hơn, ở mỗi chương, cốt truyện lại tiếp tục bị nghiền nát thành từng viên nhỏ của biến cố và hoàn cảnh, nhân vật bị phân tán thành một bó những khát vọng nhức nhối. Những ghép nối chiều sâu được thể hiện qua các tiểu đoạn đứt khúc, ghép quá khứ với hiện tại, tâm cảnh với ngoại cảnh, lịch sử và phi lịch sử... Chẳng hạn như ở chương I với sự kiện Trịnh Huyền (Hai Phác) trở về đoàn tụ gia đình sau hai chục năm trời xa nhớ, cốt truyện bị nghiền nát thành ba mảnh nhỏ ứng với ba đoạn văn được đánh số rõ ràng. Đoạn 1 là hình ảnh một người đàn ông dáng vẻ nôn nóng, hối hả không giấu được vẻ háo hức. Đi sau người đàn ông là một cô gái chừng 13, 14 tuổi, dáng vẻ hồn nhiên. Đó là hình ảnh hai cha con Trịnh Huyền và Nhụ. Đoạn 2 kể về đám ma bà trưởng Kiên và người vợ tài hoa, bạc mệnh của anh. Đoạn 3, câu chuyện lại trở về với thời điểm hiện tại: cuộc hội ngộđầy cảm động của Trịnh Huyền với gia đình, người thân. Chương II với tiêu đề “Nhụ và Điều” cũng được chia làm 3 đoạn. Đoạn 1: Sự xuất hiện của Nhụ làm hiện lại hình ảnh của người vợ, của những người con gái, những hình ảnh ấm áp của một gia đình trong tâm trí cụđồ Tiết. Hàng ngày, Nhụđi theo cụđồ Tiết làm quen với những đàn ong và học dần dần để trở thành trợ thủđắc lực cho ông trong nghề nuôi ong. Đoạn 2: Điều luôn bám dính theo chú Trịnh Huyền. Những câu chuyện hồn nhiên của Điều bỗng làm cho ông Huyền như lạc vào quá khứ. Đoạn 3: Nhụ cùng Điều đi chăn bò, bất ngờ gặp ông Tây Julien. Điều không hiểu tại sao mình nổi cơn tức giận với người Tây đến thế. Phải chăng vì con người quyền uy ấy đã nhìn quá chăm chú vào cô bé Nhụ? Xen vào giữa những tình tiết, sự việc diễn ra trong hiện tại là những dòng hồi ức của Nhụ về mẹ -
Cái người đà bà dáng vóc gầy guộc mà sao giọng lại âm vang và long lanh đến vậy. Cái con người yểu điệu cớ sao gương mặt lại buồn buồn và trìu mến đến lạ lùng…
Chương IX - “Con chim cu cườm” được chia làm 4 đoạn. Đoạn 1 kể chuyện hai chú cháu Trịnh Huyền đi bẫy chim cu cườm bên làng Mít để dâng
93
lên Mẫu vào ngày rằm. Đoạn 2 kể chuyện ba bố con, chú cháu nhà ông Huyền vào rừng lấy măng trong những ngày nông nhàn, tình cờ gặp Váy chị, Váy em. Theo lời Váy con, Trịnh Huyền và bà Ba Váy đi cùng một ngả. Để rồi tiếng gọi tình yêu thức dậy trong hang đá giữa Trịnh Huyền và Ba Váy thật mãnh liệt. Đoạn 3 kể về cuộc trình làng thành công của cha con Trịnh Huyền ở đền Mẫu và việc Julien bị “ngựa ngài” trừng trị. Đoạn 4: Đám cưới của Điều và Nhụ được quyết định nhanh chóng để che mắt lý Cỏn và Julien. Chương XIII là “Ông Đùng bà Đà” cũng được chia làm 4 đoạn, nhưng không đơn giản chỉ là câu chuyện về ông Đùng bà Đà mà chồng chất những sự việc, những nỗi niềm trong những tình cảnh éo le. Đoạn 1: Một cơn giông lớn tạt qua Kẻ Đình. Một cơn mưa lớn từ trên trời cao xuống làm ngập tủm cả một xứ đồng; mưa làm trôi đi cả những xú khí, tà khí của trận dịch. Nhụ và điều vẫn “để dành” đến ngày hội, “để dành” đến ngày thiêng. Đoạn 2: Nỗi niềm xót xa cho phận mõ và hồi ức buồn của Hoa về lần thăm quê ngoại bốn năm trước. Cảnh rừng cùng sự xuất hiện của tiếng chim sơn ca, dần xua tan hết những bực dọc ưu phiền làm gương mặt Hoa dần tươi tỉnh lại. Đoạn 3: Hoa kể cho Nhụ nghe về sự tích núi ông Đùng. Đoạn 4: Tài cai quản một gia đình lớn của lý Cỏn và mối thân tình giữa bà Ba Váy với Hoa.
Nhiều đoạn nhất là chương XIV với tiêu đề “Hội Kẻ Đình”. Ở chương này, cốt truyện bị nghiền nát thành 8 mảnh ứng với 8 đoạn văn bản.
Đoạn 1: Vẻ đẹp ngôi đình làng và không khí tưng bừng chuẩn bị cho ngày hội Kẻ Đinh. Trái ngược lại là không khí lạnh tanh, u uất ở ngôi chùa đổ bởi ông Hộ Hiếu ốm suốt ngày lử khử, ngồi ngơ ngác ở thềm chùa hoặc co ro trong ổ rơm (đoạn 2). Đoạn 3: Dòng người đổ về CổĐình càng lúc càng đông. Đoạn