Nạn đói khủng khiếp năm 1945 đã đi vào lịch sử nước ta như vết thương hằn sâu trên cơ thể mỗi con người thời đó. Cũng như rất nhiều nhà
37
văn khác, Kim Lân đã đi vào khai thác và thành công ở mảng đề tài về nạn đói của nhân dân ta trước Cách mạng. Với ngòi bút tài hoa và tâm hồn đa
cảm, ông đã sáng tạo nên tác phẩm Vợ nhặt - một tác phẩm mà sau hơn nửa
thế kỷ, đến tận ngày hôm nay, vẫn còn nguyên giá trị. Hình ảnh nông thôn và người nông dân đã được nhà văn miêu tả hết sức sinh động. Trong nạn đói khủng khiếp ấy, con người chẳng khác gì con vật nhưng Kim Lân từng nói
rằng: “những người đói họ không nghĩ đến cái chết mà nghĩ đến sự sống”. Là
tác phẩm tiêu biểu của một trong những cây bút viết truyện ngắn xuất sắc của
văn học Việt Nam hiện đại, Vợ nhặt được lựa chọn vào chương trình giảng
dạy lớp 12 trường THPT, được đông đảo bạn đọc yêu mến bởi cốt truyện hấp dẫn, ngôn ngữ giản dị, tự nhiên và bởi sự kết tinh nhiều giá: giá trị hiện thực, giá trị nhân văn và trên hết là giá trị nhân đạo sâu sắc.
Truyện ngắn Vợ nhặt được viết trên nền cảnh nạn đói năm 1945 làm
hơn hai triệu đồng bào ta chết đói. Tiền thân của truyện ngắn là tiểu thuyết
Xóm ngụ cư, được viết ngay sau Cách mạng tháng 8 nhưng bản thảo chưa kịp
in thì bị thất lạc. Sau hòa bình lặp lại (1954), dựa trên cốt truyện cũ, ông viết lại thành một truyện ngắn lấy tên là “Vợ nhặt”. Năm 1962, tác phẩm chính
thức ra đời và được in trong tập Con chó xấu xí. Giá trị hiện thực và giá trị
nhân đạo là hai yếu tố không thể thiếu để làm nên thành công cho một tác phẩm văn học. Để một tác phẩm có thể có được hai yếu tố nêu trên, người viết phải hiểu mình đang viết gì và viết cho ai? Đồng thời, chính tác giả cũng phải có trái tim yêu thương mãnh liệt để cảm thương và chia sẻ với những kiếp
người hẩm hiu. Sau hơn nửa thế kỉ, chúng ta có thể nhận thấy rằng tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân không những mang giá trị hiện thực mà còn
chất chứa trong đó cả giá trị nhân đạo sâu sắc.
Giá trị hiện thực trong tác phẩm thể hiện ở chính bối cảnh truyện là nạn
đói năm Ất Dậu. Nhà văn Nam Cao từng nói về nạn đói ấy rằng: “có lẽ cho đến năm 2000 con cháu chúng ta cũng phải kể cho nhau nghe để rùng mình”.[31, tr 4]Kim Lân đã miêu tả cuộc sống của những người nông dân bị
38
“miếng cơm manh áo ghì chặt xuống đất”, cuộc sống của những con người chẳng khác nào loài vật. Có người từng nói: “một nhà văn chân chính phải sống bằng trái tim và viết bằng lí trí, không và không thể đi ngược lại tiếng nói của trái tim và hiện thực của cuộc sống”. Hiện thực ở đây được tác giả miêu tả thật đáng sợ và đau thương - “cái đói đã tràn đến” và “người chết như ngã rạ”. Bức tranh ngày đói nhuộm toàn màu đen của chết chóc. Cái đói đã lan tràn khắp nơi, “những gia đình từ Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma” và len lỏi khắp các miền quê khiến cho những xác người “nằm ngổn ngang khắp lều chợ”.
Cái đói ở đây được miêu tả bằng những màu sắc và âm thanh ghê rợn, đó là
“màu xanh xám” của những người đói khát hay màu đen của đám quạ trên mấy cây gạo, đó là tiếng quạ gào lên “từng hồi thê thiết” đến những tiếng “hờ khóc” vẳng lại từ những nhà có người chết đói. Cái đói còn hiện hình qua mùi, đó là mùi “gây của xác người” và cả “mùi đốt đống rấm ở những nhà có người chết theo gió thoảng vào khét lẹt”. Chúng ta làm sao biết được mùi đốt
đống rấm hay mùi gây của xác người là như thế nào? Nhưng qua những trang văn của Kim Lân, nạn đói như hiện hình trước mắt mỗi người. Trong nạn đói, cái chết như chực chờ ở khắp nơi. Không ngày nào, làng xóm không có người
chết có những buổi sáng đi làm đồng về người ta bắt gặp “ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường”. Người sống thì “dật dờ như những bóng ma” đến những đứa trẻ mọi ngày vẫn hay hiếu động thì giờ đây cũng “ủ rũ ngồi dưới xó tường không buồn nhúc nhích”. Với những phác hoạ chân thật như
vậy, tác giả đã vẽ nên một bức tranh ngày đói đầy đau thương và chết chóc. Chính trong nạn đói đó, con người trở nên thấp hèn, họ sẵn sàng làm tất cả để
có được miếng ăn. Nhà văn Kim Lân từng tâm sự trong một bài phỏng vấn: “ Nhặt tức là nhặt nhạnh, nhặt vu vơ. Trong cảnh đói năm 1945 người lao động dường như khó ai thoát khỏi cái chết, bóng tối của nó phủ xuống xóm làng. Trong cảnh đói ấy giá trị con người thật vô cùng rẻ rúng, người ta có thể có vợ theo nhờ mấy bát bánh đúc ngoài chợ. Đúng là nhặt được vợ như tôi nói
39
trong truyện”. (Báo văn nghệ số 19 ngày 08 tháng 05 năm 1993).[19,
tr67]Than ôi! Thân phận con người sao mà rẻ rúng thế. Tràng có thể nhặt được vợ một cách dễ dàng chỉ nhờ bốn bát bánh đúc, Thị theo không một người xa lạ chỉ vì cái ăn và ở ngoài kia còn biết bao con người như Thị. Trong nạn đói đó, Thị chỉ là một mảnh ghép của bức tranh hiện thực phũ phàng. Hiện thực chính là đám cưới không có mâm cơm cúng gia tiên mà còn thảm
hại hơn trong bữa ăn ngày đói chỉ “một lùm rau chuối thái rối và một đĩa muối ăn với cháo”, nếu bữa ăn chỉ có thế thì cũng không có gì để bàn luận
bởi trong cái đói ngày ấy thì như thế đã là may mắn lắm rồi. Nhưng thậm tệ hơn, những con người đó phải ăn cả thức ăn của súc vật, nói theo cách ví von
của bà cụ Tứ là chè khoán nhưng thực sự chỉ là cháo cám mà khi ăn “miếng cám cứ đắng chát và nghẹn bứ trong cổ”.
Trong bản Tuyên ngôn độc lập Bác Hồ từng nói từ năm 1945 “dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó, dân ta càng khổ cực nghèo nàn”, những lời bất hủ của Bác cũng chính là nguyên nhân sâu cơ dẫn đến bất
hạnh mà những người nông dân phải gánh chịu trong nạn đói lịch sử ấy. Chỉ
qua một câu nói của bà cụ Tứ: “đằng thì nó bắt giồng đay, đằng thì chúng nó bắt đóng thuế. Giời đất này không chắc đã sống qua được đâu các con ạ…”,
nhà văn đã gián tiếp tố cáo tội ác của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Chính chúng đã đẩy đồng bào ta vào bước đường cùng. Trong hoàn cảnh đó, giá trị con người trở nên quá rẻ rúng. Những con người ấy sẽ chấp nhận sống cảnh đói khát đó mãi mãi hay sẽ tự tìm ra con đường để giải phóng bản thân mình?
Kim Lân đã chỉ ra một “chân lí của thời đại” khi khẳng định rằng: “chỉ có cách mạng là con đường giải phóng giai cấp nhanh nhất”.
Với Vợ nhặt Kim Lân đã giải quyết đề tài mà có rất nhiều nhà văn đã
khai thác theo một cách riêng, vừa vô cùng cảm động, vừa buộc người đọc phải suy nghĩ nhức nhối, day dứt mãi. Lớp trẻ chúng ta ngày nay đọc chắc không thể tưởng tượng nổi cái giá của con người đã có lúc rẻ mạt đến thế. Nghĩa là không bằng một con vật. Chỉ vài bát bánh đúc mà thành vợ hẳn hoi,
40
thân phận con người như thế có hơn gì cỏ rác ? Bọn phát xít thực dân đã đẩy
nhân dân ta đến nông nỗi như thế. Lời kết tội của Vợ nhặt thật ngắn gọn mà
sâu sắc, thấm thía biết bao! Tiếng nói tố cáo tội ác kẻ ngoại xâm không đao to búa lớn mà thuyết phục lòng người.
Có thể nói các nhân vật trong tác phẩm không được ưu ái về hình thức. Họ là những con người thô kệch, xấu xí, rách rưới, già nua luôn bị bao vây bởi cái đói, cái chết, nhưng ẩn chứa đằng sau đó là vẻ đẹp tâm hồn rất đáng quý trọng. Tuy nghèo khổ nhưng họ giàu lòng nhân ái, tuy bị bủa vây bởi cái đói khát, chết chóc nhưng niềm tin vào cuộc sống không bị thui chột, trái lại nó trỗi dậy âm ỉ và không kém phần mạnh mẽ. Và nhà văn Kim Lân đã nói về
truyện ngắn Vợ nhặt: “những người đói họ không nghĩ đến cái chết mà nghĩ đến cái sống”. Năm tháng qua đi, còn mãi với thời gian là vẻ đẹp tâm hồn con
người, là chất nhân văn cao cả của một nghệ sĩ mà cả đời văn gắn bó với người nông dân.
Gần gũi, am hiểu người nông dân nên trong sáng tác của Kim Lân chứa
chan tình nhân đạo, Vợ nhặt không nằm ngoài ngoại lệ đó. Chọn tình huống Vợ nhặt do nạn đói khủng khiếp gây nên, nhà văn không nhằm miêu tả sự
mất giá, sa đọa của con người, trái lại thể hiện sự đồng cảm cùng cảnh ngộ, cùng số phận người dân lao động nghèo khổ; thấu hiểu nỗi lòng, tâm trạng, niềm vui, hạnh phúc của họ. Nếu không có một tình cảm gắn bó thực sự với người nông dân , không trải qua những năm tháng đen tối ấy, không dễ gì viết nên được những trang sách xúc động và thấm thía đến thế.
Giá trị nhân đạo của tác phẩm còn được thể hiện ở chỗ, nhà văn đã phát hiện và miêu tả những phẩm chất tốt đẹp của người lao động. Mặc dù bị xô đẩy đến bước đường cùng, mấp mé bên cái chết, nhưng những người nông dân vẫn cưu mang, giúp đỡ nhau, chia sẻ cho nhau miếng cơm, manh áo. Hiện thực cuộc sống càng đen tối bao nhiêu, thì trong những con người ấy lại ngời sáng tình người.
41
Cái nhìn nhân đạo của Kim Lân còn thể hiện ở kết thúc tác phẩm. Vợ nhặt không dừng lại ở tuyệt vọng (sau vị đắng chát của cháo cám), ở màu sắc
đen tối, bi quan. Nhà văn đã gieo vào lòng người đọc dự cảm về sự đấu tranh, sự đổi mới của các nhân vật. Tác phẩm đã cho thấy mối liên hệ khăng khít giữa nhu cầu sống của mỗi cá nhân lao khổ với công cuộc cách mạng xã hội. Đó là một tư tưởng nhân đạo mới mẻ có tính chiến đấu.
Vợ nhặt là một tác phẩm thành công của nhà văn Kim Lân. Qua tác
phẩm này, chúng ta không chỉ nhận thấy tài năng của nhà văn, sự hiểu biết sâu sắc, cặn kẽ của ông về cuộc sống của người nông dân, mà điều quan trọng hơn đó chính là cái tâm, cái tấm lòng gắn bó thiết tha, sâu nặng của Kim Lân đối với những người lao động nghèo khó trước Cách mạng.