Nợ công trước hết là vấn đề mất cân đối giữa thu và chi ngân sách quốc gia hay tổng chi tiêu của chính phủ nhiều hơn tổng các nguồn thu của mình. Nguồn thu ngân sách sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng trả nợ của quốc gia. Việc tăng nguồn thu ngân sách góp phần giảm gánh nặng nợ công cho chính phủ. Theo như ước tính của Reinhart và Rogoff (2009) thì nợ công thường tăng khoảng hai phần ba trong khoảng thời gian ngay sau khi diễn ra khủng hoảng tài chính. Đồng thời tác động kéo dài của khủng hoảng tài chính cũng dẫn đến một giai đoạn tăng trưởng dưới mức trung bình, nền kinh tế bị thu hẹp và bước vào giai đoạn suy thoái. Điều này làm cho nguồn thu ngân sách của chính phủ bị sụt giảm trong khi nhu cầu chi tiêu lại tăng mạnh, đặc biệt là cho các gói kích thích kinh tế. Để giải quyết tình trạng này thì chính phủ hoặc là giảm chi tiêu hoặc là tìm cách gia tăng nguồn thu của mình. Cắt giảm chi
tiêu không dễ thực hiện trong ngắn hạn khi những kế hoạch chi tiêu của chính phủ đã được định sẵn và vai trò của nhà nước trong nhiều lĩnh vực là không thể thay thế.
Có hai cách để gia tăng nguồn thu chính phủ. Thứ nhất, chính phủ có thể tăng thuế, vốn là nguồn thu trực tiếp và lớn nhất của Chính phủ. Thứ hai, Chính phủ có thể tăng nguồn thu thông qua vay nợ, cả vay trong nước và nước ngoài. Các khoản vay này sẽ làm gia tăng nợ công. Tuy nhiên cả hai cách này đều khó thực hiện bởi nó ít nhiều sẽ gây những bất ổn trong xã hội.
Nếu như thâm hụt ngân sách và nợ công kéo dài sẽ làm niềm tin của các nhà đầu tư bị suy giảm. Lượng vốn đầu tư vào bị hạn chế, hoặc họ sẽ bán tháo tài sản đang sở hữu. Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, điều này làm cho nguồn thu của chính phủ từ thu thuế các doanh nghiệp bị giảm xuống. Chính phủ thực hiện gia tăng nguồn thu từ thuế thông qua người dân hoặc thuế tài sản cũng không phải dễ dàng. Việc người dân gánh trên vai một khoản thuế tăng thêm nhiều hơn trước đã khiến cho chính phủ gặp phải sự phản đối từ nhân dân trong nước. Trước tình trạng như vậy đã có nhiều quốc gia lựa chọn con đường in thêm tiền để bù đắp khoản ngân sách bị thiếu hụt và trả nợ. Thực tế cho thấy một quốc gia có tỉ lệ nợ công cao, mức thâm hụt ngân sách lớn nếu không xử lí tốt thì rất dễ rơi vào khủng hoảng.
Trong các báo cáo đánh giá về tình hình tài chính công được công bố ngày 14/5/2010, mức thâm hụt ngân sách chung toàn cầu trong năm 2010 đã giảm xuống 6% GDP so với 6,7% (2009). Tuy nhiên, IMF cho rằng vấn đề thâm hụt ngân sách của các nước phát triển chưa được cải thiện. Theo IMF thâm hụt ngân sách trung bình của các nền kinh tế phát triển trong năm 2010 vẫn cao ở mức 8,4%, trong đó nhóm các nước phát triển G7 là 9,5% so với mức 3,9% của các nền kinh tế đang nổi. Như vậy mức thâm hụt ngân sách là
vấn đề không chỉ của một quốc gia mà là vấn đề chung của tất cả các quốc gia trên thế giới để tránh cho một cuộc khủng hoảng nợ mang tính quốc tế nổ ra.