Sử dụng nguồn vốn vay không hiệu quả

Một phần của tài liệu Khủng hoảng nợ công thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam ( Luận văn ThS. Kinh tế ) (Trang 48)

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), vào năm 2004, chi tiêu cho quản lý công trong tổng số chi tiêu công ở Hy Lạp đã cao hơn nhiều so với các nước thành viên OECD khác, mà không có bằng chứng nào cho thấy chất lượng hay số lượng dịch vụ ở nước này cao hơn hẳn.

Bên cạnh đó, việc gia nhập Eurozone năm 2001 là cơ hội lớn để Hy Lạp có thể tiếp cận với thị trường vốn quốc tế bởi việc sử dụng một đồng tiền được những nền kinh tế lớn như Đức và Pháp là một sự đảm bảo cho Hy Lạp cũng như các quốc gia khác trong khối. Dễ dàng thu hút vốn đầu tư nước ngoài với mức lãi suất thấp, trong gần một thập kỷ qua, chính phủ Hy Lạp liên tục bán trái phiếu để thu về hàng trăm tỷ USD. Số tiền này lẽ ra có thể giúp kinh tế Hy Lạp tiến rất xa nếu chính phủ có kế hoạch chi tiêu hợp lý. Nhưng điều này không xảy ra, Chính phủ Hy Lạp đã chi tiêu quá nhiều cho xây dựng cơ sở hạ tầng mà không quan tâm đến các kế hoạch trả nợ, trong đó có thể kể đến như thế vận hội Olympic 2004 - kỳ thế vận hội hoành tráng nhất và cũng tốn kém nhất trong lịch sử nhưng chính phủ lại không cho phép sự xuất hiện của bất kỳ một biển hiệu quảng cáo nào trên đường phố, các dịch vụ phục vụ thế vận hội cũng bị hạn chế.

Không thể phủ nhận rằng để có vốn tiến hành công nghiệp hoá và hiện đại hoá, việc vay nợ nước ngoài là cần thiết. Nhiều quốc gia có những bước phát triển kinh tế đáng nể như Singapore, Hàn Quốc và Trung Quốc đều phải vay nợ nước ngoài. Tuy nhiên, chính phủ các quốc gia đó chỉ vay tiền để đầu tư vào hạ tầng cơ sở thiết yếu nhất để phục vụ phát triển kinh tế và xoá đói giảm nghèo. Tiền vay được họ quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả. Hạ

tầng cơ sở ở những quốc gia này một khi đã được xây dựng thì chất lượng rất tốt, được quy hoạch với tầm nhìn dài hạn chứ không phải ngay lập tức hay một thời gian ngắn sau đã phải làm lại, cải tiến hay mở rộng. Họ không vay tiền nước ngoài để dùng vào những dự án nhỏ lẻ, không thực sự đem lại nhiều giá trị lợi ích xã hội. Họ cũng không dùng những món nợ phải trả trong tương lai này để theo đuổi những siêu dự án trong khi hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong nước còn chưa đầy đủ...

Có lẽ cơ hội được tiếp cận dễ dàng nguồn tín dụng rẻ từ khi gia nhập Eurozone đã khiến cho chính phủ Hy Lạp chi tiêu quá tay mà quên mất những nghĩa vụ nợ phải trả trong tương lai. Đây là bài học rõ ràng cho những quốc gia đang phát triển nóng theo đuổi những con số đẹp về chỉ tiêu tăng trưởng, nếu cứ tiếp tục đi vay và sử dụng tiền vay như Hy Lạp đã làm trong thập kỷ vừa qua, chắc chắn di sản có thể để lại cho tương lai sẽ là một món nợ khổng lồ.

Một phần của tài liệu Khủng hoảng nợ công thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam ( Luận văn ThS. Kinh tế ) (Trang 48)