Công tác vận động quần chúng tổ chức hoạt động tín ngưỡng lành mạnh và đấu tranh với các hành vi mê tín chưa được quan tâm đúng mức trong thời gian qua. Mặc dù có nhiều cố gắng, song đa số cán bộ nhà nước còn e ngại đi vào lĩnh vực này hoặc vì còn thành kiến hoặc vì thiếu chuyên môn. Đồng thời, các cơ quan chuyên môn chưa phân nhiệm rõ ràng trong quản lý các lễ hội truyền thống. Việc đào tạo cán bộ kế thừa am hiểu về chuyên môn nghiệp vụ chưa đáp ứng được nhu cầu hiện nay.
Một số hoạt động trong lễ hội cổ truyền đã bị mai một. Lễ hội truyền thống làng Ốc Nhiêu diễn ra thưa hơn so với trước năm 1954. Các trò diễn
xướng, trò chơi dân gian đặc sắc như cờ người, đánh đu không còn được tổ chức. Giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống đang bị nghèo nàn đi. Nếu chính quyền các cấp, trực tiếp bộ phận quản lý về văn hóa và tôn giáo, không quan tâm gìn giữ và phục hồi lại thì nhiều giá trị của lễ hội truyền thống sẽ bị mai một, bị biến tướng, thậm chí có thể biến mất trong thời gian tới. Nguyên nhân của vấn đề này căn bản là do hoàn cảnh đất nước đổi mới, nhiều người dân làng Ốc Nhiêu phải bươn chải mưu sinh, nên chưa quan tâm đến nhiều đến văn hóa tâm linh. Hơn nữa, một số lĩnh vực của văn hóa phi vật thể, nhất là liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng một thời kỳ khá dài bị liệt vào diện mê tín và do vậy bị cấm tổ chức. Vì thế, lễ hội truyền thống được tổ chức không thường xuyên. Những người hiểu biết và thực hành các nghi thức trong lễ hội truyền thống cũng thưa dần đi theo thời gian. Thêm vào đó, nhu cầu hưởng thụ văn hóa trong lễ hội cổ truyền đang dần thay đổi cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của loại hình sinh hoạt văn hóa tâm linh này.