Thần sắc các vị Thành hoàng làng Ốc Nhiêu

Một phần của tài liệu Tín ngưỡng thành Hoàng vùng đồng bằng Bắc Bộ ( Qua nghiên cứu trường hợp làng Ốc Nhiêu, xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) (Trang 42)

Thần sắc là sắc phong của các triều đình phong kiến phong tặng cho các

vị thần. Thần sắc hay sắc phong được làm bằng giấy màu vàng phủ nhũ, nội dung ghi nhận công lao đóng góp của vị thần đối với làng, với nước. Sắc phong thể hiện uy nghiêm của vị thần nên thường được dân làng coi như một vật quý giá và cất giữ rất cẩn thận. Điều này thể hiện sự thừa nhận (thể chế hóa) của giai cấp thống trị (đại diện cho xã hội toàn bộ) đối với các giá trị cục bộ của các cộng đồng làng. Có những làng do lý do nào đấy mà Thành hoàng không được nhà nước phong kiến công nhận, đã “khai man” lý lịch vị thần để được nhà nước thừa nhận, có nơi còn phải đi trộm sắc phong của làng khác để thờ tại làng mình… Điều đó càng chứng tỏ mức độ quan trọng của sắc phong trong đời sống xã hội của cộng đồng làng.

Do biến thiên của lịch sử, do đặc điểm của loại thần; nên một số sắc vị: (Sắc phong Cao Sơn, Quý Minh, Linh Lang và sắc phong Nguyễn Trãi) không có, hoặc không còn nữa nên tác giả không thể trích dẫn thành văn mà chỉ có thể đánh giá công trạng qua Thần tích và qua truyền ngôn của người dân địa phương. (Đối với trường hợp của Tản Viên Sơn Thánh, mặc dù không đưa ra sắc phong của làng Ốc Nhiêu, song cũng xin nhấn công tích của Tản viên “là ông tổ của trăm nghề”, là một vị thần có nhiều công tích nhất trong các vị thần của người Việt. Đó là kết luận rút ra từ việc tổng kết nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Tác giả muốn nhấn mạnh công tích của Ngài như một

trường hợp điển hình cho công tích của hệ nhiên Thần vùng Đồng bằng Bắc Bộ; Và trường hợp làng Ốc Nhiêu thờ các Ngài, là minh chứng minh cho một trong những công tích ấy).

Còn trường hợp Sắc Phong của Phạm Ngũ Lão và Thiên Thành Công Chúa, xin dành trích dẫn cho phần phụ lục (vì tuy hai nhân vật trên có công với người dân làng Ốc Nhiêu nhưng không được tôn làm Thành hoàng. Trong phạm vi luận văn xin không đề cập tới).

Trong những vị được sắc phong ấy, thì các vị được thờ chính là Cao Sơn, Quý Minh, Linh Lang và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Phối thờ vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi.

Các bản sắc phong này được các triều đình phong kiến Việt Nam phong tặng cho thần làng và thần Thành hoàng làng Ốc Nhiêu là Thượng đẳng thần.

Sắc phong Trần Hưng Đạo

Sắc phong thứ nhất: Sắc ban cho Trần Quốc Tuấn, Chí Trung Đại Nghĩa

Hồng Huân Vĩ Liệt Hạo Linh Trác Đại Vương, hướng về giúp nước che dân. Trải các tiết đều được ban cấp sắc phong, nhân mừng Tổ Thánh Nhân Tông Hoàng Đế tứ tuần đại khánh nên tặng sắc, vâng mệnh ban bảo chiếu thể hiện ân sâu, lễ có phẩm trật. Nay vận nước tốt lành, nghĩ nhớ công lao của thần, có thể gia tặng là Chí Trung Đại Nghĩa Hồng Huân Vĩ Liệt Hạo Linh Trác Vĩ Lược Chấn Uy Dực Bảo Trung Hưng Đại Vương. Linh thiêng bậc nhất, là Thượng đẳng phúc thần. Chuẩn hứa cho hai xã là xã Vạn An, tổng Vạn An, huyện Phượng Nhãn, phủ Lương Giang, tỉnh Bắc Ninh và xã Dược Sơn, tổng Dược Sơn, huyện Chí Linh, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương phụng sự. Thần hãy che chở, bảo vệ cho dân của ta.

Niên hiệu Đồng Khánh thứ 2, ngày 27 tháng 7.

Sắc phong thứ hai: Sắc ban cho xã Ốc Nhiêu, huyện An Mỹ, tỉnh Hưng

Yên phụng sự Trần triều Hưng Đạo Đại vương tôn thần. Giúp nước che dân, linh ứng hiển hiện. Nay vận nước tốt lành, nghĩ nhớ công lao của thần, nên

tặng phong là Trác Vĩ Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần. Chuẩn như trước phụng sự, thần hãy che chở, bảo vệ cho dân của ta.

Niên hiệu Khải Định thứ 2, ngày 18 tháng 3.

Sắc phong thứ ba: Sắc ban cho xã Ốc Nhiêu, huyện An Mỹ, tỉnh Hưng

Yên như trước phụng sự Trần Hưng Đạo tôn thần. Nguyên tặng là Chí Trung Đại Nghĩa Phong Huân Vĩ Liệt Hạo Linh Trác Vĩ Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần. Giúp nước che dân, linh ứng hiển hiện. Trải các tiết đều được ban cấp sắc phong, đến kỳ phụng sự. Nay vận nước tốt lành, mừng trẫm tuổi tứ tuần, nên ban bảo chiếu thể hiện ân sâu, lễ có phẩm trật, đặc chuẩn như cũ phụng sự, nhớ ngày quốc khánh, ghi trong tự điển.

Triều vua Khải Định, ngày 25 tháng 7.

Theo thần tích, như đã đề cập, Cao Sơn và Quý Minh được phong sắc dưới thời Lê Trung Hưng. Linh Lang được vua Lê Thánh Tông phong sắc. Cả ba sắc phong cho Trần Hưng Đạo đều được ban vào thời Nguyễn. Nguyễn Trãi chưa xác định được chính xác vị vua thời nào phong sắc (có thể triều Hậu Lê, xem nội dung sắc phong vị thần này trong Phụ lục của luận văn), tuy nhiên nhân dân tôn thờ theo thần tích và truyền ngôn của địa phương.

Việc sắc phong cho Thành hoàng khẳng định triều đình phong kiến ngoài quản lý hành chính còn quản lý thần linh các làng xã. Thành hoàng làng Ốc Nhiêu đều được các triều đình phong kiến phong làm Thượng đẳng thần vì đều có công đánh giặc giúp nước, phù trợ dân làng. Chẳng hạn, Trần Hưng Đạo được phong mỹ tự là Chí Trung Đại Nghĩa Hồng Huân Vĩ Liệt Hạo Linh Trác Vĩ Lược Chấn Uy Dực Bảo Trung Hưng Đại Vương, hay Trác Vĩ Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần.

Một điều thú vị trong các hình thức thờ cúng trong dân chúng, đặc biệt tín ngưỡng Thành hoàng đó là, công trạng của các vị thần trước khi được trình tấu để triều đình phong kiến phong tặng thì dân chúng đã tin và thờ trước đó. Nhiều trường hợp làng tự lập đình thờ trước rồi mới nhận sắc phong chỉ định việc thờ Thành hoàng nào đó. Một số trường hợp phép vua thua lệ

làng: thần Thành hoàng được chỉ định cho địa phương nào đó thờ, nhưng dân vùng đó không kính, không tin nên không thờ. Điều này cho thấy, “thần làng nào làng ấy thờ”, cũng lý giải tại sao có những thần được phong sắc nhưng không được tôn làm Thành hoàng. Từ đó suy rộng ra, tín ngưỡng Thành hoàng đã bám dễ sâu bền trong tâm thức người dân từ xa xưa, và chỉ mất đi khi con người không còn kính và sợ, không còn niềm tin trước thần linh của mình. Điều đó có lẽ chỉ có thể xảy ra khi con người không tồn tại.

Tổng hợp thần tích, thần sắc cũng như truyền ngôn của người dân địa

phương về các vị Thành hoàng làng Ốc Nhiêu, tôi xin đưa ra một vài nhận xét

mang tính so sánh sau đây:

Thứ nhất, Thành hoàng làng Ốc Nhiêu khá đa dạng, thể hiện nét đặc

trưng tiêu biểu cho tín ngưỡng Thành hoàng vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Cũng

như nhiều làng quê khác của vùng Đồng bằng Bắc Bộ, làng Ốc Nhiêu thờ cúng đan xen giữa những vị nhiên thần/ nhân vật huyền thoại là các vị thần núi như Cao Sơn, Quý Minh và thần nước như Linh Lang, và những vị nhân thần/ nhân vật lịch sử như Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi.

Sở dĩ có nét đặc trưng như vậy trong tục thờ cúng Thành hoàng, vì Đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có làng Ốc Nhiêu, có sự khác biệt trong yếu tố tự nhiên so với nhiều vùng miền khác trong cả nước. Điều này thể hiện ở ba phương diện cơ bản sau đây:

Một là, Đồng bằng Bắc Bộ do có vị trí cửa ngõ vào Đông Nam Á nên luôn là mục tiêu xâm lược của các thế lực ở Phương Bắc trong hàng ngàn năm lịch sử. Chính yêu cầu chống giặc ngoại xâm, bảo vệ làng mạc mà các vị anh hùng như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi đã được ghi vào sử sách với những chiến công chống giặc hiển hách, để rồi dân chúng các làng quê tôn thờ họ như những phúc thần, luôn hộ quốc an dân, được triều đình phong kiến ban sắc phong Thượng đẳng thần.

Hai là, Đồng bằng Bắc Bộ là miền đồi núi cổ sụt lún, có độ đứt gãy lớn về kiến tạo địa chất, do đó địa hình chính là đồng bằng xen kẽ đồi núi, đồi sót

hoặc thung lũng. Chính sự đan xen trong yếu tố địa hình này dẫn đến việc nhân dân tôn thờ nhiều vị thần núi, tiêu biểu là Cao Sơn, Quý Minh. Đằng sau công lao giết giặc bảo vệ đất nước khi sống, thì sau khi hóa, hai vị cùng với Tản Viên, nhiều lần hiển linh phù trợ đất nước. Sự kính (biết ơn công lao và cầu mong phù trợ) và sợ (lo sợ bị trừng phạt) của người dân, khiến các vị phúc thần này được thờ cúng với tư cách Thành hoàng ở nhiều làng quê, được triều đình phong kiến sắc phong Thượng đẳng thần.

Ba là, khí hậu của vùng Đồng bằng Bắc Bộ là nhiệt đới gió mùa, thời tiết thất thường theo chu kỳ năm hoặc trong một mùa hay giữa các mùa. Cùng với môi trường tự nhiên của khu vực này là sông nước, tạo nên một nền văn minh sông nước. Từ đây, tục thờ thủy thần như Linh Lang xuất hiện.

Thứ hai, Thành hoàng làng Ốc Nhiêu phản ánh những đặc điểm cơ bản

nhất của Thành hoàng vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Điều đó được thể hiện ở các

xu hướng nhân hóa, lịch sử hóa, công tích hóa và địa phương hóa các vị nhiên thần như Cao Sơn, Quý Minh, Linh Lang; thần thánh hóa các vị nhân thần, như Trần Hưng Đạo và cả các vị nhiên thần như đã phân tích.

Một phần của tài liệu Tín ngưỡng thành Hoàng vùng đồng bằng Bắc Bộ ( Qua nghiên cứu trường hợp làng Ốc Nhiêu, xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) (Trang 42)