Kết cấu của ngôi đình Ốc Nhiêu

Một phần của tài liệu Tín ngưỡng thành Hoàng vùng đồng bằng Bắc Bộ ( Qua nghiên cứu trường hợp làng Ốc Nhiêu, xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) (Trang 50)

Khuôn viên di tích đình làng Ốc Nhiêu từ ngoài vào, qua nghi môn và khoảng sân rộng lát gạch là đến tòa đại bái. Đại bái là một tòa nhà gồm ba gian hai chái. Hai chái hồi được xây kín, trang trí hoa văn chữ Thọ nhằm tạo nên vẻ thông thoáng cho ngôi đình, nhưng vẫn giữ được sự thâm nghiêm chốn linh thiêng. Mái tòa đại bái được lợp bằng ngói ta. Bờ nóc là một đường xây bằng gạch, phủ vữa áo tạo những đường gò chạy song song trên đắp nổi hình hổ phù, miệng ngậm chữ Thọ, đầu đội Mặt Trời, chầu nguyệt là hai con rồng uốn khúc tượng trưng cho sức mạnh và quyền uy của các vị thần được thờ trong đình. Kết thúc đường bờ nóc là hai con kìm (Makada) ngậm đầu bờ nóc có đuôi xoắn lại và cong lên cao. Kéo dài từ đầu kìm xuống hai phần ba mái là đường bờ dải. Bờ dải được xây vuông góc với đường bờ nóc để nguyên không trang trí làm nhiệm vụ nối mái trước với mái sau. Tại khúc khuỷnh (nơi giao nhau giữa bờ dải và bờ guột đình) đắp hình con sô giữ mái. Cuối cùng là các đầu đao uốn cong trang trí hình rồng mớm phượng, được tạo tác trong trạng thái động biểu hiện sức mạnh của chúng trong đời sống tâm linh người Việt. Tòa đại bái được xây dựng trên một mặt nền cao hơn so với sân khoảng 30 cm.

Ngăn cách giữa tòa đại bái với hiên là hệ thống cửa. Cửa được làm theo kiểu bức bàn để trơn không trang trí. Mặt bằng của nền hiên được làm thấp xuống so với lòng nhà rồi hạ xuống sân đình qua một bậc gạch. Nền tòa đại bái lát gạch. Bộ khung tòa đại bái được định vị khá vững chắc bởi hệ thống cột kê lên chân tảng và các bộ vì. Hệ thống các bộ vì chính và vì nách tòa đại bái được làm giống nhau theo kiểu chồng rường đấu kê. Trên các bộ vì chính

trang trí hình hổ phù với mắt tròn, miệng nhe, răng lớn, tóc xoắn đuôi nheo, tai nhú, má bạnh, hàm mở rộng ngậm chữ Thọ. Hai chân hổ phù bành ra bám chặt vào những đám mây. Các bộ phận của hổ phù được tô đắp hằn khối nhằm biểu hiện sức mạnh và sự hung dữ của loài động vật này, đồng thời nhắc nhớ câu chuyện “khuấy biển sữa” trong dân gian. Các con rường được đắp nổi khối tạo thành những cụm giả vân mây và được đặt trực tiếp lên các con rường phía dưới tạo sự vững chắc cho toàn bộ toà nhà.

Phần trang trí chung nhất của tòa đại bái là gian trung tâm với việc bài chí nhiều đồ thờ tự, nơi đặt ban thờ công đồng. Phía trên ban thờ đắp nổi bức đại tự “Tế Thế Hộ Quốc”. Phía dưới là một nhang án bằng gỗ được chia thành nhiều phần trang trí khác nhau. Mỗi ô là một đề tài như hổ phù, chầu vào hổ phù là đôi phượng rồng cách điệu (thể hiện cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông). Hai bên nhang án là đôi lộc bình lớn bằng sứ. Trên bàn thờ bài trí nhiều đồ thờ tự như hạc đồng, bát hương, đỉnh đồng, lọ hoa, mâm bồng, chân nến đồng... Ngoài ra, tại hai cột cái gian giữa tòa đại bái còn đắp nổi đôi câu đối chữ Hán ca ngợi công lao to lớn của các vị thần được thờ trong đình.

Nối tiếp tòa đại bái là tòa trung từ gồm ba gian, làm kiểu tường hồi bít đốc, nền lát gạch, mái nợp ngói ta; đường bờ nóc, bờ dải xây thẳng để trơn không trang trí. Toàn bộ mái tòa trung từ được đặt trực tiếp lên hệ thống tường bao xung quanh. Hệ thống các bộ vì tòa trung từ được làm theo kiểu “vì kèo quá giang”. Tòa trung từ là nơi đặt bàn thờ ba vị Thành hoàng nhìn vào hậu cung. Trên ban thờ bài trí bát hương, mâm bồng và một số đồ thờ tự.

Sau tòa trung từ qua hai cửa ngách bằng gỗ là hậu cung. Hậu cung gồm ba gian làm kiểu hồi bít đốc. Giống như tòa trung từ đường, bờ nóc và bờ dải hậu cung là một đường thẳng, không trang trí, mái lợp ngói mũ. Hậu cung cũng lát nền gạch, được xây cao hơn so với tòa đại bái và tòa trung từ. Toàn bộ hệ thống vì của hậu cung kết cấu giống nhau theo kiểu vì kèo để trơn không trang trí. Toàn bộ phần mái của hậu cung được đặt trực tiếp lên hệ thống tường bao xung quanh. Gian trung tâm tòa hậu cung là nơi đặt bệ thờ

ba vị thần Cao Sơn, Quý Minh và Linh Lang. Trên ban thờ bài trí ba cỗ ngai và bài vị các thần. Ngai thờ được chạm khắc cầu kỳ, cao 1,2m, rộng 0,6m, sâu 0,4m. Đế ngai chạm hổ phù, thân ngai làm kiểu chấn song con tiện chạm bong kênh đề tài tứ linh, tay ngai chạm hình đầu rồng. Trong ngai đặt bài vị thần Thành hoàng. Gian kế tiếp về bên trái tòa hậu cung (theo hướng đình) là nơi đặt bệ thờ Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi. Trên bệ thờ đặt hai ngai gỗ có kích thước và trang trí giống ba cỗ ngai tại gian trung tâm. Ngoài ra, trên ban thờ của năm vị thần còn bài trí bát hương, quả dài, mâm bồng, giá văn,...

Một phần của tài liệu Tín ngưỡng thành Hoàng vùng đồng bằng Bắc Bộ ( Qua nghiên cứu trường hợp làng Ốc Nhiêu, xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) (Trang 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)