Vị thế đất, hướng đình Ốc Nhiêu

Một phần của tài liệu Tín ngưỡng thành Hoàng vùng đồng bằng Bắc Bộ ( Qua nghiên cứu trường hợp làng Ốc Nhiêu, xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) (Trang 47)

Đình Ốc Nhiêu quay hướng Tây Nam, tương tự như hướng của nhiều ngôi đình vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Mặc dù về mặt khí hậu, hướng này rất nóng, nhất là mùa hè, nhưng về mặt tâm linh, người ta cho đây là hướng phù hợp với quy luật âm dương thuận hòa. Sở dĩ như vậy là vì mặt trước của di tích, cũng là mặt trước của thần (thuộc dương) nhìn về hướng Tây; mặt sau di tích (thuộc âm) quay về hướng Đông (thuộc dương); tay trái của thần (thuộc âm) hướng Nam (thuộc dương); tay phải của thần (thuộc dương) hướng Bắc (thuộc âm). Mọi thứ đều hợp, do vậy thần sẽ ban phúc cho dân. Mặt khác, ngôi đình với bộ mái lớn xà thấp tạo nên độ ẩm lớn trong đình, có thể làm mục gỗ, nên ánh nắng hướng Tây với thời gian chiếu sáng dài sẽ làm cho trong đình trở nên khô ráo hơn. Hướng Nam là hướng được quan tâm nhất đối với các cơ sở thờ tự. Đạo Phật cho rằng, hướng Nam là hướng trí tuệ, trong sáng. Khi ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, hướng Nam được coi là hướng của thánh nhân, của bậc đế vương: “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ” (Thánh nhân ngồi hướng nam để nghe thiên hạ), hoặc “Thánh nhân nam diện xưng vương” (Thánh nhân ngồi hướng nam để xưng vua). Thành hoàng là ông vua tinh thần nên ngồi quay hướng Nam, gắn với quẻ Ly của lửa sáng, là hợp lẽ. Đồng thời, hướng Nam tận dụng được các yếu tố thuận lợi về mặt thời

tiết. Tránh được gió lạnh Phương Bắc (gió mùa Đông Bắc) và các cơn bão Phương Đông. Về mùa hè có gió nồm Nam, “gió nam chưa nằm đã ngáy”. Từ thời nguyên thủy, người xưa đã biết lựa chọn ưu thế này của hướng Nam.

Như vậy, việc đình Ốc Nhiêu quay về Tây Nam thể hiện được sự hiểu biết sâu sắc của những cổ nhân làng Ốc Nhiêu. Với hướng này, ngôi đình đã kết hợp được cả ưu điểm của hướng Tây cộng với hướng Nam mà những hướng khác không có được. Nó với hợp với quy luật phong thủy, vừa đáp ứng được yêu cầu về độ bền vững lâu dài của công trình.

Liên quan đến hướng đình, theo các bô lão trong làng Ốc Nhiêu, trước kia mỗi khi cửa sổ nách hậu cung mở ra, người dân làng Tráng Vũ (một làng thuộc xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) bị vẩu răng, toét mắt. Chả là cửa sau hậu cung của đình Ốc Nhiêu quay về làng Tráng Vũ. Những năm 1960, thôn Ốc Nhiêu với thôn Tráng Vũ hợp nhất thành Hợp tác xã Vũ Nhiêu. Trong văn hóa làng xã truyền thống Việt Nam có tục kết chạ (kết nghĩa anh em giữa các làng), thường là hai làng với nhau. Phong tục này bắt nguồn từ việc có nhiều vấn đề mà một làng không thể tự giải quyết được, đòi hỏi sự hỗ trợ của làng khác, ví như làm thuỷ lợi, chống hoả hoạn, chống trộm cắp. Đây là một truyền thống tốt đẹp, tương thân, tương ái của người Việt Nam. Làng Ốc Nhiêu và làng Tráng Vũ cũng từng kết chạ theo truyền thống ấy. Xuất phát từ “tình làng nghĩa xóm”, “tối lửa tất đèn có nhau”, nên dân làng Ốc Nhiêu khi xây dựng lại đình lần thứ hai đã bịt cái cửa nách vào. Lạ kỳ thay, từ đấy người dân làng Tráng Vũ ít bị vẩu răng và toét mắt hơn. Đó có thể là một dẫn chứng chứng minh sự ảnh hưởng của hướng đình đối với đời sống của người dân như câu ca dao thường thấy: “Toét mắt là tại hướng đình/ Cả làng toét mắt chứ mình em đâu”.

Còn đối với làng Ốc Nhiêu, từ khi lập đình theo hướng Tây Nam, dân làng chưa từng gặp biến cố hay tai ương bất thường nào. Từ đó, về mặt tâm linh, người ta quan niệm, hướng đình góp phần tạo sự phồn thịnh cho dân làng. Điều này phù hợp với quan niệm chung của người Việt Nam: khi dựng

đình, nơi thờ tự quan trọng bậc nhất của làng, việc kén hướng đình phải rất thận trọng, vì hướng đình liên quan đến họa phúc của cả làng.

Ngôi đình Ốc Nhiêu xưa tọa lạc trên một thế đất cao ráo trong làng. Theo quan niệm “thứ nhất dương cơ, thứ nhì âm phần”, nhân dân tin rằng, ở thế đất tốt sẽ ăn nên, làm ra, đón điềm lành, lánh điều dữ. Việc chọn đất và thế đất đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng cơ sở thờ tự. Người ta chọn đất theo thuật phong thủy. Đất dựng đình phía sau phải cao làm chỗ dựa (gọi là hậu chẩm). Hai bên có thế tay ngai, tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ. Phía trước có minh đường, tức là có nước tụ thủy, cũng là tụ linh và tụ phúc. Đằng xa phía trước có án che (gọi là tiền án). Cho nên, nhiều ngôi đình làng được xây dựng hướng mặt ra sông, nhất là chỗ sông uốn khúc, tức là khu đất bồi. Đó là thế đất “thè lè lưỡi trai không ai thì nó, khum khum gọng vó chẳng nó thì ai”. Tuy nhiên, không phải làng nào cũng có thế đất đẹp, hội tụ đầy đủ các yếu tố phong thủy như thế. Ở những làng không có thế đất như vậy, người ta phải tạo ra bằng cách đào hồ ao hay giếng lớn trước đình làm thế tụ thủy.

Đình làng Ốc Nhiêu về cơ bản đạt được vị thế này. Đình được xây dựng trên một khoảnh đất đẹp nhất trong làng, xa xa phía trước có gò chống như án che hay tiền án. Phía sau tựa hai gò tạo thành hậu chẩm. Hai bên tả hữu là hai khoảng đất rộng (có hai giải vũ) tạo thế tay ngai. Đình quay hướng Tây Nam, lại có ao tụ thủy, tụ phúc trước mặt. Trước kia, nghi môn trụ biểu của đình được xây dựng rất đẹp với một lối đi chính và hai lối đi phụ. Các bức tường lửng nối các trụ biểu lớn ra hai trụ biểu nhỏ trang trí hai vị tướng tạo cho ngôi đình vẻ trang nghiêm. Ngày nay, hai gò phía trước và sau đình Ốc Nhiêu đã bị san lấp, con sông dài trước mặt chuyển thành đất thổ cư, bên hữu đã phá giải vũ làm vườn đình. Điều này không chỉ xảy ra với riêng đình Ốc Nhiêu, mà còn thấy ở khá nhiều ngôi đình khác vùng Đồng bằng Bắc bộ. Nguyên nhân chủ yếu do sự gia tăng dân số, sự chưa ý thức hết tầm quan trọng của ngôi đình trong tâm thức nhân dân. Rất may, những phần cơ bản của đình Ốc Nhiêu vẫn hiện hữu như nó vốn có.

Như vậy, lịch sử đình Ốc Nhiêu đã có sự biến đổi do nguyên nhân lịch sử. Tuy nhiên, không nên vì thế mà đánh giá khác đi sự thịnh suy của ngôi đình này trong tương quan với người dân địa phương. Điều quan trọng là, con cháu làng Ốc Nhiêu hậu thế làm thế nào để khôi phục lại được giá trị cổ truyền ấy.

Một phần của tài liệu Tín ngưỡng thành Hoàng vùng đồng bằng Bắc Bộ ( Qua nghiên cứu trường hợp làng Ốc Nhiêu, xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) (Trang 47)