1.2.1 Mối quan hệ giữa quản trị rủi ro lãi suất với tài sản và nợ của ngân hàng
Trong bảng cân đối kế toán, nợ và tài sản có mối quan hệ mật thiết với nhau vì nợ cùng với vốn chủ sở hữu giúp hình thành nên tài sản của NH. Với vai trò là định chế tài chính trung gian, các NH là cầu nối vốn cho nền kinh tế trong việc huy động vốn từ bộ phận có vốn nhàn rỗi và sử dụng vốn này để đáp ứng nhu cầu vốn của bộ phận khác. Vì vậy, huy động vốn và sử dụng vốn là hai hoạt động cơ bản nhất và quan trọng nhất của một NH. Đối với một NH, huy động vốn hay đi vay nợ như thế
nào cho hợp lý là hoạt động quản trị nợ, và sử dụng các khoản nợ này như thế nào hay vào các loại tài sản nào cho hiệu quả là công tác quản trị tài sản.
Theo đó, muốn có vốn thì NH phải trả lãi đầu vào. Sau đó phần vốn này được NH sử dụng cho các hoạt động kinh doanh để thu lãi đầu ra. Phần chênh lệch dương của lãi suất đầu ra so với lãi suất đầu vào tạo nên lợi nhuận cho NH. Tuy nhiên, cả hai loại lãi suất này đều chịu ảnh hưởng bởi lãi suất thị trường. Sự biến đổi không ngừng của lãi suất thị trường sẽ dẫn đến sự thay đổi trong lãi suất kinh doanh, từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận của NH. Như vậy, QTRRLS có mối quan hệ khắng khít với quản trị nợ và quản trị tài sản, hay nói cách khác là công tác quản trị TSN và TSC của NH.
Dựa trên nền tảng mối quan hệ này, các NHTM thực hiện công tác QTRRLS thông qua các biện pháp, hoạt động tác động đến RRLS, bao gồm việc nhận biết, định lượng những tổn thất đang và sẽ gây ra từ RRLS để từ đó có thể giám sát và kiểm soát rủi ro thông qua việc lập nên những chính sách, chiến lược sử dụng những công cụ phòng ngừa và hạn chế RRLS từ các hoạt động kinh doanh của NH một cách đầy đủ, toàn diện và liên tục.
1.2.2 Mục tiêu của quản trị rủi ro lãi suất
1.2.2.1 Sự cần thiết phải hoàn thiện công tác quản trị rủi ro lãi suất trong hoạt động kinh doanh NHTM động kinh doanh NHTM
a)Rủi ro lãi suất là một trong những rủi ro cơ bản nhất của NHTM
Trong cơ chế thị trường, các quy luật kinh tế đặc thù như quy luật giá trị, quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh… ngày càng phát huy tác dụng. Những rủi ro trong sản xuất kinh doanh của nền kinh tế trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến hiệu quả kinh doanh của NHTM. Các NH và các định chế tài chính phi NH đứng trong vòng vây của 4 nhóm đối tượng có vốn và cần vốn trong nền kinh tế gồm: Hộ gia đình, Doanh nghiệp, Chính phủ và các nhà đầu tư nước ngoài. Sản phẩm mà các NHTM mua, bán, kinh doanh trên thị trường là các dịch vụ lưu chuyển vốn và các tiện ích NH khác. Hoạt động kinh doanh NH là dùng uy tín để thu hút nguồn
và dùng năng lực quản trị rủi ro để sử dụng nguồn và phát triển dịch vụ khác với tư cách là người đứng giữa các lực lượng cung và các lực lượng cầu về các dịch vụ NH. Lãi suất chính là giá cả đầu vào cũng như đầu ra trong hoạt động của NH. Rủi ro xảy ra do những biến động về lãi suất luôn luôn thường trực trong hầu hết những hoạt động kinh doanh của NH.
Như vậy, kinh doanh trong lĩnh vực NH là loại hình kinh doanh tiềm ẩn nhiều rủi ro và RRLS là một trong những rủi ro cơ bản nhất của NHTM. Các NH cần đánh giá cơ hội kinh doanh dựa trên mối quan hệ rủi ro – lợi ích nhằm tìm ra những cơ hội đạt được những lợi ích xứng đáng với mức rủi ro có thể chấp nhận được. NH sẽ hoạt động tốt nếu mức rủi ro mà NH gánh chịu là hợp lý và kiểm soát được chứ không thể chối bỏ rủi ro.
b) Hiệu quả kinh doanh của NHTM phụ thuộc vào năng lực quản trị rủi ro lãi suất
Trong điều kiện thị trường đầy biến động, khi lãi suất thị trường thay đổi có thể dẫn đến những thiệt hại về tài sản cũng như ảnh hưởng đến thu nhập của NH. Chính vì vậy, hàng năm NHTM trích lập quỹ bù đắp rủi ro và được hạch toán vào chi phí. Quy mô quỹ bù đắp rủi ro căn cứ vào mức độ và xác suất rủi ro. Nếu rủi ro thấp thì hiệu quả kinh tế sẽ tăng và ngược lại.
RRLS tồn tại trong những nghiệp vụ cơ bản của NHTM. Hoạt động huy động vốn, hoạt động tín dụng, hoạt động kinh doanh ngoại tệ… đều tiềm ẩn những RRLS. Như vậy, để hoạt động kinh doanh của NHTM đạt hiệu quả thì công tác QTRRLS cần phải được quan tâm thích đáng. QTRRLS nói riêng và quản trị rủi ro nói chung làm giảm ảnh hưởng của những biến động đối với giá trị của NH, giảm xác suất phải đối mặt với khả năng kiệt quệ tài chính.
c) Quản trị rủi ro lãi suất tốt là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh của NHTM
Trong xu thế hội nhập, cạnh tranh ngày càng gay gắt, chất lượng hoạt động quyết đinh sự tồn tại của NHTM. Khi công tác QTRRLS được quan tâm và thực hiện có hiệu quả sẽ kéo theo chất lượng hoạt động kinh doanh khác của NHTM vì
những biến động về lãi suất luôn có một ảnh hưởng đến những hoạt động chủ yếu của NH. Quan tâm đến công tác QTRRLS sẽ tạo điều kiện nâng cao chất lượng hoạt động huy động vốn và hoạt động tín dụng nói riêng và toàn bộ hoạt động của NHTM nói chung. Theo đó, QTRRLS được xem là thước đo năng lực của một NHTM.
1.2.2.2 Mục tiêu của quản trị rủi ro lãi suất a) Giảm thiểu tổn thất cho NH
Mục tiêu quan trọng trong hoạt động QTRRLS là hạn chế tới mức tối đa mọi ảnh hưởng xấu của sự biến động lãi suất đến thu nhập của NH. Dù lãi suất thay đổi như thế nào, NH luôn mong muốn đạt được thu nhập dự kiến ở mức tương đối ổn định. Theo đó, NH cần phải tập trung vào những bộ phận nhạy cảm nhất với lãi suất trong danh mục TSC và TSN. Thông thường đó là các tài sản sinh lời, như các khoản cho vay và đầu tư (thuộc TSC) hay các khoản tiền gửi, khoản vay trên thị trường tiền tệ (thuộc TSN). Để bảo vệ thu nhập trước RRLS, NH duy trì NIM cố định hoặc theo hướng mở rộng. Hệ số NIM giúp NH dự báo trước khả năng sinh lời thông qua việc kiểm soát chặt chẽ tài sản sinh lời và tìm kiếm những nguồn vốn có chi phí thấp nhất. Do vậy, nếu chi phí huy động vốn tăng nhanh hơn thu lãi từ cho vay và đầu tư, hoặc lãi từ cho vay và đầu tư giảm nhanh hơn chi phí huy động vốn sẽ làm cho NIM bị thu hẹp lại, dẫn đến RRLS lớn.
b) Tăng lợi nhuận cho ngân hàng
Ngoài việc giảm thiểu những tổn thất do RRLS gây ra, NH còn có thể tối đa hóa lợi nhuận cho mình với những dự đoán đúng về biến động của lãi suất trong tương lai. Theo đó, nếu dự đoán lãi suất biến động bất lợi, các NH có thể hạn chế tổn thất và sinh lời bằng cách thực hiện một số điều chỉnh đối với TSC và TSN để giảm quy mô của khe hở nhạy cảm lãi suất tích luỹ, hoặc sử dụng các công cụ phòng ngừa RRLS.
1.2.3 Quy trình quản trị rủi ro lãi suất
Quy trình QTRRLS bao gồm bốn giai đoạn là nhận dạng rủi ro, đo lường rủi ro, giám sát rủi ro và kiểm soát rủi ro. Cụ thể như sau:
1.2.3.1 Nhận dạng rủi ro
RRLS được nhận dạng qua những đánh giá của NH về tình trạng không cân xứng kỳ hạn của TSC và TSN và dự báo diễn biến lãi suất trong tương lai. Nghiệp vụ này được xem xét trên cơ sở sự thay đổi trạng thái kỳ hạn của toàn bộ bảng cân đối tài sản chứ không phải với riêng từng sản phẩm kinh doanh. Trong những giai đoạn kỳ hạn trung bình TSC của NH lớn hơn kỳ hạn trung bình TSN, nếu dự báo lãi suất sẽ tăng lên trong thời gian tới thì NH có nguy cơ bị thiệt hại. Ngược lại, ở những thời kỳ TSC của NH có kỳ hạn trung bình nhỏ hơn kỳ hạn trung bình TSN, kết hợp với dự báo lãi suất giảm thì NH sẽ bị tổn thất do RRLS. Như vậy, để nhận biết RRLS đối với NH thì công tác dự báo lãi suất đóng vai trò hết sức quan trọng.
1.2.3.2 Đo lường rủi ro
Hiện nay, có 4 phương pháp đo lường RRLS đang được các NH hiện đại áp dụng, đó là: mô hình kỳ hạn đến hạn, mô hình định giá lại, mô hình thời lượng và phương pháp Giá trị tại điểm rủi ro VaR. Chi tiết từng phương pháp này đã được đề cập trong phần 1.1.5 của luận văn.
1.2.3.3 Giám sát rủi ro
Đo lường RRLS trong hoạt động kinh doanh hiện tại là chưa đủ, NH còn cần phải ước tính ảnh hưởng của việc kinh doanh mới lên rủi ro của nó. Để làm được điều này, NH nên định kỳ đánh giá lại các chiến lược QTRRLS hiện tại có phù hợp với mức độ rủi ro như dự tính của NH hay không. Ban Điều hành của NH cũng cần có hệ thống báo cáo đảm bảo cung cấp thông tin thích hợp, chính xác, kịp thời và cho phép họ giám sát tình hình rủi ro hiện tại cũng như rủi ro tiềm tàng để đảm bảo rằng các mức độ đó nhất quán với các mục tiêu đã đề ra.
Gồm 2 nhân tố chính: Kiểm tra kiểm toán nội bộ và cấu trúc mức rủi ro hiệu quả. - Kiểm tra kiểm toán nội bộ: Công tác này đảm bảo rằng các cá nhân thực hiện
hoạt động kiểm soát rủi ro cần phải độc lập với những người thực hiện các hoạt động làm phát sinh rủi ro. Những khoản mục cần kiểm tra và cập nhật thường xuyên như: tính chính xác và toàn diện của dữ liệu đo lường RRLS, so sánh kết quả thực và kết quả dự báo để đánh giá hiệu quả và mức độ phù hợp của phương pháp đo lường.
- Cấu trúc mức rủi ro hiệu quả: Các hạn mức về RRLS cần được NH đặt ra và kiểm soát việc thực thi trên toàn hệ thống nhằm hạn chế tối đa mức rủi ro có thể cũng như chấp nhận mức rủi ro cho phép.
1.2.4 Phương pháp quản trị rủi ro lãi suất 1.2.4.1 Quản trị rủi ro lãi suất chủ động
Trong trường hợp có thể dự báo được chiều hướng biến động trong tương lai của lãi suất thị trường, các NHTM có thể điều chỉnh Khe hở nhạy cảm lãi suất và Khe hở kỳ hạn cho hợp lý nhất:
- Nếu dự báo lãi suất tăng: Việc duy trì Khe hở nhạy cảm lãi suất ở trạng thái dương và Khe hở kỳ hạn âm sẽ làm tăng thu nhập và giá trị ròng của NH.
- Nếu dự báo lãi suất giảm: Việc duy trì Khe hở nhạy cảm lãi suất ở trạng thái âm và Khe hở kỳ hạn dương sẽ làm tăng thu nhập và giá trị ròng của NH.
1.2.4.2 Quản trị rủi ro lãi suất thụ động
Trong trường hợp không thể dự báo được chiều hướng biến động của lãi suất thị trường trong tương lai, các NHTM có thể áp dụng chiến lược quản trị rủi ro lãi suất thụ động bằng cách duy trì Khe hở nhạy cảm lãi suất và Khe hở kỳ hạn bằng không. Theo đó, thu nhập và giá trị ròng của NH sẽ không bị ảnh hưởng cho dù lãi suất thị trường tăng hay giảm. Tuy nhiên, việc này rất khó thực hiện được trong thực tế.
1.2.4.3 Áp dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro lãi suất a)Hợp đồng lãi suất kỳ hạn
Hợp đồng lãi suất kỳ hạn là những thoả thuận của hai chủ thể về việc mua hoặc bán một số lượng chứng khoán (hay những công cụ tài chính) tại một thời điểm xác định trong tương lai với mức lãi suất được thỏa thuận vào ngày hôm nay.
Giả sử NH dự báo lãi suất sẽ tăng trong thời gian tới, làm giảm giá trị thị trường trên bảng cân đối kế toán của các tài sản mà NH đang nắm giữ. Vì vậy, NH sẽ bán kỳ hạn các tài sản này với mức lãi suất thỏa thuận ngày hôm nay.
Khi hợp đồng đến hạn, nếu lãi suất thực tế tăng đúng như dự báo thì NH sẽ bán các tài sản này theo lãi suất của hợp đồng kỳ hạn (giá cao hơn), rồi dùng số tiền đó mua lại các tài sản đã bán với lãi suất thị trường (giá thấp hơn). Lãi thu được dùng để bù đắp khoản lỗ trên bảng cân đối kế toán do sự giảm giá của tài sản khi lãi suất thực tế tăng.
Ngược lại, nếu lãi suất thực tế giảm không như dự báo thì NH cũng sẽ bán tài sản theo hợp đồng kỳ hạn (giá thấp hơn), rồi mua lại tài sản đã bán với giá cao hơn. Mức lỗ từ trường hợp này được bù đắp bằng khoản lãi trên bảng cân đối kế toán do tài sản tăng giá khi lãi suất thực tế giảm.
b)Hợp đồng lãi suất tương lai
Hợp đồng lãi suất tương lai là hợp đồng mua hoặc bán một số lượng chứng khoán (hay những công cụ tài chính) vào một thời điểm chắc chắn trong tương lai với một mức giá xác định ngay tại thời điểm thỏa thuận hợp đồng. Loại hợp đồng này được vận dụng để phòng ngừa RRLS theo cơ chế như sau:
- Phòng chống rủi ro khi lãi suất tăng: Áp dụng trong trường hợp NH đầu tư vào tài sản có lãi suất cố định với điều kiện dự đoán lãi suất thị trường trong tương lai sẽ tăng lên, làm tăng chi phí đi vay và giảm giá trị của tài sản mà NH sẽ đầu tư. Khi đó, NH sẽ thực hiện hợp đồng tương lai bán tài sản. Nếu như dự đoán của NH là đúng, thì mức lãi trên hợp đồng tương lai sẽ bù đắp lỗ do chi phí lãi tăng nhanh hơn thu nhập lãi.
- Phòng chống rủi ro khi lãi suất giảm: Áp dụng trong trường hợp NH chuẩn bị tăng nguồn vốn huy động (tức là tăng các khoản nợ phải trả) với điều kiện dự
đoán lãi suất thị trường trong tương lai sẽ giảm xuống. Điều này có lợi cho NH vì sẽ làm giảm chi phí huy động nhưng cũng làm giảm thu nhập vì lãi suất đầu ra cũng giảm, nhưng giá trị tài sản thì tăng. Khi đó, NH sẽ thực hiện hợp đồng tương lai mua tài sản và sau đó bán lại tài sản đó với giá cao hơn (vì lãi suất giảm làm tăng giá trị tài sản). Như vậy mức lãi trên hợp đồng tương lai sẽ bù đắp khoản lỗ do thu nhập lãi giảm nhanh hơn chi phí lãi.
c)Hợp đồng hoán đổi lãi suất
Hợp đồng hoán đổi lãi suất là một thỏa thuận giữa hai bên, trong đó, bên này cam kết thanh toán cho bên kia khoản tiền lãi phải trả theo lãi suất cố định (hay thả nổi) tính trên cùng một khoản nợ gốc trong cùng một khoản thời gian nhất định.
Hợp đồng hoán đổi lãi suất có thể dùng để điều chỉnh sự bất cân xứng giữa kỳ hạn thực tế của tài sản và nợ. NH A có kỳ hạn hoàn vốn trung bình của tài sản nhỏ hơn kỳ hạn hoàn vốn trung bình của nợ (tức là có Khe hở kỳ hạn âm) sẽ bị giảm sút thu nhập khi lãi suất thị trường giảm. Ngược lại, NH B có kỳ hạn hoàn vốn trung bình của tài sản lớn hơn kỳ hạn hoàn vốn trung bình của nợ (tức là có Khe hở kỳ hạn dương) sẽ bị giảm sút thu nhập khi lãi suất thị trường tăng. Vì vậy, để hạn chế RRLS, hai NH sẽ ký hợp đồng hoán đổi lãi suất như sau: NH A sẽ chuyển giao các tài sản có lãi suất biến đổi để lấy các tài sản có lãi suất cố định, còn NH B sẽ chuyển giao các nợ có lãi suất biến đổi để lấy các nợ có lãi suất cố định.
d)Hợp đồng quyền chọn lãi suất