2.4.2.1 Những hạn chế còn tồn tại
a) Chính sách quản trị rủi ro lãi suất chưa hoàn thiện
Chính sách về QTRRLS của Eximbank vẫn đang trong giai đoạn được xây dựng và hoàn thiện, hướng đến một chiến lược QTRRLS toàn diện và đồng bộ, áp dụng từ cấp cao nhất đến những đơn vị/bộ phận nhỏ nhất có liên quan đến RRLS. Hiện nay, công tác QTRRLS vẫn được thực hiện chủ yếu thông qua hoạt động của Ủy ban ALCO, các phòng ban hỗ trợ ALCO và Phòng Quản lý rủi ro thị trường. Tuy nhiên, Ủy ban ALCO có chức năng khá rộng là giám sát các hoạt động quản lý TSC – TSN của Eximbank. Đồng thời, Phòng Quản lý rủi ro thị trường vừa được
thành lập vào đầu năm 2012, tuy được xây dựng với các chức năng tương đối hoàn chỉnh nhưng hoạt động vẫn còn khá non trẻ và vẫn đang trong giai đoạn tự hoàn thiện mình. Do đó, Eximbank vẫn chưa có được một quy trình QTRRLS cụ thể, bao gồm đầy đủ các bước nhận diện, đo lường, giám sát và kiểm soát rủi ro. Như vậy, hoạt động QTRRLS tại Eximbank chưa được hoạch định một cách riêng lẻ, mà được thực hiện xen kẽ trong quản trị TSC – TSN. Vì thế rất khó khăn trong việc theo dõi, đánh giá và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hoạt động thực tế của NH.
b)Công cụ đo lường rủi ro lãi suất còn sơ khai
Công tác đo lường RRLS tại Eximbank hiện chỉ được thực hiện thông qua công cụ đơn giản nhất là phân tích khe hở nhạy cảm lãi suất. Dựa trên sự phù hợp với điều kiện thực tế, tác giả đã tiến hành đo lường RRLS theo mô hình định giá lại. Tuy nhiên, đây không phải là phương pháp tối ưu trên thế giới và có nhiều nhược điểm như đã giới thiệu ở mục 1.1.5.2 của luận văn. Như vậy, việc QTRRLS theo phương pháp đo lường này cũng chưa đạt hiệu quả cao. Eximbank chỉ có thể biết giá trị của thu nhập ròng sẽ thay đổi như thế nào khi lãi suất thay đổi, chứ chưa thể xác định được giá trị tổn thất mà NH có thể gánh chịu là bao nhiêu với xác suất bao nhiêu.
c)Việc ứng dụng công nghệ và hệ thống thông tin báo cáo còn hạn chế
Thông tin đầu vào cho hoạt động QTRRLS (như các báo cáo về phân tích, đánh giá kinh tế vĩ mô, dự đoán nhu cầu vốn, báo cáo đánh giá lãi suất thị trường, dự báo lãi suất và chênh lệch lãi suất, kế hoạch giải ngân thu nợ...) còn phân tán, chưa đảm bảo tính khách quan, đầy đủ và kịp thời. Điều này, sẽ tác động không tốt tới hiệu quả của công tác đo lường, xây dựng các hạn mức RRLS và các biện pháp kiểm soát RRLS.
Mặt khác, phần lớn các báo cáo này được thực hiện một cách thủ công, chưa được hỗ trợ bởi các phần mềm chuyên dụng cho công tác QTRRLS, hoặc chưa được truy xuất trực tiếp từ hệ thống NH lõi KoreBank của Eximbank. KoreBank hiện nay mới chỉ đáp ứng được các yêu cầu cơ bản trong hoạt động và truy xuất các báo cáo thống kê đơn thuần cho hoạt động tín dụng, chứ chưa đưa ra được những báo cáo
quản trị cho NH để hỗ trợ NH đưa ra quyết định cho phù hợp, bảo vệ thu nhập của NH trước những nguy cơ RRLS.
d)Hạn chế về công tác quản lý rủi ro thị trường, kiểm tra, kiểm soát rủi ro lãi suất
Công tác kiểm tra kiểm soát RRLS tại Eximbank chưa được nhận thức và thực hiện bài bản. Eximbank cần xác định rõ nội dung các bước trong quá trình kiểm toán, xác định chính xác phạm vi kiểm tra RRLS, xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng các báo cáo QTRRLS, cũng như chất lượng của việc giám sát RRLS, đánh giá được RRLS qua các tiêu chí kiểm toán.
Các yếu tố về mặt nhân lực cũng chưa được quan tâm đúng mức, các cán bộ có năng lực chuyên môn sâu về lĩnh vực này chưa nhiều. Chính sách đào tạo về quản trị rủi ro thị trường cũng như RRLS chưa đầy đủ, dẫn đến năng lực nghiệp vụ của các cán bộ về RRLS cũng chưa được toàn diện. Do vậy, khi lãi suất có biến ñộng lớn và nhanh chóng thì sẽ không có các biện pháp quản lý kịp thời.
e)Hệ thống dự báo lãi suất chưa hoạt động hiệu quả
Tại Eximbank, các dự đoán đưa ra còn mang nhiều định tính, trong kế hoạch kinh doanh của mình, mức lãi suất sử dụng là mức lãi suất dự kiến, phỏng đoán vào thời điểm lập kế hoạch, không phải là kết quả của việc thu thập, phân tích thông tin dự báo lãi suất theo đúng nghĩa là dự báo lãi suất. Do đó việc gặp RRLS là điều khó tránh khỏi.
f) Chưa sử dụng các công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro lãi suất
Đối với biện pháp phòng ngừa nội bảng, Eximbank đã bước đầu chủ động kiểm soát được cơ cấu tài sản và nguồn vốn về giá trị và kỳ hạn bằng các biện pháp điều hành và kiểm soát nội bộ. Tuy nhiên, đối với các biện pháp ngoại bảng, Eximbank vẫn chưa sử dụng bất kỳ công cụ phái sinh nào để phòng ngừa RRLS.
g)Việc áp dụng những chuẩn mực quốc tế trong công tác quản trị rủi ro lãi suất còn nhiều hạn chế
QTRRLS tại Eximbank vẫn còn một khoảng cách khá xa so với chuẩn mực quốc tế. Việc xây dựng, định hình, duy trì công tác QTRRLS cần được thực hiện trong dài hạn và thống nhất theo chuẩn mực quốc tế. Thực hiện được công tác này sẽ giúp NH dự đoán được xu hướng vận động của lãi suất và cân đối được các nguồn lực nhằm điều chỉnh cho phù hợp với kế hoạch kinh doanh đã đặt ra hàng năm.
2.4.2.2 Nguyên nhân a) Nguyên nhân chủ quan a) Nguyên nhân chủ quan
Quan điểm, nhận thức về rủi ro lãi suất và quản trị rủi ro lãi suất của nhà quản lý kinh doanh ngân hàng chưa thực sự toàn diện
Các nhà quản trị NHTM Việt Nam nói chung và Eximbank nói riêng chủ yếu tập trung quản trị tín dụng và thanh khoản mà chưa nhận thức được tầm quan trọng của QTRRLS. Vì thế chính sách lãi suất của NH cũng chỉ nhằm mục tiêu là làm thế nào để mở rộng được nguồn vốn và cho vay, cạnh tranh được với các NHTM khác để tăng thị phần bằng công cụ lãi suất. Nguyên nhân là do sản phẩm của Eximbank hiện nay vẫn chủ yếu là các sản phẩm truyền thống: Huy động, cho vay vẫn là những chức năng chính. Chi phí và thu nhập từ những hoạt động này vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi, tổng thu của bảng cân đối, hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán còn hạn chế. Các TSC như trái phiếu, cổ phiếu chiếm tỷ trọng không cao nên giá trị ròng của NH ít bị ảnh hưởng bởi sự biến động của lãi suất.
Mặt khác, dù công tác QTRRLS đã được nhắc đến nhiều trong vòng 5 năm trở lại đây, tuy nhiên, việc tiếp cận nghiên cứu và triển khai tại các NHTM Việt mới chỉ dừng ở mức độ sơ khai, đơn giản nhất theo phương thức vừa làm vừa học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, tìm kiếm các công cụ và phương pháp quản trị phù hợp. Do đó, trình độ quản trị chưa thực sự an toàn, hiệu quả.
Hệ thống kế toán tại ngân hàng chưa cung cấp đầy đủ những số liệu cần thiết cho việc tính toán, lượng hóa rủi ro lãi suất
Hiện nay, hệ thống kế toán tại các NHTM Việt Nam đang áp dụng phương pháp hạch toán theo nguyên tắc giá gốc. Do vậy, Eximbank nói riêng cũng như các
NHTM Việt Nam nói chung cũng chỉ có thể áp dụng mô hình định giá lại trong việc đo lường RRLS mặc dù mô hình này vẫn còn nhiều hạn chế nhất định về độ chính xác. Trong khi về độ chính xác thì mô hình thời lượng là ưu việt hơn cả nhưng mô hình này lại sử dụng phương pháp hạch toán theo giá trị thị trường của tài sản.
Chất lượng nhân sự quản trị rủi ro lãi suất chưa cao
Cùng với những vấn đề về mặt nhận thức và phương pháp đo lường, vấn đề năng lực nhân sự trong QTRRLS cũng là nguyên nhân lớn gây ra các hạn chế.
Như đã đề cập, RRLS là vấn đề khá mới mẻ đối với các NHTM Việt Nam, trong đó có Eximbank. Trên thực tế, muốn biết được mức độ tổn thất của RRLS để có biến pháp phòng chống thì NH phải tính toán được RRLS tác động như thế nào đến thu nhập ròng cũng như giá trị tài sản của NH. Để xác định một cách chính xác những tác động này đòi hỏi các cán bộ NH phải thực sự am hiểu về quản trị TSN – TSC của NH, đồng thời có những kiên thức nhất định về tài chính để nắm vững những kỹ thuật đo lường RRLS và sử dụng các mô hình. Trong khi đó, phần lớn cán bộ nhân viên NH đều chưa được trang bị kiến thức này. Ngoài ra, trình độ hiểu biết của cán bộ nhân viên NH về các nghiệp vụ phái sinh như giao dịch kỳ hạn, hoán đổi, quyền chọn… vẫn còn hạn chế, và đây chính là một trong những nguyên nhân gây trở ngại trong việc triển khai các nghiệp vụ phái sinh phòng ngừa RRLS tại NH.
Trong những năm gần đây, công tác đào tạo của Trung tâm đào tạo Eximbank đã có nhiều khởi sắc, đáp ứng nhu cầu nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ nhân viên. Đối tác chiến lược SMBC đã cử giảng viên sang truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức về hoạt động của NH hiện đại cho Eximbank, đồng thời cũng tiếp nhận những cán bộ do Eximbank gửi đi đào tạo tại các đơn vị đào tạo của SMBC. Tuy nhiên, nội dung đào tạo chủ yếu vẫn là nghiệp vụ giao dịch các sản phẩm mới, kỹ năng bán hàng và các khóa đào tạo ngắn hạn về công tác quản trị cơ bản. SMBC đã tư vấn, đề xuất và hỗ trợ Eximbank về nhân lực cũng như trình độ công nghệ để hoàn thiện hệ thống quản trị rủi ro nói chúng và QTRRLS nói riêng. Nhưng chiến
lược này cần có thời gian để triển khai và đánh giá hiệu quả trong trung và dài hạn.
Hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ quản trị rủi ro lãi suất chưa tương thích, chi phí đầu tư cao
Eximbank hiện chưa có phần mềm hỗ trợ QTRRLS đồng bộ với hệ thống Korebank của NH. Hệ thống này chưa đáp ứng được những yêu cầu về mặt tính toán, phân tích mà chỉ đơn thuần cung cấp dữ liệu.
Để giải quyết vấn đề này, Eximbank có thể đẩu tư các chuyên gia tự viết các phần mềm. Tuy nhiên việc này đòi hỏi các chuyên gia phải có trình độ rất cao, không những tường tận về công nghệ thông tin mà còn phải am hiểu sâu về quản trị rủi ro trong NH. Phương án này sẽ giúp NH giảm đáng kể chi phí mua phần mềm. Tuy vậy, trình độ nguồn nhân lực còn hạn chế là nguyên nhân khiến phương án này chưa thể thực hiện được trên thực tế.
Ngoài ra, khi quyết định mua phần mềm chuyên dụng trong việc quản trị, NH phải cân nhắc giữa chi phí đầu tư và lợi nhuận thu được. Điều này phụ thuộc vào mức độ đầu tư của NH và hiệu quả của việc đầu tư mang lại.
Một yếu tố cần phải cân nhắc khi mua các phần mềm này là tính tương thích của nó với hệ thống KoreBank hiện tại. NH cần xác định rằng liệu hệ thống dữ liệu hoạt động trong quá khứ và hiện tại có đủ đáp ứng các yêu cầu của phần mềm này hay không, vì có thể sau khi NH bỏ ra chi phí lớn để mua các giải pháp công nghệ QTRRLS thì khi triển khai lại không thể cung cấp được các báo cáo quản trị rủi ro do số liệu đầu vào chưa đảm bảo mức độ chính xác và đầy đủ cần thiết, gây khó khăn trong việc tính toán.
b) Nguyên nhân khách quan
Nguyên nhân từ chính sách điều hành lãi suất của NHNNVN
- Lượng cung tiền cho tăng trưởng tín dụng do Chính phủ khống chế hàng năm với mục tiêu là kiềm chế lạm phát, do vậy tác dụng của lãi suất tái cấp vốn trong việc điều hành chính sách còn bị hạn chế.
- Mối liên hệ giữa các loại lãi suất thị trường, đặc biệt là lãi suất trái phiếu Chính Phủ, lãi suất VND trên thị trường LNH với lãi suất của NHNNVN (lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tiền gửi của các TCTD tại NHNNVN) còn tách rời nhau, biến động chưa phù hợp với cơ chế lãi suất thị trường. Như vậy vai trò điều tiết lãi suất thị trường thông qua các công cụ này thực sự còn hạn chế, có thể gây tác động lớn đến công tác QTRRLS của các NHTM Việt Nam.
- Thị trường nội tệ LNH chưa được củng cố theo hướng tập trung các thông tin về giao dịch để phản ánh chính xác lãi suất thị trường, NHNNVN khó có thể thực hiện một cách có hiệu quả vai trò là người cho vay cuối cùng và kiểm soát lãi suất thị trường.
- NHNNVN đã can thiệp quá sâu vào thị trường tài chính theo các công cụ mệnh lệnh hành chính, lãi suất của các NHTM phụ thuộc nhiều vào các qui định của NHNNVN. Việc thay đổi liên tục các quyết định về lãi suất huy động áp dụng tại các NH TMCP của NHNNVN (ấn định lãi suất trần huy động, thay đổi lãi suất cơ bản…) đã tạo tâm lý không ổn định cho khách hàng gửi tiền. Vì vậy, khách hàng chỉ gửi tiền với kỳ hạn ngắn do kỳ vọng lãi suất sẽ tăng. Điều này làm ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của các NH, gây khó khăn đến công tác quản trị TSN – TSC.
Thị trường tài chính tiền tệ chưa phát triển
Hiện nay, sự phát triển của thị trường tài chính – tiền tệ của Việt Nam còn hạn chế. Xét về độ sâu tài chính, mức độ tiền tệ hóa nền kinh tế, thị trường tài chính Việt Nam vẫn còn kém phát triển và lạc hậu so với các nước trong khu vực. Điều này thể hiện qua các công cụ tài chính còn nghèo nàn về chủng loại và nhỏ bé về lượng giao dịch tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh và trên thị trường tiền tệ trong những năm qua. Thị trường tiền tệ cung cấp những thông tin quan trọng về mức lãi suất ngắn hạn để có thể hình thành được đường cong lãi suất, làm cơ sở cho việc dự báo lãi suất thị trường cũng như việc định giá
các trái phiếu có lãi suất cố định và các hợp đồng phái sinh. Như vậy, sự kém phát triển của thị trường tài chính tiền tệ đã gây những khó khăn hạn chế cho các NHTM Việt Nam, trong đó có Eximbank trong việc định lượng và sử dụng các công cụ phòng ngừa RRLS.
Hệ thống văn bản pháp lý về đo lường và quản trị rủi ro lãi suất tại các NHTM chưa hoàn thiện
Các văn bản pháp lý quy định về chính sách đo lường, QTRRLS tại các NHTM còn rất hạn chế, kể cả trong quy chế giám sát của thanh tra NHNNVN Việt Nam cũng chưa có quy định nội dung giám sát này. Hiện tại, mới chỉ có Thông tư số 13/2010/TT-NHNNVN ngày 20/5/2010 và số 19/2010/TT-NHNNVN ngày 27/9/2010 quy định về Tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng trên cơ sở xem xét áp dụng thông lệ Basel II nhưng vẫn còn khá mơ hồ. Điều này, dẫn đến việc các NHTM chưa nhận thức được đầy đủ về sự cần thiết cũng như cách thức thực hiện việc QTRRLS, và đây cũng chính là một điểm hạn chế cho việc lượng hoá RRLS tại các NHTM. Các NHTM vẫn đang mong đợi NHNNVN sớm ban hành những quy định cụ thể hơn hướng dẫn triển khai hoạt động này trên tất cả các mặt từ thiết lập chính sách, quy định, quy trình cho đến phương pháp đo lường,