Đóng vai trong dạy học lịch sử là phương pháp giáo viên tổ chức cho học sinh thực hành, làm thử, hay hóa thân vào một sự kiện lịch sử nào đó. Phương pháp này có tác dụng giúp chuyển tải nội dung câu chuyện lịch sử trực tiếp tới học sinh, câu chuyện được tái hiện lại một cách sinh động, tạo xúc cảm lịch sử cho học sinh. Phương pháp đóng vai có tác dụng phát huy kinh nghiệm sống của bản thân vào
64
hoàn cảnh cụ thể để phân tích, lí giải, tranh luận, khắc sâu kiến thức, gây hứng thú học tập và nâng cao hiệu quả bài học.
Ưu điểm của phương pháp đóng vai là: Giúp cho học sinh được rèn luyện thực hành những kỹ năng ứng xử và bày tỏ thái độ trong môi trường an toàn trước khi thực hành trong thực tiễn. Gây hứng thú và chú ý cho học sinh; HS hình thành kỹ năng giao tiếp, có cơ hội bộc lộ cảm xúc. Tạo điều kiện làm phát triển óc sáng tạo của học sinh. Khích lệ sự thay đổi thái độ, hành vi của học sinh theo hướng tích cực. Có thể thấy ngay tác động và hiệu quả của lời nói hoặc việc làm của các vai diễn. Bên cạnh đó, phương pháp đóng vai cũng có những mặt hạn chế như: HS nhút nhát, thiếu tự tin khi đứng trước tập thể, vốn từ ít, khó thực hiện vai của mình. Gv phải động viên, khuyến khích, tạo cơ hội cho đối tượng HS này tham gia bắt đầu từ những tình huống đơn giản.
Các bước tiến hành: Giáo viên hướng dẫn học sinh xây dựng thành bài tiểu phẩm, để cụ thể hóa kiến thức bài học, tùy theo nội dung và mục đích của bài. Việc tiến hành tổ chức HS đóng vai theo các bước sau :
+ Bước 1: GV nêu chủ đề, chia nhóm và giao tình huống và yêu cầu đóng vai cho từng nhóm. Trong đó có quy định rõ thời gian chuẩn bị, thời gian đóng vai của mỗi nhóm để học sinh các nhóm xây dựng kịch bản, phân công người sắm vai.
+ Bước 2. Các nhóm thảo luận chuẩn bị đóng vai : phân vai, dàn cảnh, cách thể hiện nhân vật, diễn thử.
+ Bước 3. Các nhóm đóng vai. + Bước 4. Lớp thảo luận, nhận xét.
+ Bước 5. Giáo viên nhận xét, kết luận, giúp học sinh rút ra bài học cho bản thân.
Ví dụ: Dạy bài 22: “Nhân dân hai miền trực tiếp chiến đấu chống đế quốc Mĩ xâm lược. Nhân dân miền Bắc vừa chiến đấu vừa sản xuất (1965-1973)”, phần
II.2 “Miền Bắc vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, vừa sản xuất và làm nghĩa vụ hậu phương”, khi giảng đến phần kiến thức: miền Bắc làm nghĩa vụ hậu phương cho miền Nam, giáo viên cho học sinh đóng vai ông Nguyễn Việt Hồng kể về kỉ vật “Nắm tóc thề của liệt sĩ Võ Thị Tần”, một trong 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc:
65
“Du khách đến thăm nhà truyền thống thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc đều xúc động không cầm được nước mắt khi nhìn “nắm tóc thề” của tiểu đội trưởng Võ Thị Tần gửi cho người yêu trước khi lên đường vào miền Nam chiến đấu… Trong 10 cô gái bất tử tại Ngã ba Đồng Lộc chỉ có tiểu đội trưởng Võ Thị Tần có người yêu. Tôi về xóm 5, thôn Tân Hạ, xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh may mắn được gặp ông Nguyễn Việt Hồng, người yêu của liệt sĩ Võ Thị Tần để tìm hiểu về một mối tình đẹp. Lặng lẽ đến trước bàn thờ Võ Thị Tần thắp nén hương, ông chậm rãi trải lòng:
“Nếu không có cái ngày 24/7/1968 định mệnh ấy thì chắc chúng tôi đã thành ông, thành bà rồi. Giờ tôi đã ngoài 70 tuổi nhưng không sao quên được Võ Thị Tần. Tần và tôi ở 2 xóm gần nhau. Chúng tôi quý mến nhau, thương nhau từ khi học cấp 2. Tần xinh gái, nước da trắng hồng, làm cho nhiều chàng trai đắm đuối. Nhưng Tần chỉ một mực thương yêu tôi, một chàng trai nhà quê, chân chất, thật thà. Tháng 10/1964 chúng tôi làm lễ ăn hỏi. Một tháng sau, tôi lên đường nhập ngũ, trước khi vào miền Nam chiến đấu, Tần dặn tôi: “Anh không hoàn thành nhiệm vụ về là em không chấp nhận”. Và cô đưa cho tôi nắm tóc thề xoắn hình 2 trái tim gắn vào nhau. Cầm nắm tóc thề của Tần tôi xúc động vô cùng. Là người ít nói, nắm tóc thề của Tần thay lời hẹn ước. Tôi nghẹn lòng không nói được gì. Đoàn quân xa dần, xa dần mà Tần vẫn đứng đó. Không ngờ đó là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau”.
Vào chiến trường tôi tham gia chiến đấu ở Cồn Tiên, Dốc Miếu, Cửa Việt. Năm 1968 tôi được điều ra chiến đấu ở đảo Cồn Cỏ, biết cuộc chiến đấu tại đảo sẽ vô cùng ác liệt, sợ không giữ được kỉ vật của người yêu, tôi dùng ống liều phóng súng cối 60 li cho ảnh và nắm tóc thề vào đấy, lấy bao ni-lông quấn chặt nhiều lớp, chôn gần kho đạn của Trung đoàn, làm dấu cẩn thận để nếu còn sống khi trở về sẽ lấy lại. Hơn nửa năm chiến đấu ở đảo ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đơn vị cử ra Sơn Tây học Trường Sĩ quan Lục quân. Trước khi đi, tôi đến nơi cất giấu kỉ vật, may mà nó vẫn còn. Trước mỗi trận đánh ác liệt, tôi luôn nhớ lời dặn dò và nắm tóc thề của người yêu, nhờ đó tăng thêm nghị lực và sức mạnh.“Tần giúp tôi vững vàng hơn trước kẻ thù”.
66
Chuẩn bị đi học, tôi xin phép cấp trên được về nhà cưới vợ, nhưng bỗng nhận được tin sét đánh: “Tần ở nhà đi thanh niên xung phong, đã hi sinh ở Ngã ba Đồng Lộc, nơi chảo lửa, túi bom trên tuyến đường vận tải chi viện ra chiến trường”. Khóc đến cạn nước mắt, về nhà tôi lập bàn thờ, thờ người vợ chưa cưới của mình. Họ hàng nhà tôi xem liệt sĩ Võ Thị Tần như con dâu trong gia đình, các con tôi đều gọi bà là mẹ. Hôm bốc mộ đưa Tần vào nghĩa trang, tôi là người trực tiếp đưa hài cốt Tần sang tiểu. Không biết ở dưới suối vàng Tần có thấu cho tôi không? Chiến tranh đã cướp đi tất cả. Tôi mong Tần hiểu cho tấm lòng của tôi. Mong kiếp sau chúng tôi được sống bên nhau.
Với tôi, nắm tóc thề của người yêu là kỉ vật thiêng liêng nhất, luôn được cất giữ cẩn thận. Nhưng khi bà Đặng Thị Yến, Phó Giám đốc Khu lưu niệm Ngã ba Đồng Lộc đi lại rất nhiều lần xin về trưng bày ở nhà truyền thống, nể quá tôi đành đồng ý. Xa kỉ vật của người thương, nhưng tình cảm tôi dành cho người phụ nữ chưa một lần làm vợ vẫn vẹn nguyên trong trái tim” [8].
Sau đó giáo viên nêu câu hỏi: Nhân dân miền Bắc đã sản xuất và chiến đấu như thế nào để chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam? Học sinh căn cứ vào SGK và câu chuyện trên để trả lời. Nhân dân miền Bắc không chỉ ra sức sản xuất mà còn dũng cảm chiến đấu và hy sinh để bảo đảm sự an toàn cho những chuyến xe trên tuyến đường vận chiến lược Bắc - Nam mang tên Hồ chí Minh. Học sinh thấy được tình đoàn kết của nhân dân hai miền, cùng chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập của Tổ quốc,
đúng như chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.
Câu chuyện còn tạo cho các em xúc cảm lịch sử về một tình yêu giản dị, thầm lặng và cao đẹp, cùng ở lứa tuổi các em, thế hệ cha anh phải hy sinh cả sự nghiệp, tình yêu, cuộc sống cho quê hương đất nước. Các em thấy được trách nhiệm của mình, ra sức rèn luyện trong cuộc sống, lao động và học tập để xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu đẹp hơn.
Ví dụ: Dạy bài 22: “Nhân dân hai miền trực tiếp chiến đấu chống đế quốc Mĩ xâm lược. Nhân dân miền Bắc vừa chiến đấu vừa sản xuất (1965-1973)”, phần I.3.
67
thức: Ý nghĩa của cuộc tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968, kết quả chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, giáo viên cho học sinh đóng vai là hướng dẫn viên du lịch giới thiệu về Địa đạo Củ Chi:
“Nơi chúng ta đang đặt chân tới là Địa đạo Củ Chi, đây là cách gọi chung của các hệ thống địa đạo khác nhau, được hình thành từ khoảng thời gian 1946-1948, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trong thời gian 1961-1965, các xã phía Bắc Củ Chi đã hoàn thành tuyến địa đạo trục gọi là “xương sống”, sau đó các đoàn thể, cơ quan, đơn vị phát triển địa đạo nhánh ăn thông với tuyến trục hình thành những địa đạo liên hoàn giữa các ấp, các xã và các vùng. Đến năm 1965, có khoảng 200 km địa đạo đã được đào. Về quy mô, hệ thống địa đạo có tổng chiều dài toàn tuyến là trên 200 km, với 3 tầng sâu khác nhau: Tầng một, cách mặt đất 3m, chống được đạn pháo và sức nặng của xe tăng, xe bọc thép.
Tầng 2, cách mặt đất 5m, có thể chống được bom cỡ nhỏ. Còn tầng cuối cùng cách mặt đất 8-10m. Ðường lên xuống giữa các tầng hầm được bố trí bằng các nắp hầm bí mật. Bên trên ngụy trang kín đáo, nhìn như những ụ mối đùn, dọc đường hầm có lỗ thông hơi. Liên hoàn với địa đạo có các hầm rộng để nghỉ ngơi, có nơi dự trữ vũ khí, lương thực, có giếng nước, có bếp Hoàng Cầm, có hầm chỉ huy, hầm giải phẫu... Còn có cả hầm lớn, mái lợp thoáng mát, ngụy trang khéo léo để xem phim, văn nghệ.
Quân đội Mĩ và Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã liên tục tấn công vào hệ thống địa đạo bằng đủ phương tiện: bom, bơm nước vào địa đạo, hơi ngạt... nhưng do hệ thống địa đạo được thiết kế có thể cô lập từng phần nên bị hư hại không nhiều. Quân đội Mĩ đã áp dụng nhiều biện pháp để phát hiện các cửa vào (được ngụy trang) và phát hiện các cửa thông gió (thường được đặt giữa các bụi cây). Biện pháp hữu hiệu nhất là sử dụng chó nghiệp vụ. Ban đầu có một số cửa vào và lỗ thông gió bị chó nghiệp vụ phát hiện do chó ngửi được hơi người. Tuy nhiên, sau đó, những người ở dưới địa đạo đã dùng xà phòng của Mĩ đặt ở cửa hầm và cửa thông gió nên chó nghiệp vụ không thể phát hiện ra.
68
Ngày nay, địa đạo Củ Chi còn khoảng 120 km được bảo vệ và đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn cho du khách đến thăm Thành phố Hồ Chí Minh” [63].
Sau đó giáo viên đưa ra câu hỏi: Vì sao Mĩ thất bại trong chiến lược “Chiến
tranh cục bộ”? Ý nghĩa của chiến thắng xuân Mậu Thân 1968? Qua câu chuyện học sinh sẽ lý giải được, mặc dù với phương tiện và vũ khí hiện đại Mĩ cũng phải khuất phục trước sức mạnh, lòng dũng cảm, sự mưu trí của quân dân ta nói chung và nơi “Đất thép, thành đồng” nói riêng. Với chiến thắng này có ý nghĩa to lớn là làm lung lay ý chí xâm lược của quân Mĩ, chúng phải tuyên bố “phi Mĩ hóa” chiến tranh xâm lược. Học sinh rất cảm phục, tự hào và lòng biết ơn sâu sắc với thế hệ cha anh đã anh dũng, chiến đấu vì nền độc lập thiêng liêng của Tổ quốc.
Như vậy, phương pháp đóng vai giúp học sinh tiếp thu kiến thức dễ dàng. Học sinh được bày tỏ thái độ trong khi thể hiện. Gây hứng thú và sự chú ý trong giờ học, tạo điều kiện làm nảy sinh óc sáng tạo, rèn luyện cho học sinh tính mạnh dạn, tự tin đứng trước đông người.