Những câu chuyện lịch sử có tác dụng giáo dục rất lớn trong giờ học lịch sử, làm cho giờ học thêm phong phú, góp phần gây hứng thú học tập cho học sinh, nâng cao hiệu quả bài học. Song khi lựa chọn những câu chuyện lịch sử cần phải tuân thủ một số nguyên tắc của lý luận dạy học nói chung và phương pháp sử dụng tài liệu nói riêng. Cần tránh việc giáo viên biến giờ học lịch sử thành giờ nghiên cứu tài liệu, làm loãng nội dung bài giảng, hoặc sử dụng câu chuyện chỉ để minh họa cho bài giảng, sử dụng một cách công thức, áp đặt, không phù hợp với nội dung bài học làm cho bài học trở nên cứng nhắc, thiếu sinh động... Như vậy, sẽ không gây được hứng thú học tập cho học sinh. Vì thế, khi sử dụng câu chuyện trong dạy học lịch sử, theo chúng tôi giáo viên cần tuân thủ một số yêu cầu sau:
Thứ nhất: Lựa chọn câu chuyện phải đảm bảo tính khoa học, tính chính xác,
tính tư tưởng trong dạy học lịch sử. Hiện thực lịch sử là khác quan, chỉ có một, nhưng nhận thức lịch sử có nhiều, điều đó là do trình độ, tính giai cấp, quyền lợi của người tìm hiểu lịch sử. Trong nhiều nhận thức khác nhau về lịch sử chỉ có một nhận
52
thức đúng, đó là nhận thức phản ánh lịch sử khách quan, đúng như nó tồn tại, dựa trên cơ sở Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm đường lối của Đảng và Nhà nước. Vì vậy lựa chọn câu chuyện phải đảm bảo tính khoa học, tính chính xác, tính tư tưởng trong dạy học lịch sử. Đây là yêu cầu quan trọng đối với nội dung dạy học ở nhà trường nói chung và nội dung những câu chuyện lịch sử nói riêng. Khi giáo viên lựa chọn câu chuyện trong giảng dạy phải chú ý đến quan điểm của tác giả, hoàn cảnh ra đời, nội dung tư tưởng. Tránh những câu chuyện hư cấu, tránh những chi tiết li kì không có giá trị khoa học, không phù hợp với yêu cầu học tập, đi ngược lại quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Chúng ta phải loại bỏ những loại chuyện kiếm hiệp, tiểu thuyết xuyên tạc lịch sử, có ảnh hưởng xấu đến việc hình thành tri thức lịch sử, giáo dục tư tưởng, tình cảm cho học sinh.
Thứ hai: Sử dụng câu chuyện phải đáp ứng mục tiêu dạy học. “Mục tiêu bài học
lịch sử chính là cái đích cần phải đạt đến mức độ được quy định, là sự cam kết của thầy và trò trong dạy học” [11, tr. 33].
Mục tiêu được xác định đúng sẽ là cơ sở để giáo viên chọn lựa tài liệu học tập phù hợp. Do đó khi lựa chọn câu chuyện thì giáo viên cũng phải xuất phát từ mục tiêu bài học, yêu cầu của bài học để các câu chuyện phải có chủ đề, có giá trị về mặt khoa học tư tưởng, nghệ thuật và thẩm mĩ....Có tác dụng giáo dưỡng, giáo dục và phát triển tư duy học sinh.
Thứ ba: Các câu chuyện được lựa chọn phải tương ứng và có tác dụng làm rõ kiến thức cơ bản. “Kiến thức cơ bản là kiến thức tối ưu, cần thiết cho việc hiểu biết
của học sinh về lịch sử. Nó gồm nhiều yếu tố: sự kiện lịch sử, các niên đại, địa danh lịch sử, nhân vật lịch sử, các biểu tượng, khái niệm lịch sử, các quy luật, nguyên lí, phương pháp học tập và vận dụng kiến thức ” [33, tr. 83].
Vậy khi dạy bài mới giáo viên cần dựa vào nội dung cơ bản trong sách giáo khoa, giảng kĩ phần quan trọng nhất đồng thời bổ sung vào bài giảng các câu chuyện lịch sử cần thiết, gắn với thời gian xảy ra sự kiện, qua đó làm rõ kiến thức cơ bản. Như vậy sẽ tránh được hai khuynh hướng sai lầm thường gặp phải: một là thoát ly nội dung sách giáo khoa, hai là lặp lại nguyên văn kiến thức trong sách giáo khoa.
53
Thứ tư: Lựa chọn nội dung câu chuyện phải đảm bảo tính vừa sức với trình độ
và tâm lý học sinh. Đây là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết khi dạy bộ môn nói chung và việc sử dụng câu chuyện trong dạy học lịch sử nói riêng ở trường phổ thông. Nguyên tắc vừa sức là “Nguyên tắc vàng” trong dạy học. Đòi hỏi giáo viên phải biết lựa câu chuyện cơ bản, độ dài ngắn, chọn tình tiết này, bỏ tình tiết kia phụ thuộc vào đối tượng học sinh và nội dung bài học, thời gian cho phép. Trong đó đặc biệt chú ý là phải phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh nghĩa là không quá khó hoặc quá dễ.
Thứ năm: Khi sử dụng câu chuyện trong dạy học lịch sử cần kết hợp các phương
pháp dạy học khác: sử dụng đồ dùng trực quan kết hợp với trao đổi, đàm thoại, nêu vấn đề, nguyên tắc liên môn, nhưng vẫn phải đảm bảo dung lượng phương pháp và thời gian. Trình bày nội dung câu chuyện của giáo viên phải thật sinh động, gợi hình ảnh, giúp học sinh lĩnh hội tri thức một cách nhanh chóng, đầy đủ và khoa học, phát huy tính tích cực, chủ động và từ đó gây hứng thú học tập bộ môn cho học sinh.
Thứ sáu: Khi sử dụng câu chuyện trong dạy học lịch sử phải sử dụng ngôn ngữ
sinh động, hấp dẫn, truyền cảm. Đây là một nhân tố không thể thiếu trong việc nâng cao chất lượng giờ học, ngôn ngữ là nhân tố tất yếu trong dạy học bởi vì nó là nguồn cung cấp kiến thức chủ yếu, sử dụng lời nói là một phương tiện rất quan trọng để truyền thụ kiến thức. Vì vậy, trong câu chuyện cũng như qua lời kể của giáo viên phải sử dụng ngôn ngữ sinh động, hấp dẫn. Điều này sẽ có tác động rất lớn tới xúc cảm, tình cảm của học sinh, làm tăng hứng thú học tập cho học sinh.
Tóm lại, sử dụng câu chuyện trong dạy học lịch sử cần phải đảm bảo mục tiêu giáo dưỡng, giáo dục, phát triển cho học sinh. Giáo viên phải dựa vào đặc trưng của từng loại câu chuyện, tùy theo yêu cầu của bài hoc và khả năng nhận thức của học sinh để lựa chọn câu chuyện và phương pháp thích hợp trong dạy học lịch sử. Câu chuyện khi kể phải làm cho người nghe xúc động như được sống lại với sự kiện ấy. Bằng những ngôn ngữ giàu hình ảnh, biểu cảm của giáo viên, kết hợp với tranh ảnh, bản đồ, lược đồ hay những thước phim để tường thuật, miêu tả, phân tích, giải thích cho học sinh để các em cảm thấy dễ hiểu, xúc động, muốn tìm hiểu sâu về kiến thức lịch sử. Qua đó, góp phần tạo hứng thú cho học sinh trong dạy học lịch sử.
54