Tổ chức bảo hiểm quốc tế cũng đã khuyến nghị một số nguyên tắc: mức bảo hiểm nên giới hạn nhưng phải đáng tin cậy và có thể nhanh chóng được xác định, mức bảo hiểm này cần phải đạt được yêu cầu là bảo hiểm toàn bộ cho phần lớn người
gửi tiền nhằm đáp ứng các mục tiêu chính sách công và nhất quán với đặc điểm thiết kế khác của hệ thống bảo hiểm tiền gửi; hạn mức phải đủ cao để duy trì niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng và hạn mức đủ thấp để tránh rủi ro đạo đức và kinh doanh.
Xác định hạn mức chi trả BHTG ban đầu:
Để xác định hạn mức chi trả BHTG, các tổ chức BHTG trước hết phải thu thập số liệu về tiền gửi. Ví dụ: số lượng và số dư trung bình các tài khoản mà người gửi tiền mở tại các tổ chức nhận tiền gửi. Số liệu này cho phép tổ chức BHTG xác định tỷ lệ các tài khoản cũng như tổng số tiền gửi cần được bảo hiểm ở mức độ khác nhau, từ đó đề xuất một hạn mức chi trả bảo vệ được đại đa số người gửi tiền. Theo thông lệ quốc tế, hạn mức bảo vệ tối thiểu 80% người gửi tiền và 20-40% tổng số dư tiền gửi được cho là phù hợp.
Tiếp đó, có thể sử dụng tỷ lệ Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người để xác định hạn mức chi trả tối ưu. Vì khi GDP bình quân đầu người thay đổi sẽ dẫn tới thay đổi quy mô của các khoản tiền gửi trong dân cư.
Điều chỉnh hạn mức chi trả BHTG:
Thực tế cho thấy, tỷ lệ lạm phát, sự thay đổi về cơ cấu và quy mô tiền gửi cũng như sự phát triển của các công cụ tài chính có thể làm giảm giá trị thực của hạn mức chi trả BHTG và làm nó trở nên kém phù hợp với các mục tiêu chính sách. Do đó, việc điều chỉnh mức chi trả BHTG là cần thiết. IADI đã chỉ ra một số nội dung cần phải rà soát và điều chỉnh hạn mức chi trả, đó là:
Sự cần thiết phải bảo vệ phần lớn người gửi tiền nếu sự phát triển kinh tế vĩ mô và hệ thống ngân hàng làm thay đổi bất lợi đến một phần người gửi tiền hoặc khối lượng tiền gửi được bảo hiểm. Việc rà soát giúp cho hạn mức mang tính kịp thời. Các chỉ số cần được thường xuyên đánh giá bao gồm thu nhập bình quân đầu người, chỉ số giá tiêu dùng CPI, hoặc số liệu thống kê về cơ cấu và quy mô tiền gửi hàng năm.
Yêu cầu đáp ứng hạn mức chi trả tối thiểu quy định bởi Luật BHTG hoặc quy định của Chính phủ.
Kỳ vọng của người gửi tiền.
Sự cần thiết phải chuyển đổi từ cơ chế bảo hiểm toàn bộ sang bảo hiểm giới hạn và ngược lại.
Khuyến khích các tổ chức tài chính tham gia hệ thống BHTG, đặc biệt là thành viên tự nguyện. Ở Việt Nam, BHTG là bắt buộc đối với các tổ chức nhận tiền gửi.
Giảm thiểu rủi ro đạo đức từ các tổ chức tham gia BHTG.
Những điều chỉnh về hạn mức chi trả BHTG nên được thực hiện định kỳ hoặc đột xuất do các biến động trong hệ thống tài chính ngân hàng. Hầu hết các quốc gia đều áp dụng đồng thời hai phương pháp: Điều chỉnh hạn mức chi trả phù hợp với biến động các chỉ số (thông thường sử dụng chỉ số giá tiêu dùng) và đánh giá sự phù hợp của hạn mức chi trả thông qua việc tính toán nhu cầu tiềm năng của một người gửi tiền trung bình tại hai thời kỳ khác nhau để tính toán điều chỉnh hạn mức chi trả. Tuy nhiên, tần suất thay đổi hạn mức cũng phụ thuộc vào tình trạng của nền kinh tế. Với những nước có nền kinh tế phát triển ổn định và lạm phát thấp, tần suất này sẽ thưa hơn so với những nước hoặc có nền kinh tế đang gặp phải những thách thức trầm trọng hoặc hệ thống tài chính đang phát triển hoặc đang trải qua giai đoạn khủng hoảng.
Trong giai đoạn kinh tế bình thường, hạn mức thường được xác định bằng từ 2 đến 5 lần GDP/đầu người, bảo vệ toàn bộ được trên 80% người gửi tiền và khoảng 30% tổng giá trị tiền gửi được bảo hiểm. Các quốc gia với hệ thống ngân hàng hoạt động rủi ro cao có xu hướng duy trì hạn mức trả tiền bảo hiểm cao hơn nhằm bảo vệ tốt nhất người gửi tiền. Trong giai đoạn khủng hoảng, hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi sẽ được tăng lên hoặc bảo đảm toàn bộ vì một số lý do sau:
Trong giai đoạn khủng hoảng, sự thay đổi của tỷ lệ lạm phát ảnh hưởng đến giá trị thực của hạn mức và khiến nó không còn phù hợp với mục tiêu chính sách công.
Việc tăng hạn mức sẽ củng cố niềm tin của người gửi tiền vào các ngân hàng, qua đó ngăn chặn tình trạng rút tiền hàng loạt và tăng cường sự ổn định của hệ thống tài chính ngân hàng, tránh làm trầm trọng thêm khủng hoảng.
Mục tiêu quan trọng nhất của BHTG cũng như chính sách hạn mức trả tiền bảo hiểm là bảo vệ số đông người gửi tiền. Do đó, trong thời kỳ khủng hoảng, nhiều quốc gia áp dụng bảo đảm toàn bộ để có thể bảo vệ người gửi tiền tốt nhất.
Việc tăng hạn mức chi trả tiền bảo hiểm nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho người gửi tiền, góp phần ổn định hệ thống tài chính, nhưng cũng phải cân nhắc các yếu tố sau:
Hạn mức sau khi điều chỉnh phải đảm bảo duy trì niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống tài chính và giảm thiểu rủi ro đạo đức;
Quy mô quỹ bảo hiểm tiền gửi: cần có lộ trình tăng quy mô quỹ bảo hiểm tiền gửi để quỹ có đủ năng lực đáp ứng hạn mức muốn hướng tới. Nguồn chủ yếu để tăng quỹ là từ phí bảo hiểm tiền gửi. Ngoài ra, trong trường hợp khẩn cấp, tổ chức bảo hiểm tiền gửi cần được tiếp cận các nguồn hỗ trợ đặc biệt;
Văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật bảo hiểm tiền gửi về hạn mức trả tiền bảo hiểm phải đảm bảo hiệu lực thi hành và tính khả thi.
1.4.Hoạt động bảo hiểm tiền gửi ở một số quốc gia và bài học kinh nghiệm về hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi
1.4.1. Hoạt động bảo hiểm tiền gửi ở một số quốc gia
Luận văn xin giới thiệu một số tổ chức BHTG tiêu biểu: Tổ chức BHTG liên bang Mỹ (hệ thống BHTG ra đời đầu tiên trên thế giới), Tổ chức BHTG Malaysia (tổ chức có trẻ nhất ở khu vực Châu Á), Tổ chức BHTG cho các ngân hàng tư nhân Đức (tổ chức có mô hình hoạt động được tổ chức theo mô hình hiệp hội phi chính phủ).
1.4.1.1. Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ
Nguồn vốn hoạt động: Nguồn vốn cần thiết để thành lập FDIC do Kho bạc Mỹ
và 12 ngân hàng Nhà nước Liên bang cung cấp. Kho bạc Mỹ đóng 150 triệu USD và các ngân hàng Nhà nước liên bang góp 139 USD.
Các hoạt động nghiệp vụ chính của FDIC
Thu phí BHTG: Khi mới thành lập, các ngân hàng tham gia FDIC phải đóng
phí hằng năm ở một mức độ như nhau bằng 1%/năm trên số dư tiền gửi thuộc đối tượng được bảo hiểm, nhưng chỉ đóng ngay 0,5%/năm trên số dư tiền gửi thuộc đối tượng được bảo hiểm, phần còn lại sẽ phải đóng khi FDIC yêu cầu. Phí bảo hiểm tiền gửi giảm dần qua các năm vì năng lực tài chính của FDIC tăng dần qua số phí bảo hiểm tiền gửi tích lũy. Và bắt đầu từ 01/01/1993 FDIC mới chuyển từ hình thức áp dụng tỷ lệ phí bảo hiểm tiền gửi đồng hạng sang áp dụng tỷ lệ phí bảo hiểm tiền gửi có phân biệt theo mức độ rủi ro của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Vào thời điểm đó, các nhà lập pháp Mỹ đã nhận thấy cần đẩy nhanh tốc độ tích lũy quỹ BHTG nhằm đảm bảo nguồn lực ứng phó tốt hơn với rủi ro tăng cao của hệ thống ngân hàng, đồng thời hạn chế tình trạng tổ chức tài chính có rủi ro thấp phải tài trợ phần phí cho các tổ chức có rủi ro cao. Phương pháp tính phí BHTG tại Mỹ tiếp tục được sửa đổi, bổ sung nhằm phù hợp với những thay đổi của hệ thống ngân hàng. Một đặc điểm đáng lưu ý là trong giai đoạn từ 1997-2007, khi tỷ lệ quỹ mục tiêu của FDIC đã đạt được mức theo yêu cầu của Luật định (1,25%), FDIC đã giảm tỷ lệ phí, trong đó những ngân hàng có mức độ rủi ro thấp nhất không phải nộp phí. Mức phí hàng năm áp dụng đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi dao động trong khoảng 0,00% đến 0,27% của tổng số dư tiền gửi thuộc đối tượng được bảo hiểm tại mỗi ngân hàng.
Hoạt động kiểm tra giám sát tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi: FDIC rất
quan tâm đến hoạt động kiểm tra, giám sát. Ngay sau khi thành lập, FDIC đã cử 4.000 kiểm tra viên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các ngân hàng nhằm đánh giá tình trạng hoạt động của các ngân hàng thành viên. So sánh với số lượng thanh tra viên của hệ thống ngân hàng Nhật Bản năm 1995 là 400 người và số thanh tra viên
của hệ thống ngân hàng Mỹ năm 1995 là 8.000 người thì rõ ràng là FDIC rất chú trọng công tác kiểm tra, giám sát các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi ngay từ khi mới bắt đầu triển khai hoạt động.
Nội dung kiểm tra, giám sát của FDIC gồm: kiểm tra việc đảm bảo ngân hàng thành viên tham gia bảo hiểm tiền gửi bổ sung vốn nhằm đảm bảo quy định về vốn trong hoạt động ngân hàng, khả năng đảm bảo hoạt động lành mạnh và an toàn của ngân hàng.
Luật ngân hàng Mỹ quy định rõ quyền hạn của FDIC trong công tác kiểm tra. Tất cả các ngân hàng tham gia BHTG muốn sáp nhập với các tổ chức không tham gia BHTG phải được sự đồng ý của FDIC. FDIC được quyền yêu cầu bất kỳ ngân hàng nào là thành viên tham gia BHTG phải báo cáo về các giải pháp phòng chống rủi ro đối với hoạt động của mình. Nếu FDIC phát hiện ra tổ chức tham gia BHTG có các hoạt động làm ảnh hưởng tới an toàn hoạt động, FDIC sẽ có quyền thông báo tình hình đó với các đơn vị thực hiện chức năng thanh tra và FDIC cũng có thể chấm dứt hợp đồng bảo hiểm tiền gửi đối với ngân hàng đó nếu hoạt động sai phạm đó không được điều chỉnh kịp thời.
Hoạt động hỗ trợ tổ chức tham gia BHTG: nhằm củng cố hệ thống ngân hàng,
FDIC được quyền cho vay, mua tài sản từ ngân hàng được bảo hiểm và hỗ trợ hợp nhất giữa ngân hàng đó với ngân hàng được bảo hiểm khác trong trường hợp sự hợp nhất sẽ làm giảm rủi ro hoặc áp lực về việc xảy ra chi trả BHTG mà FDIC phải thực hiện.
FDIC còn thực hiện hỗ trợ ổn định các tổ chức tham gia BHTG trong việc sáp nhập, chuyển nhượng hay liên doanh với ngân hàng khác hoặc khi sáp nhập, chuyển nhượng hay liên doanh với ngân hàng khác không thành công, FDIC có quyền đóng cửa, bán hoặc thanh lý ngân hàng đó trước khi thâm hụt vốn. Đối với các ngân hàng có yêu cầu hỗ trợ kỹ năng hoạt động trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng (hỗ trợ về quản lý, đào tạo nghiệp vụ bảo hiểm,…) FDIC đều nhanh chóng đáp ứng kịp thời.
Chi trả tiền bảo hiểm tiền gửi và giám sát thanh lý tài sản sau khi chi trả tiền bảo hiểm. Khi xảy ra sự đổ vỡ tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, FDIC thực hiện chi trả bằng cách chuyển khoản số tiền được chi trả bảo hiểm vào tài khoản một ngân hàng trung gian đang hoạt động tốt. Hạn mức chi trả tiền bảo hiểm vào khoảng thời gian từ tháng 01 đến tháng 06 năm 1934, hạn mức chi trả tiền bảo hiểm của FDIC là 2.500 USD/người gửi tiền thuộc đối tượng được bảo hiểm tại một tổ chức tham gia BHTG. Từ 01/07/1934, hạn mức chi trả tăng lên 5.000 USD/người. Đến năm 1950 mức chi trả tăng lên 10.000 USD/người, đến năm 1980 tăng lên 100.000 USD/người. Đặc biệt trong năm 2009 khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, mức chi trả bảo hiểm được nâng lên là 250.000 USD/người. Hạn mức chi trả này được duy trì đến 31/12/2013. Bắt đầu từ 01/01/2014 mức chi trả bảo hiểm trở về 100.000 USD/người. FDIC được chỉ định làm người tiếp nhận và chịu trách nhiệm xử lý tài sản nhằm thu hồi một cách nhanh nhất với giá trị tối đa có thể.
1.4.1.2. Bảo hiểm tiền gửi ở Malaysia
Được thành lập trên cở sở Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2005, Tổng công ty BHTG Malaysia (MDIC) là một trong những tổ chức BHTG trẻ nhất khu vực Châu Á. Tuy nhiên, chỉ sau gần 5 năm đầu hoạt động, MDIC đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng của mình trong hệ thống tài chính ngân hàng quốc gia Malaysia, trở thành một trong những tổ chức BHTG tiên tiến, năng động nhất trong khu vực và trên thế giới.
BHTGVN cũng đang trong quá trình xây dựng và phát triển để thực hiện tốt nhiệm vụ, vai trò của mình trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Từ thực tế Việt Nam và Malaysia nói chung, và hệ thống tài chính ngân hàng hai nước nói riêng có nhiều nét tương đồng, việc nghiên cứu kinh nghiệm hoạt động và thành công của MDIC có thể rút ra những bài học kinh nghiệm phù hợp cho BHTGVN.
Cơ sở pháp lý ổn định, rõ ràng – nền tảng cho sự thành công. Cơ sở pháp lý
điều chỉnh hoạt động BHTG là một trong những nền tảng quan trọng đảm bảo cho hoạt động BHTG tại mỗi quốc gia. Theo thông lệ quốc tế tốt nhất về BHTG, hệ thống
pháp lý ổn định và đảm bảo cho hoạt động của tổ chức BHTG là một trong những yếu tố quan trọng giúp tổ chức BHTG hoạt động hiệu quả tại mỗi nước. Do vậy, tại các quốc gia trên thế giới, Luật BHTG hoặc Luật bảo vệ người gửi tiền thường được ban hành trước khi thành lập tổ chức BHTG. Đồng thời, trong luật quy định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của tổ chức BHTG, cũng như cơ chế hợp tác hiệu quả giữa tổ chức BHTG và các cơ quan giám sát tài chính khác.
Có thể khẳng định, một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thành công đáng ghi nhận của MDIC là tổ chức này được thành lập, hoạt động dựa trên cơ sở pháp lý ổn định, rõ ràng, và chính sách, định hướng hoạt động đúng đắn, phù hợp theo thông lệ quốc tế điển hình về BHTG. MDIC được thành lập trên cơ sở Luật BHTG năm 2005. Mặc dù là tổ chức BHTG mới được thành lập nhưng MDIC đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. MDIC hướng tới mô hình tổ chức giảm thiểu rủi ro với các chức năng giám sát kiểm tra, tiếp nhận xử lý và áp dụng hệ thống tính phí BHTG dựa trên mức độ rủi ro.
Malaysia áp dụng cơ chế BHTG bắt buộc với thành viên tham gia là tất cả các ngân hàng thương mại, ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Malaysia, công ty tài chính và các ngân hàng hồi giáo. Việc tham gia và được cấp chứng nhận BHTG là một trong những điều kiện pháp lý tiên quyết để các ngân hàng, công ty tài chính tại quốc gia này có thể huy động tiền gửi từ dân cư. Trước khi MDIC được thành lập, hoạt động BHTG công khai chưa có ở Malaysia. Do vậy, để tổ chức BHTG hoạt động hiệu quả, thực hiện tốt nhất chức năng, quyền hạn được giao, Chính phủ Malaysia đã chú trọng đến việc chuẩn bị đầy đủ cơ sở pháp lý, chính sách, con người cũng như các điều kiện khác để thành lập MDIC. Luật BHTG Malaysia và các quy định khác về BHTG được xây dựng ban hành trước khi tổ chức BHTG được thành lập tại Malaysia. Trong luật quy định rõ ràng mục tiêu hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của MDIC. Mục tiêu hoạt động chủ yếu của MDIC là BHTG cho