Cơ sở xác định hạn mức chi trả BHTG

Một phần của tài liệu ĐIỀU CHỈNH HẠN MỨC CHI TRẢ BẢO HIỂM TIỀN GỬI TẠI TỔ CHỨC BẢO HIỂM TIỀN GỬI VIỆT NAM - DIV.PDF (Trang 29)

Việc xác định hạn mức chi trả BHTG phù hợp có một vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những nhân tố then chốt đối với sự ổn định hệ thống tài chính và kinh tế vĩ mô của một quốc gia – điều kiện tiên quyết cho sự phát triển kinh tế bền vững. Nếu hạn mức chi trả BHTG quá thấp sẽ làm nản lòng tin và thúc đẩy tâm lý rút tiền ồ ạt của người gửi tiền trong trường hợp ngân hàng gặp phải những khó khăn tài chính; nhưng ngược lại nếu quá cao sẽ có tác động tiêu cực trong việc giám sát các ngân hàng, dẫn tới rủi ro đạo đức. Do đó, hạn mức chi trả phải đủ để bù đắp cho hầu hết những người gửi tiền và ngăn ngừa hoảng loạn ngân hàng, đồng thời cũng không quá cao làm xói mòn kỷ cương thị trường. Mặt khác, hạn mức chi trả BHTG cần phù hợp với mục tiêu chính sách công của hệ thống BHTG, đó là bảo vệ người gửi tiền nhỏ và kém hiểu biết về thị trường, cũng như góp phần vào sự ổn định tài chính. Đồng thời, hạn mức chi trả cần phải được xác định sao cho ít có những tác động tiêu cực nhất tới hoạt động bình thường của hệ thống tài chính và phù hợp với các đặc tính thiết kế khác của hệ thống BHTG. Theo khuyến nghị của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI), việc xác định hạn mức chi trả bảo hiểm cần dựa trên nguyên tắc: “duy trì lòng tin của người gửi tiền và tăng cường sự ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính của hệ thống ngân hàng. Hạn mức chi trả và phí bảo hiểm không nên là gánh nặng đối với hệ thống ngân hàng và cần bảo vệ được đa số người gửi tiền”.

Như vậy, hạn mức trả tiền bảo hiểm được xác định dựa trên các căn cứ: tình hình kinh tế vĩ mô và thực trạng của hoạt động tín dụng và bảo hiểm tiền gửi như: GDP bình quân đầu người; mức độ rủi ro hệ thống tín dụng; lòng tin của người gửi tiền đối với hệ thống tài chính; tỷ lệ số người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trong số những người gửi tiền được bảo hiểm; số tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm; tỷ lệ hạn mức chi trả trên GDP bình quân đầu người.

Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, hệ thống tài chính bất ổn, hạn mức thường được nâng lên rất cao hoặc chi trả không giới hạn (bảo hiểm toàn bộ cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm).

Căn cứ thứ nhất – tình hình kinh tế vĩ mô: Theo nghiên cứu kinh nghiệm trên thế giới, trong điều kiện kinh tế bình thường, hệ thống tài chính ổn định, tỷ lệ hạn mức/GDP bình quân đầu người khoảng từ 2,5 – 5 lần.

Căn cứ thứ hai – mức độ rủi ro hệ thống: Rủi ro hệ thống càng cao thì hạn mức trả tiền bảo hiểm càng cao để ổn định niềm tin của nười gửi tiền.

Căn cứ thứ ba – niềm tin, hành vi của người gửi tiền: Niềm tin, hành vi của người gửi tiền đối với hệ thống tài chính là một yếu tố quan trọng đảm bảo sự ổn định của hệ thống. Khi người gửi tiền mất niềm tin vào hệ thống tài chính, thì chỉ cần một biến cố nhỏ cũng có thể dẫn đến hiện tượng rút tiền hàng loạt, gây đổ vỡ hệ thống. Do đó, trường hợp niềm tin của người gửi tiền giảm thì hạn mức trả tiền bảo hiểm cần được nâng lên để củng cố niềm tin đó, đảm bảo an toàn cho người gửi tiền, góp phần giữ ổn định hệ thống.

Căn cứ thứ tư - tình hình lượng tiền gửi, số người gửi tiền trong hệ thống ngân hàng: Một trong những mục tiêu của bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ người gửi tiền, bảo đảm an toàn cho số tiền gửi tại hệ thống ngân hàng của người dân. Do vậy, hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi phải đảm bảo được cho đa số người gửi tiền và tiền gửi.

Ngoài các yếu tố trên, khi xác định hạn mức chi trả BHTG, cần xem xét hạn mức tại các quốc gia có những nét tương đồng về mức độ phát triển hệ thống tài chính và văn hóa. Việc xem xét hạn mức chi trả BHTG tại các quốc gia láng giềng cũng rất quan trọng, đặc biệt khi dòng chu chuyển vốn giữa các quốc gia có thỏa thuận hợp tác kinh tế tương đối dễ dàng. Mức chi trả của các quốc gia lân cận nên tương đồng nhau để hạn chế việc di chuyển tiền gửi từ nước có hạn mức thấp sang các nước có hạn mức chi trả cao hơn trong xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa.

Một phần của tài liệu ĐIỀU CHỈNH HẠN MỨC CHI TRẢ BẢO HIỂM TIỀN GỬI TẠI TỔ CHỨC BẢO HIỂM TIỀN GỬI VIỆT NAM - DIV.PDF (Trang 29)