Mối quan hệ giữa cảm nhận về sự công bằng trong tổ chức và dự định nghỉ việc vẫn còn là một đề tài gây nhiều tranh cãi. Khi nghiên cứu về vấn đề này, tính công bằng của tổ chức được đề cập ở hai khái niệm như công bằng trong phân phối (distributive justice) và công bằng về thủ tục (procedural justice). Những nghiên cứu đầu tiên về tính công bằng trong tổ chức chủ yếu có liên quan đến tính công bằng trong phân phối, được đề cập đến trong lý thuyết về công bằng của Adam (1965). Tính công bằng trong phân phối là cảm nhận của nhân viên về sự công bằng trong kết quả thưởng phạt của tổ chức. Ông cho rằng các nhân viên sẽ tính toán tỷ lệ giữa cái bỏ ra và kết quả đạt được (input-outcomes ratio) và đem so sánh tỷ lệ này với tỷ lệ của một nhân viên khác. Nếu hai tỷ lệ này không bằng nhau thì sẽ dẫn đến cảm nhận về sự không công bằng. Các nghiên cứu về sau có xu hướng chuyển sang đề cập đến khái niệm sự công bằng về thủ tục (Leventhal,Karuza, & Fry, 1980; Thibaut & Walker, 1975) khi một số học giả tranh cãi rằng sự công bằng trong phân phối không thể giải thích được mong muốn sự công bằng về thủ tục trong tổ chức của nhân viên (Greenberg, 1990). Sự công bằng về thủ tục là cảm nhận về sự công bằng trong quy trình giải quyết tranh chấp và phân phối tài nguyên trong tổ chức. Fasolo (1995) cho rằng việc cho phép nhân viên đánh giá các thủ tục quy trình của công ty và cho phép họ có một tiếng nói trong quy trình ra quyết định cho thấy công ty quan tâm đến họ. Từ đó, nhân viên sẽ cảm thấy hài lòng vì được tôn trọng và giảm đi ý định nghỉ việc.
33
Theo nhiên cứu của Hendrix, Robbins, Miller & Summers (1998); Hom, Griffeth & Sellaro (1984) thì các nhân viên sẽ chọn bỏ việc để phản ứng lại vấn đề thiếu sự công bằng phân phối trong tổ chức. Các nghiên cứu khác thì cho thấy sự công bằng thủ tục có mối quan hệ nghịch biến với dự định nghỉ việc của nhân viên (Cohen-Charash & Spector, 2001; Dailey & Kirk, 1992). Nghiên cứu của Field et al (2000) cũng tìm ra mối quan hệ âm có ý nghĩa giữa sự công bằng phân phối và dự định nghỉ việc của các nhân viên tại Hồng Kong. Nghiên cứu của Kim Young- Joe & Lê Viết Phương Thảo tại các công ty liên doanh với Hàn Quốc tại Việt Nam cũng cho thấy các nhân viên Việt Nam đang công tác tại các công ty liên doanh với nhà đầu tư Hàn Quốc cảm nhận thiếu sự công bằng trong tổ chức quản lý nên các doanh nghiệp này gặp khó khăn trong việc duy trì các nhân viên ưu tú.
Như vậy, ta có thể suy ra rằng khi một nhân viên cảm thấy rằng họ bị đối xử không công bằng đối với kết quả công việc hay thủ tục thì họ sẽ có ý định rời bỏ tổ chức hiện tại để tìm một môi trường khác công bằng hơn. Từ đó ta có thể xây dựng giả thuyết thứ sáu như sau :
H6 : Có mối quan hệ âm giữa cảm nhận hài lòng về sự công bằng và dự định nghỉ việc của nhân viên Việt Nam hiện đang làm việc tại các công ty liên doanh với Nhật Bản tại Việt Nam.