Giải pháp về hệ thống thông tin

Một phần của tài liệu GIẢI PHÁP HẠN CHẾ VÀ XỬ LÝ NỢ XẤU TẠI NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TP.HCM (Trang 86)

Xây dựng và phát triển hệ thống thông tin quản lý theo yêu cầu đổi mới quản trị kinh doanh thích ứng với quá trình hội nhập kinh tế. Tập trung xử lý các bất cập

trong công nghệ thông tin để đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quản lý kinh doanh của ngân hàng. Triển khai đồng bộ hệ thống khóa bảo mật, chữ ký số trên toàn bộ các chi nhánh để tăng tính bảo mật của người dùng và hệ thống kế toán IPCAS. Nâng cấp kho dự phòng lưu trữ và xử lý dữ liệu tập trung để đề phòng rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Tạo các diễn đàn để cán bộ có thể chia sẻ kinh nghiệm làm việc, thẩm định, trao đổi học hỏi, tạo điều kiện gắn kết nhân viên.

3.2.1.5. Giải pháp khác

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của Ngân hàng, để ngày càng sát thực tế hơn, đáp ứng yêu cầu về đánh giá xếp hạng doanh nghiệp của NHNN. Thực hiện việc chuyển nợ quá hạn nghiêm túc và chặt chẽ, cần có bộ phận giám sát riêng. Xây dựng cơ chế ngăn chặn sự gia tăng của nợ xấu phát sinh. Thêm vào đó, tiêu chí, cách thức phân loại nợ phải sát với thông lệ quốc tế để tiến tới hội nhập kinh tế quốc tế. Việc phân loại nợ cần gắn với việc phân tích, đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp vay vốn.

Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm đối với các khoản nợ xấu phát sinh.

Rủi ro là khó đo lường và không thể nào không tồn tại rủi ro trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Nguyên nhân chủ quan về phía ngân hàng dẫn đến nợ xấu thì hầu hết bắt nguồn từ công tác thẩm định, kiểm soát tín dụng không tuân thủ nguyên tắc 6Cs trong thẩm định và kiểm soát tín dụng, điều mà các định chế tài chính quốc tế luôn cảnh báo là: Tính cách người vay (Character), năng lực trả nợ (Capacity), dòng tiền mặt (cash flow), tài sản thế chấp (Collateral), các điều kiện môi trường (Conditions), sự kiểm soát (Control). Các cán bộ tín dụng cần nâng cao công tác dự báo sớm khi món vay đang trong tình trạng quá hạn trước khi chuyển thành nợ xấu, để có phương pháp giúp khách hàng giải quyết khó khăn, để sớm trả nợ cho ngân hàng. Đối với các khoản nợ, ngay khi món vay đang thuộc nhóm 2 (nợ cần chú ý), CBTD nhanh chóng tiếp cận khách hàng để sớm tìm ra và phân tích nguyên nhân, có biện pháp xử lý không để kéo dài thời gian quá hạn, dẫn đến nguy cơ nợ xấu. Với ý nghĩa là nợ cần chú ý, thời hạn quá hạn dưới 90 ngày hoặc theo đánh giá theo

giá trị nợ gốc, mức độ suy giảm khả năng trả nợ, nợ nhóm 2 được coi như chiếc nhiệt kế đo lường và cảnh báo sớm mức độ rủi ro trong cho vay tại ngân hàng. Yêu cầu về dự báo sớm nợ nhóm 2 đòi hỏi các ngân hàng cho vay phải kiểm tra trực tiếp và thu thập thông tin về khách hàng đề tìm ra nguyên nhân. Nguyên nhân trực tiếp: do lỗ trong sản xuất kinh doanh, do sản phẩm hỏng không bán được, do bị lừa đảo… Nguyên nhân sâu xa do thiếu vốn chủ sở hữu, lỗ kéo dài, dòng tiền âm, đầu từ tràn lan, sử dụng vốn sai mục đích, dự án kém hiệu quả, mất thị trường đầu vào, đầu ra, năng lực quản lý yếu,… Mặt khác CBTd cần xem xét đối với những khoản nợ nhóm 2 quá hạn được khắc phục không quá 30 ngày, nguồn trả nợ thực sự từ vốn kinh doanh lành mạnh thì có thể tạm yên tâm về tình hình tài chính của người vay. Ngược lại nếu việc chậm trả lãi hoặc gốc được xác định là có dấu hiệu, nguyên nhân bất ổn trong kinh doanh thì rõ ràng không còn là tình huống chây ỳ chậm trả lãi tạm thời mà CBTd phải báo cáo lãnh đạo tín dụng và đề xuất xử lý. Lúc này việc phát hiện, dự báo sớm có tác động tích cực cho cả ngân hàng lẫn khách hàng để còn thời gian tìm cách khắc phục hay ít nhất không đi sâu vào những khó khăn nhiều hơn nữa. Nếu nợ quá hạn nguyên nhân là do hàng bán không được hoặc thua lỗ trong kinh doanh, ngân hàng cần đưa ra lời cảnh báo để khách hàng tìm nguồn trả nợ, đồng thời soát xét, sửa đổi quyết định kinh doanh nhằm phòng tránh rủi ro. Ngược lại, nếu nợ quá hạn do những khó khăn về tài chính sâu xa thì lúc này hai bên cần ngồi lại xem xét về giải pháp trả nợ, thống nhất xử lý nợ toàn diện.

3.2.2. Giải pháp xử lý nợ xấu tại NHNo&PTNT trên địa bàn TP.HCM

3.2.2.1. Tăng cường thành lập bộ phận quản lý nợ xấu mỗi chi nhánh, kiện toàn bộ máy tổ chức, nhân sự có trình độ đáp ứng yêu cầu xử lý nợ xấu đang gia tăng ở Agribank.

Hiện nay, NHNo&PTNT Việt Nam giao việc xử lý nợ xấu cho chính các bộ phận đề xuất tín dụng. Tuy nhiên bộ phận này không có trình độ chuyên môn sâu trong lĩnh vực xử lý nợ, đặc biệt là khi liên quan đến các vấn đề pháp lý, đặc biệt là các vấn đề trước, trong và sau quá trình tố tụng, do vậy tiến độ và hiệu quả thu hồi nợ

xấu chưa cao. Ngoài ra còn có các hạn chế trong việc đánh giá khách hàng, hoặc các vấn đề về mối quan hệ giữa bộ hận cho vay và khách hàng.

Ngoài trụ sở chính, mỗi chi nhánh Agribank hiện nay có rất ít cán bộ pháp chế, hầu như mỗi chi nhánh một người, một vài người, có chi nhánh còn chưa có bộ phận pháp chế. Nếu có thì kinh nghiệm làm việc, hiệu quả bộ phận này chưa cao, trừ một số chi nhánh lớn ở TP.HCM và TP Hà Nội. Điều này đòi hỏi lãnh đạo Agribank, lãnh đạo mỗi chi nhánh cần phải sớm có tầm nhìn, nâng cao vai trò của bộ phận pháp chế bằng việc tuyển dụng, đào tạo đủ nguồn lực và đủ chất lượng để đáp ứng yêu cầu xử lý nợ xấu hiện nay

Các chi nhánh Agribank đang từng bước thành lập các bộ phận quản lý nợ theo yêu cầu của Trụ sở chính, cũng như yêu cầu xử lý nợ xấu hiện nay. Một số chi nhánh có nợ xấu cao đang thành lập Tổ thu hồi nợ. Cần tăng cường hơn nữa nhân sự có kinh nghiệm trong vấn đề xử lý nợ xấu. Cần phải hạn chế quyền hạn của tổ này không được phê duyệt tín dụng mới, nhiệm vụ chính của họ là theo dõi và quản lý và tìm các biện pháp thu hồi các khoản nợ bị suy giảm khả năng trả nợ. Với việc hình thành bộ phận này, các chi nhánh vừa đảm bảo chức năng độc lập của các bộ phận, vừa đảm bảo tính chuyên nghiệp cao, vừa tăng cường khả năng giám sát giữa các bộ phận.

Một phần của tài liệu GIẢI PHÁP HẠN CHẾ VÀ XỬ LÝ NỢ XẤU TẠI NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TP.HCM (Trang 86)