- Cán bộ tín dụng thu thập thông tin khách hàng không chính xác, đầy đủ. Điều này có thể do thiếu kỹ năng thu thập, trình độ nghiệp vụ còn hạn chế. Hoặc cũng có thể là do sự cẩu thả trong công tác thu thập. Bên cạnh đó, mạng thông tin khách hàng từ nội bộ ngân hàng còn đơn giản, thiếu thông tin, ít người đảm nhận nên khó khăn trong việc cập nhật nhanh, đầy đủ kịp thời
- Yếu kém trong phân tích báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Chưa đánh giá được thực chất tình hình tài chính của khách hàng, chỉ phân tích dựa trên các số liệu do khách hàng cung cấp mà không đánh giá tính hợp lý của các số liệu và thông tin được cung cấp. Có thể không phát hiện được gian lận, sai sót trong báo cáo tài chính dẫn đến cho vay đối với những doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, ảnh hưởng đến công tác thu hồi vốn.
- Chưa có sự chuyên môn hóa trong công việc: có 1 phòng kế hoạch kinh doanh, một cán bộ phòng kinh doanh hầu như đảm trách tất cả các khâu của quy trình cho vay từ tìm kiếm khách hàng, tiếp nhận yêu cầu vay, thẩm định cho vay, theo dõi sau cho vay và xử lý nợ nếu khoản vay đó có vấn đề. Việc không tách bạch các khâu trong quá trình cho vay tất yếu dẫn đến sai sót và tiêu cực. Quá trình giải ngân, kiểm tra giám sát quá trình giải ngân. Trình độ và nhận thức của cán bộ tín dụng còn hạn chế, ít được đào tạo để cập nhật những quy định mới, nhân sự mỏng nên thường xuyên dẫn đến chồng chéo trong phân công công việc và sai phạm thường xảy ra.
- Chưa chấp hành nghiêm chế độ tín dụng, điều kiện cho vay của NHNo&PTNT Việt Nam, chính sách quy trình cụ thể ở chi nhánh chưa chặt chẽ. Một số chi nhánh
thực hiện chấm điểm tín dụng và xếp hạng khách hàng chưa khách quan, còn sơ sài và mang tính hình thức.
- Chưa đánh giá khách quan và toàn diện phương án kinh doanh,dự án đầu tư của khách hàng cũng như đánh giá những rủi ro liên quan trước khi ra quyết định cho vay. Do vậy, việc xác định điều kiện cho vay đối với khách hàng thường không dựa trên các phân tích về tính hiệu quả của phương án/dự án vay cũng như mức độ rủi ro mà chủ yếu dựa trên đề nghị của khách hàng hoặc mang tính ước chừng. Đối với cá nhân, hộ kinh doanh, cán bộ tín dụng chỉ dựa vào kinh nghiệm, ít khi áp dụng công cụ chấm điểm tín dụng
- Định kỳ hạn nợ chưa chính xác. Dựa vào thời gian thu hồi vốn của dự án làm căn cứ định kỳ hạn nợ. Một số chi nhánh định kỳ hạn nợ quá sớm, khi đó chủ thể đi vay không có nguồn thu nhập để trả nợ ngân hàng. Ngược lại, nếu định kỳ hạn nợ quá trễ, doanh nghiệp sẽ dùng nguồn thu nhập đó đầu tư khác, đến khi đến hạn thì không còn nguồn tiền để trả nợ. Định kỳ hạn nợ là một kỹ thuật bao gồm kiến thức cũng như kinh nghiệm trong lĩnh vực cụ thể. Có thể tham vấn chuyên gia đối với những lĩnh vực đặc thù mà cán bộ tín dụng chi nhánh chưa nắm rõ.
- Một số chi nhánh duyệt cho vay lớn hơn khả năng của khách hàng, chưa nắm được năng lực khách hàng mà đã vội vàng cho vay dẫn đến rủi ro nợ xấu gia tăng.
- Đánh giá tài sản bảo đảm không chính xác, có khi nâng giá quá cao so với giá thị trường để duyệt mức cho vay lớn hơn; không thực hiện đầy đủ thủ tục cần thiết đối với giao dịch đảm bảo. Một số chi nhánh tài sản đảm bảo là giả mạo. Không đảm bảo nguyên tắc tài sản bảo đảm là dễ chuyển nhượng quyền sở hữu và dễ tiêu thụ. Tài sản đảm bảo là bất động sản, bất động sản hình thành trong tương lai quá nhiều và giá trị của chúng cũng tuân theo thị trường. Quá tin tưởng vào tài sản thế chấp, bảo lãnh, bảo hiểm khi cho vay. Bên cạnh đó, có nhiều khó khăn trong việc bán tài sản bảo đảm thu hồi nợ:
+ Tài sản bảo đảm là máy móc thiết bị bị lỗi thời, lạc hậu ít được sử dụng, hoặc có thể là quá hiện đại, số người sử dụng được tài sản còn hạn chế.
+ Tài sản bảo đảm là dây chuyền thiết bị có giá trị quá lớn cũng khó khăn trong việc bán chúng, bởi nguồn cầu chúng trên thị trường quá ít, và giá trị quá cao, ít có người tiếp cận được.
+ Tính thanh khoản của các chứng khoán giảm, giá trị chứng khoán giảm quá sâu.
+ Tính thanh khoản của thị trường bất động sản thấp, do vậy dù phát mãi tài sản với giá bán hợp lý, rẻ hơn giá thị trường rất nhiều thì việc bán được trong thời điểm này cũng rất khó khăn.
+ Sự giảm giá quá nhanh của thị trường bất động sản so với khi định giá tài sản bảo đảm, làm giá trị tài sản bảo đảm không đủ thu hồi nợ.
+ Một số bất động sản đang trong quá trình xây dựng dở dang, giá trị tài sản bảo đảm lại chính là tài sản hình thành trong tương lai của dự án đó. Khi thị trường bất động sản đi xuống, doanh nghiệp không trả được nợ, nợ xấu phát sinh. Ngân hàng có thể tiếp tục tài trợ cho các dự án đó nếu nó khả thi, ngược lại thì việc xử lý tài sản bảo đảm rất khó khăn, thủ tục rườm rà, mà khả năng thu hồi thì rất ít.
+ Hệ thống pháp luật Việt Nam chưa tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng trong việc xử lý tái sản thế chấp của khách hàng vay, đặc biệt là tốn rất nhiều thời gian cho các thủ tục pháp lý. Ví dụ trong các điều kiện của Hợp đồng đảm bảo, ngân hàng luôn ràng buộc điều kiện ”Khi khách hàng vi phạm các điều khoản của Hợp đồng tín dụng thì ngân hàng được toàn quyền xử lý TSBĐ để thu hồi nợ”. Trên thực tế, nếu không đạt được sự thỏa thuận với khách hàng hoặc khách hàng không hợp tác, cố tình chây ỳ để kéo dài thời gian trả nợ thì ngân hàng chỉ còn cách chuyển hồ sơ khởi kiện. Tuy nhiên, luật pháp và các công cụ thực thi pháp luật chưa thực sự nghiêm minh, chưa hỗ trợ đầy đủ cho ngân hàng chủ động xử lý TSBĐ mà không có sự can thiệp của Tòa án. Mặc dù có phán quyết của Tòa, ngân hàng vẫn còn gặp trở ngại vì khâu thi hành án còn chậm. Tiếp đến là sự phối hợp không đồng bộ giữa cơ quan thẩm định, có quan bán đấu giá… Từ lúc khởi kiện đến cưỡng chế, thi hành một vụ trung bình mất 2-3 năm. Mặt khác, vấn đề pháp lý liên quan đến phát mãi tài sản cũng rất phức tạp vì phát mãi tài sản thường có liên quan đến nhiều
đối tượng khác nhau khiến việc xử lý, đưa một tài sản đi phát mãi tốn rất nhiều thời gian.
- Thiếu kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi cho vay. Công tác kiểm tra giám sát sau cho vay còn bị buông lỏng, mang tính hình thức; chưa cập nhật thường xuyên hồ sơ về tình hình tài chính, phân tích các rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động của khách hàng, đặc biệt là khách hàng có nợ quá hạn và nợ xấu. Việc kiểm tra tài sản không thường xuyên, qua loa, một số trường hợp khách hàng đã bán tài sản hoặc mang đi thế chấp tại ngân hàng khác
- Quá coi trọng thành tích hoặc hoàn thành kế hoạch nên xem nhẹ chất lượng khoản vay, quá lạc quan vào phương án kinh doanh của khách hàng mà thiếu nhìn nhận khoa học, khách quan. Định hướng hoạt động cho vay thiếu thận trọng, chạy theo mục tiêu tăng dư nợ, coi trọng các chỉ tiêu bề nổi mà thiếu quan tâm đến các yếu tố rủi ro tổng thể
- Chính sách tín dụng một số chi nhánh không hợp lý, quá nhấn mạnh đến mục tiêu lợi nhuận, dẫn đến cho vay đầu tư liều lĩnh, tập trung cho vay quá nhiều vào một doanh nghiệp hoặc một ngành nào đó mà không quan tâm phân tán rủi ro. Các chi nhánh NHNo&PTNT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh thời gian qua tập trung cho vay vào các dự án bất động sản quá nhiều. Khi thị trường bất động sản đóng băng, nợ xấu từ lĩnh vực này phát sinh rất lớn.
- Chưa có quy trình quản trị rủi ro hữu hiệu, chưa chú trọng đến phân tích khách hàng, xếp loại rủi ro tín dụng để tính toán khả năng trả nợ của khách hàng; thiếu bộ phận chuyên trách theo dõi, quản lý rủi ro, quản lý hạn mức tín dụng tối đa cho từng khách hàng thuộc từng ngành nghề, sản phẩm địa phương khác nhau để phân tán rủi ro; thiếu các dự báo cần thiết trong từng thời kỳ. Thiếu chiến lược và kế hoạch kinh doanh mang tính trung và dài hạn dựa trên những thông tin phân tích dự báo về ngành, môi trường kinh doanh mà chỉ dừng lại ở việc lập kế hoạch kinh doanh hàng năm. Kế hoạch kinh doanh hàng năm chung chung, các chỉ tiêu kế hoạch cho năm sau, chưa đưa ra những mục tiêu định hướng cụ thể thực hiện kế hoạch đó. Còn mang nặng tính hình thức
- Lỏng lẻo trong công tác kiểm tra nội bộ ngân hàng dẫn đến hạn chế trong việc kiểm soát sự tuân thủ của nhân viên, kiểm tra sau khi cho vay. Nếu có thì không thực hiện đầy đủ, hoặc đối phó. Hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ hoạt động còn kém hiệu quả, có một bộ phận kiểm tra nội bộ thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát và lại trực thuộc sự quản lý của giám đốc chi nhánh. Chất lượng chưa cao do thiếu sự quan tâm đúng mức và nhân sự. HTKT KSNB chưa thực sự phát huy hiệu quả, chưa phát hiện kịp thời sai sót trong hoạt động cho vay, chưa đánh giá đầy đủ nguyên nhân và đề xuất các kiến nghị cụ thể để xử lý kiên quyết, kịp thời đối với các khoản nợ xấu, nhất là nợ có khả năng mất vốn. Công tác theo dõi việc khắc phục sau kiểm tra chưa thường xuyên, chưa có chế tài cụ thể nên dẫn đến tâm lý ỷ lại còn lớn, và làm cho công tác kiểm tra giám sát không có hiệu quả.
- Một số khoản cho vay được quyết định dựa trên các mối quan hệ cá nhân của những người có thẩm quyền trong việc ra quyết định cho vay, công tác thẩm định mang tính hình thức và việc cho vay tiềm ẩn rủi ro khá cao.
Mặc dù nguyên nhân trực tiếp từ phía khách hàng do hoạt động thua lỗ, mất khả năng thanh toán, nhưng nếu ngân hàng có những biện pháp kịp thời, hiệu quả cũng có thể giúp khách hàng cải thiện hay vượt qua hoàn cảnh khó khăn và ngân hàng sẽ thu được nợ, vừa sử dụng biện pháp hạn chế rủi ro hiệu quả.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Luận văn đã đi sâu phân tích thực trạng hoạt động tín dụng, nợ xấu tại các NHTM trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nói chung, NHNo&PTNT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nói riêng trong thời gian qua. Trên cơ sở phân tích, đánh giá có hệ thống số liệu thực tế, đề tài xác đã xác định được nguyên nhân vì sao nợ xấu của NHNo&PTNT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh ngày càng gia tăng, vì sao việc hạn chế và xử lý nợ xấu còn chưa hiệu quả. Từ đó đưa ra các giải pháp thích hợp nhằm hạn chế và xử lý nợ xấu của các NHNo&PTNT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong thời gian sắp tới.
Chương 3: GIẢI PHÁP HẠN CHẾ VÀ XỬ LÝ NỢ XẤU TẠI NHNo&PTNT TRÊN ĐỊA BÀN TP. HỒ CHÍ MINH