thông tin
Quy định này nhằm xóa bỏ sự bất cân xứng về thông tin giữa người tiêu dùng và nhà kinh doanh chuyên nghiệp , là nguyên nhân cơ bản nhất tạo nên sự bất bình đẳng giữa các bên trong hợp đồng gia nhập. Có nhiều loại thông tin bắt buộc phải cung cấp như thông tin về quyền rút lại chấp nhận giao kết hợp đồng, thời hạn hiệu lực của đề nghị giao kết hợp đồng và giá cả, thông tin về thời hạn tối thiểu của hợp đồng trong trường hợp hợp đồng liên quan đến việc cung cấp liên tục hoặc định kỳ hàng hoá, dịch vụ. Tuy nhiên, về cơ bản, thông tin được phân chia thành hai loại bao gồm (i) thông tin cho phép xác định danh tính của nhà kinh doanh như thông tin về tên, tên gọi, địa chỉ giao dịch, địa chỉ thư điện tử, số điện thoại, số giấy đăng ký kinh doanh và (ii) thông tin về các điều kiện, điều khoản trong hợp đồng gia nhập như thông tin về hàng hoá, dịch vụ, thông tin về giá cả, vận chuyển và giao nhận, thông tin về các phương thức thanh toán, thông tin về bảo mật cũng như các điều kiện, điều khoản hợp đồng khác.
Đối với việc điều chỉnh hợp đồng gia nhập, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần có quy định về nghĩa vụ của nhà kinh doanh trong việc công khai, niêm yết các điều khoản, điều kiện có thể được sử dụng khi giao kết hợp đồng. Dự thảo 5 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng đã thể hiện rõ khuynh hướng đó trong quy định tại Điều 18 về điều kiện giao dịch chung. Tuy nhiên, Luật nên bổ sung quy định cho phép người tiêu dùng được
quyền thoả thuận lại các điều khoản trong hợp đồng hoặc quy định một khoảng thời gian hợp lý (từ 7 – 30 ngày) để người tiêu dùng có thể nghiên cứu, xem xét lại hoặc yêu cầu sửa đổi nội dung các điều kiện, điều khoản hợp đồng. Quy định như vậy nhằm đảm bảo công khai, minh bạch “ý định” của nhà kinh doanh, từ đó giúp cho người tiêu dùng nắm bắt được các thông tin cần thiết để đưa ra lựa chọn đúng đắn khi tham gia quan hệ hợp đồng với nhà kinh doanh trên thị trường.