Do pháp luật hiện hành Việt Nam chưa có những quy định cụ thể về hợp đồng gia nhập hoặc mới chỉ gián tiếp quy định tại các văn bản pháp luật chuyên ngành có liên quan nên mặc dù hợp đồng gia nhập được sử dụng phổ biến trong giao dịch có sự tham gia của người tiêu dùng song vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hợp đồng gia nhập vẫn chưa có một cơ sở pháp lý vững chắc để người tiêu dùng có thể dựa vào khi gặp rủi ro trong quá trình gia nhập hợp đồng. Thực tiễn hiện nay cho thấy nhiều trường hợp nhà kinh doanh sử dụng hợp đồng gia nhập với những điều khoản bất lợi cho người tiêu dùng nhưng không có quy định xử lý; quyền lợi của người tiêu dùng trong hợp đồng gia nhập chưa thực sự được đảm bảo bằng một cơ chế hữu hiệu đã đặt ra nhiều vấn đề pháp lý trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở nước ta.
Khi gia nhập hợp đồng, bản thân người tiêu dùng thông thường ít quan tâm đến nội dung các điều khoản của hợp đồng gia nhập và mặc nhiên chấp nhận những điều khoản do nhà kinh doanh chuyên nghiệp đưa ra mà không biết đến việc thỏa thuận lại (bảo lưu) điều khoản chưa rõ hoặc bất lợi cho bản thân. Hơn thế nữa, vị thế giữa các bên trong hợp đồng gia nhập thường bất cân xứng: nhà kinh doanh có nhiều lợi thế trong việc thiết lập “luật chơi”, còn người tiêu dùng nhiều khi phải chịu thiệt thòi bởi những chỉ dẫn gây nhầm lẫn, bởi hình thức thể hiện hợp đồng chưa phù hợp, ngôn từ và cách diễn đạt không rõ ràng hoặc thậm chí bởi những chiêu thức và thủ đoạn cố ý của nhà
kinh doanh nhằm trục lợi từ người tiêu dùng. Có thể kể ra một số hình thức vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong hợp đồng gia nhập như sau :